Wednesday, October 19, 2011

CHUYỆN VỀ HƠN 100 BỘ HÀI CỐT CHIẾN SĨ VNCH BỊ LÃNG QUÊN (Liêu Thái/Người Việt)



Liêu Thái/Người Việt
Sunday, October 16, 2011 1:53:55 PM

Kỳ 1
Ngôi chùa nhỏ và những hài cốt vô danh

QUẢNG NAM - Thắp một nén nhang, mua áo giấy, vàng mã và lên đường. Đó là câu của mẹ tôi nói với chúng tôi sau khi nghe người bạn kể về trận đánh nảy lửa ngay trong thời điểm quân Cộng Sản Bắc Việt tiến công vào Quảng Nam (ngày 24 tháng Ba năm 1975) và 64 ngôi mộ chiến sĩ VNCH chưa có người thân đến thăm một lần cũng như nhiều bộ hài cốt đồng đội của họ còn nằm quanh quất đâu đó trong khuôn viên chùa Dương Lâm, thôn Dương Lâm, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Những ngôi mộ nằm lưng chừng đồi và nhìn ra lòng hồ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Chúng tôi vượt qua hơn 80 cây số đường nhựa, vào một con đường nhựa khác còn lại thời trước 1975 lổ chổ ổ gà ổ voi, qua mấy con kênh, vòng qua một hẻm núi nhỏ và qua một cánh đồng rộng mênh mông, chùa Dương Lâm nằm khiêm tốn giữa bốn bề ruộng đồng và núi.
Tiếp chuyện chúng tôi là vị trụ trì còn khá trẻ, Ðại đức Thích Pháp Tánh. Sau một hồi trò chuyện, vị trụ trì bắt đầu kể và giới thiệu thêm vài người từng mục kích trận đánh năm đó, những người tham gia bốc mộ, di dời mộ lên núi và nhiều chuyện linh ứng...
Thầy kể: “Lúc thầy về đây trụ trì, chùa này vắng lạnh lắm, thậm chí có người muốn vào chùa thắp nhang nhưng khi vào đến cổng chùa lại quay ra vì cứ nghe rờn rợn âm khí, cảm giác như âm linh đang đứng đâu đó sau lưng mình, đang quanh quẩn đâu đó trong mấy vạt sắn, vạt cỏ tranh... Nhưng kể từ ngày di dời, qui tập mộ các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tạm mồ yên mả đẹp thì thanh khí hơn, Phật tử tụ về nhiều hơn...”
“Lúc đó, thầy chỉ nghe các Phật tử quanh đây họ chứng kiến và kể lại thôi, nhưng mỗi người kể mỗi khác nhau, khó cho rõ một câu chuyện, khó mà thống nhất lắm. Nhưng nhìn chung là có hai tuyến chuyện, một tuyến nói rằng vào ngày hôm đó, các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa biết mình bị bao vây, đã tử thủ trong chùa này. Chuyện dài lắm!”

Chùa Dương Lâm - thôn Dương Lâm - xã Tam Dân - huyện Phú Ninh - tỉnh Quảng Nam. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Nói đến đây, Ðại đức Thích Pháp Tánh im lặng, ông nhìn ra vạt khoai mì phía sau chùa rồi thở dài.
Một Phật tử khác, không yêu cầu giấu tên nhưng chúng tôi quyết định giấu tên ông, cho biết: “Khi chôn các chiến sĩ VNCH, tội nghiệp lắm, con số lên đến cả vài trăm người chứ không phải một trăm lẻ mấy người như người ta thường kể đâu. Vì lúc đó, ngoài Trung Ðoàn 5 Sư Ðoàn 2 ra, còn có một số lính Thủy quân lục chiến, lính Ðịa phương quân, lính Dù... Cũng tụ về đây tử thủ”.
“Trong đó có một y tá đang chăm sóc các chiến sĩ bị thương, nghe nói đã đánh trận trên Khâm Ðức, Hiệp Ðức, Tiên Phước, bị thương, băng rừng về náu trong chùa, chữa trị vết thương. Nhưng rồi quân miền Bắc tấn công vào, họ tử thủ, bị B.40, B.41 bắn vào chùa, họ chết nhiều lắm”.
“Họ chết, chùa bị phá gần như nát, người dân chung quanh thì sợ quá, bỏ trốn khỏi nhà, cả thôn không còn mấy người, thậm chí không ai dám bén mảng đến khu vực chùa... Cả tuần sau, mùi tử thi bay ra khắp xóm. Bà con mới bắt đầu rủ nhau chôn vào một hố tập thể. Nói là chôn cho sang chứ thật ra sơ sài lắm...”

Hy sinh không toàn thân
Nói đến đây, người đàn ông này bắt đầu lạc giọng, mắt rươm rướm, ông nhấp một ngụm trà rồi im lặng ngồi nhìn ra vạt khoai mì, nơi có hố chôn tập thể mà theo như ông nói: “Nhiều lắm, chết nhiều lắm, chết anh dũng và thê thảm lắm!”

Vạt khoai mì, nơi có hố chôn tập thể. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

“Lúc chúng tôi đến đây chôn xác, có nhiều xác bị thú vật ăn hết một phần, có nhiều xác đã sình to lên rồi, không nhận ra gương mặt ai cả, chỉ cần biết họ mặc cùng loại đồng phục lính thì chôn thành một nhóm. Ðông nhất vẫn là xác lính Biệt động quân. Họ ra từ miền Nam anh à!”
Một người đàn ông khác, vốn là lính trong trận chiến này, người duy nhất thoát chết đã cho những người trong chùa biết rằng phần đông chiến sĩ VNCH nói giọng miền Nam, họ là những người trí thức, nói năng nhẹ nhàng, lịch sự và thường giúp đỡ bà con trong thôn.
Chúng tôi cố hỏi tìm người lính còn sống sót nhưng chỉ tìm được địa chỉ, ông đang sống ở một huyện miền núi Quảng Nam sau nhiều năm đi tù cải tạo ở trại giam An Ðiềm. Cũng vì một số lý do nhạy cảm, chúng tôi không nêu tên của ông trong bài viết này.
Qua điện thoại, nghe chúng tôi nhắc về những đồng đội nằm sót lại bên cạnh ngôi chùa cổ và trận đánh năm xưa, ông thở dài và thổn thức, không nói nên lời. Ba lần điện thoại, vẫn nghe ông khóc và không nói được gì. Ðến mấy lần điện thoại sau, chúng tôi chỉ nghe ông nói đúng một câu: “Họ là những anh hùng”.
Câu nói duy nhất của ông trong điện thoại cộng với nhiều luồng dư luận khác nhau, khiến chúng tôi suy nghĩ rất nhiều về trận đánh nảy lửa trong thời điểm đất nước đầy biến động - tháng 4 năm 1975.

Tìm về hướng biển
Tìm gặp một cụ già trong thôn, sống khá gần chùa Dương Lâm từ trước năm 1975, tìm hiểu thêm về trận đánh này, ông cụ cho biết: “Lúc đó tôi còn trẻ, nhưng không đi lính vì gia đình tôi chỉ có mình tôi là con nối dõi. Tôi ở nhà, nhìn toàn bộ trận đánh này. Nhưng cho đến thời điểm này, qua nhiều lời kể, tôi lại đâm ra hoài nghi về sự thấy của mình!”
“Thật ra, lúc đó, chắc chắn là các anh lính VNCH không đầu hàng, họ tử thủ, họ không chủ động bắn về phía quân Bắc Việt, nhưng họ cũng không đầu hàng theo lời kêu gọi của phía Bắc Việt”.
“Thì các anh chị biết rồi đó, một bên thì bắc loa kêu gọi đầu hàng, hễ đầu hàng thì sống, chống lại thì chết. Một bên thì im lặng, cố gắng dưỡng thương và cố gắng tìm cách thoát khỏi vòng vây để đi ra biển, hướng đi của họ là biển, nhưng bị mắc kẹt trong vòng vây chỗ này. Vì họ không hay biết rằng thôn này là cái nôi của cộng sản nằm vùng. Vào đây thì không có lối ra, nhất là trong thời điểm quân miền Nam bị thất thủ nhiều nơi...”
Có người còn kể rằng: “Họ đầu hàng rồi, một số người quyết định ra hàng, nhưng khi vừa ra đến cổng chùa, giơ cao cờ trắng (làm bằng chiếc áo trắng quấn trên nòng súng) thì bị bắn tỉa ngã gục xuống ngay. Cũng có người hoài nghi đó là đạn của những người không chịu đầu hàng, có người lại cho rằng đó là đạn của cộng sản. Nhưng theo tôi thấy thì khả năng đạn của phía Bắc Việt nhiều hơn, vì những người ra hàng là người đang bị thương, không ai nỡ bắn vào đồng đội đang bị thương đâu!”
“Có lẽ vì hàng cũng không xong, mà đánh cũng không xong nên các anh ém quân đến hai ba ngày mới có trận đánh khét tiếng này!”
Và, theo dòng kể, một trận đánh kinh hoàng đã xảy ra, long trời lở đất, ban đầu còn bắn tỉa, dần dần bao vây, bố ráp, thít chặt vòng đai lửa và tiêu diệt, tàn sát...

(Còn tiếp)
Ðón xem kỳ 2: Trận đánh long trời lở đất!

-------------------------------

Liêu Thái/Người Việt

Kỳ 2:
Trận đánh long trời lở đất

QUẢNG NAM - “Trung Ðoàn 5 - Sư Ðoàn 2, một trung đoàn nổi tiếng có những người lính quả cảm, đánh đồn xuất quỉ nhập thần bởi họ được đào tạo bài bản từ kiến thức địa lý, kiến thức quân sự, chính trị, văn chương cho đến võ thuật, phương cách sử dụng vũ khí...

Lễ chiêu linh trước khi bốc mộ trong hố chôn tập thể. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Họ được mệnh danh là 'Những con hổ rừng già'... - Ông K., người tham gia trận đánh nhưng thoát chết, trầm ngâm nói.
Theo dòng ký ức ông K., “phần lớn những người lính trong Trung Ðoàn 5 có gốc gác miền Nam, do thuyên chuyển, họ về Quảng Nam. Lý do chính để họ có mặt ở đây là vì phần lớn quân Bắc Việt nằm vùng ở Quảng Nam có cách đánh du kích, bắn tỉa khá thiện xạ và hơn hết là cơ số lính đặc công ở đây khá lớn.”
Kể lại trận đánh, ông K. cho biết:
“Bắt đầu từ rạng sáng ngày 20 tháng 3 năm 1975, phần lớn các tuyến phòng thủ của Vùng 1 chiến thuật đã lung lay, quân Bắc Việt tràn vào ngày một nhiều. Ngày 21 tháng 3, nhiều tuyến phòng thủ Quảng Ðà (tên gọi cũ) đã rạn nứt.
“Ngày 22 tháng 3, nhiều binh chủng rút quân từ núi ra biển, thoát lên tàu. Có một số đơn vị bị mắc kẹt do có quá nhiều lính bị thương và họ vẫn muốn tiếp tục chiến đấu bảo vệ vòng đai chiến sự của mình.
“Trường hợp nhóm chiến sĩ thuộc Trung Ðoàn 5 - Sư Ðoàn 2 là một điển hình của tinh thần chiến đấu này. Thay vì rút quân về phía biển, họ tiếp tục trụ lại khu vực thôn Dương Lâm để chiến đấu.”

Cánh đồng này là nơi diễn ra trận đánh ngày 24 tháng 3, 1975. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Ngày 23 tháng 3, có thêm một nhóm chiến sĩ khác thuộc binh chủng Thủy Quân Lục Chiến tiến về thôn Dương Lâm, hợp với nhóm chiến sĩ Trung Ðoàn 5.
Cũng trong ngày 23 này, có thêm nhiều nhóm nhỏ chiến sĩ thuộc đơn vị khác (đã trúng thương) đưa thương binh vào chùa Dương Lâm nương nhờ vào sự bảo vệ của nhóm chiến sĩ Trung Ðoàn 5 và nhóm vừa “tăng cường,” để các y tá chăm sóc cho các thương binh.
Ngày 24 tháng 3, lính Bắc Việt chiếm đồn 159 trên đỉnh đồi Phú Ninh, nằm phía Tây Nam, cách chùa Dương Lâm chừng 3km. Ðồng thời, đồn 162 - Núi Cấm cũng bị chiếm trong ngày này.
Bốn phía là quân đối phương, nhóm chiến sĩ thuộc Trung Ðoàn 5 và nhiều thương binh của các binh chủng bạn trong chùa Dương Lâm rơi vào thế cô lập hoàn toàn.
Phía quân Bắc Việt bắt đầu nã đạn vào chùa Dương Lâm. Các chiến sĩ VNCH chưa có phản ứng gì, họ tranh thủ đào hầm, đào hào và canh chừng, chưa nổ súng.
Ðến chiều ngày 24 tháng 3, sau một ngày bắc loa kêu gọi đầu hàng nhưng không thấy động tĩnh nào, phía Bắc Việt bắt đầu nã súng vào khu vực khuôn viên chùa Dương Lâm.
Lúc này, có nhiều thương binh của VNCH đã treo áo lên nòng súng làm cờ trắng, ra trước sân chùa đầu hàng.
Nhưng khi họ bước ra đến sân thì tiếng súng bắn tỉa nổ đanh điếng, họ ngã quị.
Những người lính trong chùa bắt đầu nã súng dữ dội về phía đối phương, đẩy lùi quân Bắc Việt lên phía núi.
Chừng 3 giờ chiều, một người lính đặc công phía Bắc Việt mang lựu đạn bò vào chùa, vào đến giếng nước phía Ðông sân chùa thì bị phát hiện và bắn chết.
Phía quân Bắc Việt hạ lệnh bắn xối xả B.40, B.41 vào chùa Dương Lâm. Trong bắn ra, ngoài bắn vào, trận pháo hai bên kéo dài chừng 3 giờ đồng hồ thì cả hai bên im hơi lặng tiếng.
Những người lính VNCH còn sống sót trong chùa bắt đầu rút ra khỏi chùa, luồn người dọc theo bờ rào trồng hoa râm bụt của chùa.
Lúc này, phía quân Bắc Việt ngồi trên những đồi cao quan sát và hạ tầm súng xuống ngang mặt đất, nhắm ngay vào bờ rào hoa râm bụt và nổ liên tục. Toàn bộ những người lính rút theo hướng bờ rào ngã xuống không sót người nào.
Còn một người duy nhất - ông K. (người chúng tôi không tiện nêu tên, đã trải qua tù cải tạo, hiện đang sống trong một huyện miền núi hẻo lánh ở Quảng Nam) - còn sống sót được nhờ băng ruộng phía bên hông chùa chạy thắng ra nhà dân, cải trang thành thường dân và rút về Tam Kỳ.
Lúc này, toàn bộ phủ lỵ Tam Kỳ đã treo cờ Bắc Việt.
Sau trận đánh hơn một tuần, không ai dám đi ngang qua khu vực chùa Dương Lâm bởi mùi máu và tiếng quạ kêu, đêm thì chim cú và mèo hoang. Nhưng sau đó toàn bộ người dân thôn Dương Lâm bắt buộc phải kéo nhau lên chùa để thu gom xác người và chôn cất.

Nhà linh, nơi tạm đặt các hài cốt trước khi đưa ra nghĩa trang. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Nói là chôn cất nhưng thật ra, lúc đó không ai dám bày tỏ lòng kính ngưỡng hay thương cảm đối với những người lính đã chết mà vốn trước đây có người còn là ân nhân của thôn vì quá sợ quân Bắc Việt.
Chính vì vậy mà sự chôn cất rất qua quýt, chôn để mà có chôn, tránh tình trạng thú vật ăn mất xác và mùi tử thi bay khắp thôn. Chôn không có vải bọc thi thể như những người lính trên bãi biển An Dương ở Phú Vang, Huế mà chỉ phân nhóm ra, đào một cái hố sâu chừng 1.5 mét, lùa toàn bộ xác người xuống đó và lấp đất lại.
“Vì sao tôi nói hơn 100 xác à? Vì lúc đó, số anh em chúng tôi, nhóm chiến sĩ thuộc Trung Ðoàn 5, nhóm này tuy là thuộc Bộ Binh nhưng bên trong cơ cấu rất nhiều Biệt Ðộng Quân, kể cả tôi, nhằm ứng phó chiến cuộc... còn lại sáu mươi hai người, cộng thêm với nhóm lính thuộc đại đội Thủy Quân Lục Chiến cũng ngót nghét 50 người, rồi các thương binh... Tính kiểu gì cũng ra trên 100 hài cốt, nếu không nói là 200, vì phần bị nã B.40 chắc chắn là không còn nguyên vẹn, phần nguyên vẹn nằm ở trên đường rút và sau vạt khoai mì, chừng 100 người” - Ông K. nói như đang thôi miên.

Có nhiều hố chôn cá nhân chỉ còn một vài vụn xương như thế này. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Câu chuyện của những người lính VNCH khép lại sau trận chiến một cách buồn thảm và bi tráng. Cái chết của họ cũng không được yên bởi phong trào đào sắt, rà sắt để cải thiện bữa ăn của nhiều người nghèo trong những năm tháng Việt Nam nghèo đói. Mộ tập thể bị quật lên nhiều lần để lấy thẻ bài, súng đạn, dây nịt...
Mãi cho đến sau này, khi Phật tử chùa Dương Lâm sinh hoạt thường xuyên hơn, kinh tế của họ cũng khá hơn, họ bắt đầu nghĩ đến những người đã khuất. Họ cùng nhau chung tiền, góp công, góp sức để bốc mộ và di dời những hài cốt lên núi.
Cũng bắt đầu từ lúc này, những câu chuyện về người lính năm xưa trở về linh hiển và bí nhiệm... (còn tiếp)
Ðón đọc kỳ cuối: Sống khôn chết thiêng...

Danh tính các chiến sĩ mà chùa Dương Lâm hiện có:
1. Nguyễn Minh - SQ 75- 211355 - Trung Ðoàn 5/SÐ2
2. Nguyễn Văn Tôi - SQ 75 - 151704 - Trung Ðoàn 5/SÐ2
3. Nguyễn Ban - SQ 73 - 213952 - Trung Ðoàn 5/SÐ2
4. Nguyễn Chí Thanh - SQ 704 - 2744
5. Nguyễn Thị Phụng
6. Nguyễn Thanh (A)
7. Hoàng Thắng Tài
8. Nguyễn Văn Trị
9. Trần Công Tranh
10. Phan Văn Ẩn
11. Nguyễn Văn An
12. Phan Văn Ảnh
13. Nguyễn Tấn Ca
14. Lê Văn Nghĩa
15. Ðinh Văn Nhiên
16. Nguyễn Văn Dũng - Nguyễn Tấn Tài (Mộ đôi)
17. Nguyễn Thành Danh
Và một số mộ đơn, mộ đôi khác có bia “vô danh.”
.
.
.

Liêu Thái/Người Việt
Tuesday, October 18, 2011 5:37:20 PM


‘Sống khôn, chết thiêng... ’ ’

QUẢNG NAM - Ðầu tháng 4 năm 2009, sau hơn ba mươi năm im ngủ trong lòng đất mẹ, những người lính VNCH tưởng đã đi vào quên lãng bỗng dưng sống dậy trong ký ức của nhiều Phật tử chùa Dương Lâm.

Lễ động thổ bốc mộ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Có lẽ, người được nhắc đến đầu tiên, người khơi mào câu chuyện cũ lại là người còn rất trẻ, một nhà ngoại cảm nữ lên thăm chùa và bắt đầu bàn với nhiều Phật tử khác về chuyện bốc mộ, quyên góp tiền, công sức xây dựng cho những chiến sĩ VNCH được mồ yên mả đẹp.
Nhiều người trong chùa hưởng ứng lời kêu gọi của cô, cuộc vận động quyên góp bắt đầu. Con số quyên góp được không nhiều, chừng vài mươi triệu đồng. Nhưng mọi người quyết định có bao nhiêu tiền làm bấy nhiêu, tùy duyên mà thực hiện.

Ngày 1 tháng 4 năm 2009, sau lễ chiêu linh, sau những hồi chuông chiêu cảm của chư thầy và các Phật tử chùa Dương Lâm, những đoạn xương, những bộ hài cốt được đưa lên mặt đất, an quách và đưa đến khu nghĩa trang tập thể của chùa, nằm trên lưng ngọn đồi Phú Ninh, lưng dựa vào núi, mặt hướng ra lòng hồ nước xanh.
37 ngôi mộ mới (trong đó có 3 mộ đôi) an tọa trên lưng đồi, nơi mà trước đây ba mươi mấy năm, những người nằm dưới mộ kia, có người được mệnh danh là ‘con hổ rừng già’. Họ nằm im nghe tiếng gió núi và lời thầm thì của đại ngàn sau cơn binh biến, sau những tử sinh và cô đơn.
Vẫn còn nhiều đồng đội của họ nằm sót lại sau lưng chùa, trên những nương khoai mì vắng lạnh...

Về báo mộng

Và, sau lần di dời ấy, nhiều Phật tử trong nhóm bốc mộ nằm mơ thấy những người lính trở về. Câu đầu tiên họ nói là lời cám ơn gửi đến những ân nhân đã đưa họ đến nơi khô ráo, yên tĩnh và thơ mộng.

Một trong những ngôi mộ trong khu nghĩa trang. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Sau đó, nhiều lần báo mộng khác, họ cho biết rằng trong số họ, có người thèm ăn ớt xanh với mì quảng, có người thèm khoai lang luộc, có người thèm hút thuốc lá, có người thèm một chai bia, có người nhớ quê mà lâu quá không được về nhà bởi không có tiền mãi lộ... Cũng có người than lạnh quá bởi ngôi mộ mới của họ bị trống chân...
Vậy là các Phật tử lại họp nhau, mua những thức quà mà họ đã báo mộng rằng họ đang cần, mang lên khu mộ mới để cúng kính, dâng tặng.
Ngạc nhiên nhất là người Phật tử nằm mộng thấy người lính chỉ ngôi mộ của mình nằm ngoài bìa khuôn viên nghĩa trang mới bị lạnh chân. Khi anh đến cúng thì phát hiện ngôi mộ đó bị lở đất do mưa núi. Anh đắp đất lại thì tối đó về nằm mộng thấy người lính ấy về cám ơn và hứa sẽ tặng một món quà...
Những hài cốt còn nằm lẩn khuất đâu đó trong khuôn viên chùa, chưa được di dời lên nghĩa trang vẫn là nỗi canh cánh trong lòng những Phật tử Dương Lâm.

Qui tập lần 2, những báo mộng mới...

Ðầu năm 2011, Ðại đức Thích Pháp Tánh về nhậm trụ trì chùa Dương Lâm. Việc đầu tiên của thầy làm là kêu gọi các Phật tử cùng thầy góp công sức, tiền của để tiếp tục di dời, cải táng cho những hài cốt còn sót lại trong khuôn viên chùa.

Miếu thờ các chiến sĩ trận vong và thập loại cô hồn trong khuôn viên chùa. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Lời kêu gọi của vị sư trẻ 24 tuổi đã nhanh chóng được hưởng ứng, đợt qui tập mộ lần 2 được thực hiện sau đó không lâu.
Nhưng, điều làm cho vị sư trẻ cùng những Phật tử buồn nhất lại là những hài cốt đã bị lưu lạc trong lòng đất. Nếu như những ngôi mộ đôi, những hố chôn đôi vẫn còn nguyên vẹn (bởi lúc chôn được phân công theo từng đội hoặc cá nhân, chính vì vậy mà có hố chôn cả mấy chục chiến sĩ, có hố chỉ chôn một hoặc hai người) nhưng những hố cá nhân và tập thể, khi đào lên thì hỡi ôi, không còn đầy đủ hoặc không còn gì cả!

Thầy Pháp Tánh tâm sự: “Có lẽ do trải qua một giai đoạn nghèo đói chung của cả nước, người dân có lúc thi nhau đi rà phế liệu, họ đào lên và lấy nhiều thứ, trong đó có những thứ quí giá vô cùng nhưng lại được bán với giá rẻ mạt, mua chưa được một ổ bánh mì, đó là tấm thẻ bài. Tính ra, hơn một trăm tấm thẻ bài mất đi, chưa tới một trăm ổ bánh mì theo thời giá hiện tại nhưng cái mất mát lại là danh tánh của người chết vĩnh viễn không còn...!”

Cũng chính vì có những ngôi mộ đôi, khi đào lên, không còn thẻ bài, chỉ còn sắc phục và dây thắt lưng (ra gió chừng 5 phút là tan rã, không còn gì nữa), mà phần đầu và phần mình lại nằm chéo nhau, rất khó để phân biệt mình của ai, đầu của ai nên các Phật tử không dám tách thành hai mộ mà vẫn giữ nguyên mộ đôi khi về nơi qui tập mới.
Lại có cả chuyện nhiều hố chôn đơn, khi đào lên chỉ thấy bộ xương thân hình nhưng không tìm thấy đầu, mọi người lo lắng và hoài nghi... Quàng tạm trong nhà linh ở chùa để đào tiếp thì tối đó, người lính về báo mộng, chỉ vị trí đầu mình nằm cách nơi gần hố chôn chừng vài mét. Sáng mai, ra đào, đúng y như giấc mộng.

Cuộc cầu siêu và những giấc mộng lành...

Sau cuộc qui tập lần 2, nỗi canh cánh vẫn còn đó, chỉ có 27 hài cốt được tìm thấy, như vậy có nghĩa là còn nhiều người vẫn nằm lạnh trong vườn chùa.
Nhưng dẫu sao cũng ít nhiều an lòng người sống và ấm lòng người khuất phần nào. Những giấc mộng vẫn còn quanh quẩn trong nội dung đói, lạnh, thèm ăn, nhớ quê, nhớ người thân, bơ vơ lạc lõng...

Vài tấm thẻ bài còn sót lại. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Thầy Pháp Tánh họp các Phật tử một lần nữa, bàn kế hoạch tổ chức Trai đàn chẩn tế - Cầu siêu bạt độ cho những vong linh chiến sĩ trận vong.

Ngày 27, 28, 29 tháng 7 Âm lịch năm nay (26, 27, 28 tháng 8 năm 2011), một đại lễ Trai đàn chẩn tế - Cầu siêu bạt độ cho tất cả được tổ chức trong khuôn viên chùa Dương Lâm.
Dường như từ đó đến nay, thỉnh thoảng, những giấc mộng của các Phật tử Dương Lâm được thấy vui hơn, các vị chiến sĩ báo mộng xin thuốc lá để hút chứ không còn lạnh và cô đơn như trước đây.

Thay cho lời kết của bài viết này, xin trích lời một Phật tử: “Tôi là người nằm mộng thấy họ về nhiều nhất. Bây giờ họ vui vẻ hơn nhiều. Nhưng có một điều, dường như nỗi nhớ nhà, nhớ người thân vẫn là nỗi thao thức lớn nhất của các linh hồn. Ðã ba mươi mấy năm họ chưa được gặp lại người thân! Phần lớn họ nói giọng miền Nam, và họ rất muốn về quê!”
Vẫn còn nhiều bộ hài cốt nằm trong khuôn viên chùa Dương Lâm chưa được di dời. Qua thời gian, xê dịch địa tầng, đào sắt và mưa lũ, rất có thể, sự nguyên vẹn là hy hữu. Nhưng dù sao vẫn cần đến một cuộc qui tập đầy đủ để ấm lòng người đã khuất.
.
.
.

No comments: