Trân Văn, phóng viên đài RFA
2010-03-04
Đại diện của Bộ Giáo dục Đào tạo vừa tuyên bố rút lại ý định cấm các trường tư đào tạo chuyên ngành luật và báo chí.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ dự định cấm rồi thôi, thậm chí đã ra lệnh cấm rồi bỏ, vì những dự định hoặc lệnh cấm ấy vi hiến, trái luật hoặc bất cận nhân tình.
Tại sao tình trạng này trở thành phổ biến, mời qúy vị nghe Trân Văn tổng hợp và tường trình...
.
Lại chuyện không phải tại... tôi
Hôm 23 tháng 2, Bộ Giáo dục Đào tạo của Việt Nam công bố dự thảo “Quy định về điều kiện, hồ sơ mở ngành đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ và tiến sĩ” để lấy ý kiến công chúng.
Trong dự thảo này có dự định cấm các trường tư tổ chức đào tạo các ngành: sư phạm, báo chí, luật và dự định ấy đã bị lên án dữ dội.
Trước hết là từ đại diện các trường tư. Ông Trần Hồng Quân, một người từng là Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo, nay đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập, gọi dự định vừa kể là sự phân biệt đối xử giữa công với tư, sai cả về lý lẫn tình. Kế đến là dư luận từ phía công chúng, nhiều người nhận định, dự định cấm trường tư đào tạo các ngành: luật, báo chí là bằng chứng về sự yếu kém trong cả nhận thức lẫn năng lực quản lý của Bộ Giáo dục Đào tạo.
Thậm chí, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục, Thanh Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Việt Nam cũng lên tiếng, bày tỏ thái độ không đồng tình với dự định của Bộ Giáo dục Đào tạo.
Có thể vì vậy mà ba ngày sau, cả ông Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng thường trực và bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục của Bộ Giáo dục – Đào tạo cùng phân bua rằng, Bộ Giáo dục – Đào tạo không có chủ trương cấm hệ thống trường tư tổ chức dạy về luật và báo chí. Dự định cấm hệ thống trường tư đào tạo về luật và báo chí mà công chúng thấy trong dự thảo đã được công bố chỉ là... lỗi kỹ thuật khi soạn thảo văn bản!
Trả lời báo điện tử VietNamNet, bà Trần Thị Hà gọi dự thảo đã được giới thiệu với công chúng là “sơ suất” của bộ phận soạn thảo. Theo bà, bộ phận này đã đưa lầm “bản nháp” và vì vậy, đã để sót ý, không cho hệ thống trường tư tổ chức dạy về luật và báo chí.
Bên cạnh chuyện cử người phân bua, Bộ Giáo dục Đào tạo rút lại dự thảo đã công bố để giới thiệu một dự thảo mới. Trong dự thảo mới, nếu trường tư hội đủ điều kiện đã được quy định thì vẫn có quyền đào tạo các ngành: sư phạm, luật và báo chí như các trường trong hệ thống công lập.
.
Chỉ là... lỗi đánh máy
Tại Việt
Gần đây, khi phải tự biện, phần lớn các viên chức có liên đới về trách nhiệm thường cho rằng, sai sót, thậm chí hành vi vi phạm pháp luật là do lỗi đánh máy hoặc “sơ xuất” của nhân viên hành chính.
Ngoài sai sót mới nhất, liên quan đến một dự thảo của Bộ Giáo dục Đào tạo, mà ông Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng thường trực và bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Giáo dục của bộ này, vừa đồng thanh cho rằng, chỉ vì dùng lầm... “bản nháp”, trong nửa năm qua, còn có hàng loạt sai sót cùng... nguyên nhân.
Chẳng hạn, hồi cuối tháng giêng vừa qua, tại phiên xử phúc thẩm vụ án “mua dâm người chưa thành niên” ở tỉnh Hà Giang, có dấu hiệu dính líu đến ông Nguyễn Trường Tô, chủ tịch tỉnh, sau khi luật sư bào chữa cho một bị cáo, đưa ra nhiều bằng chứng, chứng minh rằng, các cơ quan bảo vệ pháp luật của huyện Vị Xuyên đã vi phạm luật tố tụng hình sự, thậm chí không loại trừ khả năng, họ đã “cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án”, biến nạn nhân thành tội phạm, đại diện Viện Kiểm sát Hà Giang thực hiện quyền công tố ở phiên xử đó cũng tuyên bố, những sai sót nghiêm trọng ấy chỉ là... lỗi đánh máy!
Trước nữa, hồi tháng 10 năm ngoái, sau khi bị chỉ trích về việc đã trao ba giấy chứng nhận “Sản phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng năm 2009”, của Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường, cho Vedan – một doanh nghiệp từng xả nước thải hủy diệt sông Thị Vải, Ban Tổ chức cũng giải thích rằng, nguyên nhân là do nhân viên “sơ xuất” trong qúa trình xử lý hồ sơ, nhầm lẫn giữa danh sách đề cử với danh sách được duyệt.
Chưa kể, chuyện tháng 9 năm ngoái, ông Đào Duy Quát, Tổng Biên tập báo điện tử Đảng CSVN, sử dụng “lỗi đánh máy”, để phân trần về việc tại sao cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN, lại đưa một tin có tính chất minh định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của... Trung Quốc !
Vì sao “lỗi đánh máy”, hoặc “sơ xuất” về văn bản lại liên tục trở thành nguyên nhân chính của nhiều vụ tai tiếng, ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống công quyền?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, từng là thành viên trong Ban Tư vấn cho Thủ tướng Việt Nam, nhận định: Tôi nghĩ rằng những sai sót mà công luận đã phát hiện, rồi sau đó lại cho rằng đấy là sai sót của bản thảo hoặc lỗi của người đánh máy, hoặc là những sai sót của những người có trách nhiệm không nhận phần trách nhiệm của mình, bộc lộ một thiếu sót không thể xem thường trong quy trình hành chính.
Khi tôi còn làm việc thì quy trình hành chính được thực hiện khá là nghiêm túc và chặt chẽ. Cấp nào xét duyệt, cấp nào phải ký nháy vào đấy rồi sau đó mới được ban hành.
Khi mà còn Ban Nghiên cứu của Thủ tướng thì các văn bản được Ban Nghiên cứu xem xét lại, rồi có ý kiến và Thủ tướng tiếp thu, cho chỉnh sửa.
Những việc như ông nêu thì là việc ở cấp bộ, Tôi nghĩ rằng kỷ luật hành chính và trách nhiệm cá nhân phải được đề cao. Theo tôi, Thủ tướng phải có thái độ và có ý kiến về các sai sót đó.
.
Nếu quy trình hành chính ở Việt Nam còn thiếu sót “không thể xem thường” như ý kiến của Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thì kết quả công cuộc cải cách hành chính đã tiến hành trong hàng chục năm qua ở Việt Nam thế nào? Cần làm gì để tình trạng “lỗi đánh máy”, hoặc “sơ xuất” về văn bản không còn liên tục trở thành nguyên nhân chính của hàng loạt vụ tai tiếng, ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống công quyền? Mời qúy vị đón đọc bài kế tiếp.
.
Theo dòng thời sự:
Trường tư không phải Trường ta
Đạo đức suy đồi hay thủ đoạn chính trị-phần 2
Lại một giải thưởng An Toàn Vệ Sinh Thực Phẩm được trao lầm
.
Copyright © 1998-2010 Radio Free
.
.
.
No comments:
Post a Comment