Tuesday, March 16, 2010

TRUNG QUỐC PHẢI BỎ CHẾ ĐỘ HỘ KHẨU

Đô thị hóa là một vận hội tốt cho Trung Quốc nhưng phải bỏ chế độ hộ khẩu

Tú Anh

Bài đăng ngày 14/03/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 14/03/2010 17:40 TU

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/123/article_7260.asp

Bất chấp lệnh cấm, báo chí Trung Quốc tiếp tục kêu gọi Đảng bỏ chế độ hộ khẩu lạc hậu để tạo điều kiện cho người dân thăng tiến. Một du học sinh Trung Quốc muốn áp dụng đường lối giáo dục mở mang trí tuệ của Mỹ tại quê nhà. Báo Cam Bốt thì chú ý đến kế hoạch tân trang thành phố Hà Nội làm 30 ngàn dân nghèo than oán. Cuối cùng, lần đầu tiên báo chí Anh Mỹ đề cập đến giải pháp giảm giờ làm việc để giải quyết nạn thất nghiệp như cánh tả Pháp ban hành cách nay 10 năm.

Tuần báo Pháp Courrier International trên trang châu Á dịch hai bài viết về đô thị hóa tại Trung Quốc và Việt Nam.

Với tựa : Đô thị hóa, một cơ may cho đất nước, phóng viên Tống Đại Huân của Nam Phương Nông Thôn Báo, trở lại sự kiện có một không hai trong làng báo Trung Quốc hồi đầu tháng này. Vào ngày 1 tháng 3 đồng loạt 13 nhật báo phổ biến chung một bài xã luận kêu gọi bỏ chế độ hộ khẩu để thế hệ trẻ « được hưởng những quyền lợi thiêng liêng được ghi trong Hiến pháp là Tự Do, Dân Chủ và Bình Đẳng ».

Nam Phương Nông Thôn báo thẩm định đây là một bước ngoặt trong lịch sử báo chí chế độ cộng sản Trung Quốc. Sáng kiến tập thể này chứng tỏ năng lượng cải cách phát xuất từ cơ sở vẫn luôn luôn sinh động và đòi hỏi thượng tầng lãnh đạo phải đáp ứng.

Cần phải nói thêm là bài xã luận của 13 tờ báo đã bị rút khỏi các mạng điện tử. Bài viết trên blog của một ký giả tuần báo Nam Phương ngày 2 tháng 3 ca ngợi sáng kiến của các đồng nghiệp cũng bị rút xuống . Bài viêt này dự báo là sẽ có một số biện pháp trừng phạt kể cả đóng cửa một số báo để làm gương.

Tuy nhiên báo Phương Nam Nông Thôn vẫn hăng hái bình luận là chính sách « hộ khẩu lạc hậu » chỉ làm khổ dân, nhất là người dân nông thôn lên thành thị kiếm sống. Cụ thể là dân số Bắc Kinh vẫn tăng đều vượt mọi giới hạn từ 8 triệu lên 10 triệu rồi 18 triệu. Di dân là hiện tượng tự nhiên không thể chận đứng bằng biện pháp duy ý chí.

Tuần báo này một mặt kêu gọi đồng nghiệp phải tiếp tục «hành động chung», đảm nhận vai trò phản ảnh những tiếng nói thấp cổ bé miệng và tình cảm chung của công luận.Mặc khác, tờ báo phát hành ở địa phương Quảng Đông chỉ ra những lợi ích của hiện tượng đô thị hóa , một « động cơ tuyệt vời » thúc đẩy phát triển kinh tế. Bằng cớ là nhờ lực lượng di dân này mà guồng máy sản xuất của Trung Quốc tập trung ở các thành phố lớn không bị ngưng trệ vì khủng hoảng tài chính thế giới.

Thêm vào đó, tác giả nhấn mạnh đến điều mà ông gọi là « cơ hội lịch sử phi thường » để « dân chủ hóa và mang lại tự do cá nhân ». Do vậy, tự do hóa điều kiện cư trú sẽ tạo điều kiện phát triển hài hòa hơn và tiến bộ hơn. Đi ngược lại trào lưu này là gây đại họa.

Hà Nội tân trang dưới mắt báo láng giềng Cam Bốt

Để làm đẹp thủ đô, chính quyền thành phố Hà Nội đưa 30 ngàn dân quận Hoàn Kiếm ra ngoại ô. Chính sách này chỉ được vỏn vẹn 6,7% người chấp thuận . Phóng viên của báo Cam Bốt Buổi Chiều thuật lại câu chuyện của những người dân đã nhận chỗ ở mới và những người còn ở lại. Người đi rồi như bà Yên hay Yến thì khổ sở vì không có chổ buôn bán. Căn hộ mới do nhà nước bán lại đắt gấp 10 lần hơn số tiền bồi thường. Bà than phiền « từ khi bị trục xuất khỏi nhà cũ tôi mất luôn nguồn thu hoạch duy nhất là bán quần áo ở vệ đường ».

Theo phân tích của một nhà quan sát ngoại quốc tại Hà Nội, thì tại Việt Nam, các dự án được thực hiện theo biến cố». «Trong năm 2010, có kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và chuẩn bị đại hội Đảng Cộng Sản. Chính quyền thành phố muốn chứng tỏ có thay đổi tại thủ đô ».

Tuy nhiên, những người dân bị đuổi nhà đặt nghi vấn: họ muốn biết chính quyền làm gì với khu xóm giải tỏa. Theo chủ tịch Nguyễn Thế Thảo thì sự kiện di dời một số người sẽ cải thiện đời sống những người còn ở lại. Sau năm 1954, chính quyền Cộng sản đã cho những người nông dân được xem là có công với cách mạng vào ở trong những căn nhà của thành phần tư sản để thưởng công. Nửa thế kỷ sau, cả ba thế hệ sống chung bị đuổi ra ngoại ô.

Theo nguồn tin của báo Cam Bốt Buổi Chiều, thì thành phố Hà Nội sẽ tính đến chuyện bán khu giải tỏa để lấy tiến bồi thường cho người đi. Và cùng lúc, rất có thể lấy được những món lợi địa ốc béo bở qua việc đầu cơ nâng giá. Và cuối cùng người giàu mới có tiền mua nhà ở trung tâm thành phố, còn người nghèo thì ra ngoài ngọai ô cư ngụ.

.

« Giáo dục dân trí sáng suốt : một thách thức trong thế kỷ 21 tại Trung Quốc »

Một hồ sơ khác đang được giới trí thức Trung Quốc chú ý đó là quyển sách về giáo dục khai mở dân trí, chứ không phải để nhồi sọ, do một du sinh muốn truyền bá tư tưởng khai phóng học được tại Mỹ cho thế hệ trẻ tại quê nhà.

Câu chuyện của sinh viên Trần Vĩnh Phong được tuần báo Newsweek tường thuật với nội dung : đào tạo công dân sáng suốt là một thử thách của Trung Quốc.

Được đi Mỹ du học, Vĩnh Phong không bắt chước các bạn lao vào Harvard hay Yale. Ngược lại anh vào Bowdoin College ở Maine để học về « Nghệ thuật tự do ». Anh học tâm lý học, kinh tế học và đam mê nghệ thuật tự do đến mức độ mới 23 tuổi anh viết sách « Giáo dục thực sự trong nghệ thuật tự do ». Khám phá của sinh viên Trung Quốc này là học không phải vì mục tiêu bằng cấp mà để trở thành con người sáng suốt và có tự do. Tham vọng của anh là truyền bá tư tưởng này đến thế hệ trẻ ở quê nhà đang được đào tạo ở các đại học Trung Quốc theo kiểu « nhồi sọ, nuôi gà công nghiệp ».

Theo một nhà giáo dục ở Hồng Kông, thì trong thế kỷ 21, xã hội Trung Hoa sẽ phải trở thành dịu dàng hơn, dễ cảm thông, dễ tiếp nhận hơn . Do vậy giảng dạy môn « nghệ thuật tự do » tại Hoa lục sẽ đáp ứng được nhu cầu trong lãnh vực đào tạo nhân sự cho Trung Quốc và các công ty nước ngoài đầu tư ở Trung Quốc, cần những con người có tư tưởng cỡi mở chứ không phải một chiều, khép kín, giáo điều. Lãnh đạo Trung Quốc cũng đang quan tâm đến sáng kiến của sinh viên Trần Vĩnh Phong.

« Tuần lễ 21 giờ… để cải tiến đời sống và nạn thất nghiệp »

Trong bối cảnh thất nghiệp trên thế giới tăng cao vì khủng hoảng, giải pháp nào để tồn tại và tồn tại trong hạnh phúc ?

Tai Pháp, cách nay 10 năm, chính phủ Xã hội đưa ra luật giảm giờ làm việc, mỗi tuần 35 giờ thay vì 39 như trước đó. Người Pháp đã được 5 tuần lể hè, nay hưởng thêm hai tuần nghỉ phụ trội .

Đề nghị mới nhất, không phải đến từ cánh tả Pháp mà là do một nhóm nghiên cứu Anh đề ra là phải làm ít giờ hơn nữa : 21 giờ mỗi tuần thôi.

Nói cách khác, là làm việc ít giờ hơn để có thêm thời gian giải trí, thể thao, học hỏi và để tiêu thụ theo cách khác. Giáo sư người Mỹ Jeffrey Pfeffer chứng minh rằng, trong bối cảnh kinh tế suy thoái mà sa thải nhân viên là tính toán sai lầm. Không những người thất nghiệp bị khổ mà xí nghiệp cũng bị thiệt hại. Do vậy, giải pháp tốt đẹp nhất là chia thời giờ, công việc cho mọi người.

Vấn đề là chia như thể nào.Theo báo Courrier international, nhóm nghiên cứu Anh thẩm định 21 giờ mỗi tuần là lý tưởng nhất. Không phải áp dụng liền mà phải thích nghi từ từ trong ít nhất một thập niên. Mục tiêu là quân bình hai hiện tượng trong xã hội : kẻ thì kiếm nhiều tiền, tiêu xài phung phí, người thì vất vã, lương không đủ nối đầu tháng với cuối tháng.

.

.

.

No comments: