Saturday, October 15, 2011

TỪ ĐỊA NGỤC TỚI THIÊN ĐƯỜNG . . . [kỳ 7] (Trần Khải Thanh Thủy)



Trần Khải Thanh Thủy
Thursday, October 13, 2011 6:33:57 PM

LTS: Bà Trần Khải Thanh Thủy, 51 tuổi, bị nhà cầm quyền Hà Nội dàn dựng một vụ “hành hung” (ngày 8 tháng 10, 2009) biến nạn nhân thành tội phạm để kết án án tù 3 năm rưỡi. Mục đích là để trả thù những loạt bài viết, ký sự xã hội, thời sự Việt Nam mà bà gửi đăng hay xuất bản ở nước ngoài.
Nhờ sự can thiệp ráo riết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà đã được trả tự do sau 21 tháng ở tù, và được đưa thẳng từ nhà tù Thanh Hóa ra phi trường sang định cư tị nạn tại Mỹ ngày 23 tháng 6, 2011.
Dưới đây là hồi ký của bà TKTT chung quanh chuyện bà bị bắt bỏ tù.

--------------------------

TỪ ĐỊA NGỤC TỚI THIÊN ĐƯỜNG . . .


Kỳ 7

Lại những ngày nằm dài trong khu biệt giam, nơi dành riêng cho tù kỷ luật, trọng án, tử hình... Thời gian như ngừng trong tê tái, hết nằm dài trong ngăn tù chật hẹp, lại ngồi bệt trên bệ xi măng lạnh giá, không một chút ánh sáng mặt trời, cũng không có ai bị giam ở phòng bên cạnh để trò chuyện cho khuây khỏa, như hồi còn ở B14, trại giam Thanh Liệt trước đó...

Sáng ra 9 giờ quản giáo vào đem theo tù tự giác, chia mỗi người một suất cơm không (cả ngày chỉ được ăn một bữa rau), rồi lại chờ dai dẳng đến 3 giờ chiều mới lại được chia cơm cùng một vốc rau vừa già vừa dai ngoanh ngoách... Cấu một tí búp trên cùng, hai chị em tôi dùng nước uống rửa lại cho sạch để ăn, thà có méo mó hơn không, đặc biệt với người bị tiểu đường nặng mà không có thuốc như tôi.

Hết nằm dài nói chuyện, nghêu ngao hát, lại nhỏm dậy, không sao quên được cảm giác sốt ruột. Ngồi lắm thì mỏi dừ sống lưng, còn nằm ngửa lại lạnh bụng, nằm sấp thì lạnh lưng, nằm nghiêng lại lạnh sườn, nằm co lại lạnh đùi... Cảm giác lạnh lẽo, trống vắng len lỏi vào tận tế bào vỏ não, chi phối tất cả các cơ quan bộ phận, cứ quằn quại như thân lau trong bão...

Trung bình mỗi tuần tôi “được” gọi đi cung một lần. Mỗi một lần đi cung là một lần thay đổi trạng thái tâm lý. Ra khỏi “cổ mộ,” được tắm nắng, gió, được đi lại thoải mái, ít nhất cũng được thở, được hít không khí, được xả strees.
Còn trong buồng biệt giam thì không khác gì một huyệt mộ hai ngăn, dài rộng tất cả 4m2, mỗi ngăn ứng với một giường nằm, chiều dài 1.8 m, chiều rộng vừa vặn 60cm. Ba bề bốn bên kín mít, tất cả ánh sáng trong buồng chỉ trông vào ngọn đèn mờ bật suốt ngày suốt đêm. Ngoài ra còn thêm một ô kính vừa bằng bàn tay để quản giáo đi qua ghé mắt nhìn vào xem tù còn sống hay đã chết. Tối tăm hôi hám, không có ruồi mà lắm muỗi kinh khủng. Lúc nào trên đầu sàn cũng phải có một gói dầu xả mở sẵn để át đi cái mùi hôi hám lưu cữu, còn trên mũi là một miếng vỏ quýt để quên đi cảm giác lợm giọng mỗi lần sử dụng hố vệ sinh.

Chỉ một tuần mà cô bạn ở cùng đã không chịu nổi, nằng nặc xin xuống phòng chung. Riêng tôi khái niệm phòng chung khi đó thật là một điều gì đó kinh hãi, nơi ô hợp của tất cả mọi hạng người, từ ma túy, trộm cắp, đĩ điếm cướp giật, lừa đảo, đâm chém, giết người v.v... Một người vốn đặt mình trong sách vở từ bé, không một lần tham gia vào bất kỳ trò chơi mất phẩm giá nào, làm sao tôi chịu nổi?

Nhưng ở lại một mình nơi “cổ mộ” lạnh lẽo này, bản thân tôi chỉ còn nước biến thành xương khô trong mả, không bút sách, không người trò chuyện, giao tiếp. Tất cả chỉ có 4 bức tường vôi lạnh và nỗi chán ngán ùa về... Bình thường có hai người, nhiều lúc đã chán nản, phải làm thơ tuyệt vọng rồi:
Ngồi buồn hai bóng ngắm nhau,
Ngày dài dằng dặc đêm thâu mỏi mòn
Lắt lay như những cô hồn
Khổ đau, oan nghiệt hỏi còn đâu hơn?

Giờ người bạn ở cùng lại đi nữa thì... tôi đến chôn sống mình trong cổ mộ này mất.
Không thể chịu nổi cảnh “nửa dơi nửa chuột” này, ngay trong lần đi cung thứ 3, tôi gay gắt tra khảo:
- Rốt cuộc các người coi tôi là gì đây? Tội phạm chính trị nguy hiểm hay là tù hình sự:
Bị bóc vở, tên Tuấn ấp úng:
-Tội của chị là đánh người gây thương tích, không liên quan gì tới chính trị, chính em cả.
Thừa thắng xốc tới, tôi độp luôn:
-Thế tại sao lại phải biệt giam trong khu kỷ luật, trọng án này?
Biết không thể vượt qua mặt tôi được, tên Tuấn chống chế:
-Thôi được, vài hôm nữa tôi sẽ nói với trại để chị được ra buồng giam chung...

Xe đã qua khu vực Hòa Bình, Lương Sơn, Xuân Mai, chuẩn bị sang địa phận Hà Nội. Nhịp điệu sống dường như thay đổi hẳn, không còn là “rừng núi âm u, thầy bu kính mến” nữa mà xe máy, xe đạp, ô tô nườm nượp tấp nập. Cả đoàn xe 5 chiếc lần lượt kéo còi ụ, gã công an trẻ tên Hiệp còn khệnh khạng cầm micro điều khiển:
-Ðề nghị tất cả các loại phương tiện xe cộ đang lưu thông trên đường dẹp vào lề bên phải, nhường đường cho đoàn công tác đi trước.

Cảm giác tự do thật là tuyệt vời, chả bù cho lần đi trước, chúng cố tình bắt tôi bỏ vào trại, khi án xử còn chưa kịp có hiệu lệnh. Trong khi tôi đinh ninh là phải sau thời gian xử 2 tháng, tôi mới bị “bốc” đi như tất cả cánh tù thường phạm khác. Hoặc chí ít cũng phải qua 15 ngày chống án, thì 3 giờ sáng ngày 29 tháng 4, chúng đã mò vào lôi tôi đi. Một mình một xe tù, phía sau là xe chở cán bộ quản giáo, vũ trang, y tế v.v... Sân tù lặng ngắt, cỏ cây, tường rào dây thép gai còn đang thiếp ngủ, trái ngược hoàn toàn với các đợt đi trại trước đó của cánh thường phạm. Cả vài chục đến vài trăm con người bị dựng dậy, lỉnh kỉnh túi bị, đồ lề, tiếng cười, tiếng khóc, la lối tiễn biệt nhau râm ran cả một góc trại. Người đi, kẻ ở khiến ai cũng phải xao lòng, ngồi dậy, không sao dỗ được giấc ngủ trở lại.

Mặc âm thanh nhộn nhạo, xô bồ của đường phố, tôi dựa hẳn lưng vào ghế tựa phía sau, lim dim mắt, nghĩ lại sự việc xảy ra:

Suốt thời gian nằm trại tạm giam cũng như 21 ngày trong khu biệt giam rồi một tháng trời ở buồng chung - nơi nhốt 30 con người thuộc đủ mọi thành phần, ăn cắp có, kinh tế có, sơ ý giết người hoặc cố ý đánh người đến chết v.v... đều hội tụ đủ. Tất cả như một cái chạ người đông đúc ô hợp, không ai bảo được ai, cứ cá lớn nuốt cá bé, thằng dốt trị thằng giỏi, vô văn hóa trị kẻ có văn hóa... ù xọe từ sáng đến đêm.

Không có thuốc, tiểu đường tăng vọt, lại đói ăn, kém ngủ, tôi liên tục lên cơn vật. Thời gian đầu còn 16 ngày mới xuất hiện một lần, sau cứ liên tục hôn mê, 8 ngày một lần rồi 5 ngày, thậm chí cách một ngày bị một lần. Người lạnh toát, tay chân tê cứng, huyết áp lúc đầu tăng vọt rồi tụt dần tụt dần, mồ hôi vã ra như tắm, bết chặt một mảng đầu trước trán, nói lảm nhảm, rên rỉ suốt đêm, mắt môi thâm tím, đen sì... Bạn tù hốt hoảng gọi cấp cứu, bác sĩ đến cho 2 viên thuốc ngủ loại thảo dược và 2 viên tuần hoàn não là xong, mặc tôi nằm co quắp, tím tái trên sàn ngủ, bên tai là những lời nguyền rủa của lũ bạn tù về sự vô cảm, bất nhân của cái gọi là “Lương y kiêm hà bá, thầy thuốc như mẹ mìn” của trại giam... Trong khi gia đình tôi gửi thuốc vào tận trại, mà những kẻ máu lạnh này lại cương quyết không cho nhận, chỉ vì lý do thuốc của gia đình tôi là thuốc ngoại, từ Pháp, Mỹ gửi về nên trại không kiểm duyệt được (!).Nếu cứ để tôi sử dụng, có làm sao thì ai chịu trách nhiệm?

Quả là lý lẽ của những kẻ mù lòa cả về chuyên môn lẫn lương tâm, đạo lý làm người. Không hiểu chúng nó sinh ra từ đâu? Từ bụng một bà mẹ tâm thần hay từ những chuồng nuôi gia súc, gia cầm mà trở thành động vật máu lạnh, với nhiệt tình xuống quá độ âm như thế?

Bị cắt thuốc vô cớ trong suốt một thời gian dài, tiểu đường ăn sâu vào cả não bộ khiến tôi đau đầu ghê gớm, suốt ngày chỉ muốn đập đầu vào tường, dùng cái chết đột ngột để chấm dứt mọi ràng buộc với đời, xóa nhòa mọi căm hận, đau khổ, day dứt, đau đớn... Chính trong lúc bấn loạn tâm thần cũng là lúc tâm hồn tôi được tâm linh dẫn dắt, những câu thơ vụt hiện trong trí nhớ:

Ta toan giận dỗi xa đời
Chợt hay khăn liệm quanh người vẫn thơm
Nát thân không nát nổi hồn
Lẫn trong tiếng khóc vẫn còn nỗi đau

(Còn tiếp)
.
.
.

No comments: