Saturday, March 23, 2024

NGƯỜI TRẺ UỐNG RƯỢU BIA : TẠI SAO RẤT NGUY HIỂM CHO NÃO? (David Robson / BBC Future)

 



Người trẻ uống rượu bia: Tại sao rất nguy hiểm cho não?

David Robson

BBC Future

22 tháng 3 năm 2024

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ce48r90084yo

 

 

Từ ngộ nhận về “văn hóa uống rượu bia lành mạnh” của người châu Âu, cho đến tác hại không ngờ của một số cách dạy con phổ biến trong gia đình, khoa học đang lật đổ những niềm tin lỗi thời xung quanh mối quan hệ giữa rượu bia và người trẻ.

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/6bc7/live/8037b5b0-e8ea-11ee-860f-4b0b053e4cd0.jpg

Các nghiên cứu mới chỉ ra rằng cồn chứa trong rượu bia đặc biệt có hại cho hệ thần kinh của người trẻ

 

Tôi bước sang tuổi 18 đúng một ngày trước khi rời nhà đi học đại học, ngưỡng tuổi được phép mua rượu ở Anh, vừa kịp để tôi khám phá các quán rượu và bar cho sinh viên.

 

Khi tôi đến đăng ký dịch vụ y tế với một bác sĩ gần chỗ ở mới, cô ấy hỏi tôi mỗi tuần uống bao nhiêu đơn vị rượu - một cách đo lượng rượu tiêu thụ thường dùng ở Anh, 1,5 đơn vị cỡ chừng bằng một ly rượu nhỏ. “Khoảng bảy đơn vị,” tôi đáp, sau khi tính nhẩm số chầu vodka pha cam ép mà tôi hay uống khi đi chơi đêm với các bạn trong trường. Tôi cho uống thế là còn ít, nhưng bản thân tôi không phải người hay phá vỡ nguyên tắc.

 

"Đến đây ở rồi thì sẽ uống nhiều lên đấy,” bác sĩ trả lời kèm nụ cười khô khốc. Cô ấy nói không sai. Chỉ trong vòng vài tuần, tôi đã say sưa nốc cạn cả chai rượu trước khi chuyển sang uống hết cả dãy ly xếp dài trên bàn trong quán bar.

 

Tôi biết uống rượu nhiều có thể gây ảnh hưởng sức khỏe lâu dài, nhưng chưa nghĩ đến chuyện chính tuổi trẻ của mình có thể lại là yếu tố làm tăng nguy cơ, so với người ở độ tuổi 30, 40 hoặc 50.

 

Nhưng chẳng phải nguy cơ là như nhau với mọi người trưởng thành hay sao?

 

 

Đọc thêm

 

·        Ai bảo rượu bia có hại cho sức khỏe?

27 tháng 9 năm 2015

 

·        Những điều bạn chưa biết về bia

11 tháng 1 năm 2015

 

·        Uống rượu vang có tốt cho sức khoẻ không

31 tháng 10 năm 2019

 

 

Nếu ngày đó tôi được biết về những gì rượu có thể gây ra cho não của người trẻ tuổi, có lẽ tôi đã thận trọng hơn đôi chút. Ở tuổi 18, bộ não của tôi vẫn đang trong quá trình biến đổi và phải ít nhất bảy năm sau mới phát triển đầy đủ. Điều này làm thay đổi cách cơ thể phản ứng với rượu, vậy nên uống rượu trong giai đoạn then chốt này có thể gây ra hệ lụy lâu dài cho sự phát triển nhận thức của chúng ta.

 

Khi nói chuyện với các nhà nghiên cứu về tác động của rượu đối với người trẻ, tôi đã rất ngạc nhiên với nhiều phát hiện khác ngoài những điều đã nói trên. Nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới đang dần làm sụp đổ những niềm tin phổ biến về liên hệ giữa tuổi tác và rượu bia, chẳng hạn như cho rằng người châu Âu lục địa có văn hóa uống rượu lành mạnh hơn người Anh hoặc Mỹ, hay việc cho phép thanh thiếu niên uống rượu bia tại nhà trong bữa ăn là cách dạy lớp trẻ biết uống có trách nhiệm.

 

Việc có nên sửa luật về rượu bia dựa trên những phát hiện khoa học mới này hay không còn là một vấn đề chính trị phức tạp, nhưng chí ít việc nhận thức đầy đủ hơn về sự thật có thể giúp các thế hệ tương lai đưa ra được lựa chọn sáng suốt hơn trong cách họ ăn nhậu, cũng như giúp các bậc cha mẹ biết cách hành xử với rượu bia tại gia đình của mình.

 

 

Người nhỏ, não to

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/c2b8/live/b762b320-dfce-11ee-860f-4b0b053e4cd0.jpg

Theo chuyên gia, sau khi uống rượu, một lượng tương đối lớn cồn sẽ đi lên não của người trẻ tuổi, khiến đối tượng này có nguy cơ bị ngộ độc rượu cao hơn

 

Trước tiên cần làm rõ một điều: rượu bia là một loại chất độc. Nó gây ra đủ thứ tác hại, từ tai nạn chết người, cho đến các bệnh về gan và nhiều loại ung thư. Ngay cả một lượng nhỏ cũng có nguy cơ gây ung thư, đó là lý do Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng “đối với việc tiêu thụ rượu bia, không có một ngưỡng nào có thể coi là an toàn mà không ảnh hưởng đến sức khỏe”.

 

Tuy nhiên, rất hiếm có hoạt động nào là tuyệt đối không có rủi ro, và tác hại của rượu bia thường được đặt lên bàn cân cùng với giá trị hưởng thụ mà nó mang lại. Do đó, các chính sách y tế hiện hành được xây dựng dựa trên nguyên tắc hạn chế tác hại bằng cách khuyến khích uống có chừng mực.

 

Ở Mỹ, giới hạn này được xác định là không quá hai đơn vị mỗi ngày đối với nam (một đơn vị tương đương 14 gam cồn nguyên chất) và không quá một đơn vị mỗi ngày đối với nữ - nhiều quốc gia khác cũng đưa ra khuyến nghị tương tự.

 

Mặc dù bia và rượu vang thường được coi là những loại đồ uống tương đối an toàn, như đã được nêu trong khuyến cáo của Mỹ, nhưng loại đồ uống không phải là yếu tố quan trọng – thay vào đó, mấu chốt nằm ở hàm lượng cồn.

 

“Một cốc bia 12 ounce (khoảng 355 ml) chứa lượng cồn tương đương với một ly rượu vang 5 ounce (148 ml) hoặc một ly rượu mạnh 1,5 ounce (44 ml)," khuyến cáo của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) nêu.

 

·        Uống rượu vang có tốt cho sức khỏe không

 

Luật về độ tuổi được uống rượu bia cũng dựa theo logic tương tự về hạn chế tác hại: công dân được bảo vệ khi chưa thành niên, và được quyền tự lựa chọn khi đến tuổi trưởng thành. Ở hầu hết các nước châu Âu, độ tuổi uống rượu hợp pháp là 18, trong khi ở Mỹ là 21.

 

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/2fd2/live/20e0cdd0-df77-11ee-860f-4b0b053e4cd0.jpg

Do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, với cùng một lượng rượu tiêu thụ, nồng độ cồn trong máu của thanh thiếu niên thường cao hơn người đã hoàn toàn trưởng thành

 

 

Tuy nhiên, có nhiều lý do khiến rượu bia có thể nguy hiểm hơn đối với người trẻ tuổi, ngay cả khi họ đã đủ tuổi được uống rượu bia theo quy định của pháp luật. Một trong số đó là kích thước và hình dạng cơ thể: chiều cao của thanh thiếu niên còn tiếp tục phát triển cho đến 21 tuổi, và thậm chí sau khi đã ngừng tăng chiều cao, kích thước cơ thể của họ vẫn chưa phát triển đầy đủ như người trong độ tuổi 30 hay 40.

 

“Chính vì vậy, uống một ly rượu sẽ dẫn đến nồng độ cồn trong máu cao hơn ở người trẻ so với người hoàn toàn trưởng thành,” Ruud Roodbeen, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Maastricht, giải thích. Ông là tác giả cuốn sách Beyond Legislation (Tạm dịch: Không chỉ là vấn đề luật pháp), trong đó xem xét ảnh hưởng của việc nâng độ tuổi cho phép uống rượu bia.

 

Khung xương chưa hoàn chỉnh của thanh thiếu niên cũng dẫn đến tỷ lệ giữa kích thước của đầu và cơ thể không cân đối. Về điểm này, tôi chắc chắn rằng ngày xưa mình từng trông giống một cái tượng đồ chơi "đầu bự" (bobblehead).

 

Đồng thời, tỷ lệ này cũng gây ra cảm giác say mà mọi người gặp phải. Khi uống rượu bia, cồn sẽ thẩm thấu vào máu, sau đó theo máu đi khắp cơ thể. Trong vòng năm phút, nó tới được não và nhanh chóng vượt qua hàng rào máu - não, một lớp tế bào có tác dụng bảo vệ não khỏi các tác nhân có hại.

 

“Một lượng tương đối lớn cồn sẽ đi vào não của người trẻ tuổi, đó là một trong số nguyên nhân khiến người trẻ dễ bị ngộ độc rượu hơn,” Roodbeen giải thích.

 

 

Tái định hình bộ não

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/00a0/live/e06b4c40-df75-11ee-8bf3-195418ba9285.jpg

Não bộ của con người chưa phát triển đầy đủ cho đến ít nhất là 25 tuổi. Vậy nên nếu uống với tần suất đủ cao và lượng đủ lớn từ khi còn trẻ, rượu bia có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của não.

 

 

Những thay đổi diễn ra bên trong bộ não cũng quan trọng không kém. Trước đây, sự phát triển của hệ thần kinh được cho là dừng lại ở quãng tuổi thiếu niên, nhưng một loạt nghiên cứu mới đây đã chỉ ra bộ não của thanh thiếu niên trải qua một quá trình tái thiết lập phức tạp và không kết thúc cho đến ít nhất là 25 tuổi.

 

Một trong những biến chuyển quan trọng nhất là sự suy giảm “chất xám”, xảy ra do não loại bỏ bớt các synap, hay còn gọi là các điểm tiếp hợp thần kinh cho phép các tế bào thần kinh (neuron) giao tiếp với nhau.

 

Trong khi đó, chất trắng lại có xu hướng tăng mạnh. Chất trắng là tập hợp những sợi trục (axon) đóng vai trò như dây dẫn truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh, sợi trục thường được bao bọc bởi một lớp lipid cách điện.

 

“Chúng giống như những con đường siêu tốc của bộ não,” Lindsay Squeglia, nhà tâm lý học thần kinh tại Đại học Y Nam Carolina, ví von.

 

Kết quả của quá trình này là một mạng lưới thần kinh tối ưu có khả năng xử lý thông tin nhanh hơn.

 

Một trong những khu vực não bộ hoàn thiện sớm nhất là hệ viền (limbic), hệ thống có chức năng chi phối cảm xúc. “Từ giai đoạn thiếu niên, những khu vực này đã hoàn toàn giống với người trưởng thành,” Squeglia giải thích.

 

Ngược lại, vùng vỏ não trước trán, một phần của thùy trán và nằm ngay sau xương trán, phát triển chậm hơn. Vùng này chịu trách nhiệm về tư duy bậc cao - bao gồm điều tiết cảm xúc, ra quyết định và tự kiểm soát.

 

Sự chênh lệch về tốc độ phát triển của hai khu vực trên có thể giải thích tại sao ở độ tuổi thanh thiếu niên, người ta có xu hướng chấp nhận mạo hiểm hơn so với khi trưởng thành.

“Nhiều người ví bộ não của thanh thiếu niên giống như chiếc xe đã có chân ga hoàn chỉnh nhưng lại chưa có chân phanh,” Squeglia nói.

 

Vậy nên việc để các tế bào thần kinh “tắm” trong rượu - vốn được biết đến là một chất ức chế - chỉ càng làm gia tăng khuynh hướng ưa mạo hiểm. Đối với những trường hợp thanh thiếu niên tính tình đặc biệt xốc nổi, rượu có thể đưa đến một vòng lặp của những hành vi xấu xa hay phạm pháp.

 

“Những bạn trẻ có tính bốc đồng hơn bình thường hay có xu hướng uống rượu bia nhiều hơn và rồi vì uống nhiều hơn nên lại càng bốc đồng hơn,” Squeglia phân tích.

 

Với tần suất đủ cao và lượng đủ lớn, uống rượu bia trong độ tuổi vị thành niên có thể làm suy yếu sự phát triển về lâu dài của não bộ. Các nghiên cứu theo dõi dọc trong thời gian dài cho thấy uống rượu bia sớm có liên quan đến sự sụt giảm nhanh hơn lượng chất xám, trong khi sự phát triển chất trắng bị thui chột.

 

Nhắc lại ẩn dụ về những “con đường siêu tốc” trong não, Squeglia nói chúng sẽ không được “trải nhựa” đủ kỹ nếu người trẻ bắt đầu uống rượu bia từ sớm.

 

Hậu quả có thể không nhìn thấy ngay lập tức trong các bài kiểm tra trí lực, bởi khi còn trẻ, các vùng não bộ chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề có thể tăng tốc ít nhiều để bù đắp vào chỗ thiếu hụt. Tuy nhiên, nó không thể duy trì như vậy được mãi.

 

“Sau một vài năm uống rượu bia, hoạt động của não giảm đi và thành tích trong các bài kiểm tra trên cũng kém dần,” Squeglia cho biết.

 

Uống rượu bia sớm cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và làm tăng nguy cơ lạm dụng rượu về sau. Điều này đặc biệt đúng đối với những ai trong tiền sử gia đình có người nghiện rượu - họ bắt đầu uống càng sớm thì nguy cơ gặp phải các vấn đề về lạm dụng rượu càng cao.

 

Nguyên nhân là bởi các gien liên quan đến nguy cơ lạm dụng rượu dường như có vai trò chi phối cực kỳ lớn trong giai đoạn phát triển then chốt này của não bộ.

 

“Ai đợi được càng lâu thì những gien này càng ít có cơ hội phát huy tác hại,” Squeglia nói.

 

 

Uống rượu kiểu châu Âu?

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/237e/live/07c1f560-df7a-11ee-9410-0f893255c2a0.jpg

Nhiều bậc cha mẹ ở châu Âu tin rằng cho con em tiếp xúc từ từ và có kiểm soát với rượu bia, bắt đầu từ các bữa ăn gia đình, có thể giúp thanh thiếu niên hình thành thói quen uống có trách nhiệm

 

Những phát hiện trên có thể ảnh hưởng như thế nào đến lựa chọn uống rượu bia của thanh thiếu niên - cũng như quyết định của các bậc cha mẹ về phương pháp và thời điểm nên cho phép con em mình uống rượu bia ở nhà?

 

“Lời khuyên của chúng tôi là trì hoãn càng lâu càng tốt, bởi bộ não của bạn vẫn đang phát triển, hãy để nó phát triển và trở nên khỏe mạnh nhất có thể trước khi bạn bắt đầu tiêu thụ những thứ như rượu bia hay các chất kích thích khác,” Squeglia cho hay.

 

Liệu lời khuyên này có nên được đưa vào luật hay không lại là một chuyện khác. Squeglia nói rằng, trong các buổi nói chuyện của cô với cộng đồng về chủ đề tiêu thụ rượu bia, khán giả thường đặt câu hỏi về "mô thức uống rượu kiểu châu Âu". Chẳng hạn, ở một số nước như Pháp, trẻ vị thành niên thường được phép uống một ly rượu vang hoặc bia trong bữa ăn cùng gia đình.

 

Ngay cả ở bên ngoài châu Âu, nhiều bậc cha mẹ cũng tin rằng việc cho con em tiếp xúc một cách từ từ và có kiểm soát với rượu bia sẽ dạy cho những cô cậu này biết uống một cách an toàn và giảm tình trạng uống bù không kiểm soát về sau, bởi cấm đoán sẽ vô tình biến rượu bia trở thành một thứ "trái cấm" đầy cám dỗ.

 

 

Đọc thêm

·        Người Việt Nam say sưa nhậu, ai được lợi và cái hại có ai lo?

29 tháng 9 năm 2022

·        Sake Viva!: Nhật Bản kêu gọi giới trẻ uống rượu sake để thúc đẩy kinh tế

18 tháng 8 năm 2022

·        Sự gia tăng của các quán bar không rượu

·        5 tháng 6 năm 2019

 

 

Đây là một ngộ nhận. Squeglia giải thích: “Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cha mẹ càng dễ dãi trong việc cho con uống rượu bia thì con họ càng có nhiều khả năng gặp vấn đề liên quan tới rượu bia về sau.”

 

Một cuộc khảo sát toàn diện cũng cho thấy rõ rằng trái ngược với niềm tin về “trái cấm” nêu trên, "sự nghiêm khắc của cha mẹ trong việc cho con em sử dụng rượu bia khi đang còn vị thành niên tỷ lệ thuận với việc tiêu thụ rượu bia điều độ hơn và ít dẫn đến các hành vi nguy hiểm do rượu bia gây ra hơn".

 

Hầu hết các bằng chứng đều chỉ ra rằng để khuyến khích tiêu thụ rượu bia có trách nhiệm, thì luật pháp nên làm ngặt hơn, tức nâng độ tuổi tối thiểu được phép uống rượu bia.

 

Hãy thử xét một nghiên cứu của Alexander Ahammer tại Đại học Johannes Kepler Linz ở Áo, đất nước mà bất kỳ ai trên 16 tuổi đều có thể mua rượu bia một cách hợp pháp. Nếu cho rằng luật pháp chặt hơn chỉ làm tăng ham muốn được uống rượu thì Áo ắt hẳn sẽ có văn hóa uống rượu lành mạnh hơn Mỹ - nơi có độ tuổi được phép uống rượu tối thiểu là 21.

Nhưng thực tế không phải vậy.

 

Ở cả hai quốc gia đều ghi nhận hiện tượng một bộ phận người trẻ gia tăng tần suất uống rượu bia không kiểm soát sau khi qua ngưỡng tuổi hợp pháp. “Nhưng mức tăng này ở Áo cao hơn 25% so với Mỹ,” Ahammer cho biết.

 

Nói cách khác, việc phải đợi lâu hơn để được đủ tuổi uống rượu hợp pháp đã giúp người trẻ ở Mỹ biết uống một cách điều độ hơn.

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/2ad4/live/50840cb0-e3ae-11ee-860f-4b0b053e4cd0.jpg

Ở Mỹ, tuổi uống rượu hợp pháp là 21. Theo nghiên cứu, điều này giúp người trẻ Mỹ uống rượu bia có trách nhiệm hơn.

 

 

Khi phỏng vấn những người tham gia khảo sát, Ahammer phát hiện ra rằng mức độ nhận thức về nguy hại từ rượu bia của thanh thiếu niên Áo đã thay đổi hoàn toàn ngay khi họ bước qua sinh nhật thứ 16.

 

“Sau khi được uống rượu một cách hợp pháp, thanh thiếu niên bắt đầu nhận thấy nó ít nguy hiểm hơn nhiều so với trước đây,” Ahammer cho hay.

 

Ở tuổi 16, cảm giác an toàn ngộ nhận đó có thể rất nguy hiểm, trong khi ở tuổi 21, khi bộ não phát triển đầy đủ hơn, người ta sẽ phần nào được chuẩn bị tốt hơn để kiểm soát việc uống rượu bia của mình.

 

Thêm nữa, về lâu dài, quan điểm bênh vực văn hóa uống rượu bia “lành mạnh” của người châu Âu cũng không thể đứng vững. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các số liệu chỉ ra rằng có đến một nửa số ca ung thư có liên quan đến rượu bia tại khu vực châu Âu là ở những người chỉ uống từ ít đến vừa phải.

 

Dựa trên bằng chứng khoa học này, liệu các chính phủ có nên quy định độ tuổi uống rượu hợp pháp là 25 hoặc hơn, sau khi não đã phát triển hoàn chỉnh?

 

Các chuyên gia cho rằng câu chuyện không đơn giản như vậy, vì lợi ích sức khỏe của cộng đồng cần phải được cân bằng với cảm thức về quyền tự do cá nhân của người dân.

 

·        Dzô! Một biểu tượng kết đoàn

 

“Tôi nghĩ quần chúng chẳng mấy ai mặn mà với việc nâng tuổi uống rượu lên 25,” James MacKillop, nhà nghiên cứu về các hành vi gây nghiện tại Đại học McMaster ở Ontario, Canada, nhận định.

 

"Nâng tuổi cho phép uống rượu được coi là chính sách độc đoán, còn có thể bị xem là đạo đức giả khi tuổi hợp pháp để bầu cử hay nhập ngũ là 18 hoặc 19."

 

Ahammer đồng tình với ý kiến này. "Đến một lúc nào đó, chúng ta chỉ nên để mọi người tự đưa ra quyết định."

 

Thay vào đó, MacKillop đề xuất thanh thiếu niên nên được giáo dục tốt hơn về những rủi ro của rượu bia và tác động mà nó có thể mang lại cho bộ não trong quá trình phát triển.

“Sẽ là hơi lạc quan tếu khi mặc định rằng con người có thể tự nhiên hình thành được thói quen sử dụng chất kích thích một cách có trách nhiệm,” ông nhận xét.

 

Nhìn lại thời niên thiếu của mình, tôi chắc hẳn sẽ tò mò để biết về quá trình biến đổi không ngừng của bộ não và những ảnh hưởng có thể có với hệ thần kinh từ việc uống rượu.

 

Nếu quay ngược thời gian, tôi không nghĩ rằng hồi đó mình có thể kiêng rượu hoàn toàn - bởi cho đến giờ tôi vẫn còn uống, dù đã biết về những rủi ro sức khỏe lâu dài - nhưng ít ra tôi đã có thể cân nhắc kỹ hơn trước khi quyết định gọi thêm một chầu.

 

---------------

Tin liên quan

·        Những thứ đồ uống 'rất nên thử'

·        Thiệt hại thực sự từ những cơn say xỉn

·         

Phương pháp giúp bộ não làm việc tốt nhất

3 tháng 3 năm 2019





No comments: