Tranh
luận về ‘Đào, Phở và Piano’: Phân cực chính trị hay bạo lực tri thức?
NGUYỄN QUỐC TẤN TRUNG
- Luật Khoa Tạp Chí
MARCH
07 202412:48 PM
Không
thể có phân cực chính trị nếu không có bình đẳng chính trị trước.
Phim
trường "Đào, Phở, và Piano". Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bộ VHTTDL.
Cuộc thảo
luận, hay là tranh cãi xung quanh bộ phim “Đào, Phở và Piano” gần đây có thêm
tiếng nói rất đáng chú ý của Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai trên BBC News Tiếng Việt.
Trong bài
viết của mình, Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai cho rằng bộ phim này là điển
hình của hiện tượng “phân cực chính trị” (political polarisation), khi mà hai
nhóm tham gia thảo luận về bộ phim gần như bỏ qua mọi yếu tố liên quan đến bộ
phim và chỉ dùng cảm xúc và nhãn dán chính trị của mình để chỉ trích và sỉ nhục
nhau. [1]
Người viết
đồng tình gần như hoàn toàn với các luận điểm của bài viết và xin bàn thêm về ý
dưới đây của Tiến sĩ Mai:
Bị gọi
là “chó cánh tả” hay “phân cánh hữu” thì khó chịu thật đấy, nhưng không mấy ai
vì thế mà phải vào tù. Còn bị gọi là “phản động” ở Việt Nam thì có lẽ không an
toàn chút nào.
Thật khó
có thể cho rằng ở Việt Nam chúng ta đang vấp phải câu chuyện “phân cực chính trị”
như ở Hoa Kỳ hay nơi đâu khác trên thế giới.
Phân
cực chính trị, trước tiên, cần sự bình đẳng
Nếu thật sự
đào sâu vào từng thành tố của các lý thuyết phân cực chính trị thì điều đầu
tiên phải nói tới là sự bình đẳng chính trị giữa các phe nhóm chính trị.
Bình đẳng ở
đây không phải là sự cào bằng tuyệt đối với số lượng hay quan điểm được phản
chiếu trên các không gian công cộng. Thay vào đó, có thể được hiểu là các danh
tính, quan điểm và văn hóa chính trị khác nhau đều có cơ hội được tồn tại, phát
triển như nhau, và là nền tảng cơ bản của xã hội.
Hiểu đơn
giản, quá trình phân cực chính trị trước tiên cần một môi trường đa dạng sẵn có
của các cấu trúc bản sắc xã hội/chính trị khác nhau (different social identity
construction) và những liên kết nhóm khác nhau (group association). Hiện tượng
phân cực chính trị xảy ra khi các thảo luận ngày càng gay gắt và các nhóm này mất
đi khả năng đối thoại, khoan dung lẫn nhau. [2]
Bạo
lực tri thức luận (epistemic violence)?
Ở Việt
Nam, khó có thể nói chúng ta có các cấu trúc bản sắc xã hội/chính trị khác biệt.
Ngay cả khi có một sự khác biệt nền nào đó trong quần chúng, bản sắc “chính thống”
sẽ luôn là thứ bản sắc duy nhất được bảo vệ.
Hãy dùng
chính bộ phim “Đào, Phở và Piano” để tưởng tượng ra các thảo luận liên quan.
Đây là một
bộ phim được nhà nước đặt hàng, được các cơ quan đảng đoàn chỉ đạo chia sẻ. Vì
lý do này, việc tâng bốc bộ phim là một cơ hội không thể tốt hơn để thể hiện
tình yêu nước nồng cháy.
Nhóm tự nhận
mình “yêu nước” thường kêu gọi xem phim, chỉ trích những người không thích bộ
phim, chỉ trích nghệ sĩ không chịu quảng bá miễn phí cho phim. Đấy là những nước
đi vừa an toàn, vừa dễ trình diễn.
Ngược lại,
các nhóm khác gần như không thể nào phản bác sự áp đặt này mà không nhượng bộ một
phần hay toàn bộ lý luận của những nhóm “yêu nước”.
Đối diện với
những lời chỉ trích rằng không ca ngợi bộ phim là “phản động”, “không yêu nước”,
người bị chỉ trích không có lựa chọn nào khác ngoài việc khẳng định rằng mình
“yêu nước” và mong muốn “ủng hộ phim ảnh lịch sử nước nhà”, trước khi liệt kê
những điểm mà họ cho rằng bộ phim làm chưa tốt, hay nói một cách “có tính xây dựng”
hơn thì là “những điểm có thể cải thiện".
Tương tự,
ý kiến phê bình cho rằng thủ pháp xây dựng kẻ phản diện quá một chiều, quá “hoạt
họa” là dạng phê bình kỹ thuật biên kịch điện ảnh đã tồn tại hơn năm, sáu thập
niên. Người Pháp có thể là một trong những thế lực thực dân tàn nhẫn nhất trong
lịch sử thuộc địa hóa, song điều này không đồng nghĩa với việc mọi binh sĩ,
quan chức Pháp có mặt ở Việt Nam đều là những kẻ “ác chỉ để ác” như thể nhân vật
phản diện trong các bộ phim hoạt hình. Chúng ta có thể nhìn vào cách bộ
phim “Nghệ sĩ dương cầm” (The Pianist - 2002) khắc họa viên sĩ quan Đức đam mê
âm nhạc bị kẹt giữa nghĩa vụ đối với Đức Quốc xã và nhân tính của ông để thấy
cách điện ảnh thế giới cố gắng xây dựng con người như thế nào trong các cuộc
chiến tranh. Song áp dụng dạng ý kiến phê bình phổ biến, lâu đời này với bộ
phim “Đào, Phở và Piano”, người phê bình không còn lựa chọn nào khác là ẩn đi
bài đăng tải ý kiến của họ.
Đây vốn là
một điều có thể dự báo trước, bởi việc thách thức những bang hội “yêu nước”
trên mạng thường dẫn đến những hệ quả không mấy tốt đẹp cho các cá nhân bị họ
nhắm tới.
Nói tóm lại,
bối cảnh này không phải là phân cực chính trị bởi chỉ có một nhóm nắm trọn thẩm
quyền tuyên bố cái gì là sự thật tuyệt đối, cái gì là đúng đắn tuyệt đối. Chỉ
có một quan điểm duy nhất được chấp nhận ở thế giới thực của Việt Nam là “bộ
phim Đào, Phở và Piano là một bộ phim tuyệt vời, một kiệt tác điện ảnh”.
Nó gợi ý về
một hiện tượng mà giới nghiên cứu hậu thuộc địa thường gọi là “bạo lực tri thức”
(epistemic violence).
Về gốc
gác, khái niệm bạo lực tri thức thường được dùng để nói về sự áp đảo và thống
trị của hệ thống tri thức “dĩ Âu vi trung” (lấy châu Âu làm trung tâm), một
không gian mà các hệ thống và phương pháp tri thức luận khác ngoài châu Âu thường
bị từ chối, xem thường hay thậm chí là xóa bỏ.
Áp dụng
trong bối cảnh Việt Nam hiện đại, sự áp đặt một chiều lặp đi lặp lại của nhãn
dán “phản động” hay “không yêu nước” dành cho giới nghiên cứu và bình luận (dù
là về phim ảnh hay khoa học) cũng có hệ quả tương tự. Nó tước đi quyền hiện diện
của một cá nhân, cô lập họ và dập tắt tiếng nói của họ trong các không gian và
trật tự tri thức khác nhau của quốc gia.
Khả
năng tự điều chỉnh của môi trường chính trị Việt Nam?
Nói đến
đây, xin nói thêm về giai đoạn 1930 - 1940 khi nhà sinh vật học Trofim Lysenko
thống trị ngành sinh học tại Liên Xô. [3]
Được giới
nghiên cứu thế giới gọi là “kẻ độc tài của ngành sinh học Liên Xô”, Lysenko đưa
ra các luận điểm phản sinh học Mendel (anti-Mendelian) và từ đó cho rằng động,
thực vật không có gen, không di truyền từ đời này sang đời khác. Khoa học gen
dưới mắt Lysenko là thứ khoa học tư sản ngoại bản.
Thay vào
đó, áp dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng Marxist vào sinh vật học, Lysenko khẳng
định các hạt mầm sẽ tự thích nghi với môi trường nếu được làm quen đủ lâu. Việc
trồng các hạt mầm gần nhau sẽ giúp chúng cùng tham gia vào một “giai cấp
chung”; từ đó khiến cho cây cối không cạnh tranh dinh dưỡng với nhau, tạo ra
năng suất cao hơn.
Ấy thế mà
“Lysenkoism” (chủ nghĩa Lysenko) được cho là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến nạn
đói khủng khiếp ở cả Liên Xô, Trung Quốc lẫn hàng loạt các quốc gia trong khối
xã hội chủ nghĩa.
Khó có thể
tin rằng một không gian chính trị, nghiên cứu khoa học (mà đặc biệt là khoa học
tự nhiên) đa dạng và năng động như Việt Nam sẽ còn rơi vào những cái bẫy cũ kỹ
đã hơn 100 tuổi như ví dụ kể trên. Nhưng đối với khoa học xã hội (nơi mà hệ quả
của các lý thuyết chỉ có thể quan sát được trong dài hạn) hay không gian văn
hóa nghệ thuật (nơi mà áp lực dư luận có khả năng tác động trực tiếp đến các
tác phẩm), bạo lực tri thức có lẽ vẫn luôn là một thực tế mà người ta phải đối
mặt và làm quen.
-----
Chú
thích
1.
Phân
cực chính trị qua Đào, phở và piano - BBC News Tiếng Việt. BBC News Tiếng Việt; BBC News Tiếng
Việt. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ced0wjvqgy1o
2.
Barnes
R, “Getting Down in the Muck: Polarization and Online Debate” in Renee Barnes
(ed), Fandom and Polarization in Online Political Discussion: From Pop Culture
to Politics (Springer International Publishing 2022). Đọc thêm tại đây
3.
Kean,
S. (2017, December 19). Trofim Lysenko, the Soviet Era’s Deadliest Scientist,
Is Regaining Popularity in Russia. The Atlantic. Đọc thêm tại đây
No comments:
Post a Comment