Tuesday, March 16, 2010

NỖI BUỒN VĂN HÓA GIÁO DỤC

NỖI BUỒN VĂN HÓA-GIÁO DỤC

(blog BS Hồ Hải)

Thứ hai, ngày 15 tháng ba năm 2010

http://bshohai.blogspot.com/2010/03/noi-buon-van-hoa-giao-duc.html

Mấy hôm nay liên tục các video clip về các cháu nữ sinh độc diễn đánh bạn học ở Hà Nội. Thú thực chưa bao giờ tôi đủ can đảm để xem những video clips như thế này. Mặc dù thời tôi sinh ra trong đạn bom nội chiến. Cảnh bắn nhau ở những vùng xôi đậu chứng kiến là chuyện cơm bữa. Nhưng lúc đó là chiến tranh, súng đạn vô tình.

Còn bây giờ, sau hơn 30 năm ngưng tiếng súng, hình ảnh người với người ẩu đả nhau là hình ảnh mà trong đầu tôi không chứa được. Càng không thể chứa được khi nhìn thấy cảnh trẻ con vị thành niên thản nhiên độc diễn đánh bạn mình một cách tàn nhẫn. Càng tàn nhẫn hơn khi các bạn khác ngồi chứng kiến một cách thản nhiên không một chút động lòng.

Về văn hóa học, một dân tộc thiếu nhân bản thì dân tộc ấy không thể phát triễn được. Điều ấy đã chứng minh rõ ràng hình ảnh hội chứng chiến tranh Việt Nam của lính Mỹ. Những lính Mỹ sau chiến tranh Việt Nam họ đã tâm thần, họ đã có những người tự vẫn vì cảm thấy tội lỗi, cảm thấy họ không thể hòa nhập với cuộc sống thanh bình sau khi đã nhuốm máu tội ác.

Về mặt phân tâm học và tâm thần học đó là hậu quả của mặc cảm tự ti với tội lỗi của mình đã gây ra. Nhưng nếu họ được sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều ngang trái, quen với những tàn ác của cuộc đời. Tâm hồn họ sẽ đủ cứng rắn để chịu đựng với những sự tàn ác với đời. Vì họ đã được nâng niu, chăm sóc trong tuổi thơ với lòng nhân ái. Nên họ đã không chịu được những sự tàn ác mà họ đã trải qua trong cuộc đời lính.

Còn chúng ta thì sao? Chưa có ai bị hội chứng chiến tranh. Hãy nhìn cái cách chúng ta tỉnh táo đối xử với đồng bào bên kia chiến tuyến để có cuộc di dân lớn nhất lịch sử dân tộc. Hãy nhìn cái cách chúng ta tỉnh táo đối xử với đồng đội đã từng nếm mật nằm gai trong bom đạn. Hãy nhìn cái cách chúng ta đối xử với nhân dân đã từng chở che khi còn gian khó như thế nào? Hãy nhìn cái cách chúng ta áp đặt tư duy của ai đó vào cộng đồng thông qua giáo dục, vì mục đích ác độc, không nhân bản. Trà lời những câu hỏi này sẽ rõ tại sao đất nước mình còn mãi gập gềnh và gian khó.

Cho nên một đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng một hoàn cảnh thiếu tình thương và vòng tay ấm áp của gia đình luôn có cách phản đối với cuộc đời một cách co cứng và thiếu nhân bản. Những đứa trẻ như thế sẽ không biết đặt lòng nhân đúng chỗ. Chúng đối xử với đời như đời đối xử với chúng. Tôi không ngạc nhiên khi cháu gái trong độc diễn đánh bạn trả lời một cách bình thản và trơn tuột: "Em đánh thế đã ăn thua gì, vẫn nhẹ mà. Ở ngoài đời còn có những vụ đánh nhau ác liệt hơn thế" và hơn thế nữa: “Chuyện chẳng có gì. Nếu có bị đi tù thì em không sợ. Tội em đến đâu thì xử đến đó”, cháu gái nói. Vì cháu ấy có một gia đình không trọn vẹn.

Chúng ta không nên trách các cháu. Lỗi là lỗi của người lớn chúng ta. Giáo dục trẻ cần 3 yếu tố quan trọng: gia đình, xã hội và nhà trường. Gia đình là nơi quyết định trẻ hình thành nhân cách. Trẻ không thể hư, nếu cha mẹ trẻ là người tốt. Đời làm nghề y của tôi đã từng chứng kiến nhiều cháu sa ngã vào con đường nghiện ngập, đến nỗi cha mẹ phải gửi trẻ đi một nước khác để học. Nhưng trẻ vẫn hít heroin ở xứ người. Xong 4 năm đại học, trẻ về có thêm 2 tấm bằng: 1 tấm bằng lái xe và 1 tấm bằng dancing, ngoài tấm bằng hít heroin đã có ở Việt nam! Vì cha mẹ rất giàu, chỉ biết 24/24h ở ngoài đường lo toan kiếm tiền, giao trẻ cho người giúp việc. Trẻ thấy mình không được quan tâm. Trẻ nỗi loạn và hư hỏng.

Xã hội là tấm gương phản chiếu hằng ngày mà trẻ luôn tiếp xúc. Ông bà mình bảo: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" là rất đúng với vấn đề xã hội tác động đến trẻ. Làm sao chúng ta có thể có một lớp trẻ cường tráng về thể chất và minh tuệ về tâm hồn khi xã hội hôm nay đầy những tha hóa và mất nhân tính với trẻ như thế này? Người lớn thì mua bằng, mua chức, tha hóa nhưng không thể giải quyết được.

Cuối cùng là nhà trường, thầy thì bắt trò phải học thêm để được điểm cao, thậm chí mua dâm trò. Chúng ta đã quá sai trong giáo dục trẻ.

Chúng ta đã không chuẩn bị một tâm thế và tư thế cho giáo dục khi chúng ta đã vội vả đổi mới để cứu lấy sinh mạng chính trị bằng cách chỉ chú tâm vào phát triễn kinh tế mà bỏ quên con người.

Chúng ta đã mãi mê tự hào sự thành công những con số tăng trưởng giả tạo của GDP. Nhưng thực chất GDP chỉ là tiến kiều hối của thân nhân Việt kiều gửi về, tiền đầu tư PCI của nước ngoài, tiền vay nợ ODA và tiền bán tài nguyên thiên nhiên đất nước. Một nền kinh tế chắp vá và lắp ráp, thủ công, phồn vinh, nhưng giả tạo. Chúng ta đã quên lo chuyện trăm năm, chuyện trồng người.

Chúng ta sẽ có tội với tổ tiên, với những người đã ngã xuống vì những ngày tháng bình yên hôm nay, để rồi chúng ta đã tạo nên một thế hệ thiếu nhân bản, bại hoại về tư duy. Nếu chúng ta không bắt tay ngay vào tư duy giáo dục một cách bài bản và chuẩn mực, mà chỉ dùng trẻ là những con chuột lang trong phòng thí nghiệm cho những cải cách giáo dục nữa với.

Còn gì nữa hỡi những người có trách nhiệm với thế hệ trẻ nước nhà?

Tư gia, 0h02' ngày 16/3/2010

.

.

.

No comments: