THẾ DŨNG thực hiện
Thứ Tư, 01/06/2011 06:51
Đó là nhận định của TS Nguyễn Toàn Thắng, giảng viên Khoa Luật Quốc tế, ĐH Luật Hà Nội, người đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về Luật Biển tại Trường ĐH Tự do Brussels - Bỉ
. Phóng viên: Thưa ông, từ góc độ pháp lý, ông đánh giá như thế nào về việc 3 tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam?
- TS Nguyễn Toàn Thắng: Việt Nam và Trung Quốc là thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc (công ước) nên cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của công ước. Điều 57 của công ước quy định mỗi quốc gia ven biển đều có quyền xác định vùng đặc quyền kinh tế với chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Bên cạnh đó, điều 76 của công ước quy định mỗi quốc gia có một thềm lục địa với chiều rộng không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở.
Từ điểm A8 (một trong 11 điểm đường cơ sở) - mũi Đại Lãnh (Phú Yên) ra 120 hải lý, nơi tàu hải giám Trung Quốc gây hấn nằm trọn vẹn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà Việt Nam có quyền chủ quyền và các nước phải tôn trọng. Hành vi của tàu hải giám Trung Quốc là vi phạm các quy định của công ước và các nghĩa vụ thành viên của công ước.
. Phóng viên: Phải chăng Trung Quốc muốn biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thành vùng tranh chấp?
- TS Nguyễn Toàn Thắng: Những hành động vừa qua cho thấy Trung Quốc đang thực hiện mục đích biến biển Đông thành vùng tranh chấp. Trung Quốc muốn tạo cho dư luận hiểu rằng đang tồn tại một vùng tranh chấp, chồng lấn giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là chiến lược củng cố cho lập luận “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trước nguy cơ này, Việt Nam cần thể hiện rõ quan điểm một cách kiên quyết và nhất quán trong việc không bao giờ tồn tại vùng tranh chấp và chồng lấn.
. Phóng viên: Có đủ chế tài xử lý 3 tàu hải giám Trung Quốc không?
- TS Nguyễn Toàn Thắng: Hành vi của tàu hải giám Trung Quốc là vi phạm các quy định của công ước nên có thể sử dụng quy chế theo công ước. Cụ thể, điều 287 của công ước cho phép các quốc gia lựa chọn các cơ quan giải quyết tranh chấp gồm Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án Luật Biển quốc tế, Hội đồng Trọng tài thành lập phù hợp với phụ lục 7 của công ước và Hội đồng Trọng tài đặc biệt phù hợp với phụ lục 8 của công ước.
Việt Nam có thể chọn phương án đơn phương đưa vụ việc ra Hội đồng Trọng tài. Sau đó, Hội đồng Trọng tài sẽ căn cứ vào các quy định của luật pháp quốc tế và công ước để đưa ra phán quyết về trách nhiệm của Trung Quốc.
Từ trước đến nay, Việt Nam chưa đưa bất cứ tranh chấp nào ra cơ quan tài phán quốc tế mà thường giải quyết thông qua con đường ngoại giao nhưng vụ việc này có thể là điểm khởi đầu để tạo ra tiền lệ cho mai sau.
. Phóng viên: Câu chuyện tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có thể tái diễn ở các quốc gia khác trong ASEAN vì “người khổng lồ” này lộ rõ âm mưu biến biển Đông thành “ao nhà”. Vậy các quốc gia trong khối ASEAN cần phải làm gì?
- TS Nguyễn Toàn Thắng: Hành động vừa qua của 3 tàu hải giám Trung Quốc hoàn toàn có thể tái diễn ở các quốc gia khác trong ASEAN vì “đường lưỡi bò” không chỉ liên quan đến Việt Nam mà còn liên quan đến tất cả các quốc gia trong khu vực. Có điều Trung Quốc sẽ không làm ngay một lúc ở nhiều quốc gia vì “bước tiến” của họ là luôn tiến hành một cách song phương, chia rẽ ASEAN để thực hiện mưu đồ.
Do vậy, ASEAN cần sử dụng hiệu quả nhất cơ chế và tiếng nói chung của hiệp hội này. Đây là vấn đề của tất cả các nước thành viên ASEAN và các nước trong tổ chức này cần sử dụng triệt để các diễn đàn quốc tế. Tiếp đó, sử dụng cơ chế của Liên Hiệp Quốc để các quốc gia trên thế giới nắm được tình hình biển Đông hiện nay, biết rõ sự leo thang của Trung Quốc.
THẾ DŨNG thực hiện
.
.
.
No comments:
Post a Comment