Sunday, October 9, 2011

TỪ ĐỊA NGỤC TỚI THIÊN ĐƯỜNG . . . [kỳ 1] (Trần Khải Thanh Thủy)



Trần Khải Thanh Thủy
Friday, October 07, 2011 8:31:02 PM

LTS: Bà Trần Khải Thanh Thủy, 51 tuổi, bị nhà cầm quyền Hà Nội dàn dựng một vụ “hành hung” (ngày 8 tháng 10, 2009) biến nạn nhân thành tội phạm để kết án án tù 3 năm rưỡi. Mục đích là để trả thù những loạt bài viết, ký sự xã hội, thời sự Việt Nam mà bà gửi đăng hay xuất bản ở nước ngoài.
Nhờ sự can thiệp ráo riết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà đã được trả tự do sau 21 tháng ở tù, và được đưa thẳng từ nhà tù Thanh Hóa ra phi trường sang định cư tị nạn tại Mỹ ngày 23 tháng 6, 2011.

Bà là tác giả của 15 tác phẩm đã xuất bản trong nước và khoảng ba chục tác phẩm hoặc đã xuất bản, hoặc đăng tải trên một số báo giấy hay báo điện tử ở hải ngoại, gồm nhiều thể loại khác nhau, dưới nhiều bút hiệu khác nhau.
Khi bà bị lộ ra là một người có những bài viết, ký sự, ngược với đường lối tuyên truyền của đảng và nhà nước cộng sản, bà và gia đình bắt đầu một cuộc sống khó khăn trong sự khủng bố thường trực của nhà cầm quyền Cộng Sản.
Mấy tháng trước khi bị bắt, nhà bà TKTT bị những kẻ bí mật ném phân đầy trước nhà gần hai chục lần, một lối khủng bố mà những người chống đối chế độ như cụ Hoàng Minh Chính và một số người từng là nạn nhân. Nhưng không ai bị nặng như nhà bà TKTT.

Dưới đây là hồi ký của bà TKTT chung quanh chuyện bà bị bắt bỏ tù.

---------------------------




Ba giờ chiều ngày 23 tháng 6, 2011 (giờ Việt Nam) tôi đang còn mặc quần cộc, áo ba lỗ, đánh vật với cái nắng nóng của xứ sở nhiệt đới- đặc biệt là vùng núi Lam Sơn-Thanh Hóa, nơi giáp biên giới Lào, nắng nóng đến mức cánh bạn tù thường phạm phải ví:

Lam Sơn chướng khí bốn mùa
Ai chưa tới đó thì chưa... là tù

Tiếng gót giày nện cồm cộp, tôi vội ngẩng lên, chưa kịp vơ bộ quần áo dài mặc vào người, đã nghe cán bộ tên Chại, thông báo:
- Chị thay quần áo rồi ra gặp cán bộ!
Như thói quen đã định hình từ ngày vào trại, tôi vội vàng khoác lên người bộ quần áo kẻ sọc cũ kỹ, hôi rình, không quên đội lên đầu chiếc nón mê xộc xệch, líu ríu theo chân quản giáo ra ngoài.

Bình thường “được” đi gặp cán bộ thì chỉ vào phòng thi đua, trong khuôn viên của trại, nơi trước mặt có hai cánh cửa sắt to đùng, cao ngất ngưởng, lại nặng trịch, kín mít, một ngày chỉ được mở hai lần vào những khi xuất trại cho tù đi làm... Lần này, lạ lùng thay, tôi được lôi ra tận ngoài cổng phủ, như thể lại đi gặp gia đình vậy. Có chuyện gì xảy ra chăng? Tháng này gia đình tôi đã lên rồi cơ mà?

Ðang phân vân, ngơ ngẩn, trước mặt tôi bỗng hiện ra một đám đông công an mặc thường phục đứng lố nhố bên ngoài, khuất sau cánh cổng, đặc biệt là tên Khải với cái đầu hói trọc lốc và cái trán gồ lên chiếm một phần ba khuôn mặt... Kẻ cách đây ba tháng đã vác bộ mặt giả nhân giả nghĩa để tìm vào trại, đề nghị tôi nên ra nước ngoài chữa bệnh và đảm bảo tương lai cho con cái...

Nhìn thấy tôi, chúng “huỵch toẹt” luôn, không còn tù mù, bí ẩn hoặc “lửng lơ cá vàng” như những lần trước nữa:
- Thủ tục giữa hai nhà nước đã xong, giờ chị vào chuẩn bị để chúng tôi đưa ra sân bay cho kịp.
- Trời đất! Chân tay tôi run lên, toàn thân tưởng nhão ra như bùn trong một cảm giác đặc biệt khó tả: “Không lẽ 21 tháng tù đầy đọa, khổ nhục đã kết thúc ở buổi chiều định mệnh đầy tốt đẹp này ư? Tôi được tự do thật sao? Sau bao nhiêu hy vọng chờ đợi, thất vọng rồi lại phập phồng hy vọng, mừng hụt hết lần này lần khác, cuối cùng tự do đã tìm đến với tôi thật rồi, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi...”

Ðồ tù chẳng có gì ngoài hai tập bản thảo gồm thơ và một số bài tôi lén viết trong trại (đã được ngụy trang bằng tên của nhiều tác giả khác). Chữ viết nhỏ li ti như kiến, hàng nọ tiếp hàng kia, nửa tiếng Việt nửa tiếng Anh, chủ yếu là viết tắt để che mắt bọn khốn, gồm cả lũ “zich” trong buồng và cán bộ quản giáo, phía trên là cả một đống báo đảng...
Ðinh ninh qua được mắt bọn chúng, tôi vội vàng vào phía trong buồng tắm của cán bộ để trút bỏ bộ đồ tù. Lần đầu tiên, sau 21 tháng tù đày khốn khổ, tôi mới lại được vào buồng tắm, khỏa nước máy lên người mà không có cảm giác lo lắng gì. Còn trước đó, kể từ khi bước chân vào tù là phải tồng ngồng trong bộ cánh Ê va, giữa thanh thiên bạch nhật, giữa hàng nghìn thân thể lõa lồ của cánh chị em tù, xấu hổ và tủi nhục không biết bao nhiêu mà kể.
Ngắm mình trong gương, thấy không đến nỗi nào so với bộ đồ tù khốn khổ thường mặc, tôi líu ríu lên gác để hoàn thiện nốt phần thủ tục... Tất cả, từ trưởng trại Lường Văn Tuyến đến cán bộ vũ trang, quản giáo, trinh sát, y tế, v.v đều có mặt đông đủ, đứng chật cả gian phòng hẹp...

Tiếng nữ cán bộ tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa vang lên:
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Ðộc lập, tự do, hạnh phúc
Giấy chứng nhận phạm nhân chấp hành xong án phạt tù...

Hạnh phúc lạc bước đến quá nhanh, tôi nghe câu được câu mất, chỉ lõm bõm nhớ rằng theo điều 18 của pháp lệnh sửa đổi, điều 14 quy chế trại giam, gi gỉ gì di, những gì nữa ấy... thì tôi đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù một lần bằng giảm hết luôn, nên tôi đã chấp hành xong, nhưng vẫn phải tiếp tục chấp hành hình phạt bổ sung là án phí hình sự 400 nghìn, án phí dân sự 450 nghìn, và bồi thường dân sự gần 9 triệu đồng nữa.

“Thật là chó đẻ” tôi gầm lên trong óc: “Cà cuống chết đến đít còn cay” còn Cộng Sản chết đến đít vẫn còn gian. Cho đến lúc này, khi đã có sự can thiệp của đại sứ quán Mỹ rồi mà chúng vẫn “lập lờ đánh lận con đen”. Chúng thừa biết tôi không hề đánh người, nên chẳng có ai bị thương cả. Cho dù con người đạo đức có nổi loạn mà cơ bắp yếu, làm sao tôi có thể hai tay hai hòn gạch đả thương hai kẻ cao hơn mình cả vài chục cm, nặng hơn mình 25-30 kg, trẻ hơn mình cả chục tuổi cơ chứ? Chính vì sự phi lý, trâng tráo, trắng trợn, vừa hèn hạ, vừa bỉ ổi này mà nằm trong tù tôi “xuất khẩu thành thơ” :
Vết thương đỉnh đầu... may sống sót
Bầm giập, tả tơi, vẫn ở tù
Mả cha cộng sản: Hèn, ngu, dốt
Bắt giam ta tưởng thế giới mù!

Bị cả giới truyền thông thế giới lật tẩy, chửi lút mặt, tưởng chúng phải biết xấu hổ, đừng dại dột nhắc lại nữa, vậy mà vẫn cố buộc tôi vào tội “cố ý gây thương tích” sao? Thay vì phải bắt hai kẻ côn đồ do chúng sai đến “áp đáo tại gia” vào 8 giờ tối ngày 8 tháng 10 năm 2009, bồi thường thiệt hại cho gia đình tôi thì chúng lại làm ngược lại, bắt tôi phải bồi thường dân sự cho cái gọi là người bị hại, tức hai thằng khốn kia... Ðúng là giọng điệu ngụy ngôn của Cộng Sản: Biến đúng thành sai, biến vuông thành méo, biến sáng sủa thành đen tối.

Bà Trần Khải Thanh Thủy là nạn nhân bị hai tên côn đồ do nhà cầm quyền CSVN dàn dựng đánh lỗ đầu ngày 8 tháng 10, 2009 nhưng vẫn bị lôi ra tòa về tội “hành hung” người khác. Sau 21 tháng ở tù, bà đã đến Hoa Kỳ định cư tị nạn nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của Bộ Ngoại Giao. (Hình gia đình cung cấp)

Trong khi giấy chứng nhận ghi rõ: “Chị Trần Khải Thanh Thủy phải trình diện ủy ban nhân dân phường trước ngày 29 tháng 6 năm 2011” thì hôm nay mới là ngày 23, sao chúng không để tôi về qua nhà chào gia đình, họ hàng mà lại đưa thẳng ra sân bay? Ðến tận lúc này chúng vẫn giở chiêu bài gì đây?

Tiếng ông trưởng trại Lường Văn Tuyến cắt ngang dòng suy nghĩ âm thầm của tôi:
- Vì chị mà ngay từ chiều hôm qua, đích thân tôi cùng bao nhiêu anh em khác phải lên tận Hà Nội chính thức bàn giao hồ sơ của chị cho đại sứ quán Mỹ đấy nhớ. Sau đó lại quay về tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa để làm thủ tục bãi miễn trách nhiệm hình sự cho chị. Cả đi cả về gần năm trăm cây số, mất đứt hai ngày trời, vất vả lắm đấy nhé.
- Ra thế, tôi quay mặt đi, cố giấu một nụ cười.

Nếu biết bắt tôi mà phải khốn khổ nhục nhã, và chỉ là bắt cóc bỏ đĩa như thế này thì gần hai năm trước, chắc chắn chúng chẳng dại dột bắt tôi làm gì, thật là:
Cố đấm ăn xôi xôi lại hẩm
Cầm bằng bắt cố, bắt không xong...

Ðẩy số tiền còn lại của gia đình gửi về phía tôi, cán bộ hậu cần te tái:
- Của chị còn một triệu hai trăm, chúng tôi xin bàn giao lại cho chị đầy đủ, xin chị ký vào đây.
Thờ ơ cầm nắm tiền trên bàn bỏ vào túi, tôi lơ đãng ký tên mình vào phía dưới, theo tay cán bộ chỉ.
- Ngoài ra chị còn được cấp phát tiền đi đường nữa... Cán bộ giáo dục nhắc, rồi chìa ra trước mặt tôi số tiền 160 nghìn bắt ký.

Một ý nghĩ thoáng qua trong óc, tôi làm bộ giãy nảy:
- Gớm đã đi bằng chân công an thì nhất rồi, còn phải lấy tiền làm gì?
Tưởng tôi thành thật chối từ, thị lớn giọng:
- Nhưng đây là quy định. Ðề nghị chị ký nhận.
Vốn tính khôi hài, tôi mai mỉa:
- Chết thật, đi từ đây sang Mỹ mà được trả cả 8 USD cơ à, nhà nước ta quả là nhân đạo.

Bỏ qua giọng chất giọng khích tướng của tôi, tên Khải nhắc:
- Thôi xuống nhà lấy đồ đi để còn kịp ra sân bay, phía Mỹ đang đợi rồi, việc này là việc giữa hai nhà nước chứ đâu phải chuyện đùa?
Sợ tự do vừa kịp hiện ra lại biến mất, tôi thầm nhủ:
- Thôi cứ biết đi khỏi cái nơi nắng nóng, uất hận này đã, có gì sẽ tính sổ với lũ khốn sau.

(Còn tiếp)

.
.
.

No comments: