The Economist
Đỗ Đặng
Nhật Huy, biên dịch
https://nghiencuuquocte.org/2024/03/18/the-gioi-hom-nay-17-03-2024/
Cuộc
bầu cử tổng thống Nga đã kết thúc sau ba ngày bỏ phiếu trên
toàn quốc. Cử tri được cho là vẫn xếp hàng dài tại một số điểm bỏ phiếu vào buổi
trưa. Những người ủng hộ Alexei Navalny – nhà lãnh đạo đối lập nổi bật nhất của
Nga, người đã chết trong tù vào tháng trước – đã kêu gọi mọi người đi bỏ phiếu
vào giờ đó để phản đối cuộc bầu cử giả hiệu. Yulia Navalnaya, góa phụ của
Navalny, tham dự cuộc biểu tình vào buổi trưa ở Berlin. Dù thế nào đi nữa, kết
quả chắc chắn sẽ là một chiến thắng vang dội và thêm một nhiệm kỳ sáu năm nữa
cho Vladimir Putin.
Trong
khi đó, Putin cáo buộc Ukraine tìm cách phá hoại cuộc bỏ phiếu
bằng các cuộc không kích ngày càng tăng nhằm vào cơ sở hạ tầng quan trọng. Hôm
Chủ nhật, Ukraine cho biết máy bay không người lái của họ đã tấn công trong đêm
một nhà máy lọc dầu ở Krasnodar, miền nam nước Nga; Nga cho biết họ đã bắn hạ
35 máy bay không người lái của Ukraine ở 8 khu vực.
Thủ
tướng Israel Binyamin Netanyahu cho biết ông vẫn có kế hoạch
đưa quân vào Rafah, thành phố cực nam của Gaza, bất chấp áp lực quốc tế. Nhưng
trong cuộc họp báo với thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Netanyahu nói Israel sẽ
không “nhốt tại chỗ” khoảng 1,5 triệu người Palestine đang trú ẩn ở đây. Một số
đồng minh của Israel đã cảnh báo ông Netanyahu không nên tấn công.
Ông
Netanyahu cũng phản đối lời kêu gọi của Chuck Schumer, lãnh đạo phe
đa số tại Thượng viện Hoa Kỳ, về tổ chức bầu cử ở Israel. Trong một cuộc phỏng
vấn, ông gọi những bình luận mà ông Schumer đưa ra hôm thứ Năm là “hoàn toàn
không phù hợp.” Trong một diễn biến khác, các quan chức Mỹ cho biết nước này đã
thực hiện một đợt thả hàng viện trợ nhân đạo khác vào Gaza.
Liên
minh châu Âu đã
công bố gói viện trợ trị giá 7,4 tỷ euro (8,1 tỷ USD) cho Ai Cập chuyển
giao trong vòng 3 năm. Gói này nhằm mục đích củng cố nền kinh tế đang khó khăn
của Ai Cập và hạn chế số lượng người di cư rời khỏi đất nước để đến châu Âu.
Hai bên đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược” và có kế hoạch hợp tác
trong nhiều lĩnh vực kinh tế, bao gồm năng lượng và thương mại.
Chính
quyền quân sự ở Niger đã hủy một thỏa thuận cho phép lính Mỹ
đóng quân trên nước này. Họ cáo buộc một phái đoàn Mỹ đến thăm đã không tuân
theo nghi thức ngoại giao. Mỹ có hai căn cứ quân sự ở Niger. Kể từ khi nắm quyền
vào tháng 7, chính quyền – giống như các nhà lãnh đạo quân sự ở nước láng giềng
Mali và Burkina Faso – đã buộc các lực lượng châu Âu phải rút lui và liên kết
chặt chẽ hơn với Nga.
Iceland đã ban bố tình
trạng khẩn cấp đối với khu vực xung quanh ngọn núi lửa phun trào lần thứ tư kể
từ tháng 12. Vụ phun trào xảy ra ngay phía nam thủ đô Reykjavik đã được đoán
trước bởi các nhà khí tượng học. Grindavik, thị trấn đánh cá gần đó với 4.000
người, một lần nữa phải sơ tán. Một vụ phun trào trước đó đã thiêu rụi một số
ngôi nhà ở đây.
Con
số trong ngày:
2,5 nghìn tỷ USD, là phần tăng vốn hóa thị trường của Alphabet, Amazon và
Microsoft kể từ khi làn sóng AI bắt đầu.
TIÊU ĐIỂM
Bắt
mạch kinh tế Trung Quốc không hề dễ
Sức
phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang ngày càng trở nên khó đánh giá hơn. Từ góc
độ nào đấy, như thế vẫn tốt hơn năm ngoái, khi nền kinh tế rõ ràng là quá yếu.
Nhiều chỉ số gần đây đã vẽ nên một bức tranh phức tạp. Xuất khẩu và lạm phát
tăng mạnh một cách đáng ngạc nhiên trong tháng 2, trong khi tăng trưởng tín dụng
và giá nhà lại gây thất vọng.
Vào
thứ Hai, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ,
và đầu tư trong hai tháng đầu năm (thường được kết hợp trong số liệu thống kê của
Trung Quốc vì Tết Nguyên Đán rơi vào một trong hai tháng). Thị trường nhìn
chung dự đoán sản xuất công nghiệp tăng khoảng 5% so với một năm trước đó, giảm
so với con số của tháng 12. Nhưng một số nhà kinh tế cho rằng tốc độ này có thể
lên tới 8%, một phần do ngày làm việc tăng thêm. Năm nhuận là một lý do khác
khiến động lực kinh tế của Trung Quốc thậm chí còn khó giải mã hơn bình thường.
Ukraine
thiếu đạn trầm trọng
Tình
hình ngày càng tồi tệ ở Ukraine sẽ là nội dung đứng đầu trong chương trình nghị
sự khi các ngoại trưởng EU nhóm họp vào thứ Hai. Lực lượng Ukraine đang phải đối
mặt với tình trạng “đói đạn pháo” trầm trọng kể từ cuối năm ngoái. Điều này, cộng
với tình trạng kiệt sức và tinh thần sa sút, là nguyên nhân chính khiến họ phải
rút lui khỏi Avdiivka, một thị trấn chiến lược quan trọng ở phía đông, một
tháng trước.
Cả
Mỹ và châu Âu đều phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu đạn của Ukraine.
Phe cực hữu trong đảng Cộng hòa Mỹ đã trì hoãn dự luật hỗ trợ quân sự trị giá
60 tỷ USD suốt nhiều tháng qua; trong khi EU chỉ cung cấp cho Ukraine chưa đến
một nửa số 1 triệu đạn pháo mà họ đã hứa cung cấp cho đến tháng 3. (Thời hạn đó
hiện đã được kéo dài đến cuối năm.) Ủy ban châu Âu gần đây đã phân bổ 500 triệu
euro (khoảng 550 triệu USD) để thúc đẩy sản xuất đạo pháo ở châu Âu, nhưng sẽ
không đạt được mục tiêu 2 triệu trái mỗi năm cho đến cuối năm 2025. Một sáng kiến
của Séc nhằm cung cấp 800.000 quả đạn pháo có thể mang lại nhiều hứa hẹn ngay lập
tức. Trong khi đó, Nga sẽ tận dụng lợi thế của mình.
Toà
Tối cao Mỹ phân định một vụ việc quan trọng về ngôn quyền
Tòa
án Tối cao Hoa Kỳ sẽ xét xử vụ Murthy kiện Missouri vào thứ
Hai. Vụ kiện này cho rằng chính quyền Biden đã gây áp lực buộc các công ty truyền
thông xã hội phải tham gia vào hoạt động kiểm duyệt — và do đó đã vi phạm
nguyên tắc tự do ngôn luận được quy định trong Tu Chính án thứ Nhất.
Louisiana,
Missouri, và 5 cá nhân phàn nàn rằng quan chức liên bang đã thuyết phục các mạng
xã hội xóa các bài đăng liên quan đến đại dịch Covid-19 và cuộc bầu cử năm
2020. Các nguyên đơn cho rằng chính phủ đã cố gắng “ép buộc các công ty tư nhân
kiểm duyệt người dân Mỹ.” Họ trích dẫn những ví dụ như Nhà Trắng yêu cầu
Twitter “bắt tay vào việc” gỡ bỏ một dòng tweet chống vắc-xin của Robert F.
Kennedy vào tháng 1 năm 2021, hoặc hỏi Facebook “các người có nghiêm túc
không?” và truy vấn công ty về việc kiểm duyệt thông tin sai lệch vào tháng 7
năm đó.
Chính
quyền Biden phản bác rằng các tổng thống “từ lâu đã sử dụng vị trí của mình để
định hình hành vi tư nhân và gây ảnh hưởng lên công chúng về các vấn đề thời sự.”
Họ lập luận rằng chỉ có “những lời đe dọa hoặc xi giục,” chứ không phải “ngôn
ngữ mạnh mẽ,” mới được coi là ép buộc bất hợp pháp.
Dữ
liệu xuất khẩu và lạm phát của EU
Vào
thứ Hai, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu sẽ công bố số liệu về thương mại
hàng hóa quốc tế trong tháng 1 cũng như dữ liệu lạm phát trong tháng 2. Cả hai
đều có khả năng đem đến tin tốt. Trong tháng 12 năm 2023, khu vực đồng euro báo
cáo thặng dư thương mại hàng hóa với phần còn lại của thế giới là 16,8 tỷ euro
(18,3 tỷ USD), phản ánh xuất khẩu tăng; một năm trước họ đã báo cáo mức thâm hụt
8,5 tỷ euro. Trong khi đó lạm phát đang có xu hướng giảm, đạt tỉ lệ theo năm
2,8% trong tháng 1 năm 2024, so với 8,6% của tháng 1 năm 2023.
Kinh
tế châu Âu đang thể hiện kém hơn so với Mỹ, nơi có nền kinh tế tăng trưởng
nhanh gấp đôi so với khu vực đồng euro kể từ cuối năm 2019. Điều này một phần
là do các vấn đề của châu Âu về quan liêu, chi phí năng lượng cao, và thiếu lao
động lành nghề. Nhưng châu Âu vẫn có lý do để vui mừng: họ vẫn là nhà vô địch về
xuất khẩu và thâm hụt tài khoá của họ nhỏ hơn nhiều so với Mỹ.
No comments:
Post a Comment