Thursday, March 11, 2010

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH SÔNG MEKONG

Hội nghị Thượng đỉnh sông Mekong

BBC

10/03/10

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/03/100310_mekong_summit.shtml

Trước đợt khô hạn kỷ lục trong nhiều chục năm, nội các Thái Lan quyết định triệu tập cuộc họp thượng đỉnh về sông Mekong, từ mùng 2 đến 5 tháng Tư tại tp Huahin.

Cuộc họp thượng đỉnh, được tổ chức lần đầu giữa các nước có sông Mekong chảy qua, sẽ tập hợp chính trị gia và chuyên gia thủy lợi để bàn về giải pháp khai thác nước sông Mekong.

Bốn nước Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia, thành viên của Ủy ban sông Mekong (MRC) là thành phần tham dự chính. Cạnh đó cuộc họp sẽ mời Trung Quốc và Miến Điện, hai nước đối thoại trong MRC tham gia.

Trước câu hỏi tác động của việc Trung Quốc xây nhiều đập thủy điện ở vùng thượng nguồn sông Mekong đối với hạn hán tại vùng hạ lưu, tiến sĩ Lê Anh Tuấn, giảng viên Khoa Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên Đại học Cần Thơ cho BBC Việt Ngữ hay, có hai tác động khiến dòng chảy của sông giảm sút.

TS Lê Anh Tuấn: Một dòng sông chảy qua nhiều quốc gia, khi một quốc gia ở thượng nguồn họ tìm cách chặn lại để tích lũy trong hồ chứa nước lớn, thì nó sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy ở phía hạ nguồn. Điều này thấy rất rõ. Nó có hai tác động. Một cái do tự nhiên, của hiện tượng El Nino hay biến đổi khí hậu. Nhiệt độ không khí tự nhiên tại vùng sông chảy qua trở nên khô nóng hơn, làm tăng bốc hơi rồi gia tăng nhu cầu sử dụng nước. Những nước có ưu thế về địa hình thì họ tách nước cất giữ lại, gây ảnh hưởng cho những nước khác.

BBC: Hạ lưu sông Mekong, trong đó có đồng bằng sông Cửu long của Việt Nam, hiện đang diễn ra hạn hán và nước mặn xâm nhập đồng ruộng, nghe đâu khá nghiêm trọng trong một số năm gần đây?

TS Lê Anh Tuấn: Đúng vậy. Nếu chúng tôi so sánh nhiều năm trước đây thì năm nay đặc biệt là gay gắt. Hầu hết các vùng gần sự xâm nhập nước mặn ngày xưa thì đến giờ đã bị ngập mặn hết trơn rồi. Và gần như mấy cái vùng mặn đó bây giờ người ta không canh tác được. Tình hình cung cấp nước ngọt rất là khó khăn. Người dân ở đó phải chở nước từ những nơi xa đem về dùng.

BBC: Trước tình hình khô hạn như vậy nông nghiệp Việt Nam đối phó ra sao, thưa ông?

TS Lê Anh Tuấn: Hiện nay chúng tôi khuyến cáo chính quyền địa phương và người dân tìm cách đắp đập để ngăn mặn lại, giảm bớt tác hại và tìm cách trữ cái nguồn nước ngọt còn lại, tất nhiên là ít ỏi rồi nhưng chúng ta tìm cách trữ lại và tiết kiệm nước tốt đa. Đồng thời những nơi nào có thể khai thác một phần nước ngầm thì cố gắng khai thác.

BBC: Tình hình thời thiết khắc nghiệt như vậy liệu có ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo, hoa màu ở những vùng bị hạn không, thưa tiến sĩ?

TS Lê Anh Tuấn: Rất may là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mới qua giai đoạn thu hoạch lúa đông xuân nên sản lượng gạo của vụ đông xuân vừa rồi không giảm sụt bao nhiêu. Nhưng mà nó gây khó khăn cho vụ hè thu sắp tới. Nếu cái hạn này tiếp tục kéo dài và lan rộng ra, nó sẽ làm cho chuyện gieo trồng hoặc canh tác vụ hè thu sắp tới bị ảnh hưởng. Hoặc là phải gieo cấy trễ hơn. Chúng tôi dự đoán tình hình ngập mặn và khô hạn này còn kéo dài cho đến tháng Tư. Hoặc qua tới đầu tháng Năm. Về mặt khoa học không thể đổ lỗi hoàn toàn cho các đập thủy diện ở thượng nguồn khi các nước Đông Nam Á đang chịu ảnh hưởng của đợt khí hậu khô nóng là El Nino. Nhưng khi khí hậu đã khô hạn rồi, tác động của con người có thể làm cho nó trầm trọng thêm. Hiện nay đồng bằng sông Cửu Long đang bị tác động kép, kiểu như vậy.

.

.

.

No comments: