Sunday, August 1, 2010

CHÚNG TA TẠO RA TỘI ÁC MANG GƯƠNG MẶT NHỮNG ĐỨA TRẺ

Chúng ta "tạo ra" tội ác mang gương mặt những đứa trẻ?

Kim Dung

1-8-2010

http://tuanvietnam.net/2010-07-30-chung-ta-tao-ra-toi-ac-mang-guong-mat-nhung-dua-tre-

Chắc chắn, My "sói" và đồng bọn sẽ bị pháp luật truy tố và xử lý. Nhưng xã hội người lớn chúng ta- "tạo ra" tội ác mang gương mặt những đứa trẻ như My "sói", thì ai sẽ truy tố?

.

Chuyện "thường ngày" ở xã hội

Không còn quá sốc nữa, bây giờ, mỗi lần đọc trên báo chí thông tin các vụ bạo lực của trẻ em. Bởi bây giờ, tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, bạo hành trẻ thơ, thật cay đắng, dường như là chuyện "thường ngày" của xã hội chúng ta. Thế nhưng, sau vụ clip các nữ sinh một trường THPT ngang nhiên đánh "hội đồng" một nữ sinh khác, mà không một ai can thiệp, được tung lên mạng còn chưa bao lâu, thì một vụ tội ác mới đây vừa được khám phá lại khiến tất cả chúng ta, những người làm cha làm mẹ, không thể không dằn vặt, day dứt.

Một nhóm tội phạm 8 tên, trong đó có 6 đứa tuổi dưới 18, nhưng đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng- hiếp dâm trẻ em, cưỡng đoạt tài sản và cướp tài sản. Đáng chú ý, cầm đầu băng tội phạm là một đứa bé gái, mới 14 tuổi đầu, cái tuổi của trẻ con, ăn chưa no, lo chưa tới, còn thích làm nũng cha mẹ, biệt danh My "sói", và "người yêu" của nó mới 18 tuổi, tên là Trịnh Thăng Long.

Theo VNN (ngày 26-6-2010): "Khi My "sói" chỉ cần hô "làm luật", thì cả bọn sẽ xông vào nạn nhân để đánh đập, doạ nạt, cưỡng đoạt tài sản và bắt các cô gái phải cởi đồ để cả bọn thực hiện hành vi bi ổi, trong lúc Long là kẻ cầm điện thoại ghi lại hình ảnh đó. Và nếu cô gái nào không vâng lời sẽ bị doạ đưa đoạn clip lên mạng internet".

Nạn nhân gần đây nhất là cháu L (15 tuổi), đã bị bọn chúng hiếp dâm tập thể trong một nhà nghỉ. Sau đó, chúng còn lấy đi chiếc xe máy Attila màu vàng cùng điện thoại của L. Thủ đoạn của bọn chúng không có gì mới mẻ: My "Sói" thường hay lên mạng lấy những nick chat là tên con trai rồi tán tỉnh, dụ các cô gái trẻ đi chơi. Khi đã có số điện thoại và hình ảnh của các "con mồi", My "sói" đưa hình cho đồng bọn nhận dạng rồi chỉ định một tên con trai đến điểm hẹn, trong khi những tên khác đứng cách đó không xa, sẵn sàng hỗ trợ.

Có điều khác biệt, lần này, nạn nhân bị My "sói" cho vào tròng, không phải ai xa lạ, mà là L- một cô bé bạn học cùng trường, nhưng lại bị My "sói" căm ghét nhất. "Ngay sau đó, cả bọn thay nhau giữ tay và hãm hiếp nạn nhân, trong khi Long, người yêu My "sói" cặm cụi ghi lại mọi hình ảnh từ khi nạn nhân bị ép cởi đồ"...Được biết, còn có 2 cô gái khác cũng là nạn nhân của bọn này. Và hiện nay, cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.

Một điều trùng hợp ngẫu nhiên. Mới đây, sáng ngày 28-7, Bộ GD và ĐT tổ chức hội thảo về phòng ngừa từ xa tình trạng học sinh đánh nhau. Theo thống kê của Bộ, từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 1. 600 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài trường học, tính bình quân, cứ 5 ngày/ vụ. Không biết, vụ My "sói" có được nhắc đến tại hội thảo không, trong số hàng nghìn vụ đánh nhau được thống kê. Chắc là không, bởi hành vi tội ác của nhóm My "sói", dù trong lứa tuổi học đường, nhưng không thuộc phạm vi xử lý của ngành.

Dù vậy, ngành GD có vô can không? Câu trả lời là không. Vì My "sói" và đồng bọn cũng từng đi học, từng chịu sự dạy dỗ của trường học, với những bài học làm người. Vậy mà ra đời, nó lại có biệt danh hung dữ- "sói".

Nhưng nếu theo dõi hội thảo, rất tiếc phải nói rằng, hội thảo này nếu diễn ra hàng chục năm trước đây, hoặc hàng chục năm sau này, cũng vẫn thế, không giải quyết được gì, ngoài cách làm hình thức, giải pháp hình thức, và hứa hẹn cùng nhau cũng...hình thức nốt. Nhất là khi hội thảo tiếp tục hô hào khẩu hiệu: "Nói không với hiện tượng học sinh đánh nhau"(!). Nhưng học sinh có chấp nhận nói "không" hay không thì lại là chuyện khác.

Đương nhiên, khi xảy ra một vụ tội phạm còn vị thành niên, người lớn chúng ta và báo chí lại tiếp tục tay dao tay kéo mổ xẻ, tìm nguyên nhân. Và bài ca 3 môi trường bị "ô nhiễm" lại cất lên điệp khúc buồn bã muôn thuở: Nhà trường đổ lỗi gia đình. Gia đình đổ lỗi xã hội. Xã hội đổ lỗi nhà trường. Cái vòng đổ lỗi liên hoàn cứ luẩn quẩn loanh quanh, trong khi, tội phạm vị thành niên, bạo lực học đường ở giữa vòng vây đó vẫn tiếp tục hoành hành với gương mặt non choẹt, thậm chí vô cùng ngây thơ. Như gương mặt My "sói" là một ví dụ.

Vậy nhưng tin chắc rằng, rất ít người trong chúng ta, thành thật suy nghĩ để thú nhận, chính người lớn chúng ta mới là thủ phạm trong vụ My "sói", và hàng trăm vụ án tội phạm vị thành niên khác.

.

My "sói" và người lớn chúng ta

Thật kinh sợ và rùng mình trước sự vô cảm của My "sói", một đứa bé gái mặt non choẹt, khi nó thản nhiên chỉ huy, thản nhiên chứng kiến sự hành hạ ghê tởm của đồng bọn với cô bé bạn nó, chỉ vì bị nó "ghét cay ghét đắng". Rùng mình và kinh sợ trước sự vô cảm của thằng Long, người yêu My "sói" thản nhiên dùng điện thoại di động quay mọi hình ảnh cô bé L bị đồng bọn thay nhau làm nhục.

Nhưng người lớn chúng ta có vô cảm không? Thực ra, người lớn chúng ta vô cảm hơn rất nhiều. Vô cảm từ trong gia đình...

Chẳng hạn như bố mẹ My "sói". Bố mẹ My "sói" chia tay từ khi nó chưa tròn một tuổi. Đến khi hai người đều lập gia đình riêng và có em bé thì gần như cuộc sống của My "sói" bị phó mặc cho ông bà ngoại nuôi nấng. Năm 11 tuổi, ông bà mất, My "sói" trở nên bơ vơ rồi bắt đầu làm quen với các đại ca đường phố.

Con đường tội lỗi của My "sói" trượt dài từ đây...

Thế nhưng, trước khi bị bắt ít ngày, trên blog của My "sói", người ta đọc được những dòng chữ, mà đọc kỹ vẫn thấy xót xa. Đó là tâm trạng cay đắng, bơ vơ của một đứa trẻ hư không biết bấu víu vào đâu để được sưởi ấm, vì cuộc đời này hình như từ lâu đã tàn lạnh với tâm hồn trẻ thơ của nó.

Bài viết của blog mang tựa đề Con rối (ngày 14/7): "Tại sao. Tình yêu, con đường tao đi. Những gì tao muốn. Tao lại mất tất cả thế này. Trắng tay, đắng cay, phắn ngay...Lúc này tao đang rất là đau khổ. Giờ đây tao muốn quay lại ngày xưa. Giờ đây tao muốn chết. Tao cần được bình yên, tao muốn được nâng niu, tao ghét phải khóc. Nhưng giờ đây nước mắt tao đã rơi quá nhiều. Tao... tao không thể không khóc... Tao sẽ vô cảm như 1 con rối... Đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở".

...Và sự vô cảm diễn ra trong đời sống xã hội còn sâu sắc hơn rất nhiều, lạnh lùng hơn rất nhiều. Vì mục đích kiếm tiền, sự vô cảm của người lớn diễn ra ngay tại các quán Internet, nơi bọn trẻ chúi đầu quên ăn quên ngủ, học những bài học bạo lực, trụy lạc đầu tiên qua các game online. Đó là cây cầu ảo bắc cho đứa trẻ bước vào tội ác thật. Chính My "sói" và đồng bọn chẳng khởi đầu hành trình vào tội ác từ một quán net đó sao?

Sự vô cảm của người lớn, còn đối với ngay cả những đứa trẻ ngoan. Đó là những đứa trẻ bên sông Pôkô, cổ đeo khăn quàng đỏ, cặp sách trên vai, nét mặt căng thẳng vì phải ngày ngày treo mình, đu dây sang bên kia sông đi học. Trên cái dây cáp vô tình đó, cái chết vô nghĩa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu sơ sểnh. Tại sao sự vô cảm của người lớn chúng ta với những đứa trẻ vô tội lại tự nhiên như khí thở vậy?

My "sói" và đồng bọn có cuộc sống hoang dã, đồi bại, khi chúng chứng kiến và thay nhau cưỡng bức nạn nhân là học sinh mới 15 tuổi. Nhưng người lớn chúng ta còn đồi bại hơn nhiều. Một hiệu trưởng trường học Sầm Đức Sương (Hà Giang) cưỡng dâm chính 2 học sinh của mình, bắt các em vào con đường mại dâm, và tổ chức mại dâm, bán dâm cho người lớn, trong đó có cả ông Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trường Tô, và không ít các quan chức cốt cán của tỉnh.

My "sói" cùng đồng bọn tổ chức ăn cắp, cưỡng đoạt tài sản của nạn nhân sau khi đã thay nhau làm nhục nhân phẩm và thân xác nạn nhân. Nhưng người lớn chúng ta còn ăn cắp trắng trợn hơn, với quy mô lớn, và tài sản ăn cắp còn kinh hoàng hơn, mà có khi lại vẫn nói chuyện nhân phẩm. Thông qua việc rút ruột ngay các công trình mang ý nghĩa chiến thắng thiêng liêng của dân tộc (Điện Biên Phủ), nhân danh những dự án PMU 18, những công trình Đại lộ Đông- Tây v.v... và v.v...

My "sói" lừa dối các nạn nhân bằng nick chat đưa họ vào bẫy, để đồng bọn ra tay, tiến hành tội ác. Nhưng người lớn chúng ta còn lừa dối người dân trắng trợn công khai, và quy mô dối trá lớn hơn nhiều.. Chúng ta lừa dối tổ tiên khi làm bánh dầy, bánh chưng "khủng" nhưng mốc, bên trong độn mút xốp, để dâng tiến Vua cha chính trong ngày giỗ trọng đại - Quốc lễ.

Ngành GD chủ quản của My "sói", một ngành dạy con trẻ phải trung thực, nhưng lại là ngành dối trá triền miên, bằng việc xào xáo kết quả thi cử, trình xã hội những con số tỷ lệ tốt nghiệp chót vót, trong khi chất lượng giáo dục thực chất thấp tè. Và bằng cấp dỏm, bằng thật, học dỏm, bằng giả...lẫn lộn đến nỗi không biết ranh giới trắng đen, đen trắng ra sao trong môi trường sang trọng của trí tuệ, và sự sáng tạo.

Bị bỏ rơi từ trong gia đình. Ra xã hội, bị bao vây bởi những tấm gương xám xịt của người lớn, My "sói" và nhiều đứa trẻ vị thành niên khác làm sao thành người đây?

Chắc chắn, My "sói" và đồng bọn sẽ bị pháp luật truy tố và xử lý. Nhưng xã hội người lớn chúng ta- đang "tạo ra" tội ác mang gương mặt những đứa trẻ như My "sói", thì ai sẽ truy tố?

Hay chính tội phạm của những đứa trẻ như My "sói' và đồng bọn, và còn bao nhiêu kẻ phạm tội vị thành niên khác trước vành móng ngựa, sẽ "truy tố" chúng ta?

.

.

.

Thiếu nữ 14 tuổi cầm đầu nhóm hiếp dâm trẻ em

My "sói" và những phi vụ tàn nhẫn

"Siêu quái" 14 tuổi và những phi vụ tàn nhẫn

Mysói” - “Chấn thương” của xã hội!.

My "sói" - Nữ quái tuổi teen

My 'sói' và những thủ đoạn táo tợn bắt teen bán dâm.

.

.

.

No comments: