Monday, October 3, 2011

NGƯỜI VIỆT BIỂU TÌNH TẠI BÁ LINH CHỐNG THÙ TRONG VIỆT CỘNG & CHỐNG GIẶC NGOÀI TRUNG CỘNG



Đăng ngày 03/10/11

Một số hình ảnh :

Xế chiều ngày 25.9.2011, sau buổi sinh hoạt hàng tháng của Ban Cao Niên và trước cuộc họp của Hội về việc tổ chức Tết Nguyên Đán sắp tới, anh Nguyễn Đức Liệu đã có dịp trình bày những hình ảnh trên mạng Youtube nói về những cuộc biểu tình của đồng bào trong nước, đặc biệt là ở Hà Nội và Sài Gòn. Sau đó anh trình bày ngắn một slide show về công hàm bán nước của cựu thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng ký vào ngày 14.9.1958 và bối cảnh hình thành cũng như tác hại của công hàm này ra sao cho đến hiện tại, khi Trung cộng ngày càng tỏ ra lộ liễu trong việc xâm chiếm lãnh hải của Việt Nam.

Cuộc thảo luận khá sôi nổi sau phần trình bày này đã soi sáng câu hỏi vì sao ĐCSVN phải chính thức lên tiếng phủ nhận công hàm phản quốc này, dù thực ra nó không có căn bản pháp lý vì quần đảo Hoàng Sa vào năm 1958 thuộc quyền quản lý của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Đó là vì công hàm PVĐồng tán thành tuyên bố 12 hải lý của TC, trong đó TC cho rằng hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và phần lớn Biển Đông là thuộc chủ quyền của TC.

Để bày tỏ thái độ một cách cụ thể, một số người hiện diện trong buổi hội thảo hôm đó đã quyết định tham gia cuộc biểu tình ở Bá Linh. Người đi không được đã góp tài chánh cho chuyến đi mà Hội Người Việt Tị Nạn Cộng Sản Tại Hamburg đứng ra tổ chức xe buýt. Anh Quang đã tặng 40€, anh Cường 20€, “Hội du lịch” của chị Lan đã góp 200€, Ban Cao Niên đã tặng 50€ cho phần bánh mì và nước uống đi đường.

Cộng đồng người Việt tại Hamburg có thể hãnh diện vì đã thành công lần thứ hai trong năm 2011 trong việc tổ chức một xe buýt để đi … biểu tình.

Khoảng 7 giờ ngày 1.10.2011, mọi người đã tề tựu ở điểm hẹn với đầy đủ “dụng cụ hành nghề” gồm đủ cờ vàng, giá cờ, biểu ngữ đủ loại và thức ăn, nước. Dự báo thời tiết hứa hẹn một ngày rực nắng và ấm áp gần 25°C, nhưng vào buổi sáng sớm nhiệt độ se lạnh, vừa nhích lên được trên 10°, khiến ai cũng phải mặc áo ấm. Tranh thủ thì giờ chờ xe, các chị đã chuẩn bị những phần bánh mì và xôi cho gần 40 người tham dự.

Vượt gần 300 cây số xa lộ, đoàn đến địa điểm biểu tình, Quảng trường Alexanderplatz, trước giờ khai mạc gần một tiếng. Ban tổ chức gồm Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản Tại CHLB Đức và Ủy Ban Điều Hợp Công Tác Đấu Tranh Tại CHLBĐ đã có mặt trước đó và đã treo một số cờ để mọi người dễ nhìn thấy từ xa và khỏi chìm trong dòng người tấp nập tại khu trung tâm thủ đô nước Đức vào buổi sáng thứ Bảy đầu thu quá đẹp và ấm này.

Đoàn Hamburg lập tức đã cùng mọi người có mặt ở đó giương cờ và biểu ngữ. Nữ ký giả Trâm Oanh đã tranh thủ thực hiện ngay vài cuộc phỏng vấn đối với vài người trong đoàn Hamburg. Đặc biệt chị Vũ Thị Khiếu đã nhấn mạnh đến sự cấm đoán và đàn áp của ĐCSVN đối với người yêu nước biểu tình chống Trung cộng xâm lược; chị nhắn nhủ rằng người trong nước sẽ không cô đơn vì có sự hưởng ứng của người Việt hải ngoại trong việc bảo vệ đất nước trước hiểm họa xâm lăng từ phương Bắc.

Đúng 12 giờ, ông Trịnh Đỗ Tôn Vinh đã đại diện BTC khai mạc cuộc biểu tình bằng hai ngôn ngữ Việt và Đức, sau nghi lễ chào cờ Đức – Việt và phút mặc niệm tưởng nhớ đến những người Việt Nam đã hy sinh trong công cuộc cứu nước và giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ. Ông tuyên bố lý do buổi sinh hoạt kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ tại ba địa điểm, nhắc nhở hiểm họa mất nước với sự cúi đầu của tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN đang thờ 16 chữ vàng và 4 tốt do quan thầy TC ban cho. Ông cũng nói lên sự cương quyết không làm ngơ của tập thể người Việt HN để ĐCSVN bán đất đai Tổ Tiên để lại cho quân xâm lăng phương Bắc.

Mọi người đã cùng ông TĐTVinh đã cùng mọi người hô vang những khẩu hiệu song ngữ “Đả đảo TC”, “Đả đảo tay sai CSVN”, “TC cút khỏi lãnh thổ Việt Nam”, “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, “Tự do và nhân quyền cho Việt Nam” …. Ngưòi ta trông thấy vô số biểu ngữ bằng cả 3 thứ tiếng Việt – Anh – Đức như “CSVN hèn với giặc, ác với dân”, “Tàu cộng: hiểm họa cho hòa bình thế giới, Việt cộng: phản quốc hèn hạ”, “Đả đảo TC xâm lăng lãnh hải Việt Nam”, “Tẩy chay hàng hóa TC”, “Hủy bỏ công hàm bán nước Phạm Văn Đồng”.

Song song với những biểu ngữ lớn nhỏ, vải – giấy là những tấm hình “công an đạp mặt người yêu nước”, hình linh mục Nguyễn Văn Lý bị bịt miệng trước tòa án Huế ngày 31.1.2007, hình lưỡi bò tham lam của TC bị kéo cắt, hình ảnh ngư dân bị cướp bị bắt, bị giết … cũng được triển lãm tại chỗ.

Lúc bắt đầu, số người tham dự đứng thành một vòng tròn đã lên đến trên 200, trong đó có sự góp mặt của không ít những khuôn mặt trẻ. Cờ vàng một góc quảng trường, biểu ngữ đủ loại căng đầy một góc phố, tiếng hô và tiếng loa vang một khoảng trời Bá Linh trong ánh nắng rực rỡ tưởng chừng như trong mùa hè. Bên cạnh những bài diễn văn của BTC và đại diện các hội đoàn, trong đó có ông hội phó nội vụ Nguyễn Đình Phúc đại diện cho Hội Người Việt Tị Nạn Cộng Sản Tại Hamburg, những lời kêu gọi, giải thích hướng về quần chúng Đức cũng được phát lên rất chuẩn, gây chú ý cho nhiều khách qua đường. Một du khách đến từ Hoa Kỳ, đồng thời là một cựu chiến binh đã từng tham chiến tại Việt Nam vào hai năm 1968 và 1969 đã ghé lại hỏi thăm lý do cuộc biểu tình và được một học sinh Việt Nam giải thích tường tận. Tương tự, một viên sĩ quan cảnh sát giữ an ninh cho đoàn biểu tình cũng đã cám ơn người thanh niên giúp ông hiểu rõ mục đích buổi sinh hoạt của người Việt tự do hôm 1.10 đó.

Về mặt kỹ thuật, đặc biệt BTC đã cho một chùm bong bóng bay đen đủi kéo tấm biểu ngữ to bằng vải lên cao với hàng chữ: “Stopp Chinas Invasion in Vietnam” (Hãy chấm dứt sự xâm lược Việt Nam) để người ở xa có thể nhìn thấy rõ ràng. Nhóm “phóng viên Paltalk” của phòng “Diễn đàn tiếng nói tự do của người dân Việt Nam” đã liên tục nối mạng suốt buổi biểu tình để cung cấp hình ảnh và âm thanh nóng hổi đến người quan tâm trên toàn thế giới.
Nhân chuyến công du của bà thủ tướng Đức Angela Merkel, một kiến nghị thư đã được đại diện BTC thảo ra và một số thanh niên đã thu thập chữ ký tại chỗ. Petition yêu cầu bà Merkel đề cập đến vấn đề buộc ĐCSVN phải tôn trọng nhân quyền và những văn bản quốc tế mà họ đã đặt bút ký kết nhưng chưa bao giờ tỏ ra tôn trọng.

Sau hơn một giờ sinh hoạt, đoàn đã được cảnh sát hướng dẫn tuần hành đến đại sứ quán Trung cộng trên đoạn đường dài 700 thước. Lúc này con số tham dự đã lên hơn 300 người. Đoàn người vừa đi vừa phất cờ, hô vang những khẩu hiệu. Nhiều xe người bản xứ đi đường đã nhấn còi phụ họa, biểu đồng tình. Nhiều người khác đứng lại, dừng xe đạp để đọc những hàng chữ trên biểu ngữ.

Trên chiếc cầu bắc ngang dòng sông Spree, đối diện tòa nhà ĐSQ TC, BTC lại chỉnh đốn cờ, biểu ngữ để tiếp tục phần hai của buổi sinh hoạt kéo dài hơn một giờ đồng hồ. Cửa ĐSQ đóng kín, im lìm không một bóng nhân viên.
Những bài diễn văn ngắn của đại diện BTC và hội đoàn tập trung vào nội dung đòi TC trả lại HSTS và chấm dứt ý đồ xâm lăng Việt Nam. Lúc này ánh nắng gay gắt của một bầu trời không một gợn mây trên cầu bê tông không một bóng cây đã khiến mọi người mồ hôi ròng ròng. Làn gió mát từ lòng sông đưa lên không đủ làm dịu cái nóng tỏa ra từ mặt đường và khối bê tông.

Gần 3 giờ chiều, đoàn người thu dọn nhanh “hành lý” để di chuyển gần 4 km đến ĐSQ CSVN ở khu Treptow. Lúc 16, trước sứ quán CSVN là phần biểu tình tố cáo tội ác bán nước cho quan thầy TC của tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN khởi đi từ công hàm Phạm Văn Đồng 1958, đến Hiệp ước biên giới Việt-Trung năm 1999, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Việt năm 2000, cũng như tội ác trấn áp người dân yêu nước tại Việt Nam khi xuống đường biểu tình chống lại những hành vi ngang ngược của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Hải quân TC đã tiến vào lãnh hải Việt Nam để hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2 và Viking 2, ngang nhiên cấm ngư dân Việt Nam đánh cá 3 tháng mỗi năm trên vùng biển Việt Nam cũng như thường xuyên bắt, giết, đánh đập ngư dân Việt Nam.

“Hôm nay chúng ta tụ tập trước cái tòa nhà đại diện cho tập đoàn lãnh đạp CSVN này để phản đối và lên án cái công hàm bán nước Phạm văn đồng 1958 và nghiêm khắc lên án hành vi bán nước và thái độ hèn với giặc, ác với dân của tập đoàn lãnh đạo CSVN hiện nay.

Đứng trước hiểm họa xâm lăng của giặc Tàu phương Bắc, chỉ có sức mạnh của toàn dân mới có thể chống chọi hiệu quả. Muốn huy động được sức mạnh của toàn dân thì đất nước phải có tự do dân chủ, và như vậy thì chế độ độc tài đảng trị CSVN hiện nay phải bị gỡ bỏ”. Đó là lời nhắn nhủ của BTC đến đồng bào tham dự.

17 giờ 30, trước khi kết thúc một ngày sinh hoạt ngoài trời rất có ý nghĩa, cụ Nguyễn Đình Tâm, một nhân sĩ đã gần 90 tuổi, người đã gắn bó với những sinh hoạt cộng đồng tại nước Đức suốt hơn một phần tư thế kỷ đã cầm mic chia xẻ những tâm tư cháy bỏng trong lòng Cụ về hiện tình đất nước. Với chất giọng còn mạnh mẽ, Cụ hát bài “Việt Nam minh châu trời Đông” để trải lòng mình với đoàn người từ khắp nơi trên nước Đức tụ về Berlin như München, Nürnberg, Ludwigshafen, Frankfurt, Krefeld, Köln, Saarbrücken, Hannover, Bremen, Hamburg… Ai nấy đều tỏ ra xúc động trong tràng pháo tay vang dội.

Cuộc biểu tình chấm dứt vào lúc 17 giờ 30 trong những cái bắt tay nồng ấm của mọi người và những lời hứa hẹn gặp nhau trong lần biểu tình tới.

Trong xe, trước khi về đến Hamburg và chia tay, anh Phạm Công Hoàng cũng đã nói những lời tâm tình khá “ướt át” đến bà con tham dự khiến mọi người xúc động và tặng lại anh những tràng pháo tay dòn dã. Ông Hồ Bửu Hiệp kết thúc một ngày dài và rất có ý nghĩa bằng lời cảm ơn mọi người đã hy sinh trọn một ngày. Ông thông báo về buổi lễ tưởng niệm và lễ Trung Thu vào ngày 15.10 sắp đến, cũng như hẹn lại buổi biểu tình vào ngày Quốc Tế Nhân Quyền năm nay vào ngày 10.12 tại Hamburg, Berlin hoặc Frankfurt.

.
.
.

No comments: