Sunday, August 1, 2010

MỤC ĐÍCH CUỘC TẬP TRÂN CỦA HẢI QUÂN TRUNG QUỐC

Mục đích cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc

Việt Hà, phóng viên RFA

2010-07-30

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/China-conducted-naval-exercise-VHa-07302010130643.html

Trung quốc vừa tiến hành một cuộc tập trận trên biển. Cuộc tập trận này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ chính thức lên tiếng về mối quan tâm và lợi ích của Mỹ trên biển Đông tại hội nghị cấp vùng Asean hôm 23 tháng 7 tại Hà nội.

.

Phô trương sức mạnh

Cuộc tập trận này của Trung quốc diễn ra vào khoảng thời gian tế nhị này có ý nghĩa gì? Việt Hà phỏng vấn giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc, trường đại học New South Wales, chuyên gia châu Á về vấn đề này.

Trước hết giáo sư Carl Thayer nói về cuộc tập trận mới này như sau:

Đây là cuộc tập trận lớn chính yếu thứ 3 của hải quân Trung quốc trên biển Đông hải và Nam hải hay còn gọi là biển Đông Việt nam kể từ tháng 3 năm nay. Thời gian của cuộc tập trận chỉ diễn ra 2 hay 3 ngày sau bài phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton về biển Đông, cho nên nó có nghĩa là cuộc tập trận đã được lên kế hoạch từ trước. Trung quốc đang trình diễn cái gọi là tự vệ ngoài biển xa, kết hợp cuộc tập trận tháng 3 và tháng 4 với nhau, kết hợp hạm đội Bắc và Nam.

Cuộc tập trận thứ hai của Trung quốc là xâm nhập vào biển Đông. Còn vị trí chính xác của cuộc tập trận hiện tại hiện vẫn chưa được biết rõ, có lẽ là cũng trên cùng khu vực tương tự như cuộc tập trận trước đi qua phần phía bắc của Philippines. Nó cho thấy khả năng vươn xa chiến lược của hải quân Trung quốc đối với sức mạnh của hải quân Hoa kỳ kể từ thời kỳ giữa những năm 1990 liên quan đến Đài loan. Cuộc tập trận này là một phần trong một loạt các cuộc tập trận mà Trung quốc muốn cho thế giới thấy khả năng trên biển của mình và rằng Trung quốc có khả năng quốc phòng đi đôi với phát triển kinh tế.

Việt Hà: Theo ông liệu các nước khác trong khu vực và Hoa Kỳ có biết trước được về cuộc tập trận này của Trung quốc hay không ?

Carl Thayer: Đây là một cuộc tập trận chưa từng có về mức độ. Họ kết hợp hai hạm đội, họ có thêm yếu tố không quân, họ thực hiện trên vùng biển quốc tế nên không một nước nào có thể phàn nàn về điều này cả nhưng câu hỏi là tại sao trong một thời kỳ mà Trung quốc đang cố gắng đưa ra cái gọi là không có ai chịu thiệt thì tại sao Trung quốc không có một sự minh bạch ở đây bằng cách thông báo trước cho các nước khác biết về cuộc tập trận hoặc mời các nước khác gửi người đến quan sát.

Việt Hà: Vậy cuộc tập trận này có đưa ra một mối đe dọa nào về an ninh đối với các nước trong khu vực không?

Carl Thayer: Cuộc tập trận có đưa ra một sự lo ngại về tâm lý vì nó cho thấy khả năng chống tàu ngầm của Trung quốc, khả năng về hải quân của Trung quốc. Báo chí Trung quốc cho thấy những hình ảnh hỏa tiễn được bắn ra và người bình thường mà nhìn thì cũng thấy sợ. Rồi một số lượng tàu chiến cũng tham gia tập trận. Chúng ta tham gia một trò chơi tuyên truyền mà ở đó Trung quốc đang cố gắng gây một ấn tượng rằng khả năng quốc phòng của Trung quốc có thể đương đầu được với Hoa kỳ. Những cuộc tập trận lặp đi lặp lại liên tiếp đã khiến các nước Đông nam á phải chú ý đến giới hạn mà họ có trong việc chỉ trích cũng như chống lại Trung quốc.

Các nước quan ngại

Việt Hà: Các nước trong khu vực và Hoa kỳ liệu có phải lo ngại về một khả năng đụng độ quân sự trên biển Đông sắp tới?

Carl Thayer: Tôi không thấy bất cứ nước nào kể cả Trung quốc có lợi gì khi gây hấn trên biển Đông. Hình ảnh của Trung quốc sẽ bị ảnh hưởng và nước này cũng có lệ thuộc vào giao thông trên biển, khi xảy ra xung đột, cước phí vận chuyển trên biển tăng rất đáng kể và có thể dẫn đến việc ngưng các tàu chở dầu trong một thời gian. Điều này sẽ ảnh hưởng đến một loạt các nước khác, cho nên xung đột như vậy là quá nghiêm trọng và chúng ta chưa thấy điều này xảy ra trên biển Đông. Sự ầm ĩ này là của Trung quốc khi nước này thiết lập căn cứ hải quân ở đảo Hải nam và nó hậu thuẫn cho cái mà người ta gọi là sự đe dọa.

Trung quốc cũng sử dụng sức mạnh quốc gia để hậu thuẫn cho những đòi hỏi về chủ quyền. Đơn giản là nước này đang chơi trò đuổi bắt về lực lượng hải quân với Mỹ. Điều nghiêm trọng nhất là nếu Mỹ vẫn tiếp tục viện dẫn luật quốc tế của mình và vùng đặc quyền kinh tế của Trung quốc, và Trung quốc thông qua luật nói rằng đó là vi phạm luật pháp và muốn đối đầu với Mỹ thì tất nhiên một khả năng về đụng độ quân sự giữa hai nước là có thể. Nhưng tôi không nghĩ đụng độ với các nước khác trong khu vực tại thời điểm này là không có, tôi không muốn nói là không bao giờ nhưng không phải lúc này khi các nước vẫn đang cố gắng hợp tác.

Việt Hà: Theo ông, liệu các nước trong khu vực có phải lo ngại về cuộc tập trận mà Trung quốc thực hiện vào thời điểm này hay không?

Carl Thayer: Quan ngại đó là điều tôi muốn nói, và Hoa Kỳ thì ghi nhận về khả năng của Trung quốc. Mỗi nước trong khu vực Đông nam Á có lệ thuộc vào biển trong việc nhập khẩu các hàng hóa và tài nguyên quan trọng hay các nước nhỏ trong khu vực sẽ phải tự hỏi là liệu an ninh của họ có bị đe dọa hay không trước sự phát triển về khả năng quốc phòng này của Trung quốc, và giải pháp là gì.

Có nước thì tự giúp mình bằng cách tự xây dựng lực lượng phòng vệ cho mình và điều này thì khá tốn kém, có nước thì mời cường quốc bên ngoài vào giúp mình như Mỹ chẳng hạn. Chúng ta thấy Singapore là nước có lực lượng mạnh và họ cũng khuyến khích Mỹ ở lại là đối tác chiến lược của họ. Đó chính là những phản ứng của các nước do chính Trung quốc gây nên, và khi mối quan ngại được đặt ra thì chúng ta thấy là Việt nam dù một mặt nói chuyện hòa bình, hợp tác phát triển, mặt khác vẫn mua tàu ngầm của Nga.

Việt Hà: Xin ông cho biết cuộc tập trận này diễn ra bao lâu và so với các cuộc tập trận khác của Trung quốc trên biển thế nào?

Carl Thayer: Tôi cũng không rõ về thời gian, có thể nó đã kết thúc ngay trong lúc chúng ta đang nói chuyện. Nhưng rõ ràng đây là một ví dụ của sự không minh bạch từ phía Trung quốc vì thật bất ngờ Trung quốc tiến hành tập trận trên biển. Những cuộc tập trận trong quá khứ có thể kéo dài đến một tuần.

Trong các cuộc tập trận khác thì họ đã dùng có khi đến 10 tàu chiến. Tôi không rõ lắm về các cuộc tập trận khác họ có dùng tàu khu trục mà họ mua của Nga rồi tàu ngầm, máy bay, nói chung là đồng loạt. Còn đây là cuộc tập trận phòng vệ để cho thấy họ có thể bảo vệ tàu của họ khỏi các cuộc oanh kích, bắn tên lửa chống tàu, khả năng chống tàu ngầm, mục đích là để chỉ cho thấy Trung quốc có sức mạnh hải quân hiện đại và có khả năng quân sự.

Việt Hà : Xin cảm ơn ông đã dành cho đài chúng tôi buổi phỏng vấn.

.

Theo dòng thời sự:

Hy vọng mới cho vấn đề biển Đông

Hà Nội để mắt tới quân bài Asean trên biển Đông

Căng thẳng trên biển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (phần 1)

Căng thẳng trên biển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương (phần 2)

ASEAN muốn duy trì lập trường tập thể trong vấn đề Biển Đông

Mỹ thách thức Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông?

Trung Quốc: một vấn đề quan trọng với các chính trị gia

Cuộc khủng hoảng ở Bán Đảo Triều Tiên

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

Trung Quốc khẳng định chủ quyền sau cuộc tập trận ở Biển Đông

Tú Anh

Thứ bảy 31 Tháng Bẩy 2010

http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100731-trung-quoc-khang-dinh-chu-quyen-sau-cuoc-tap-tran-tai-bien-dong

Bắc Kinh lại có thêm một động thái thách thức Hoa kỳ và Việt Nam. Sau khi tiến hành một cuộc tập trận bằng đạn thật trên vùng biển đảo tranh chấp với Việt Nam, Bộ Quốc phòng Trung Quốc một lần nữa tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, mà họ gọi là Nam Hải cũng như các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Phản ứng của chính giới Mỹ trong những ngày gần đây cho thấy là Hoa Kỳ không chấp nhận thái độ bá quyền của Bắc Kinh.

Theo bản tin của hảng thông tấn công giáo AsiaNews.it thì ngày hôm qua, phát ngôn viên bộ quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh tuyên bố rằng : « Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi được tại biển Nam Hải cũng như có đủ chứng cớ lịch sử và pháp lý » khẳng định chủ quyền.

Lời tuyên bố của viên sĩ quan cao cấp này được loan tải vào lúc hải quân Trung Quốc huy động ba hạm đội thực tập tác chiến trên biển, tấn công từ xa, và chống chiến đấu cơ của đối phương.

Theo giới phân tích, động thái quân sự này nhằm phản ứng lại một cuộc tập trận của Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong vùng biển Nhật Bản theo kịch bản đề phòng Bắc Triều Tiên, nhưng thực tế là một tín hiệu cảnh báo Trung Quốc. Mặc khác, Trung Quốc cũng muốn biểu dương sức mạnh quân sự trên vùng biển khơi để khuyến cáo Việt Nam và những quốc gia Đông Nam Á khác tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.

Hàng năm, hải quân Trung quốc có thông lệ thao diễn quân sự để ghi dấu ngày thành lập quân đội 1 tháng 8. Tuy nhiên, cuộc tập trận năm nay mang hình thức khác thường vì đặt dưới sự chứng kiến và giám sát của hai nhân vật chủ chốt là tướng Trần Bĩnh Đức, tổng tham mưu trưởng quân đội và tướng Ngô Sinh Lợi, tư lệnh hải quân, cả hai đều là ủy viên Quân ủy trung ương, một cơ quan đầy quyền lực theo lối tổ chức trong chế độ chuyên chế của Trung Quốc.

Theo AsiaNews, sự hiện diện của ba soái hạm tham gia tập trận cho thấy quy mô của chiến dịch. Tuy Trung Quốc không công bố thông tin chi tiết, giới phân tích nói rằng các soái hạm này chắc chắn là đến cận khu vực nhiều dầu khí Hoàng Sa và Trường Sa . Qua cuộc tập trận này, giới lãnh đạo Bắc Kinh muốn phô trương thanh thế về khả năng đương đầu với các hạm đội Mỹ hùng mạnh hơn.

Tham vọng không che dấu của Trung Quốc đã làm cho các nước trong khu vực ráo riết chạy đua vũ trang. Việt Nam ở tuyến đầu, bị Trung Quốc hai lần dùng vũ lực chiếm đảo với trận Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988, đã đặt mua hàng loạt tàu ngầm và chiến đấu cơ của Nga. Đầu tuần này, khi tiếp bộ trưởng quốc phòng Pháp Hervé Morin, Hà Nội đưa ra một danh sách dài về nhu cầu quân sự và thiết tha kêu gọi Pháp trợ giúp hiện đại hóa quân đội.

Nhưng sự kiện được chú ý nhất, là nhân hội nghị an ninh khu vực hồi tuần trước tại Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định là Hoa Kỳ không chấp nhận để một nước nào sử dụng vũ lực tại biển Đông, con đường huyết mạch của giao thông quốc tế, và là « quyền lợi thiết thân của Hoa Kỳ ». Hoa Kỳ còn chính thức mời lãnh đạo các nước Asean sang Mỹ họp thượng đỉnh.

Theo các nhà phân tích, thì thái độ độc tôn của Trung Quốc, cái gì của tôi là của tôi, cái gì của anh thì tôi chia phần lớn, sẽ làm cho Đông Nam Á và Hoa Kỳ hợp tác chặt chẽ hơn.

Nếu không, thì làm thế nào để Việt Nam có thể bảo vệ được tài nguyên ở Biển Đông từ dầu khí đến hải sản. Theo Asia News, nhiều thẩm định cho biết dầu hỏa tại khu vực này dồi dào hơn cả Iran, còn trữ lượng khí đốt nhiều hơn Ả Rập Xê Út.

.

.

.

No comments: