Thursday, March 11, 2010

SEACEM MUỐN GIÚP BLOGGER VIỆT NAM

‘Chúng tôi giúp blogger Việt Nam’

Cập nhật: 10:32 GMT - thứ năm, 11 tháng 3, 2010

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100311_helping_vn_blog.shtml

Một tổ chức bất vụ lợi về truyền thông mạng đặt tại Malaysia cho hay nếu blogger tại Việt Nam gặp khó khăn, hãy đến với họ để nhận trợ giúp.

Trung tâm Truyền thông Mạng Đông Nam Á, (South East Asian Center for eMedia, Seacem) cho hay họ có sứ mạng thúc đẩy nhân quyền và dân chủ trong vùng Đông Nam Á thông qua bảo vệ tự do ngôn luận.

Trao đổi với BBC Việt Ngữ ngày 11/3, ông Sean Ang, Giám đốc điều hành Seacem nó về mục đích hoạt động của tổ chức ông.

Sean Ang: Mục đích đầu tiên là thúc đẩy quyền tự do bày tỏ chính kiến. Chúng tôi giúp đỡ truyền thông độc lập, huấn luyện cho blogger và các nhà báo công dân. Mục đích thứ hai là theo dõi nhân quyền. Chúng tôi có chế độ theo dõi, cập nhật các vụ vi phạm nhân quyền của chính phủ tại Đông Nam Á. Thứ ba là thúc đẩy dân chủ. Chúng tôi giúp đỡ các nhóm người bị yếu thế, bị cô lập, trợ giúp họ trong chuyện có tiếng nói. Giúp họ bảo vệ chính kiến, hành động.

BBC: Liệu chính phủ Malaysia có chấp thuận hoạt động của tổ chức ông hay không?

Sean Ang: Chúng là tổ chức từ thiện giúp nâng cao năng lực của công dân, chúng tôi không có gì liên hệ với chính phủ Malaysia. Chúng tôi không có gì chống họ. Chúng tôi giúp đỡ các hội đoàn ở Malaysia, nếu họ có những vấn đề cần trợ giúp trong lĩnh vực truyền thông, bảo vệ hình ảnh. Chúng tôi không thách thức trực tiếp chính phủ.

BBC: Nhưng nếu ông giúp các blogger ở VN phát triển, rồi tránh sự kiểm soát của nhà nước, có thể có lúc nào đó Hà Nội sẽ than phiền với Malaysia rằng ông có hành động phá hoại tình hữu nghị giữa hai nước?

Sean Ang: Chính phủ Malaysia không thể làm như vậy vì chúng tôi sống trong môi trường tự do hơn Việt Nam. Gần đây Kuala Lumpur hiểu rằng viết blog là một phần của hoạt động con người, giống như ăn ngủ vậy. Ở Malaysia chúng tôi coi blogging là điều cần có trong hoạt động chính trị. Hai năm trước có thể chính phủ Malaysia không nghĩ như vậy. Năm nay họ đã chỉ dẫn một số bộ trưởng làm blog. Và chính phủ Malaysia lẽ ra cần khuyên nhủ chính phủ Việt Nam hãy nói chuyện nhiều hơn với dân, đón nhận ý kiến của họ trong quá trình ra quyết định. Những gì xảy ra ở Malaysia hiện nay là không thể đảo ngược được. Dân biểu, thành viên chính phủ vào mạng internet, mở trang facebook nhằm truyền tải thông điệp tốt hơn đến với người dân.

BBC: Lời khuyên của ông đưa ra là chính phủ Malaysia cần kêu gọi Việt Nam khuyến khích dân chúng viết blog nhiều hơn?

Sean Ang: Không nên ngăn cản người dân blog. Dân biểu, thành viên chính phủ cần viết nhật ký mạng nhiều hơn và khuyến khích người dân góp ý kiến phản hồi, mục đích là đề ra đường hướng cai trị tốt nhất cho quốc gia.

BBC: Một số blogger Việt Nam đã làm như vậy, họ góp ý kiến đối với cách cai trị của chính phủ, nhưng lại bị bắt và bỏ tù?

Sean Ang: Tôi nghĩ ở Việt Nam vẫn còn những chủ đề cấm đoán mà blogger không được đụng tới. Nếu ai đó muốn viết về chuyện môi trường, thu gom rác tại nơi họ sống, tôi không nghĩ chính phủ Hà Nội sẽ khó chịu. Còn khi blogger quảng bá cho các ý tưởng tự do, dân chủ, đa đảng, chính phủ VN sẽ nghĩ người blogger này thách thức quyền lãnh đạo của họ.

BBC: Vậy nhóm blogger nào ở Việt Nam ông muốn giúp đỡ. Người viết về môi trường hay chính trị?

Sean Ang: Chúng tôi nhắm đến các lĩnh vực nhân quyền, dân chủ và tự do ngôn luận để trợ giúp. Người ấy có thể viết về chính trị, xã hội, kinh tế, vân vân. Tôi không quyết định chủ đề, hay câu chuyện sẽ blog. Người blogger quyết định chuyện này. Chúng tôi giúp ai đó theo nguyên tắc tự do ngôn luận cần phải giúp.

BBC: Hãy nói cho tôi biết tại sao tự do ngôn luận lại quan trọng đối với phát triển của một quốc gia?

Sean Ang: Nếu một chế độ chuyên chính không chịu nghe ai cả, người ta sẽ không có ý tưởng hay nhất để điều hành quốc gia. Trong một xã hội mở, nhiều ý kiến sẽ xuất hiện, chúng sẽ cạnh tranh nhau. Ví dụ như chuyện xây đập thủy điện. Sẽ có người hậu thuẫn, người chống đối, hoặc người đưa ra các giải pháp thay thế. Nếu như người ta cho phép các ý kiến này được phát biểu, được trình bày một cách công khai, cuối cùng chúng ta sẽ có ý kiến tốt nhất. Nếu ý tưởng tốt nhất được mang ra thực hiện, chất lượng đời sống của người dân sẽ tốt hơn. Nếu tự do phát biểu bị cấm đoán, một số người điều hành sẽ lợi dụng để kiếm lợi cho bản thân. Khi ấy dân chúng sẽ bị thua thiệt.

BBC: Ông có biết tình hình tự do internet tại Việt Nam hiện nay ra sao không?

Sean Ang: Tôi biết một số người blogger có tiếng trên mạng đã bị bắt. Năm ngoái chính phủ mở cuộc thanh trừng lớn, khoảng trên 10 blogger đã bị bắt và đem ra xét xử. Nhiều người nhận án tù.

BBC: Tổ chức của ông có thể giúp họ bằng cách nào?

Sean Ang: Đối với những người bị bắt rồi tôi không giúp được nhiều. Đối với những ai chưa bị bắt, tôi có thể giúp đỡ họ. Chúng tôi không trực tiếp nói chuyện với họ. Chúng tôi làm việc thông qua các đối tác. Chúng tôi có cách để tìm kiếm đối tác. Blogger sẽ biết cách để liên hệ với chúng tôi và tìm kiếm những lời khuyên bảo. Chúng tôi sẽ cho họ biết kỹ thuật để tránh sự phát hiện của chính phủ, xây dựng các liên minh, tìm kiếm sự hỗ trợ của quốc tế, đấy là một số biện pháp chúng tôi sẽ giúp đỡ.

.

.

.

No comments: