Trần Khải Thanh Thủy
Saturday, October 08, 2011 6:34:51 PM
LTS: Bà Trần Khải Thanh Thủy, 51 tuổi, bị nhà cầm quyền Hà Nội dàn dựng một vụ “hành hung” (ngày 8 tháng 10, 2009) biến nạn nhân thành tội phạm để kết án án tù 3 năm rưỡi. Mục đích là để trả thù những loạt bài viết, ký sự xã hội, thời sự Việt Nam mà bà gửi đăng hay xuất bản ở nước ngoài.
Nhờ sự can thiệp ráo riết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà đã được trả tự do sau 21 tháng ở tù, và được đưa thẳng từ nhà tù Thanh Hóa ra phi trường sang định cư tị nạn tại Mỹ ngày 23 tháng 6, 2011.
Dưới đây là hồi ký của bà TKTT chung quanh chuyện bà bị bắt bỏ tù.
***
(Kỳ 2)
... Xe từ từ lăn bánh, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy cả một đoàn dài bốn năm chiếc nối đuôi nhau lăn ra khỏi khu vực trại.
Ngồi sát bên tôi là cán bộ quản giáo tên Tuyết, kẻ đã đối đầu với tôi qua rất nhiều vụ việc, từ vụ đột nhập vào buồng giam khám túi nội vụ và lôi đi ba quyển sổ ghi chép cùng hai chục bài thơ của tôi, đến vụ gọi tôi vào phòng thi đua bắt tôi phải làm bản kiểm điểm về tội “nói xấu cán bộ” khi bọn chúng coi ba chị em chúng tôi là địch, bị tôi nhân cơ hội chửi cho lút mặt. Trước bao nhiêu tù thường phạm mà không chịu ký cót gì hết, vì quan điểm của tôi từ khi vào trại là không nhận tội cũng không ký kết bất kỳ một loại giấy tờ nào có thể để trại lợi dụng, bóp méo tên tuổi, uy tín của mình. Kẻ này cũng đã từng bị cánh chị em trong trại tố cáo là đã mượn tay Lương Thị Kim Cúc để dằn mặt tôi vì tội bí mật chuyển thư và bài viết ra ngoài cho con gái... Vậy mà hôm nay, thái độ thị khác hẳn, thị mừng như thể thị cũng sắp được đi Mỹ như tôi vậy...
Phía bên trái cũng một ả tên Tuyết nhưng là người của cục An Ninh từ Hà Nội xuống, tay lăm lăm chiếc camera. Hàng trên là cán bộ trẻ măng tên Hiệp, cũng là người của cục An Ninh, ngoài ra là lái xe... Tất cả vui vẻ trong một sự giả tạo - vốn là không khí bao trùm ở đất nước đau thương này do đảng tạo dựng. Bất cứ ai cũng phải sống vờ. Từ lớn, bé, già trẻ, gái trai, ở bất kỳ ngành nghề gì, hay trong bất cứ môi trường nào cũng phải vờ tỏ ra trung thành, kính trọng, cúc cung tận tụy, hoặc giả vờ khép mình, chăm chỉ lắng nghe và ngoan ngoãn làm việc theo kiểu “miệng nam mô, một bồ dao găm”... có thế mới tồn tại được. Kẻo hé lộ ra sự thật, dù chỉ là một cái vòng trắng trên khoang cổ quạ, cũng đủ để chết mất ngáp...
Xe đi hết khu vực trại, tôi đưa mắt quan sát cảnh vật bên ngoài, nơi thấp thoáng những bóng tù đơn lẻ cúi mặt bước đi trên cánh đồng đầy nhẫn nhịn... Số này là dân đi làm ăn lẻ, nghĩa là tù thường phạm có án nhưng sắp được thả, đã kinh qua thử thách, nên được cán bộ trại tin cậy thả rông từ khu vực này đến khu vực khác trong khuôn viên trại rộng đến hàng chục hecta, vốn đã tồn tại từ 54 năm nay, qua bao đời đại địa chủ, rồi sĩ quan của chế độ Việt Nam Cộng hòa (cuối thập kỷ 70, 80, 90...) cùng hàng vạn người tù khổ sai của Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa... Tất cả đã làm nên cơ ngơi bề thế này. Từ ao thả cá do 38 người tù của Việt Nam Cộng Hòa đào, đắp, đến vườn cây xanh ngợp tỏa bóng, bao nhiêu sân sướng, nhà xưởng, v.v...
Ngang qua khu vực xưởng may, nơi có một người bạn tù đặc biệt đang cải tạo, tôi chợt nhớ lại một đoạn thơ đã viết:
Tôi ra đi
Mang theo cái nhìn của em
Gói vào trái tim
Ðêm ngày ủ men ...
thương nhớ
Em ở lại có nhớ tôi không?
Tên em tôi chưa biết
Tội em tôi chưa hay
Sao trong lòng luyến nhớ
Em ơi...
Người bạn này vốn là người tù kinh tế, trẻ hơn tôi dăm bẩy tuổi, rất ngưỡng mộ các tác phẩm xuất bản trong nước của tôi (do gia đình đem vào), song khi biết về vụ án chính trị có phần “nhạy cảm” của tôi, đã không bao giờ dám đến gần làm quen. Chỉ dõi theo cái nhìn từ xa mỗi lần tôi xuất hiện, cả ở sân chung, nơi canteen mua bán, cũng như “bãi tắm tự nhiên” giữa thanh thiên bạch nhật mỗi buổi chiều cải tạo về
Tiếng cười nói râm ran trong lòng xe tạm thời làm gián đoạn dòng chảy miên man vô tận trong đầu tôi, kéo tôi trở lại hiện thực, vui miệng tôi hỏi người bên cạnh:
- Hôm nay có y tế đi kèm không đấy?
- Có chứ!
Thị Tuyết nhanh nhảu trả lời:
- Cả cán bộ y tế, cả tôi, cả lái xe và cán bộ vũ trang là năm người. Trừ tôi ngồi cùng chị, còn lại bốn người ở xe sau, ngoài ra còn bốn xe nữa... tất cả đều đi theo để bảo vệ chị đấy
- Khiếp thật!
Tôi nghĩ:
- Chúng coi tôi là “nguyên thủ quốc gia” hay sao mà bày đặt đông đủ thế? Chả bù cho lần chúng ngấm ngầm đưa tôi về trại cách đây hơn một năm. Cả chặng đường dài 220 km, xa hun hút, xóc nảy người, chúng khóa chặt tay, vứt tôi như vứt một con vật trên ghế dài sau xe tù bịt bùng, kín mít... Suốt 8 tiếng đồng hồ, ngay cả khi chúng ăn sáng hay dừng lại khu vực cổng trại bàn giao giấy tờ để nhận tù, chúng cũng không mở cửa xe cho tôi ra ngoài, khiến căn bệnh tiểu đường được dịp phá đám... Không còn cách nào khác tôi đành trút hết số nước trong người mình ra ngay tại lòng xe chật hẹp, tối om.
Còn bây giờ đúng là oai như cóc...
- Chị Thủy đi Mỹ rồi nhớ gửi quà về cho chúng tôi đấy nhớ. Cán bộ Tuyết đon đả
- Ôi! Tôi cười vì biết không thể lảng tránh câu trả lời, càng buồn cười hơn vì tính khôi hài lộ ra trong cả thái độ của người nói cũng như trong từng câu chữ.
Không biết sống vờ, tôi đáp :
- Các người luôn coi tôi là tù đặc biệt nguy hiểm, cấm vận mọi tình cảm của chị em đối với tôi, có bao giờ dám để cho ai đến gần tôi đâu, bây giờ làm sao dám nhận quà của tôi được?
- Thì cứ gửi đi xem bọn này có dám nhận không?
Tên Hiệp ngồi phía trên ngoái cổ lại đằng sau, lên tiếng:
- Vấn đề là có dám gửi hay không thôi chứ.
“Rõ là công an cộng sản thật, vừa vờ đấy lại thật như bỡn.” tôi thầm nghĩ .
Bỏ qua chất giọng đùa cợt, nhão nhoẹt của ba cán bộ cộng sản, tôi ngồi, chạnh nghĩ về 21 tháng đã qua của mình mà rùng mình khiếp sợ. Quả là một cơn ác mộng kinh hoàng...
Chuyến xe từ Hà Nội-Hải Phòng đang bon bon chạy, gần trưa đường khá vắng vẻ, đa phần hành khách thiu thiu ngủ... Bỗng xe khựng lại đột ngột, cả mấy hàng ghế phía trên bất ngờ lao về phía trước, chạm phải thành ghế đau điếng... Rồi một đám người bước lên, mắt nhớn nhác đảo quanh tìm kiếm, và một giọng nói cố ra vẻ thân tình vang lên:
- Thủy, phải không em?
Giọng nói đang hướng về tôi... Theo phản xạ, tôi hơi giật mình, nhướng cao mắt về phía tiếng gọi, dù vẫn giữ mình ở tư thế thế thủ:
- Xin lỗi! Tôi không quen các anh!
Tiếng cợt nhả lập tức vang lên:
- Thôi xuống đi em, bọn anh chờ em suốt từ sáng tới giờ đấy, đừng ngoan cố nữa.
Linh tính báo cho tôi biết đây là bọn công an Hải Phòng, chúng biết tôi xuống đây dự phiên tòa xử án các nhà dân chủ nên đã tìm cách giữ tôi lại, sau khi nhận được lệnh của công an Hà Nội...
Giằng co, la lối, giãy giụa gào thét, cuối cùng biết thân cô thế cô, không thể nào thắng nổi áp lực của lũ công an đầu gấu cùng hơn 50 hành khách trên xe, tôi đành phải xuống, nhằm giữ an toàn cho người đi cùng... Hy vọng bọn chúng không phát hiện ra, chí ít cũng có người thay tôi theo dõi phiên tòa, để người của mình ở hải ngoại có thể cập nhật tin tức được
Xuống đường, lại thêm một tốp năm , bảy tên công an nữa, chúng nửa mời, nửa ấn tôi vào xe ô tô đang đợi sẵn... Bằng tất cả sự phẫn nộ của mình tôi la hét, chống trả quyết liệt, quyết nhoài người ra khỏi hàng chục cánh tay du đẩy, ép buộc của chúng, không chịu vào ô tô... Nhưng phận liễu yếu đào tơ như tôi làm sao thắng nổi sức mạnh cơ bắp của chúng ?
Xe quay ngược lại đồn công an quán Toan - đại bản doanh của cả lũ khốn. Bỏ mặc tôi trên ô tô đóng kín với những lời chửi rủa, thét gào, chúng thản nhiên bước vào trụ sở bàn luận, uống nước, hút thuốc, cười nói, chờ sếp lớn đến chỉ đạo, bàn giao, coi như không có chuyện gì xảy ra.
(Còn tiếp)
.
.
No comments:
Post a Comment