Saturday, March 23, 2024

CHỦ TỊCH NƯỚC KẾ NHIỆM ÔNG VÕ VĂN THƯỞNG SẼ LÀ AI? (BBC News Tiếng Việt)

 



Chủ tịch nước kế nhiệm ông Võ Văn Thưởng sẽ là ai?

BBC News Tiếng Việt

23 tháng 3 năm 2024

 https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2v9ze13445o

 

Sự kiện Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thôi chức chỉ sau hơn một năm cho thấy chuyển biến khó lường của chính trị Việt Nam, có thể làm giảm uy tín Đảng Cộng sản và khiến bộ máy quan liêu cồng kềnh ngày càng trở nên trì trệ, theo các chuyên gia.

 

https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/7f17/live/1d1e4d60-e8d4-11ee-bba7-f5c897468b4a.png

Hàng trên: bà Trương Thị Mai, ông Vương Đình Huệ. Hàng dưới: ông Phan Văn Giang, ông Tô Lâm.

 

Giới phân tích cho rằng khả năng cao là sẽ không có thay đổi lớn trong chính sách ngoại giao hay mức độ hội nhập kinh tế của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bất ổn chính trị tại Việt Nam vẫn khiến họ lo ngại, sau khi đã đầu tư hàng tỷ đô la.

 

Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, đánh giá với BBC News Tiếng Việt ngày 21/3 rằng việc ông Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm một lần nữa cho thấy sự không hiệu quả của công tác xây dựng đảng qua ba nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Hiện nay, dù đã bổ nhiệm Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, Đảng Cộng sản Việt Nam được cho là sẽ ưu tiên việc bầu một chủ tịch nước mới trong kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2024.

 

Cũng không loại trừ khả năng Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức họp bất thường về nhân sự thêm một lần nữa.

 

Theo Quy định 214-QĐ/TW, để đạt tiêu chuẩn làm chủ tịch nước, cá nhân cần tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên.

 

Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân chưa bao giờ là ủy viên Bộ Chính trị.

 

Do đó, dù giữ quyền chủ tịch nước đã hai lần, bà Xuân sẽ không trở thành chủ tịch nước, trừ trường hợp được tạo ngoại lệ, nhưng khả năng bà Xuân chính thức ngồi ghế nóng được đánh giá là thấp.

 

Vậy ai sẽ kế nhiệm chức vụ chủ tịch nước?

 

 

‘Chiếc ghế xui xẻo’

 

Có năm người đạt tiêu chuẩn theo quy định nói trên: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.

 

Trong trường hợp áp dụng cho người mới có một nhiệm kỳ Bộ Chính trị thì Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang được coi là ứng viên sáng giá.

 

Một người nữa cũng được đề cập, đó là Bí Thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên.

 

Xét ở nhóm đủ tiêu chuẩn, không có nhiều ý kiến đánh giá khả năng kế nhiệm vị trí chủ tịch nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính hoặc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 

Nếu ông Chính trở thành chủ tịch nước, vị trí thủ tướng sẽ trống và sẽ cần có thêm những sắp xếp phức tạp nữa. Giới phân tích cho rằng khả năng này là không có.

 

Ông Trọng thì đã lớn tuổi và sức khỏe yếu, khó kiêm nhiệm thêm một lần nữa, như ông đã từng làm sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời vào năm 2018, theo giới quan sát.

 

Do đó, các ứng cử viên hàng đầu cho vị trí chủ tịch nước được cho là Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.

 

 

·        Ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước là 'cơn địa chấn chính trị' của Việt Nam

21 tháng 3 năm 2024

·        Ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước, Đảng đồng ý

20 tháng 3 năm 2024

·        Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bị miễn nhiệm, bà Võ Thị Ánh Xuân làm quyền chủ tịch nước

21 tháng 3 năm 2024

 

Tuy nhiên, nhiều đánh giá cho rằng hiện có sự ái ngại nhất định đối với việc kế nhiệm chức vụ chủ tịch nước: một chiếc ghế không nhiều quyền lực, nằm trong vùng kiểm soát của ông Trọng, lại liên tục gặp rắc rối trong ba đời chủ tịch nước liên tiếp gần đây.

 

Ngày 6/3/2023, trong cuộc phỏng vấn với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Zachary Abuza từ trường National War (Mỹ) từng đánh giá rằng chức vụ chủ tịch nước ở Việt Nam “phần lớn mang tính chất nghi thức, được xem là yếu nhất trong 'Tứ Trụ', với văn phòng và nhân sự tương đối nhỏ.”

 

Việt Nam đang ở trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng, hay "đốt lò", của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày một mở rộng.

 

Người tiền nhiệm của ông Thưởng, cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đã trở thành “củi” trong chiến dịch này khi bị phê bình và phải từ nhiệm.

 

Đến lượt mình, chính ông Võ Văn Thưởng cũng đã phải rời cương vị, sau khi bị Trung ương Đảng phê bình công khai với ngôn từ thậm chí còn nặng nề hơn ông Phúc.

 

Trước đó, ông Trần Đại Quang đã qua đời khi đang làm chủ tịch nước vào năm 2018. Lúc bấy giờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đảm nhiệm luôn vị trí mà ông Quang để lại.

 

Khi nói đến chức vụ chủ tịch nước của Việt Nam nhân vụ ông Võ Văn Thưởng từ chức, hãng tin Reuters đã gọi đây là “công việc bị dính lời nguyền”, hay dịch thoáng hơn là “chiếc ghế xui xẻo”.

 

 

Bộ trưởng Công an Tô Lâm

 

VIDEO :  https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2v9ze13445o

Bộ trưởng Tô Lâm và tiệc steak dát vàng 'vang danh' thế giới

 

 

Bộ trưởng Tô Lâm sinh năm 1957, quê ở tỉnh Hưng Yên, làm việc ở Bộ Công An từ năm 1979, hiện mang hàm đại tướng.

 

Sau các vị trí trong Tổng cục An ninh từ năm 1979 đến 2010, ông Tô Lâm trở thành thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam từ năm 2010 đến 2016.

 

Ông làm bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam từ tháng 4/2016.

 

Cùng năm này, ông Tô Lâm được bầu vào Bộ Chính trị và tiếp tục ở trong Bộ Chính trị tới bây giờ.

 

Khi được hỏi về khả năng kế nhiệm chức chủ tịch nước của ông Tô Lâm, giáo sư Carl Thayer đánh giá:

 

"Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã giữ chức bộ trưởng hai nhiệm kỳ và không thể tiếp tục thêm một nhiệm kỳ nữa.”

 

“Ông ấy từng ứng cử chức chủ tịch nước khi ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức, nhưng ông Võ Văn Thưởng là người được bầu."

 

Từ đó, khả năng ông Tô Lâm “được phân công” được đánh giá là khá lớn.

 

Trong lý lịch của Đại tướng Tô Lâm, không thể bỏ qua một vụ ồn ào cách đây chưa lâu. Vào năm 2021, Bộ trưởng Tô Lâm từng tham gia một bữa tiệc thịt bò bít tết dát vàng tại nhà hàng của đầu bếp Salt Bae tại Anh và đã gây bão dư luận cả trong nước lẫn quốc tế.

 

Trong một cảnh quay được chính Salt Bae đưa lên mạng, sau đó đã xóa, người ta thấy cảnh đầu bếp nổi tiếng này cắt một miếng thịt bò dát vàng và đút cho Đại tướng Tô Lâm, người ngồi ở phía đối diện.

 

Khi đó, nhiều người đã chỉ trích việc ông Tô Lâm tham gia bữa tiệc xa hoa, trong bối cảnh đất nước còn nghèo và dịch Covid đang hoành hành.

 

Báo chí trong nước hoàn toàn im lặng về sự kiện này, dù trước đó đã rất nhanh nhạy trong việc đưa tin ông Nicolas Maduro, Tổng thống Venezuela, dùng bữa tại một nhà hàng xa xỉ khác cũng của đầu bếp Salt Bae.

 

Ông Tô Lâm, trong vai trò Bộ trưởng Công an, được đánh giá là người không khoan nhượng với những quan điểm, hành động khác biệt với đường lối chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Nhiều nhà hoạt động chính trị, môi trường, nhà báo tự do… đã bị bắt dưới thời ông nắm lực lượng công an.

 

Một trường hợp đáng chú ý là ông Bùi Tuấn Lâm ở Đà Nẵng sau khi đăng video nhại lại động tác đầu bếp Salt Bae phục vụ món bò dát vàng đã bị “công an thăm hỏi”.

 

Ngày 25/5/2023, một tòa án tại thành phố Đà Nẵng tuyên ông Bùi Tuấn Lâm 5 năm 6 tháng tù giam và 4 năm quản chế với tội danh “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân và gây hoang mang trong nhân dân”.

 

 

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai

 

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/9872/live/21ab4c60-e8d0-11ee-860f-4b0b053e4cd0.jpg

Bà Trương Thị Mai (giữa) từng là một phương án nhân sự cho 'Tứ Trụ' tại Đại hội 13, theo các nhà quan sát chính trị

 

Sinh năm 1958, quê quán tỉnh Quảng Bình, bà Trương Thị Mai đi lên từ con đường đoàn hội.

Bà từng nắm giữ nhiều chức vụ, nổi bật nhất có thể kể tới là bí thư Trung ương Đoàn (1994-2002), ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (2007-2016), ủy viên Bộ Chính trị (2016-nay), trưởng ban Tổ chức Trung ương (2021-nay) và thường trực Ban Bí thư (2023-nay).

 

Bà Mai là nữ thường trực Ban Bí thư đầu tiên của Việt Nam. Nếu bà được bổ nhiệm chức vụ chủ tịch nước, bà sẽ trở thành nữ chủ tịch nước đầu tiên.

 

Theo Reuters, chức vụ thường trực Ban Bí thư của bà Mai có khả năng bị lung lay trong tình hình cải tổ bộ máy lãnh đạo.

 

Điều khiến bà Mai trở thành ứng viên sáng giá xuất phát từ chính điểm yếu của bà: bà không có nhiều quyền lực và có vẻ không quá tham vọng quyền lực.

 

Trong một bài viết đăng tải trên trang Fulcrum ngày 20/3/2024, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên cấp cao và điều phối viên Chương trình Nghiên cứu Việt Nam thuộc viện ISEAS (Singapore), đánh giá rằng bà Mai có thể là ứng cử viên sáng giá trong mắt những người có ý định hoặc đang cạnh tranh chức tổng bí thư.

 

“Lý do là bởi bà Mai có quyền lực tương đối yếu, bà khó có thể tận dụng chức vụ chủ tịch nước để cạnh tranh vị trí đứng đầu Đảng (tức tổng bí thư) vào năm 2026.”

 

Bà Mai sẽ 68 tuổi khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2026, đồng nghĩa với việc bà sẽ quá tuổi để tái cử vào Bộ Chính trị.

 

Theo quy định, nhân sự Trung ương khi tái cử vào Bộ Chính trị không được quá 65 tuổi. Khi đó, nếu không được tạo ngoại lệ, bà Mai sẽ không còn cơ hội gia nhập “Tứ Trụ”.

 

Bà Mai có vẻ là một lựa chọn an toàn.

 

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

 

Hình : https://ichef.bbci.co.uk/ace/ws/800/cpsprodpb/2064/live/bee98d10-e8d1-11ee-860f-4b0b053e4cd0.jpg

Có nhiều đánh giá trái chiều về khả năng ông Vương Đình Huệ trở thành chủ tịch nước

 

Ứng cử viên đạt tiêu chuẩn còn lại là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

 

Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê ở tỉnh Nghệ An, là giáo sư, tiến sĩ kinh tế.

Ông nhậm chức chủ tịch Quốc hội vào ngày 31/3/2021, nhiệm kỳ 2021-2026, thay cho người tiền nhiệm là bà Nguyễn Thị Kim Ngân.

 

Trước đó, ông Huệ từng giữ các chức vụ cao cấp khác như bộ trưởng Bộ Tài chính (2011-2013), trưởng ban Kinh tế Trung ương (2012-2016), phó thủ tướng (2016-2020), bí thư Thành ủy Hà Nội (2020-2021).

 

Ông được bầu vào Bộ Chính trị tại Đại hội Đảng khóa 12. Ông cũng tiếp tục giữ hàm ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 từ năm 2021.

 

Nếu ông Vương Đình Huệ làm chủ tịch nước, ông sẽ được miễn nhiệm chức vụ chủ tịch Quốc hội, gây ra chuyển biến trong giới lãnh đạo cấp cao.

 

Việt Nam sẽ cần tìm kiếm một nhân sự khác để lấp vào vị trí trống trong “Tứ Trụ”, nhưng khác với trường hợp của Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc bầu chủ tịch Quốc hội mới không cấp bách bằng.

 

Tuy nhiên, theo bài viết nói trên của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, ông Vương Đình Huệ có vẻ “không mặn mà” với chức vụ chủ tịch nước.

 

Thay vào đó, ông từng được đánh giá là ứng viên sáng giá cho vị trí tổng bí thư kế nhiệm ông Nguyễn Phú Trọng, nếu ông Trọng từ nhiệm trước năm 2026, theo nhận định của Giáo sư Zachary Abuza với BBC sau khi ông Võ Văn Thưởng nhậm chức Chủ tịch nước vào tháng 3/2023.

 

------------------

Tin liên quan

·         

Trung ương Đảng tổ chức hội nghị giữa tin đồn thay đổi nhân sự cấp cao

20 tháng 3 năm 2024

·         

Việt Nam: 'Vấn đề nhân sự' mà Quốc hội họp cụ thể là gì?

18 tháng 3 năm 2024

·         

Vua Hà Lan 'hoàn toàn bất ngờ' và 'đáng tiếc' khi bị hoãn chuyến thăm Việt Nam

16 tháng 3 năm 2024

 

-------------------------------

 

Ông Võ Văn Thưởng từ chức Chủ tịch nước là 'cơn địa chấn chính trị' của Việt Nam

21 tháng 3 năm 2024

·         

 


No comments: