Monday, October 31, 2011

ĐỪNG ĐỒNG HÓA ĐẢNG VỚI ĐẤT NƯỚC (Nguyễn Phúc Hiếu, Đồng Nai)



Nguyễn Phúc Hiếu
PSN 19.10.2011

"Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp".(Tuyên bố ngày 25 tháng 7 năm 2011 của chủ tịch nước Trương Tấn Sang).

Nói thì hay, nhưng khi đã mập mờ giữa đất nước và đồng chí trong quan hệ ngoại giao đối với Trung Quốc thì lợi ích của đất nước dễ bị hy sinh.
Năm 1990, câu tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã thể hiện sự mập mờ trong quan hệ đất nước và đồng chí: "Vấn đề Campuchia dính đến Trung Quốc và Mỹ … Trung Quốc muốn thông qua Khmer Đỏ nắm Campuchia. Song dù bành trướng thế nào thì Trung Quốc vẫn là một nước xã hội chủ nghĩa."
Hậu quả là đất nước ta đã bị "đồng chí" lừa bẫy ở Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên) năm 1990. Vì thế, hiện nay Campuchia không còn thân thiện gì với ta nữa vì đã nằm gọn trong tay Trung Quốc, mặc dù xương máu của bao thanh niên VN đổ ra để giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của Khmer Đỏ.
Cái bẫy lại được giăng ra 20 năm sau nhân dịp chuyến công du ngày 11/10/2011 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Bắc Kinh và ta vẫn tiếp tục rơi vào bẫy với những cam kết mà phía Trung Quốc sẽ dùng trong việc bành trướng của họ ra Biển Đông.

--------------------------------

Chuyến viếng Bắc Kinh ngày 11/10/2011 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được chú ý tới vì là lần đầu tiên sau khi được chỉ định trong chức vụ đứng đầu Đảng, Tổng bí thư đi thăm nước ngoài, mà nước đó là Trung Quốc, vốn đã có nhiều va chạm chủ quyền với ta trong những tháng đầu năm.
Sau nhiều cuộc biểu tình phản đối sự gây hấn của Trung Quốc trong vùng biển mà VN tuyên bố chủ quyền, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã hứa với Trung Quốc sẽ dẹp tan mọi cuộc biểu tình chống Trung Quốc. Lời hứa đã được thực hiện như là một món quà diện kiến cho cuộc viếng thăm của Tổng bí thư vừa qua.
Cái bẫy Trung Quốc
Việt Nam rất cần Trung Quốc vì Đảng cảm thấy lạnh gáy nếu không có Trung Quốc sau lưng. Sự cần thiết phải có Trung Quốc là chính đáng vì trong phe xã hội chủ nghĩa còn lại, Trung Quốc lớn nhất. Cuba thì xa và còn nghèo đói do quá kiên định lập trường. Bắc Hàn với việc cha truyền con nối không còn hợp thời, không nên nhắc tới. Trung Quốc là chỗ dựa sáng giá cho Đảng là điều không thể phủ nhận.
Xét về lý lịch, Trung Quốc có hai điều quan trọng: Xã hội chủ nghĩa và Mộng bành trướng. Người Trung Quốc có thể đánh mất Xã hội chủ nghĩa nhưng không bao giờ đánh mất Mộng bành trướng. Ủy viên Bộ chính trị Võ Chí Công đã từng nói: "Bộ Chính trị đã đánh giá Trung Quốc có hai mặt : Xã hội chủ nghĩa và Bá quyền. Về xã hội chủ nghĩa cũng cần thấy là trong "nháy nháy". Mặc dù vậy, Xã hội chủ nghĩa Việt nam dưới sự lãnh đạo của Đảng rất cần có Trung Quốc sau lưng.
Trung Quốc cần Việt Nam cho Mộng bành trướng. Trước mắt, Trung Quốc cần thống lĩnh Đông Nam Á. Tháng 9 năm 1963, trong một cuộc họp đại biểu 4 đảng cộng sản Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Indonesia tại Quảng Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai đã từng nói thẳng với Việt Nam: "Nước chúng tôi thì lớn, nhưng không có đường ra, cho nên rất mong đảng Lao động Việt Nam mở cho một con đường mới xuống Đông Nam châu Á".
Mục tiêu trước mắt của Trung Quốc là Biển Đông trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa. Họ đã chiếm được Hoàng Sa từ tay Việt Nam. Ở Trường Sa, Trung Quốc còn phải đối mặt với ba nước khác trong vùng: Brunie, Philippines, Mã Lai. Riêng Biển Đông còn có lợi ích cốt lõi của một sức mạnh quân sự bậc nhất thế giới là Mỹ. Lợi ích cốt lõi của Mỹ là nhằm bảo vệ hải trình quốc tế đang bị đe dọa bởi sự lấn trướng của Trung Quốc.
Để thực hiện mục tiêu Biển Đông, Việt Nam phải trở thành một chư hầu ngoan ngoãn về kinh tế, chính trị, văn hóa nhằm phục vụ cho mộng đi xuống Đông Nam châu Á của Trung Quốc.
Biết được nhu cầu tìm chỗ dựa vào phe xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, Trung Quốc sẵn sàng dùng Việt Nam, và rất dễ dàng, để phân hóa những nước còn lại. Cái bẫy đã được giăng trong chuyến viếng thăm ngày 11/10/2011 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hãy xem đây! Thảo luận song phương mà Trung Quốc chủ xướng đã thành công. "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước" đã được hai bên vui vẻ ký kết. Các nước khác như Brunie, Philippines, Mã Lai nên bắt chước Việt Nam. Và có lẽ cả Mỹ cũng nên bắt chước Việt Nam. Brunie, Philippines và Mã Lai đừng trông mong chung lưng đấu cật với Việt Nam để có sức mạnh đối đầu với Trung Quốc. ASEAN đã có con sâu bên trong! Đoàn kết vô ích. Tốt nhất là thảo luận song phương với Trung Quốc!
Không như cái bẫy trước kia chỉ có Campuchia lạnh nhạt với Việt Nam, cái bẫy lần này làm cho ít nhất ba nước Brunie, Philippines, Mã Lai khó chịu với Việt Nam. Đó là chưa nói đến sự khó chịu của các nước khác trong ASEAN vì Việt Nam sẽ bị nghi ngờ là con cờ của Trung Quốc dùng chia để trị.

Đưa chân vào bẫy, Việt Nam được gì?
Qua cuộc thăm viếng Bắc Kinh ngày 11/10/2011 của Nguyễn Phú Trọng, thông cáo chung viết:
Hai bên khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục kiên trì phương châm "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, "từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục, sẽ tăng cường giao lưu hữu nghị giữa hai nước, mở rộng hợp tác cùng có lợi trên các lĩnh vực, trân trọng, giữ gìn, phát triển tốt quan hệ hai Đảng, hai nước Việt-Trung, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển một cách ổn định, lành mạnh, lâu dài.
Như vậy ngoài 16 chữ vàng "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và 4 tốt "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt,” cổ điển còn được thêm 10 chữ "từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn toàn cục".
Bản "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước" gồm 6 điều dựa trên những nguyên tắc không thể không nhắc đến như: chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Tuy nhiên, những nguyên tắc trên đều bị đặt sau những nguyên tắc rất mơ hồ, không được định nghĩa: Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, nói một cách dễ hiểu như đã từng được lập đi lập lại từ trước tới nay là dựa trên nhận thức của lãnh đạo hai Đảng. Hoặc nếu "trên tinh thần tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý và xem xét các yếu tố liên quan khác như lịch sử, (thì) đồng thời phải chiếu cố đến quan ngại hợp lý của nhau".
Tóm lại vẫn là luật pháp quốc tế, chứng cứ pháp lý, lịch sử, phải đặt đằng sau tình đồng chí! Thậm nguy! nếu không may Trung Quốc gài được vào lãnh đạo ta những người như Trần Ích Tắc thì đất nước sẽ bị lệ thuộc là điều chắc chắn.

Đừng đồng hóa Đảng và đất nước
Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng thăm Ấn Độ. Ở đây Chủ tịch nước chỉ nói đến nước và quyền lợi của đất nước: Thực tế là tất cả các dự án hợp tác giữa Việt Nam và các đối tác khác, bao gồm tập đoàn Ấn Độ ONGC trong lĩnh vực dầu khí đều nằm trên thềm lục địa, trong vùng đặc quyền kinh tế và thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước năm 1982 của Liên Hiệp Quốc về Luật biển”.
Trước đó, vào cuối tháng 7/2011, Ông Trương Tấn Sang khẳng định: "Vấn đề chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Bất cứ nước nào dù to hay bé cũng đều có nhận thức như vậy. Giữ vững độc lập chủ quyền, trong đó có chủ quyền biển đảo, trước hết phải dựa vào cơ sở quan trọng là luật pháp".
Rõ ràng quan hệ giữa hai quốc gia chỉ có luật và luật, không có chỗ cho tình đồng chí chi phối.
Nguyễn Phú Trọng chỉ là Tổng thư ký Đảng, ngoài Đảng ra còn có Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ. Không có điều luật nào cho phép Tổng thư ký Đảng nói thay Chủ tịch nước.
Vì vậy, khi thông cáo chung giữa hai Đảng mà lại đề cập đến hai nước là không tuân thủ luật pháp Việt Nam, là nói leo. Chúng ta có Chủ tịch nước để làm gì? Dù biết rằng nói lên điều này cũng như nước đổ đầu vịt vì ở Việt Nam, Hiến pháp còn ở dưới Đảng, vì Đảng làm vua. Nhưng cũng phải nói đi nói lại rằng Đảng là Đảng của 3 triệu đảng viên, Nước là Nước của hơn 80 triệu người! Đừng vì quyền lợi Đảng mà hy sinh quyền lợi đất nước. Đừng tạo điều kiện để đất nước Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc về kinh tế, chính trị và văn hóa chỉ với cái giá rẻ mạt là chỗ dựa nơi đồng chí để khỏi lạnh lưng.
Đừng ngây thơ với mộng bá quyền của Trung Quốc. Với 16 chữ vàng, với 4 tốt mà ngư dân Việt Nam vẫn bị cấm đánh cá, vẫn bị bắt cóc đòi chuộc mạng, vẫn bị đâm tàu trên vùng biển chủ quyền của mình. Tàu Hải giám Trung Quốc vẫn đánh đuổi, phá hoại các tàu thăm dò dầu khí trên vùng biển Việt Nam. Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc phản đối đều đều tàu nước ngoài đến vùng biển Việt Nam. Điều này chứng tỏ Trung Quốc nói chỉ để tuyên truyền trong khi vẫn tiếp tục gây trở ngại cho Việt Nam.
Sau chuyến viếng thăm Bắc Kinh ngày 11/10/2011 của Tổng thư ký Nguyễn Phú Trọng, dù có được thêm mấy chữ "Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục" thì Trung Quốc vẫn tiếp tục nói một đằng làm một nẻo với Việt Nam, vì không bao giờ Trung Quốc từ bỏ mộng bành trướng, mộng bá quyền đã hằn sâu trong suy tư của họ.
Hy vọng ông Trương Tấn Sang trong cương vị Chủ tịch nước, thấu rõ điều này và làm đúng trách nhiệm của mình để Việt Nam không rơi vào cảnh Bắc thuộc thêm một lần nữa.

Nguyễn Phúc Hiếu
Đồng Nai 18/10/11
.
.
.

No comments: