Friday, March 8, 2024

KẾ HOẠCH HIỆN ĐẠI HÓA QUÂN ĐỘI VIỆT NAM ĐANG 'DẬM CHÂN TẠI CHỖ' (Trường Sơn, RFA)

 



Kế hoạch hiện đại hoá quân đội của Việt Nam đang “dậm chân tại chỗ”

Trường Sơn, RFA
05-03-2024

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-military-modernisation-stalled-03052024143232.html

 

Chi tiêu quốc phòng của Việt Nam được dự kiến là đạt mức hơn 10 tỷ USD vào năm 2029, theo tính toán của Global Data, một công ty chuyên về thống kê và phân tích dữ liệu.

 

Thông tin trên đã thu hút giới quan sát quân sự ở khu vực, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng trên khu vực Biển Đông, điển hình là việc Trung Quốc quân sự hoá hàng loạt các thực thể mà họ chiếm đóng. Hành động của Trung Quốc gây nên lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang cấp khu vực.

 

Tuy nhiên, không phải đến bây giờ Việt Nam mới đẩy mạnh chi tiêu cho quân đội, trên thực tế quá trình hiện đại quá đã được bắt đầu ít nhất trong hai thập kỉ gần đây. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-military-modernisation-stalled-03052024143232.html/@@images/f60c4b41-0319-45e1-b82d-ac841d1b96d2.jpeg

Ảnh minh họa: Thủ tướng Phạm Minh Chính và các quan chức tham dự triển lãm quốc phòng Vietnam 2022 International Defense Expo ở Hà Nội hôm 8/12/2022.  AFP

 

 

Dậm chân tại chỗ 

 

Mở đầu bằng bản hợp đồng mua hai chiến hạm lớp Gepard của Nga hồi năm 2006, và theo sau là bản hợp đồng bom tấn mua 6 tàu ngầm lớp kilo của Nga hồi năm 2009, Việt Nam sau đó thực hiện thêm các thương vụ mua máy bay chiến đấu, tàu chiến, tên lửa phòng không, và xe tăng. 

 

Với mục tiêu đưa hai quân chủng Hải quân và Phòng không- Không quân “tiến thẳng lên hiện đại”, có thời điểm, quốc gia Đông Nam Á này trở thành tâm điểm của thị trường buôn bán vũ khí thế giới, khi liên tiếp thực hiện các thương vụ lớn. 

 

Những tưởng chương trình hiện đại hoá quân đội của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì  đà tiến, tuy nhiên, kể từ năm 2016, thời điểm Việt Nam ký mua 64 xe tăng T-90 từ Nga, tình hình trở nên im ắng một cách đột ngột. 

 

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc - nước được cho là mối đe doạ số một đối với an ninh của Việt Nam, vẫn không ngừng xuất xưởng các thế hệ vũ khí mới trên quy mô lớn. Chỉ riêng trong năm 2021, Hải quân Trung Quốc đã bổ sung vào biên chế thêm 28 tàu chiến. 

 

Điều này dấy lên lo ngại Trung Quốc sẽ ngày càng bỏ xa Việt Nam về sức mạnh quốc phòng, khiến cho mọi nỗ lực gây dựng năng lực răn đe của Việt Nam trở nên vô nghĩa. 

 

Câu hỏi đặt ra là điều gì đã xảy ra đối với tham vọng hiện đại hoá lực lượng vũ trang của Việt Nam? 

 

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực quân sự, cho biết nhận định của ông: 

 

“Ngay sau kỳ Đại hội Đảng gần nhất thì Việt Nam đã công bố một chương trình hiện đại hoá quân sự tầm cỡ, với tham vọng hiện đại hoá từ gốc tới ngọn lực lượng quân đội, và thứ tự ưu tiên rõ ràng. Nhưng kế hoạch này hiện giờ đang bị khựng lại. Thay vì tiến lên phía trước thì hiện đang dậm chân tại chỗ.” 

 

Theo các chuyên gia thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc đoàn tàu hiện đại hoá quân đội của Việt Nam bị khựng lại, trong đó có cả yếu tố từ nền chính trị trong nước lẫn chính trị thế giới. 

 

 

Chính trị nội bộ 

 

Trong bài viết được đăng trang web của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành an ninh hàng hải tại trường đại học New South Wales, lý giải rằng sự ra đi của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là yếu tố chính trị nội bộ ảnh hưởng tới kế hoạch mua sắm quốc phòng của Việt Nam. 

 

Hầu hết các hợp đồng mua vũ khí đáng chú ý nhất của Việt Nam trong hai thập niên vừa qua đều được xúc tiến khi ông Nguyễn Tấn Dũng còn đương chức. Và kể từ khi ông này về hưu vào năm 2016, mà theo đồn đoán là bị hạ bệ bởi đương kim Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì hoạt động mua sắm khí tài cũng chùng xuống. 

 

Hàng loạt cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào Bộ Quốc phòng cũng xảy ra sau đó, dẫn đến việc hàng chục sĩ quan cấp tướng bị kỷ luật hoặc truy tố. 

 

Một sự thay đổi đáng kể nữa theo ông Nguyễn Thế Phương, đó là nhận thức của giới lãnh đạo Việt Nam về tình hình an ninh khu vực. Trao đổi với phỏng viên đài RFA, ông nói thêm: 

“Việt Nam có vẻ như khá tự tin về việc có thể quản lý tranh chấp với Trung Quốc, bởi vì kịch bản xấu nhất mà lãnh đạo quân sự sợ nhất là một cuộc xung đột hạn chế ở Biển Đông, chứ không phải một cuộc xung đột lớn. Và bản thân Việt Nam cũng nghĩ rằng khả năng (xảy ra xung đột) là không cao.” 

 

Sở dĩ giới lãnh đạo Việt Nam đánh cược rằng xung đột với Trung Quốc sẽ không xảy ra, theo ông Phương còn cho biết, là vì đảng Cộng sản Việt Nam tự tin có thể dùng kênh chính trị và ngoại giao để giải quyết tranh chấp với nước đồng chí phía bắc, chứ không cần dùng đến giải pháp quân sự. 

 

Do vậy việc đầu tư quá nhiều vào quân đội là không cấp thiết. 

 

“Với một cái cách đối xử với Trung Quốc và với vấn đề tranh chấp, thông qua việc sử dụng ngoại giao và kênh Đảng, với một sự tự tin như vậy, thì rõ ràng việc hiện đại hoá có gặp một số vấn đề thì vẫn chấp nhận được với Việt Nam ở thời điểm hiện tại.” 

 

Sự thay đổi về cách tiếp cận vấn đề tranh chấp Biển Đông cũng được cho là hệ quả của việc thay đổi chính trị thượng tầng ở trong đảng Cộng sản Việt Nam. 

 

Khi đương chức, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đã có những phát ngôn cương quyết về vấn đề Biển Đông, điển hình với câu nói “không đánh đổi chủ quyền lấy tình hữu nghị viển vông”. Nhưng kể từ khi ông Dũng xuống, thì những lãnh đạo kế nhiệm ông đã tỏ ra thận trọng hơn. 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vu-khi-b.jpeg/@@images/adcda26b-973f-45d4-9a58-fb668eba3800.jpeg

Gian hàng của Công ty vũ khí Nga Rosoboronexport tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2022, tại Hà Nội,, ngày 8/12/2023 (ảnh minh họa). Reuters


Tình hình thế giới thay đổi 

 

Do phụ thuộc hoàn toàn vào vũ khí và học thuyết quân sự của Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh, quân đội Việt Nam sau này dựa chủ yếu vào Nga, nước thừa hưởng nền công nghiệp quốc phòng của Liên Xô, để tiến hành hiện đại hoá. 

 

Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Hoà bình Stockholm thì hơn 80% số vũ khí mà Việt Nam mua trong khoảng từ năm 1995 đến 2021 là từ Nga. 

 

Tuy nhiên, nguồn cung vũ khí từ Nga bị gián đoạn kể từ khi nước này tiến hành chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, dẫn đến bị các nước Phương Tây áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt. 

 

Mọi chuyện trở nên trầm trọng hơn khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine ngày 24 tháng 2 năm 2022. Khiến phương tây triển khai các đòn cấm vận một cách khắc nghiệt hơn. 

 

Không chỉ cấm cửa các công ty Nga khỏi hệ thống thanh toán và các định chế tài chính toàn cầu, phương tây còn đe doạ trừng phạt bất cứ công ty nước ngoài nào làm ăn với Nga. Việc này, theo giới quan sát là đã khiến Việt Nam e ngại. 

 

Cuộc chiến mà Nga gây ra ở Ukraine còn tạo ảnh hưởng sâu rộng hơn đến giới lãnh đạo quân sự Việt Nam, thông qua sự thể hiện của vũ khí Nga trên chiến trường, theo giáo sư Carlyle Thayer: 

 

“Trước khi chiến tranh nổ ra thì Việt Nam đã ký hợp đồng mua xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 từ Nga. Sau đó, chúng ta chứng kiến cảnh những cỗ xe tăng này bị bắn nổ tung bởi vũ khí chống tăng của Mỹ và đồng minh, ở thời điểm đầu cuộc chiến. 

Tiếp theo chúng ta được chứng kiến việc sử dụng drone (phương tiện bay điều khiển từ xa). Rồi tự dưng chúng ta thấy ở ngoài biển thì Ukraine sử dụng xuống cảm tử không người lái đánh chìm tàu chiến Nga. 

Quay trở lại với Việt Nam, tôi nghĩ lúc này họ đã nhận ra vấn đề của vũ khí Nga, và hiện đang phải tiến hành xem xét lại nhu cầu.” 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vu-khi-a.jpeg/@@images/073d38f1-8ae8-44b9-904f-27d9d7c4eb21.jpeg

Lính Việt Nam đứng cạnh các tên lửa được trưng bày tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2022 ở Hà Nội hôm 8/12/2022. AFP

Nguy cơ từ việc chậm trễ hiện đại hoá 

 

Với những tác động từ tình hình thế giới, Việt Nam đang đối diện với việc phải thay đổi chiến lược hiện đại hoá để phù hợp hơn với hoàn cảnh và thực tế mới. 

 

Thế nhưng, theo giáo sư Carlyle Thayer thì vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy Việt Nam đã tìm ra lời giải: 

 

“Ở thời điểm hiện tại chúng ta không biết là chiến lược mới sẽ trông thế nào và khi nào các quyết định sẽ được đưa ra.” 

 

Và sự dậm chân tại chỗ như hiện nay, theo ông Nguyễn Thế Phương, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng bảo vệ lợi ích của Việt Nam nếu tình huống xấu xảy ra: 

 

“Bối cảnh quốc tế bây giờ càng ngày càng phức tạp và khó đoán, đặc biệt là Biển Đông và Đài Loan là hai vấn đề mà năm nào người ta cũng cho là điểm nóng lớn nhất ở khu vực. Thứ hai là quá trình hiện đại hoá hải quân của Trung Quốc diễn ra rất nhanh, người ta nói Trung Quốc đóng tàu như gà đẻ trứng, mỗi năm mấy chục cái. 

Do vậy sức ép của Trung Quốc sẽ ngày càng tăng. 

Thì nếu như Việt Nam vẫn giữ  tốc độ hiện đại hoá Không quân và Hải quân như bây giờ, thì khả năng răn đe về mặt sức mạnh cứng giữa Việt Nam và Trung Quốc càng ngày sẽ càng bị nới rộng ra. 

Và trong trường hợp có gì đó xấu nhất xảy ra thì khả năng đạt được các mục tiêu chiến lược trong xung đột của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất lớn." 

 

---------------------

 Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Có nên đưa dao vào danh mục vũ khí?

 

Ý kiến trái chiều về đề xuất Công an được nổ súng vào phương tiện giao thông

 

Lý do Việt Nam muốn mua vũ khí Mỹ và những khúc mắc cần giải quyết

 

Việt Nam mua vũ khí Nga: không ảnh hưởng đến quan hệ với Mỹ

 

Vũ khí quân dụng: luật cấm sở hữu nhưng ngày càng nhiều trong xã hội VN!

 

 

 




No comments: