Friday, May 10, 2024

NHÙNG NHẰN QUANH DỰ ÁN KINH ĐÀO PHÙ NAM CỦA CAMPUCHIA (RFA)

 



NỘI DUNG :

 

Nhùng nhằn quanh dự án kinh đào Phù Nam của Campuchia

Hà Lệ Chi – RFA

.

Kênh đào Funan và những "mảng tối" chưa rõ !

RFA, 07/05/2024

 

===============================================

 

Nhùng nhằn quanh dự án kinh đào Phù Nam của Campuchia

Hà Lệ Chi - RFA

08/05/2024

https://thongluan-rdp.org/di-n-dan/item/32825-nhung-nh-n-quanh-d-an-kinh-dao-phu-nam-c-a-campuchia

 

Tại sao Việt Nam thất bại với kênh đào Phù Nam Techo ?

Hà Lệ Chi, RFA, 08/05/2024

 

Dự án gây nhiều căng thẳng

 

Những căng thẳng giữa Việt Nam và Campuchia liên quan đến dự án kênh đào Techo Phù Nam vẫn chưa dứt.

 

https://live.staticflickr.com/65535/53709646130_a90b0d3bf3.jpg

Phà đưa người và xe qua sông Mekong ở thủ đô Phnom Penh ngày 9/4/2024 – AFP

 

Dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia còn được gọi là Dự án Hệ thống Hậu cần và Đường bộ Giao thông Tonle Bassac. Với kinh phí ước tính là 1,7 tỷ USD, Kênh Techo Phù Nam có thời hạn hoàn thành dự kiến là vào năm 2028 [1].

Kênh đào Phù Nam Techo dự kiến dài 180km, nối các cảng biển của Campuchia ở phía tây nam với sông Mekong, tạo ra một tuyến đường thủy qua các khu vực trọng điểm như Kadal, Takeo và Kampot, đổ ra Biển Đông, tại khu vực cảng nước sâu duy nhất của Campuchia tại Sihanoukville, nằm trên Vịnh Thái Lan.

Dự án này nằm trong số các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên được chính phủ của Thủ tướng Campuchia Hun Manet công bố kể từ tháng 8/2023. Campuchia đã mất 26 tháng để tiến hành nghiên cứu khả thi với sự tham gia của hàng chục chuyên gia. Dự án dự kiến được khởi công vào cuối năm nay và ước tính sẽ mất bốn năm để hoàn thành.

Theo kế hoạch chi tiết của dự án, kênh Phù nam Techo dự kiến sẽ rộng 100 mét ở thượng nguồn và 80 mét ở hạ lưu với tổng độ sâu 5,4 mét. Việc xem xét thiết kế này, cùng với việc cung cấp hai làn đường vận chuyển, đảm bảo sự đi lại liền mạch của các tàu có trọng tải lên tới 3.000 tấn theo các hướng ngược nhau [2] .

 

Vai trò của Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, Campuchia là một quốc gia ASEAN quan trọng, đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia này phù hợp với tham vọng của nước này là tăng cường quan hệ kinh tế, ngoại giao và địa chính trị với Phnom Penh. Khoản đầu tư lớn này càng khiến Trung Quốc và Campuchia phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, qua đó làm gia tăng sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Bằng cách định vị vai trò là đối tác kinh tế quan trọng của Campuchia, Trung Quốc sẵn sàng gây ảnh hưởng lớn hơn trong việc định hình động lực ở Đông Nam Á.

Theo thỏa thuận giữa Campuchia và Trung Quốc, vai trò của Trung Quốc với tư cách là bên tham gia chính trong dự án giúp Trung Quốc có quyền quản lý độc quyền đối với kênh đào trong thời gian dài từ 40-50 năm [3] . Trong giai đoạn này, Trung Quốc giữ toàn quyền kiểm soát các hoạt động, bao gồm cả việc thu phí – lái xe dự kiến sẽ phải trả từ 12 USD cho ô tô con và lên tới 60 USD cho xe tải chở hàng một chiều trên đường cao tốc. Sau 50 năm nữa, quyền quản lý kênh đào mới được chuyển giao cho Campuchia [4].

 

Lo ngại của Việt Nam

Mối lo ngại ban đầu của Việt Nam chủ yếu là về tác động môi trường tiềm ẩn mà kênh Phù nam Techo có thể gây ra đối với khu vực sông Mekong.

Mối quan ngại cụ thể là sự thay đổi dòng chảy trong sông Mekong. Các nghiên cứu do Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson trụ sở tại Mỹ thực hiện cho thấy rằng việc xây dựng kênh đào có thể trở thành con đập, ngăn dòng chảy đổ vào các khu vực trọng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Về bản chất, kênh đào này có thể hoạt động giống như một con đập, theo đó hình thành vùng khô hạn ở phía Nam của kênh đào và vùng ướt trũng ở phía Bắc.

Sự thay đổi dòng chảy như vậy cũng sẽ tác động lớn đến các hoạt động nông nghiệp và đe dọa môi trường sống của các loài dễ bị tổn thương trong khu vực.

Brian Eyler - Giám đốc một chương trình nghiên cứu thuộc Stimson Center, cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Những ngày cuối cùng của dòng Mekông hùng vĩ" - đã nhận xét: "kênh đào Techo Phù nam sẽ là chiếc đinh cuối cùng đóng xuống cỗ quan tài cho Đồng bằng Sông Cửu long".

Sự phụ thuộc kinh tế ngày càng sâu sắc của Campuchia vào Bắc Kinh là điều đặc biệt đáng lo ngại. Sự phụ thuộc ngày càng tăng này phản ánh mối lo ngại về bản chất "mục đích kép" của dự án, trong đó cùng với việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, các công trình của kênh đào có thể trở thành nền tảng để Trung Quốc tăng cường sự hiện diện quân sự trên lãnh thổ Campuchia [5] .

Các nhà nghiên cứu Việt Nam đã thể hiện sự lo ngại với lý do kênh đào có độ sâu có thể tiếp nhận các tàu quân sự đi vào từ Vịnh Thái Lan và tiếp cận biên giới Campuchia - Việt Nam. Các âu thuyền trên kênh Phù nam Techo có thể tạo ra độ sâu nước cần thiết cho các tàu quân sự đi vào từ Vịnh Thái Lan, hoặc từ Căn cứ Hải quân Ream, đi sâu vào Campuchia và tiếp cận biên giới Campuchia - Việt Nam. Đây là mối lo ngại chiến lược đối với Việt Nam vì việc này có khả năng làm thay đổi cán cân theo hướng có lợi cho Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông vẫn đang diễn ra hết sức căng thẳng với những hành động hung hăng, hiếu chiến, bất chấp pháp luật quốc tế của Trung Quốc vẫn đang diễn ra hàng ngày.

 

Việt Nam sẽ không thể ngăn cản

Campuchia từ ngày 8/8/2023 đã chính thức nộp hồ sơ về dự án Techo Phù Nam cho Uỷ hội Sông Mekông (MRC). Kể từ ngày đó, báo chí Việt Nam có đưa tin về dự án này nhưng không nêu ra các lo ngại.

Phải tới trung tuần tháng 4 năm nay, báo chí Việt Nam đồng loạt lên bài nói lên nỗi lo ngại của các nhà khoa học liên quan đến dự án kênh đào này. Trước đó, bắt đầu là bài viết của hai tác giả Đinh Thiện và Thanh Minh, đăng trên tạp chí Phương Đông. Sau đó, bài báo này được đăng lại website của Học viện Chính trị Công an nhân dân ngày 18/3 [6] . Tuy nhiên, cho đến nay thì cả bài đăng trên tạp chí Phương Đông và trang nhà của Học viện Chính trị Công an nhân dân đều đã bị rút xuống.

Việc đồng loạt báo chí Việt Nam đưa ra các thông tin lo ngại về dự án kênh đào Techo Phù Nam cho thấy dường như Việt Nam đã hết kiên nhẫn trước sự khăng khăng bất chấp của Campuchia đối với dự án này.

Tuy nhiên, thẳng thắn mà nói, Việt Nam sẽ thất bại trong việc ngăn cản Campuchia thực hiện dự án kênh đào này, bởi vì :

Thứ nhất, Hun Sen đã là một chính trị gia lão luyện, đã có nhiều kinh nghiệm đàm phán với Việt Nam. Hun Sen được sự hậu thuẫn từ Trung Quốc và hiểu rõ rằng, trong thời điểm này, Việt Nam cần Campuchia hơn là Campuchia cần Việt Nam, cho nên Campuchia không sợ gì sức ép từ Việt Nam. Nhiều lần đàm phán với Việt Nam, cả về vấn đề biên giới, Hun Sen hiểu rõ tâm lý của các lãnh đạo Việt Nam, không dám kiên quyết theo đuổi vấn đề tới cùng mà dễ dàng thoả hiệp nên Hun Sen sẽ mạnh mẽ tấn công điểm này".

Thêm nữa, Campuchia đã thấy rõ điểm yếu của MRC, cũng như thái độ thiếu cương quyết, thiếu nhất quán trong việc phản đối các dự án xây đập thuỷ điện tại dòng chính Mekông của Lào. Chính vì vậy, Campuchia hiểu rõ Việt Nam sẽ không thể và không dám đẩy quá xa chuyện này.

Thứ hai, thời điểm này, Việt Nam đang đắm chìm trong những cuộc "chiến đấu chính trị trong nước", Liên tiếp hơn một năm nay, đã có hai Chủ tịch nước, một Chủ tịch Quốc hội, một Trưởng ban Kinh tế trung ương, hai Phó Thủ tướng, cùng rất nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch tỉnh… đã phải xin nghỉ hoặc bị đi tù do liên quan đến tham nhũng. Giới nghiên cứu bên ngoài đánh giá chống tham nhũng chỉ là chiêu bài để các phe nhóm chính trị tiêu diệt nhau mà thôi. Chính vì chìm đắm trong các cuộc tiêu diệt phe phái như vậy, Việt Nam càng không thể đủ tâm trí và đủ nguồn lực để theo đuổi việc ngăn cản hoặc làm chậm lại dự án kênh đào này.

Thứ ba, Chủ tịch MRC nhiệm kỳ này là một người Lào, ông ta và cả Chính phủ Lào cùng công khai ủng hộ Campuchia thực hiện dự án này [7] , cũng hàm nghĩa Việt Nam không thể tác động hay ngăn cản các dự án trên sông Mekông hiện nay và trong tương lai của Lào [8].

Việt Nam cần phải thay đổi chính sách cả nội trị lẫn đối ngoại mới mong có thể giữ vững được vị thế của mình trong một thế giới đầy biến động và trước sự đe doạ ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.

 

Hà Lệ Chi

Nguồn : RFA, 08/05/2024

 

Tham khảo :

[1] https://www.khmertimeskh.com/501401182/cambodias-funan-techo-canal-a-game-changer/

[2] https://www.khmertimeskh.com/501401182/cambodias-funan-techo-canal-a-game-changer/

[3] https://www.vietnam-briefing.com/news/why-cambodias-funan-techo-canal-project-is-worrying-vietnam.html/

[4] https://www.vietnam-briefing.com/news/why-cambodias-funan-techo-canal-project-is-worrying-vietnam.html/

[5] https://www.thinkchina.sg/politics/bris-funan-techo-canal-could-steer-cambodia-away-vietnam-and-towards-china

[6] https://www.straitstimes.com/world/vietnamese-concerned-canal-project-in-cambodia-could-be-potential-gateway-for-chinese-forces

[7] https://www.phnompenhpost.com/national/laos-president-shares-support-for-funan-techo-canal

[8] https://www.phnompenhpost.com/post-in-depth/mrc-explain-kingdom-s-responsibilities-for-funan-techo-canal-project

 

                                  ****************************

 

 

Kênh đào Funan và những "mảng tối" chưa rõ !

RFA, 07/05/2024

 

Ông Sokvy Rim, nhà nghiên cứu độc lập ở Campuchia, viết trên tạp chí Think China  rằng hiện nay, Campuchia phụ thuộc vào tuyến đường thủy đi qua Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam (ngả sông Tiền) để xuất khẩu hàng hóa đi Mỹ và nhập khẩu nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc. Khi kênh đào Funan đi vào hoạt động, Campuchia sẽ không còn lệ thuộc vào tuyến đường thủy đi qua Việt Nam nữa. 

 

https://live.staticflickr.com/65535/53708300552_3f50e3b4a1.jpg

Hai tuyến đường thủy từ Phnom Penh ra biển Đông: tuyến bên trái đi qua kênh đào Funan, tuyến bên phải đi qua sông Tiền. (Ảnh chụp từ Google Map, RFA vẽ minh họa - Google Map/ RFA

 

Thủ tướng Campuchia Hun Manet cũng khẳng định mục tiêu này khi nói kênh đào Funan sẽ giúp Campuchia "tự thở bằng mũi của chính mình" ("breathing through our own nose").

Tuy nhiên nhiều chuyên gia không có cái nhìn lạc quan như vậy về tiềm năng kinh tế của kênh đào Funan đối với Campuchia. 

Quãng đường qua kênh Funan dài gấp đôi quãng đường qua sông Tiền 

Trao đối với RFA, Kỹ sư Phạm Phan Long, Chủ tịch Viet Ecology, một tổ chức phi chính phủ ở California, Hoa Kỳ, nghiên cứu về môi trường và các vấn đề sông Mekong, cho rằng Campuchia cần đánh giá cẩn trọng tác động môi trường, xã hội, kinh tế cho chính đất nước mình trước. Theo ông tác động môi trường, xã hội của dự án này tới chính Campuchia là không hề nhỏ. 

Theo Kỹ sư Phạm Phan Long, hơn hai phần ba hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Campuchia là đi và đến các nước ở Đông Bắc Á (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc) và Bắc Mỹ (Canada, Hoa Kỳ). 

Do đó, con đường đi qua sông Tiền ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam sẽ ngắn hơn là đi qua kênh đào Funan. Nếu đi qua kênh đào Funan, tàu vận tải sẽ phải theo kênh này đi ra cảng Kep, vòng qua Mũi Cà Mau để ra Biển Đông, rồi từ đó đi ngược lên các nước Đông Bắc Á và Bắc Mỹ. Ông nói tiếp : 

"Để đi từ Phnom Penh ra đến Biển Đông, nếu tàu đi qua kênh đào Funan thay vì qua sông Tiền ở Đồng bằng sông Cửu Long thì họ sẽ phải đi gấp đôi quãng đường, do phải đi đường vòng, chưa kể phải trả phí khi đi qua âu tàu của con kênh.

Hai phần ba số mậu dịch của Campuchia là đi qua Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan. Cho nên tàu hàng không có lý do gì phải đi đường vòng qua kênh đào Funan.

Thực tế, nếu để cho thị trường tự do hoạt động thì kênh đào Funan chỉ phục vụ được một phần ba lưu lượng hàng hóa mậu dịch của Campuchia. 

Do đó thời gian mà Trung Quốc phải bỏ ra để thu hồi vốn từ khoản đầu tư 1,7 tỷ (RFA chú thích : Hunsen tuyên bố dự án được thực hiện bằng phương thức BOT, tức "xây dựng, vận hành, chuyển giao") sẽ còn lâu hơn nữa. 

Nếu hoàn toàn sử dụng kênh đào Funan mà không dùng sông Tiền của Việt Nam miễn phí, thương thuyền sẽ phải trả chi phí cho BOT để họ hoàn vốn và vận hành. Đó là những điều họ không nói cho dân của họ nghe.

Hãy lấy ví dụ tàu của Mỹ đến Campuchia mua hàng hóa. Tại sao họ phải đi đường vòng từ Biển Đông qua Sihanoukville, tỉnh Kep, rồi vào kênh đào Funan để lên Phnom Penh, trong khi đi từ sông Tiền vào Phnom Penh sẽ chỉ mất một phần ba quãng đường ? Không có lý do gì phải đi xa như vậy. 

Nếu để cho thị trường vận tải hoạt động tự do thì kênh đào Funan không có tính khả thi kinh tế, không phải tối ưu nhất. Tối ưu nhất là con đường thủy đi qua Tiền giang của Việt Nam".

 

 

Mục tiêu chiến lược của kênh đào Funan 

Việt Nam và Campuchia đã ký "Hiệp định Vận tải thủy" năm 2010. Theo số liệu từ Bộ Giao thông vận tải Việt Nam  công bố năm 2020, trong 10 năm (2010 – 2020), "hai nước đã làm thủ tục cho gần 73 nghìn lượt phương tiện, hơn 397 nghìn lượt thuyền viên, hàng chục triệu tấn hàng hóa và gần 1,3 triệu lượt hành khách". 

Ngoài ra, tuyến vận tải thủy Việt Nam- Campuchia qua sông Tiền còn đóng vai trò kết nối, gom hàng cho các tàu đến cảng Thành phố Hồ Chí Minh và đặc biệt là cụm cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải, với đà tăng trưởng từ 15-20% hàng năm, năm 2019 là gần năm triệu tấn". 

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn ở Đại học Cần Thơ cho rằng nếu Campuchia không còn dùng sông Tiền nữa mà dùng kênh đào Funan thì những con số mà Bộ Giao thông Vận tải nêu ra sẽ thay đổi trong tương lai. 

Tuy nhiên, tương tự như kỹ sư Phạm Phan Long, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cũng cho rằng cần phải xét lại khả năng nói trên, vì tàu đi từ Phnom Penh qua cảng Kep thì mới chỉ "chạm vào biển chứ không phải là đích đến". Ông cũng dẫn số liệu từ OEC, chỉ ra là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia năm 2022 là Mỹ (13,03 tỷ USD, tương đương 36,3%) và Việt Nam (3,55 tỷ USD, tương đương 10,2%). Để đi đến các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu chủ yếu của Campuchia, con đường vận tải tối ưu cho tàu thuyền vẫn là đi qua sông Tiền của Đồng bằng sông Cửu Long. 

David Hutt cũng viết trên RFA  rằng kênh đào Funan chỉ có thể cho tàu có tải trọng 1.000 tấn đi qua. Những con tàu lớn hơn 1.000 tấn vẫn phải đi qua sông Tiền để ra biển. Theo David Hutt, Campuchia vẫn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách sử dụng các tàu nhỏ hơn. Điều đó sẽ làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận, nhưng "vẫn có thể thực hiện được". Tuy nhiên, Kỹ sư Phạm Phan Long chỉ ra là nếu vận hành theo nguyên tắc thị trường tự do, không hãng vận tải nào lại chọn con đường đi xa hơn với tàu nhỏ hơn, công suất kém hơn. 

David Hutt cũng chỉ ra là chỉ riêng trong quý I năm 2024, Việt Nam đã mua 22% hàng hóa của Campuchia. Không có quốc gia nào khác đang chờ sẵn để thay thế Việt Nam mua 1/5 sản phẩm của Campuchia như vậy. Do đó, theo David Hutt, kênh đào Funan không giúp cho Campuchia thoát khỏi tuyến đường sông đi qua Việt Nam ra biển. 

Trao đổi với RFA, Kỹ sư Phạm Phan Long đặt ra câu hỏi nếu kênh đào Funan không thay thế được tuyến đường sông Tiền ra biển, vậy Campuchia còn có thể có mục đích nào khác khi xây kênh đào này. Ông phán đoán :

"Nếu kinh tế không phải là lý do để xây dựng kênh đào Funan thì chắc hẳn phải có lý do khác. Không loại trừ khả năng họ xây dựng kênh đào để chuẩn bị cho tình huống xung đột nếu nó xảy ra. Họ bảo vệ đường rút của họ trước, để nếu có xung đột xảy ra, sông Tiền bị khóa thì họ còn một đường thủy khác. Kênh đào Funan do đó có mục đích chiến lược chứ không phải mục đích kinh tế.

Cho nên tôi nghĩ là Việt Nam mình muốn giải quyết vấn đề kênh đào Funan một cách hòa bình, thân thiện. Việt Nam mình nên xây dựng một hiệp ước để cho hai nước thông thương với nhau chặt chẽ hơn, tốt hơn cho Campuchia. Để cho Campuchia không còn cần thiết phải làm kênh đào này hoặc làm thì sẽ làm khôn ngoan hơn, chứ không nhất thiết cứ phải làm cho bằng được như vậy".

 

 

Ý kiến trái chiều : kênh đào Funan sẽ không tác động xấu đến Đồng bằng sông Cửu Long 

Hôm 25/4/2024, trên báo Nông nghiệp, Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, Việt Nam, đã trích dẫn con số do Campuchia đưa ra là lưu lượng nước đi vào kênh Funan chỉ là 3,6m3 một giây. So sánh với "tiềm năng nguồn nước sông Mekong về đồng bằng qua Tân Châu và Châu Đốc là 12.450 m³/s", ông cho rằng "tác động của dự án đến Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam là không đáng kể". 

Một số chuyên gia cho rằng nếu chiều rộng kênh là 50 mét và chiều sâu là 4,7 mét thì lưu lượng 3,6m3/s qua kênh "có vẻ hơi thấp". Trao đổi với RFA về những số liệu này, Kỹ sư Phạm Phan Long nói ông không có phương tiện để kiểm chứng những con số đó nên cũng không có lý do để nghi ngờ.

Theo Kỹ sư Phạm Phan Long, có thể Campuchia dùng con số đó để chỉ lượng nước cần cho chảy vào âu thuyền để nâng mực nước lên, giúp cho thuyền có thể chạy ở mức nước cao hơn. Đó là lượng nước âu thuyền cần có để cho tàu chạy qua. Theo ông, con số này không tính đến lượng nước được dùng cho tưới tiêu và thủy sản. Ông nói: 

"Chúng ta cần tính thêm lượng nước dùng cho tưới tiêu và thủy sản. Cũng có chuyên gia khi tính thêm lượng nước đó thì đưa ra con số là có thể kênh đào sẽ lấy đi khoảng 30% đến 50% lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long. Cách tính này hơi "bảo thủ". Tuy nhiên, cũng có chuyên gia tính toán ngược lại, là kênh đào Funan không ảnh hưởng gì lớn đến Đồng bằng sông Cửu Long. Cả hai cách tiếp cận đó đều nên được xem xét lại.

Nếu là tôi làm công việc tính toán, trước hết là tính các kịch bản xấu nhất, sau đó tính toán các kịch bản tác động từ mức thấp nhất đến xấu nhất. Làm như vậy để khi phát sinh tranh chấp, mình biết tổn thất của mình tới đâu thì mình có thể lo trước để chống đỡ. Tôi thấy mình nên tránh xu hướng "bảo thủ", trong khi đó cũng nên tránh xu hướng ngược lại là tìm mọi cách biện hộ cho tác động môi trường của dự án và giảm nhẹ những thiệt hại có thể phát sinh". 

 

Nguồn : RFA, 07/05/2024

 

 

 


No comments: