Sunday, March 17, 2024

NHÌN VỀ HỘI BÁO (Lê Huyền Ái Mỹ)

 
 
Nhìn về hội báo
Lê Huyền Ái Mỹ
15-3-2024  07:45  · 
https://www.facebook.com/huyenaimy.le.9/posts/pfbid0ESyXCweeS6CpAUX8km1Wcj8n7kqy8RZ7QdJn4gQxPiPGoei5hV9VfD4qXou2RwYNl
 
Tại phiên họp toàn thể của Hội báo toàn quốc, Bộ trưởng Bộ 4T Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: “Không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. Thắng hay bại là ở đây“. Chí phải.
 
Và không phải đợi đến bây giờ. Vấn đề là tới bao giờ thì cách thức tổ chức hội báo sẽ tương thích với tính năng “trận địa chính”, tức không gian mạng chứ không phải cứ chỉ mỗi gian hàng ngoại tuyến (offline) trưng dăm ba tờ báo giấy, tạp chí.
 
Báo chí rầm rộ đưa tin thời của livestream bán hàng, nhẽ ngày hội của làng báo không thử lên sóng để tiếp thị bạn đọc và những sản phẩm đắt giá của mình. Bạn đọc của mình giờ “ăn ngủ” trên không gian mạng cả đấy, chí ít cũng một lần thử so tài cao thấp với… chị em tiểu thương coi sao!
 
Ông bộ trưởng cũng đưa ra thông điệp… số: “Báo chí muốn phát triển cần không gian mới, lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số, nguồn lực mới là nhân lực số, yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số, động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Do vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí”. Chí lý.
 
Và hẳn nhiên phải loại bỏ hoàn toàn cái tỷ lệ … hoa hồng số, nhất là ban biên tập rồi đến toàn bộ khối nội dung. Nó chỉ nên và phải thuộc về khối kinh doanh với khung tỷ lệ được minh bạch hóa, công khai hóa.
 
Nhưng cũng cần có chút chí tình, ông bộ trưởng ạ, bởi ngoại trừ một vài tờ báo “mạnh vì gạo” đã có đầu tư số, còn lại có thể có động lực và tha thiết muốn “đổi mới sáng tạo” song công nghệ, nhân lực, dữ liệu hầu như đều đang ở giai đoạn mày mò. Muốn đổi mới và để đổi mới cho bằng được, sáng tạo cho ra đâu thể là quyết tâm chính trị.
 
Từ đời sống xã hội, chọn điểm rơi thời sự, tìm và lẩy cho ra đề tài gây chú ý đến việc tổ chức thực hiện ra sao, hình thức thể hiện như thế nào cho thu hút người đọc; chưa nói đến số hóa, chỉ việc làm cho tới nơi tới chốn chừng ấy thôi là đã đủ đứt hơi. Nhúng tất cả đầu việc ấy vào quy trình số thì dám chắc, không ít ban biên tập, tòa soạn, phóng viên cũng… tới số!
 
Tôi đồng tình tiếp với ông bộ trưởng, “báo chí cần một không gian rộng hơn là đưa tin ai, cái gì, khi nào và ở đâu. Độc giả mong muốn biết những gì ở phía sau quá nhiều những tin tức. Đó có thể là một sự diễn giải, phân tích hoặc bình luận tin tức. Cũng có thể là một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước”.
 
Và tôi nghĩ, đây mới chính là “của để dành” cho báo chí. Số hóa đến đâu, số má cỡ nào thì “một cái nhìn đa chiều, một sự thấu hiểu sâu sắc và trí tuệ, một sự diễn giải thú vị, đầy tính gợi mở, hoặc một giải pháp cho những vấn đề của đất nước” – đấy chả phải là chức năng của báo chí, cũng là trách nhiệm xã hội, kể cả kiêu hãnh của người viết báo, làm báo.
 
Tất nhiên, nó luôn đi kèm với tính trung thực, tôn trọng sự thật hoặc tiệm cận sự thật!
 
Cho nên, ngày hội báo, thay vì tốn kém xăng xe đi lại, tiền thuê mướn gian hàng, trưng trổ thì dồn hết chừng ấy, cộng thêm gói đặt hàng (có nghiệm thu), gói công trình… phân bổ về cho các báo. Còn lại, lễ lạt cứ lives-tream, trận địa chính trên ấy, trận chiến chính cũng trên ấy và cả “mặt trận” quyền lực cũng đều trên không gian ấy cả!


No comments: