Tuesday, March 16, 2010

HỌC GÌ TỪ VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM ?

Văn Miếu - Quốc Tử Giám và bài học tự do sáng tạo cho nhân tài

Nghệ nhân huyện Quỳnh

(blog Hồ Bất Khuất)

Đăng ngày: 05:57 16-03-2010

http://vn.360plus.yahoo.com/batkhuatho/article?mid=2743

Học gì từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám?

Ngày 9/3/2010, UNESCO công nhận bia tiến sỹ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là di sản tư liệu thế giới. Rất nhiều bài báo viết về sự kiện này. Theo tôi, chuyện 82 tấm bia tiến sỹ được khắc trên đá từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII được công nhận là chuyện vui, nhưng giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ nằm ở đó.. Điều quan trọng nhất là ngày nay chúng ta học được gì từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám mới là điều đáng nói..

Văn Miếu được xây dựng từ năm 1070 đời Lý Thánh Tông Mùa thu tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng, Khổng Tử, Chu CôngTứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến đấy học.

Năm 1076, Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám ở bên cạnh Văn Miếu có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam.

Như vậy, trong gần 1000 năm tồn tại, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đề cao chuyện học hành và phương thức đối xử với nhân tài. Cái câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” không chỉ được viết bằng mực đen trên giấy trắng, mà được khắc trên đá. Tinh thần của nó được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trên các tấm bia.

Có thể nói, xưa cha ông ta rất trung thành với tư tưởng “giáo dục sạch” và tôn trọng (chứ chưa hẳn đã trọng dụng) nhân tài. Chỉ cần dẫn lại vài sự kiện để chứng minh cho kết luận này.

Trước hết đó là việc Chu Văn An, dù đã đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan. Mãi sau, được vua mời làm Tư nghiệp (Hiệu trưởng) Quốc Tử Giám, ông mới nhận. Nhưng khi thấy trong triều nhiều quan tham và những kẻ nịnh bợ, ông đã dâng “Thất Trảm Tấu”, đề nghị chém 7 đại quan của triều đình. Vì những kẻ bị đề nghị chém là “hoàng thân quốc thích” nên vua không nghe. Không được chuẩn tấu, Chu Văn An chán nản từ quan về mở trưởng tư dạy học.

Tuy làm cái việc động trời là đòi chém 7 đại thần, việc không thành, nhưng Chu Văn An cũng không bị trả thù, không bị làm khó dễ gì khi về mở trường dạy học. Hơn thế nữa, khi ông mất ở tuổi 78, được vua cho thờ ngay tại Quốc Tử Giám. Cho đến nay, ông là một trong rất ít người được thờ tại đây. Chế độ phong kiến đối xử ân tình với người tài năng và chính trực như vậy thật là đáng nể!

Có câu đối ở nơi thờ Chu Văn An, đọc rất sướng:

Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc

Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong

Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả?

Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân

Một chuyện nữa chứng tỏ thời phong kiến quý người tài liên quan đến Nguyễn Du. Năm 1796, Nguyễn Du toan trốn vào Gia Định giúp Nguyễn Ánh đánh Tây Sơn. Việc bị bại lộ, Nguyễn Du bị tướng của Tây Sơn là Thân Quận công bắt. Nhưng vì trọng tài của Nguyễn Du nên Thân Quận công chỉ giam Nguyễn Du có 3 tháng rồi thả. Tội của Nguyễn Du là tội phản nghịch, có thể bị chém, nhưng vì tài mà được thả. Nếu ngày ấy Nguyễn Du bị chém thì nay chúng ta làm gì có Truyện Kiều mà đọc!

.

Ngày nay, chúng ta đối xử với người tài thế nào? Thật khó nói. Ít ai nhận mình là nhân tài mà không được trọng dụng. Nhưng cũng cần chỉ ra một số hiện tượng để chúng ta suy ngẫm xem vì sao người tài của chúng ta chưa làm được việc gì “ra tấm, ra món”.

Người Việt nam chúng ta được xem là thông minh, hiếu học, giỏi văn chương, song trên bình diện quốc tế, chúng ta chưa có tên tuổi nào lớn. Cứ mỗi lần đến mùa công bố giải thưởng Nobel, người Việt Nam chúng ta lại buồn bã hỏi nhau: “Đến khi nào thì người Việt Nam được giải Nobel?” Không ai trả lời được câu hỏi này.

Những lĩnh vực khác tôi không rành lắm, còn trong văn học nghệ thuật, muốn có những tác phẩm có tầm cao tư tưởng - nghệ thuật, người nghệ sỹ phải được tự do sáng tạo. Nói ở Việt Nam không có tự do tư tưởng, sẽ bị cho là nói sai, bởi vì ngay trong Tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ đã nói rõ là người dân của nước Việt Nam độc lập có điều này. Hiến pháp của chúng ta cũng nói là tôn trọng quyền tự do tư tưởng của mỗi người dân.

Về mặt chủ trương, chính sách là thế, còn trên thực tế thì thế nào? Ai cũng biết là có khoảng cách rất lớn. Tôi cho rằng, khoảng cách đó được tạo ra bởi những người kém hiểu biết và kém bản lĩnh. Những người kém cỏi này lại còn được đặt vào vị trí lãnh đạo nữa thì làm sao có tự do tư tưởng trên thực tế?!

“Vụ án tư tưởng trong văn chương” rất điển hình là vụ Nhân Văn Giai phẩm. Thực tế chỉ ra rằng, những người bị quy chụp đều là những người tài năng, yêu nước. Đến nay thì họ đã được giải oan, những Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt... đã được giải thưởng Nhà nước. Nhưng vì bị quy chụp mà gần như suốt cả cuộc đời họ phải sống trong thiếu thốn, nghi kỵ. Sống như vậy thì làm sao có thể sáng tạo nên những tác phẩm lớn được, dù là có tài năng.

Có một nhà thơ có tài rất lạ, ông khẳng định là ông không “dính” gì với Nhân văn Giai phẩm, nhưng cũng bị ghẻ lạnh và làm khó dễ gần như suốt cả cuộc đời. Đấy là nhà thơ Hữu Loan – tác giả bài thơ “Màu tím hoa sim “ nổi tiếng. Từ một cán bộ cách mạng (đã từng làm chủ tịch khởi nghĩa ở huyện Nga Sơn – Thanh Hoá), một người lính, chủ bút báo “Chiến sỹ”, ông đành phải về quê đẩy xe thồ và đập đá để kiếm sống. Ông cho rằng, lý do chính là vì người ta không chịu được sự nói thẳng, nói thật của ông. Ông đã phải sống những năm tháng khốn khó ở quê vì bị o ép. Có những chuyện phi lý đến buồn cười là xe thồ của ông bị thu vì “phụ tùng không đồng bộ”.

Hữu Loan là một con người đầy ý chí, tâm hồn nhạy cảm và cao thượng, nhà thơ tài năng nhưng cho đến nay ông vẫn chưa xuất bản nổi một tập thơ của riêng mình.

Điểm sơ qua như vậy để thấy trong văn chương, không có tự do thực sự thì sẽ không có tác giả, tác phẩm lớn.

Còn trong khoa học tự nhiên thì sao? Hình như cũng thế. Việt Nam có rất nhiều người được Huy chương vàng Toán quốc tế. Đây là những người thực sự có tài, nhưng họ chỉ làm được những việc có ý nghĩa, họ chỉ nổi danh khi làm việc ở nước ngoài. Những Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Lê Tự Quốc Thắng, Phạm Hữu Tiệp... là những giáo sư người Việt có tên tuổi trên thế giới. Họ có những điểm chung là được Huy chương Toán quốc tế, đều làm việc ở nước ngoài.

Thật ra, trong những người được Huy chương thi Toán quốc tế, người được xem là có tài năng nổi trội nhất là Lê Bá Khánh Trình. Anh không chỉ được điểm tuyệt đối cho tất cả các bài thi, mà cuộc được giải đặc biệt cho bài có cách giải hay giải đẹp. Anh là một trong ít người, sau khi có bằng cấp ở nước ngoài thì về Việt Nam công tác. Song, những gì anh làm được ở Việt Nam để mọi người biết đến, hình như cũng chỉ là luyện thi đại học.

Nhân Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang được mọi người quan tâm, nói sơ qua đôi điều như vậy để thấy con người, nhất là những người tài năng và có cá tính cần tự do như ánh sáng, như khí trời để sống và sáng tạo. Không có tự do, hay chỉ là tự do giả vờ thì con người ta vẫn sống được, nhưng khả năng sáng tạo thì bị hạn chế rất lớn, thậm chí là bị triệt tiêu. Khi khả năng sáng tạo bị triệt tiêu mà vẫn mong có sự phát triển đột phá, đạt được những đỉnh cao trong khoa học và nghệ thuật thì chỉ là điều không tưởng.

.

.

.

No comments: