Thursday, May 9, 2024

THU HỒI VACCINE COVID-19 ASTRA ZENECA TRÊN TOÀN CẦU, VIỆT NAM THÌ SAO? (BBC News Tiếng Việt)

 



Thu hồi vaccine Covid-19 AstraZeneca trên toàn cầu, Việt Nam thì sao?  

BBC News Tiếng Việt

8 tháng 5 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c9xz24w3833o

 

Trước thông tin AstraZeneca đang tiến hành thu hồi vaccine phòng Covid-19 trên toàn cầu, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết Việt Nam đã không còn loại vaccine này.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/85bc/live/4fa86570-0cfd-11ef-a9a3-072eab536d85.jpg

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine AstraZeneca tại một địa điểm tiêm chủng công cộng tại Hà Nội ngày 10/9/2021

 

“Từ tháng 7/2023, số vaccine Covid-19 do hãng này sản xuất đã không còn hạn sử dụng. Theo quy định an toàn tiêm chủng, vaccine đã không còn được sử dụng để tiêm chủng phòng Covid-19,” đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết hôm 8/5.

 

Theo người đại diện này, hiện Việt Nam chỉ còn duy nhất vaccine Covid-19 do hãng Pfizer sản xuất, hạn sử dụng tới tháng 9/2024.

 

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh hãng dược phẩm của Anh-Thụy Điển đã thừa nhận trong các tài liệu tại Tòa cấp cao của Anh là loại vaccine này có thể gây ra các tác dụng phụ như dẫn đến đông máu và giảm lượng tiểu cầu, với tỷ lệ hiếm.

 

·        Vaccine AstraZeneca an toàn tới đâu?17 tháng 6 năm 2021

·        AstraZeneca: Lời khuyên mới nhất từ các chuyên gia ở Anh và Việt Nam8 tháng 5 năm 2021

·        Sinopharm của Trung Quốc 'về nhì' trong số vaccine tiêm ở VN26 tháng 10 năm 2021

 

 

Thu hồi trên toàn cầu

 

AstraZeneca hôm 7/5 cho biết họ đã bắt đầu thu hồi vắc xin Covid-19 trên toàn thế giới do "dư thừa các loại vaccine thế hệ mới có sẵn" kể từ sau đại dịch.

 

Công ty cũng cho biết họ sẽ tiến hành rút giấy phép tiếp thị vaccine Vaxzevria ở châu Âu (trong khu vực EU, vaccine AstraZeneca có tên là Vaxzevria).

 

“Vì có nhiều loại vaccine Covid-19 đã được phát triển, nhu cầu đối với Vaxzevria giảm," hãng cho biết.

 

Trước đó, hãng dược phẩm của Anh-Thụy Điển đã thừa nhận trong các tài liệu tại Tòa cấp cao của Anh là loại vaccine này có thể gây ra các tác dụng phụ như dẫn đến đông máu và giảm lượng tiểu cầu, theo tường thuật từ Telegraph hôm 28/4.

 

Cụ thể, Telegaph trích dẫn tài liệu pháp lý có nội dung vaccine Covid “có thể, trong một số trường hợp rất hiếm gặp, gây nên ra huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (Thrombosis with Thrombocytopenia Syndrome -TTS)".

 

AstraZeneca, công ty có trụ sở tại London, đã bắt đầu chuyển sang sản xuất vaccine chống virus hợp bào hô hấp (RSV) và thuốc điều trị béo phì sau khi doanh thu từ các loại sản phẩm phòng chống Covid-19 bị sụt giảm.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/0bef/live/24888d10-0cfe-11ef-bee9-6125e244a4cd.jpg

Hãng dược AstraZeneca thông báo sẽ bắt đầu thu hồi vaccine Covid-19 của họ trên toàn cầu

 

 

Việt Nam đã sử dụng bao nhiêu liều vaccine AstraZeneca?

 

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 cao nhất thế giới, với tiêm hơn 266,5 triệu liều gồm nhiều loại vaccine như AstraZeneca, Pfizer, Moderna... tính đến giữa năm 2023.

 

Trong đó, AstraZeneca là vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được phê duyệt nhập khẩu có điều kiện vào Việt Nam từ tháng 2/2021.

 

Việt Nam đã đặt mua 30 triệu liều vaccine của AstraZeneca, kèm theo các đợt viện trợ vào thời gian xảy ra đại dịch.

 

Lần gần đây nhất, vào tháng 2/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã phân bổ hơn 800.000 liều vaccine AstraZeneca có hạn sử dụng đến tháng 7/2023 cho các địa phương để triển khai tiêm chủng mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.

 

Theo thông tin từ Chính phủ Việt Nam, đến nay Việt Nam đã triển khai an toàn 74,3 triệu mũi tiêm AstraZeneca trên toàn quốc cho người từ 18 tuổi trở lên.

 

Lãnh đạo Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo người dân không nên hoang mang, lo lắng về thông tin vaccine AstraZeneca gây đông máu, bởi tác dụng phụ (nếu có) chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi dùng.

 

Riêng tại TP HCM, Sở Y tế cho biết toàn thành phố đã tiêm hơn 9 triệu liều vaccine AstraZeneca và không ghi nhận trường hợp nào xuất hiện cục máu đông sau tiêm chủng.

 

"Tình trạng xuất hiện cục máu đông là sự cố bất lợi hiếm gặp sau khi tiêm vaccine Covid-19, phần lớn xảy ra trong 28 ngày và có một số ít trường hợp sau 42 ngày. Tình trạng này hoàn toàn có thể điều trị. Việc lo lắng bị rối loạn đông máu do đã từng tiêm vaccine Covid-19 là không có cơ sở," Sở Y tế TPHCM khẳng định.

 

Sở Y tế TPHCM cho rằng cần khẳng định giá trị của vaccine, khi so sánh nguy cơ có 1 trường hợp xuất hiện cục máu đông trong 1 triệu trường hợp được tiêm phòng với lợi ích bảo vệ không để mắc bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao do Covid-19.

 

Liên quan đến vấn đề này, tạp chí Kinh tế Việt Nam dẫn lời PGS TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết vấn đề huyết khối ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng hơn 20 ngày sau khi tiêm và hầu hết sau mũi vaccine đầu tiên.

 

"Vì vậy, việc tự ý làm các xét nghiệm đông máu là không cần thiết," ông Thái nói.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/a4c1/live/a05726a0-0cfd-11ef-a9a3-072eab536d85.jpg

Chụp lại hình ảnh,TP HCM đã tiêm hơn 9 triệu liều vaccine AstraZeneca trên toàn thành phố

 

 

Các nước khác phản ứng ra sao?

 

Vào tháng 6/2021, khi nhiều nước mong ước có vaccine thì ở Úc, người dân lại chần chừ tiêm AstraZeneca sau khi có khuyến cáo về nguy cơ mắc chứng đông máu hiếm gặp.

 

Trước đó, khuyến nghị của Úc là dùng AstraZeneca cho người trên 50. Nhưng vào ngày 17/6/2021, Úc đã phải thay đổi khuyến nghị sau khi mũi tiêm này được cho là nguyên nhân khiến một phụ nữ 52 tuổi tử vong do cục máu đông trong não.

 

Trong cùng năm, tại Canada, Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng (NACI) khuyến nghị rằng vaccine AstraZeneca không nên được sử dụng cho người trưởng thành dưới 55 tuổi.

Tại Đức, chính phủ cho sử dụng AstraZeneca với người trên 60.

 

Hàn Quốc từ tháng 4/2021 đã hạn chế việc sử dụng vaccine AstraZeneca, chỉ dành cho người trên 30 tuổi.

 

----------------------

Tin liên quan

 

·         

AstraZeneca: ‘Liều một rủi ro ít, nhưng yên tâm tiêm liều hai’

29 tháng 7 năm 2021

·         

Hiệu quả AstraZeneca và Pfizer ở người già: Số liệu Hàn Quốc

17 tháng 6 năm 2021

·         

Mỹ điều tra vì lo ngại 'viêm cơ tim' sau khi tiêm Pfizer hoặc Moderna

12 tháng 6 năm 2021

 

 

 

 



No comments: