Saturday, March 23, 2024

NHỮNG NGHỊCH LÝ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM (Thanh Hà / Người Việt)

 



Những nghịch lý chính trị Việt Nam

Thanh Hà  -  Người Việt

March 21, 2024

https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/nhung-nghich-ly-chinh-tri-viet-nam/#google_vignette

 

Người Việt có câu “cái kim trong bọc, mãi cũng phải lòi ra” với ý nghĩa rằng chẳng có gì giấu giếm mãi được. Nhưng có một nghịch lý đang tồn tại ở Việt Nam, đó là việc “Con voi chui lọt lỗ kim” thì là điều vẫn hiển hiện hàng ngày.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/DD-Le-Duc-Tho.jpg

Ông Lê Đức Thọ, bí thư Tỉnh Ủy Bến Tre. (Hình: Bộ Công An)

 

Những dinh thự xa hoa của các quan chức lãnh đạo CSVN, như của Thiếu Tướng Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc công an Hải Phòng, hay của ông Đặng Văn Minh, cựu chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Quảng Ngãi,… là những ví dụ.

 

Tới mức, trên mạng xã hội, có nhiều ý kiến cho rằng, những tư gia như vừa kể, khó có thể gọi là những dinh thự sang trọng, mà phải gọi là những tòa lâu đài nguy nga, mới đúng nghĩa.

 

Trong lúc đó, có một thực trạng ở Việt Nam hiện nay, ai cũng biết, lương bổng của các lãnh đạo cấp cao nhất ở cấp tứ trụ, thu nhập tất cả, cũng không quá 45 triệu đồng (khoảng $1,800)/tháng.

 

Trên thực tế, các quan chức lãnh đạo các cấp, công chức, viên chức, từ trung ương tới địa phương, cũng như các ngành các bộ, có mức lương tương đương cũng chỉ như vậy. Nhưng ai ai cũng có nhà riêng và nhà hay căn hộ cho thuê. Ngoài ra, họ còn sở hữu xe hơi đắt tiền, cho con cái ra nước ngoài du học… là chuyện phổ biến.

 

Trong khi đó, tầng lớp bình dân hay người lao động nghèo, vẫn phải vất vả bươn chải trong tình cảnh “ăn bữa sáng, lo bữa tối,” thậm chí vẫn không đủ ăn. Đó là chưa nói tới việc cho con cái họ có được học hành tử tế hay không.

 

Nhiều ý kiến cho rằng, hầu hết các công chức, viên chức và kể cả các lãnh đạo trong bộ máy đảng và nhà nước Việt Nam hiện nay, họ không sống bằng tiền lương, mà sống bằng “lậu” hay các thu nhập khác. Bởi vì tiền lương nhà nước trả quá thấp, không đủ để trang trải cũng như bảo đảm cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình họ.

 

Báo Dân Trí hôm 19 Tháng Mười, 2023 đưa tin, với tiêu đề “Trung Tướng Trần Văn Độ: Hiện nay không phải ai cũng chính trực được đâu.”

 

Theo đó cùng ngày, Trường Đại Học Luật – Đại Học Quốc Gia Hà Nội tổ chức tọa đàm “Giáo dục phòng, chống tham nhũng với yêu cầu xây dựng văn hóa liêm chính trong giai đoạn mới.”

 

Tại hội thảo, Trung Tướng Trần Văn Độ, phó giáo sư, tiến sĩ luật, cựu phó chánh án Tòa Án Nhân Dân Tối Cao, cựu chánh án Tòa Án Quân Sự Trung Ương, Bộ Quốc Phòng giai đoạn 2006-2015, cựu đại biểu Quốc Hội Việt Nam nhiều khóa, cho rằng “…hiện nay không phải ai cũng chính trực, bởi không liêm khiết được.”

 

Ông Trần Văn Độ đưa ra ví dụ: “Thẩm phán lương 8 triệu đồng, mà nghề giúp việc lương cũng hơn 8 triệu, thì liêm chính không nổi.”

 

Quy luật sinh tồn muôn đời của con người là “đói thì đầu gối phải bò,” một khi đồng lương không đủ sống thì người ta phải làm thêm hay xoay sở bằng mọi cách. Đối với công chức, viên chức và lãnh đạo, họ sẽ thông qua việc vòi vĩnh, hay lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận hối lộ, tức là tham nhũng.

 

Từ đó dẫn tới tình trạng trong bộ máy nhà nước trong một thời gian dài, việc nhận quà cảm ơn bằng phong bì, hay việc trả hoa hồng theo %, trong các dự án công, đầu tư bằng vốn ngân sách trở nên phổ biến. Nguy hiểm hơn, điều đó đã trở thành thông lệ và là điều “hết sức bình thường” trong bộ máy nhà nước ở Việt Nam.

 

Đó là lý do tại sao một chức vụ công chức “quèn” ở Việt Nam, với mức lương chỉ 4 đến 5 triệu đồng/tháng, mà người ta sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu, thậm chí cả tiền tỷ, để được ngồi vào vị trí đó.

 

Dư luận thấy rằng, dù ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, làm nghề công chức hay viên chức nhà nước, một điều kiện tối thiểu là phải đảm bảo có mức lương đủ sống, đủ nuôi bản thân và gia đình.

 

Công chức, viên chức trong bộ máy chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây là một ví dụ, về trách nhiệm của một quốc gia đối với người làm công cho nhà nước. Đó là điều mà cho đến nay, nhà nước CSVN sau 79 năm cầm quyền, từ năm 1945 đến nay, chưa thực hiện nổi.

Tham nhũng ở bất kỳ quốc gia nào cũng có, vấn đề chỉ là ít hay nhiều và cách thức chống tham nhũng có hiệu quả hay không mà thôi. Kinh nghiệm của các quốc gia chống tham nhũng thành công hàng đầu trên thế giới cho thấy, việc công khai minh bạch tài sản quan chức là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành bại.

 

Tuy vậy, ở Việt Nam, việc kê khai tài sản còn mang tính hình thức, chủ yếu mang tính đối phó. Kê khai tài sản chỉ nhắm vào giới chức cấp thấp, còn lãnh đạo cấp cao thì được bỏ qua.

Đó là lý do vì sao những dinh thự xa hoa của như ông Đặng Văn Minh, chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, người mới bị khởi tố và bắt giam mới đây, nằm chềnh ềnh giữa trung tâm thành phố Quảng Ngãi, một tỉnh nghèo. Biệt phủ của ông Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc công an Hải Phòng, nằm lộ thiên giữa ban ngày, ban mặt, trong suốt một thời gian dài, tại sao không bị phát hiện, không bị kiểm tra để tìm hiểu nguồn gốc tài sản, để xử lý theo quy định?

 

Việc công khai minh bạch tài sản của quan chức là một yêu cầu bắt buộc của Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư đảng CSVN. Theo quy định, các lãnh đạo phải kê khai đúng đủ các biến động của tài sản hàng năm, nếu không trung thực kê khai tài sản với tổ chức, sẽ bị coi là sai phạm nghiêm trọng, đồng thời phải chịu kỷ luật.

 

Hội Nghị Trung Ương 8 Khóa 13 vào Tháng Mười, 2023, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSVN ra nghị quyết thi hành kỷ luật cách tất cả các chức vụ trong đảng đối với ông Lê Đức Thọ, bí thư Tỉnh Ủy Bến Tre là một ví dụ. Ông Thọ bị tố cáo vi phạm nghiêm trọng quy định trong việc kê khai tài sản vì có hơn 3,000 tỷ đồng gửi tại các ngân hàng và số cổ phiếu khoảng 1,000 tỷ đồng nhưng không chịu kê khai theo quy định.

 

Điều đó cho thấy tình trạng che giấu tài sản, kê khai không trung thực của các quan chức, công chức, có nghĩa vụ bắt buộc phải kê khai, là điều phổ biến. Thậm chí, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cũng không gương mẫu để nêu gương trong việc kê khai tài sản cá nhân.

Cụ thể, hôm 17 Tháng Sáu, 2018, trong cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, ông Trọng nói rằng “…vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm, bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân.”

 

Công luận thấy rằng đó là một phát biểu mang tính tránh né, từ chối việc kê khai tài sản, theo nghị quyết của Bộ Chính Trị và Ban Bí Thư. Người ta cũng đặt ra câu hỏi, nếu Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thực sự trong sạch, không tham nhũng, không có những tài sản bất minh, tại sao không dám công khai tài sản?

 

Ông Trần Quốc Vượng, ủy viên Bộ Chính Trị, thường trực Ban Bí Thư, Khóa XII, tại hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng đảng năm 2019, triển khai niệm vụ năm 2020, nói rằng: “Đây là vấn đề quan trọng. Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi.”

 

Trong lúc đảng CSVN và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng luôn luôn hô hào, kêu gọi cán bộ, đảng viên phải tích cực tham gia công cuộc chống tham nhũng, tiền lương nhà nước trả không đủ sống. Thế nhưng, đa phần cán bộ, công chức nhà nước vẫn sống khỏe và giàu có như đã thấy.

 

Điều đó cho thấy một nghịch lý không thể hiểu nổi đối với nhà nước ở Việt Nam hiện nay. [đ.d.]






No comments: