Friday, March 22, 2024

BÁN MÁU (Lê Tuyết Lan / Người Việt Online)

 



 

Bán máu

Lê Tuyết Lan  /  Người Việt Online

March 21, 2024

 https://www.nguoi-viet.com/ban-doc-viet/ban-mau/

 

LTS: Nhật báo Người Việt mở mục ‘Bạn đọc viết’ nhằm mời gọi quý thân hữu ‘cùng làm báo’ với Người Việt, chia sẻ những rung cảm, ý tưởng, quan niệm, hồi ức, kiến thức, kinh nghiệm,… về đời sống và xã hội. Để tham gia, quý bạn đọc vui lòng gởi email: docgiaviet@nguoi-viet.com

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/Mau.jpeg

Sau khi lấy máu, mọi người tiếp tục ngồi đợi để được qua vòng tiếp theo. (Hình: VN Express)

 

Trời tờ mờ sáng, khi nhiều người còn ngủ trên chiếc chiếu cạnh những lối đi trong khuôn viên bệnh viện, có những người băng qua vài con đường nhỏ giữa các khu rất sớm, lặng lẽ tiến về dãy phòng cuối đường. Họ ngồi đợi đến lượt mình, từng người nộp giấy tờ, lấy số thứ tự rồi xếp hàng lên lầu. Từng người đi trong im ắng, nét tiều tụy vương đầy bên trong đôi mắt họ. Những người đi bán máu.

 

Ngồi trên những dãy ghế, có lẽ đã chừng được vài chục người. Nga là một trong vài người trẻ tuổi ở đây. Bên cạnh cô là một chú cỡ 40 tuổi nhưng nước da rám đen, chai sần, khắc khổ trông chú như người đã qua ngũ tuần. Còn bên phải là một chị chắc cũng hơn 30, trông chị xộc xệch với thân hình mũm mĩm, đầu tóc rối, lơ phơ. Phía sau cũng có vài bạn nom có vẻ giống Nga, các bạn ấy mang ba lô, đeo tai nghe và trên tay thi thoảng cầm những quyển sách. Điều này chẳng bất ngờ mấy khi thấy sinh viên ở đây, vì đến nơi đây có rất nhiều người làm nghề khác nhau nhưng họ đều có chung một nỗi khó khăn, bí bách trong cuộc mưu sinh.

 

Ai cũng chờ đợi với gương mặt phờ phạc, lo lắng và sốt ruột. Một lúc sau, chị y tá đi ra đem theo những tờ giấy đăng ký, sau khi kiểm tra sơ bộ, chị phát giấy theo số để mọi người ghi lần lượt vào chỗ thông tin.

 

– Chị ơi cho em mượn nhờ cây viết.

 

– Ăn miếng bánh mì đi bà, để có sức.

 

– Con lại đằng kia uống chút trà đường đi cho khỏe vô lấy máu.

 

– Chỗ này ghi vậy phải không anh?

 

Tiếng mọi người xầm xì, nháo nhác ngoài phòng. Sau đó từng người được kêu vào để lấy máu xét nghiệm và khám sức khỏe. Nga là người đã vào đây rất nhiều lần, cô cũng giống như những người vào đây, khá tròn trịa. Ban đầu sợ hãi, nhưng rồi cũng đã quen với rất nhiều thứ nơi này và cô còn chỉ dẫn cho những bạn lần đầu đến đây. Sau khi lấy máu, mọi người tiếp tục ngồi đợi để được qua vòng tiếp theo.

 

– Chắc tôi rớt quá – chú chạy xe ôm gãi gãi đầu lo lắng.

 

– Tôi cũng sợ, vì mấy nay có bị cảm – cô vé số tiếp lời.

 

– Bữa nay không lấy được không biết sao em đưa con em đi khám bệnh – tiếng chị kế bên.

 

Một bạn trai trông mới lần đầu bước vào đây, khều khều tay Nga:

 

– Bạn ơi, ở đây khó được lấy lắm không? – bạn ấy nói lí nhí.

 

– Cũng không, chỉ cần máu bạn chất lượng, sức khỏe tốt là được. Nga trả lời và bạn trai đó gật đầu,  quay đi với gương mặt lo lắng.

 

Anh bác sĩ từ phòng bước ra, đọc tên vài người và trả lại giấy tờ cũng như gửi giấy hẹn cho bữa sau. Trên những gương mặt thất vọng, họ bước lững thững ra về, có người buồn vì không vào lấy máu được, có người trách mình vì mất suốt mấy tiếng của buổi sáng, có người lủi thủi với những nỗi lo vẫn còn dày đặc.

 

Nga may mắn qua và chuẩn bị được gọi lần lượt vào lấy máu. Những người đi đầu tiên ra, với những bước chân mệt nhọc, gương mặt xanh xao và tóc rũ rượi. Suốt hai giờ trong căn phòng lạnh lẽo, cầm phong bì với những bịch bánh, hộp sữa họ cười trong gượng gạo.

 

– Tôi hôm nay lấy được một bịch.

 

– May hôm nay tôi chạy được hai bịch.

 

– Vậy bà tốt rồi.

 

Tiếng nói nhỏ dần theo hướng cầu thang rồi mất hút. Những người vô sau vẫn trong trạng thái lo lắng, không yên tâm. Cánh cửa phòng hé mở, anh y tá ra gọi Nga và ba người nữa vào. Rồi hẹn hai người không kịp giờ chuyển qua sáng mai vào lấy.

 

Căn phòng được trang bị nhiều máy móc và gần cả chục giường trắng toát. Các y bác sĩ lần lượt hỏi thông tin và chuẩn bị trang thiết bị. Dù đã đi nhiều lần nhưng Nga cũng có chút sợ trong lòng, các bạn khác thì có vẻ e dè với máy lọc máu to đùng.

 

Nga hướng dẫn bạn giường kế bên kéo chăn lên vì một lát khi lấy máu sẽ rất lạnh và khó chịu.

 

Anh bác sĩ lại ghim kim vào phía tay phải của cùi chỏ, nơi đó đã hằn lại nhiều vết li ti của mũi kim để lại. Nga quay mặt đi, mũi kim to như cây lẹm đâm vào da. Nga nghiến chặt lấy hai hàm răng lại rồi từ từ bỏ lỏng người ra. Phía bên cạnh gương mặt sợ sệt của những người đi lần đầu, Nga quay qua an ủi.

 

Cô bóp nhẹ nhẹ tay cho máu chạy vào máy, dòng máu đỏ thẫm xuyên vào những ống dây trắng rồi được chuyền vào máy, Nga thấy hoa mắt và cảm nhận được những luồng từ tay mình chảy đi. Sau khi đưa vào máy, máu sẽ được tách những thành phần ra, tiểu cầu được đưa vào bịch riêng, phần còn lại thì bơm trả lại người Nga. Nhìn từng giọt vàng nhỏ nhỏ ra bịch chuẩn bị sẵn, Nga cũng như mọi người đưa mắt nhìn theo với nỗi nhức nhối trên người. Khi máu chảy ngược lại cơ thể, cả người lạnh toát, khó chịu và mệt vô cùng, đôi môi đánh lập cập vì cảm giác lạnh như đang chạy trong người, trong xương. Nhức nhối.

 

Có tiếng bác sĩ kêu. Một cô ở giường dưới góc căn phòng, cô ấy gần như muốn ngất đi và ói, sau khi được sơ cứu, cô ấy cũng từ từ ổn lại và tiếp tục lấy máu. Có nhiều người do đi quá nhiều lần mà sức khỏe tuột dốc. Dù biết phải trả giá với một cơ thể phùng phìu nhưng yếu, hay bệnh đau như họ thì xem đây là sự lựa chọn cuối cùng.

 

Từng giọt máu ra đi rồi trở về khiến cơ thể đau nhức khắp người. Căn phòng lạnh lẽo, những bước chân đi qua lại khiến mọi thứ trở nên ảm đạm, tiếng máy reo đôi khi làm người ta giật thót cả mình. Và có lần tự dưng giọt nước trên mắt chảy qua gò má nong nóng, lúc đó Nga mới cảm giác mình phải cố gắng vượt qua, lúc đó tự dưng lại đắng nghét cổ họng, nghẹn ngào. Hai tiếng lúc này nặng trịch với từng người. Từng cái đau buốt không thành tiếng. Giá như cuộc sống ngoài kia chậm như lúc này, thì có phải những gương mặt này đã bớt nhăn nheo đi hơn không?

 

Máu đã chạy độ hơn tiếng, đã đâu chừng 5, 6 vòng, khi máu đang trả vào cơ thể, tay Nga ngưng co bóp và mắt lịm đi từ từ, cô thấy mọi thứ mờ nhạt đi không rõ ràng nữa, từng dòng lạnh xộc qua thân thể làm tê cứng mọi thứ. Môi cô trở nên đông đặc, khô khốc. Vì hiến quá nhiều lần nên cô hay bị tuột canxi và sức khỏe yếu đi rất nhiều, với cái tuổi hơn hai mươi ấy, đáng lẽ cô phải năng động, vui tươi và đầy sức sống. Cô đã đem màu xanh của chiếc lá bán cho mây trời, cho mưa bão cho nắng vời đau thương. Nếu không có hôm nay thì làm sao có ngày mai và cũng không biết ngày mai cách bao xa nữa để lấy thân xác mình chèo chống, đắp lên những loang lổ chông chênh hôm nay.

 

– Em ơi, em ổn không, có sao không?

 

Có bàn tay lay lay Nga dậy, cô nghe tiếng và nhận ra là Quân, một nhân viên y tế lâu năm ở đây, mấy lần vào đây, Nga đều gặp và được anh hỏi han, quan tâm. Cô gượng mở mắt ra, nói trong mệt mỏi:

 

– Em hơi choáng và hơi khó thở ạ.

 

– Em ngậm vào đi.

 

Quân đưa cho cô viên thuốc mà mọi khi có người không ổn sẽ được ngậm để lấy lại cân bằng ổn định cho cơ thể.

 

Sau khi lấy máu xong cũng vừa lúc hơn 11g trưa, đợt lấy này Nga yếu ớt hẳn đi, cô ngồi phịch xuống ghế trước phòng chờ. Quân từ phòng lấy máu đi ra, những người cuối cùng đã ra về và các nhân viên ở đây đang chuẩn bị nghỉ trưa.

 

– Em đi ăn gì chứ, trông em mệt và xanh xao quá, tiện thể anh cũng đi luôn – Quân đề nghị.

 

– Dạ, nhưng mà em thấy hơi mệt.

 

– Ừ, anh chở em đi. Giờ em vậy về nguy hiểm lắm, ăn vào chút xíu em khỏe lại rồi hãy về.

 

Nga ái ngại và cũng sợ không về chỗ trọ được, lần trước sau khi lấy xong, vừa ra tới cổng cô đã ngã sõng soài xuống đường và được cô bán hàng rong giúp đỡ dìu vào sơ cứu, nhưng đâu biết lần nào cũng may mắn như vậy.

 

Quân chở Nga đến một quán ăn nằm sâu trong khu chung cư ở quận 11, anh gọi một vài món kèm theo ít lon bia. Quân mời Nga, cô từ chối nhưng Quân giải thích với cô là uống bia và ăn nhiều rau muống xào sẽ giúp nhanh lại sức. Nga đành nghe theo mặc dù cô không biết uống.

 

Bữa ăn kéo dài hơn tiếng, Quân hỏi han về gia cảnh và cuộc sống. Nga kể mẹ cô mất, ba đi thêm bước nữa, vì không thể chịu được sự hành hạ ở người vợ của ba, cô đã về bên dì ruột sống. Cô sớm tự lập từ nhỏ, vừa đi làm vừa đi học. Đến nay vẫn muốn đeo đuổi con chữ, cô phải bán máu để lo chi phí trọ, đôi khi bận học không có nhiều thời gian làm thêm. Cô rong ruổi giữa Sài Gòn không một ai thân thích giúp đỡ và tất nhiên, phải đối mặt với nhiều cạm bẫy. Một đứa con gái quê như cô đã từng được bạn bè góp ý nên cặp bồ với những người có gia đình, có kinh tế để lo cho bản thân. Nhưng cô tức giận và quyết tâm không rơi vào đó, dù biết rõ, bán máu sẽ hại đến sức khỏe ghê gớm.

 

Quân đề nghị chở cô về bệnh viện để lấy xe, trông cô đã ngà say với phần trong người đã mệt sẵn.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/mau-04-copy.jpg

Nga ái ngại và cũng sợ không về chỗ trọ được, (Hình: Tuổi Trẻ)

 

Chiếc xe dừng lại cuối đường hẻm, rồi rẽ vào căn nhà, vì đinh ninh quay về bệnh viện mà cô chẳng để tâm đến khi chiếc xe dừng, trong cơn choáng váng, Nga thấy Quân nói chuyện với ai đó vài câu gì đó rồi dìu vai Nga đi vào bên trong. Cô chưa kịp biết rõ và phản ứng gì thì cửa phòng đóng lại.

 

Quân đẩy Nga ngã xuống chiếc giường và hắn ta liền cởi đồ của mình ra. Nhanh như cắt, hắn lao vào Nga, đè lên người cô khống chế và bàn tay kéo sọc từng góc áo, từng nút khuy ra.

 

Sự lực lưỡng của tên thanh niên 34 tuổi đã không cho Nga có cơ hội trở mình. Cô cố gắng đạp, hất, van nài hắn dừng lại.

 

Bỏ lại mọi lời nói, hắn giờ đây không khác một tên thú đói lâu ngày, bất chấp những tiếng khóc, Quân nhàu nát người cô. Sự khai quật và chống chọi kéo dài trong mười lăm phút, Quân như tên thợ săn đã hạ gục được con mồi, hắn buông tay cô ra, đứng lên đi vào nhà vệ sinh.

 

Trong lúc đó, dù đau đớn vô cùng Nga cố gắng bật dậy, kéo lại chiếc quần rồi theo hướng cửa mà chạy đi. Cô chạy thật nhanh ra đường, rồi băng vô từng ngõ hẻm. Hình như cô vừa lạc vào rừng, những tán cây che mất đi ánh sáng, mờ mịt và rùng rợn, giữa trưa mà Nga cứ tưởng đâu đi giữa màn đêm, không ánh đóm hay ngôi sao, không một ai và không có nổi một điều gì đó để vịn lấy, trông chờ. Cô đã từng sợ, từng cố gắng tránh, nhưng không thể ngờ sự trả giá của bản thân sớm như vậy.

 

Chạy đến được những băng đá trước chỗ khu vui chơi, không biết rõ đã rời được ánh mắt rực lửa, thiêu đốt vừa mới đó chưa, cô ngồi bệt xuống, giọt nước mắt nóng hổi tràn ra. Có phải những giọt nước mắt ấy đang bươm nát thịt da cô, đang nung nấu những lời không thể buông ra.

 

 

Đứng dậy dứt khoát, cô gọi chiếc xe ôm, nói nơi đến và leo lên xe. Chiếc xe băng ra giữa phố phường, ngồi trên xe, cô cứ tưởng mình đang rơi xuống dòng sông, chỉ có cô và dòng nước xiết. Bất giác lấy hai tay ôm lấy chính mình, những ngón tay bấu vào lớp vải, có vẻ đường phố nơi này đã mọc đầy gai.

 

Chiếc xe ôm dừng trước dãy nhà trọ, Nga vội trả tiền rồi đi thật nhanh vào trong hẻm. Cái cảm giác sợ hãi cứ đeo đuổi cô mãi không tha, chỉ cần cô quay người lại sẽ bị bóng tối nào đó trùm lên ngay.

 

Đóng cửa phòng trọ, cô lao thẳng vào nhà tắm. Vặn vòi nước thật to, cô để dòng nước lạnh lẽo chảy trên người, thoa thật nhiều xà phòng, từng ngón tay kì cọ miết chặt vào lớp da. Đứng hồi lâu, cô đi ra và lấy chăn trùm kín mít lại, bây giờ Nga không khóc nữa. Không còn sức, tiếng rưng rức cũng mỏng tang như hơi thở lan vào thinh không.

 

Đã một tuần trôi qua, cô không ngủ được. Nhắm mắt, cô nghe tiếng bước chân ai đó lôi kéo cô đi, tiếng thở nhọc, tiếng rù rì. Ngay cả, chỉ chợt nghe tiếng động, cô đã giật thót mình, run rẩy. Thì ra, khi thành thật và phô bày những yếu ớt của mình thì đã giao cho họ cái quyền làm tổn thương và đào bới cho vết thương đó sâu hoắm thêm. Một vết sẹo nhàu nhĩ chỉ đợi lúc nào đó sẽ bong tróc, cắn xé chủ nhân. Ngày của 14 năm trước trở lại như cơn ác mộng.

 

– Con vào đây ông – người đàn ông hàng xóm của Nga ở quê.

 

– Ông cho xin ít trái chanh ạ.

 

– Con vào đây đi, ông cho cái này, lát ông hái giúp con.

 

Nga vừa bước vào, ông Tư kéo ngay cô ngồi xuống, đưa cho bịch bánh và xoa đầu. Bàn tay ông nhắc cô bé lên đùi, từng ngón tay bắt đầu luồn vào kẽ tóc non, rồi di chuyển xuống má, cổ, lách chiếc áo để trườn lấy. Nga cong mình, hất chiếc tay ra, tỏ vẻ khó chịu.

 

– Ông làm con nhột quá con về đây.

 

– Con về sẽ bị dì ghẻ đánh đòn đó, ở đây chơi với ông đi. Con thích ăn gì ông cho con.

 

Cứ thế, ông ta cho cô bé quà, dỗ ngọt rồi chiều chuộng đi hái chanh và ổi cho cô, rồi chốc chốc lại ôm lấy cô, như chiếc máy đi tìm khoáng vật, rà soát và khám phá.

 

Đó không phải lần đầu tiên, cứ mỗi lần cô bé ấy trốn chạy sự đay nghiến, khắc nghiệt của dì khi ba cô không có nhà, cô chỉ có thể tìm đến đây.

 

Rồi để khi Nga lớn hơn, đi học và được biết nhiều hơn, khi cô vỡ lẽ ra được mình đã từng bị lạm dụng, đã từng vì chút quà mà bỏ rơi bản thân trong tay người đàn ông lớn tuổi.

 

Cô căm ghét và giày vò mình với những ám ảnh của ký ức, quá khứ rò rỉ mãi. Cứ mỗi lần Nga muốn trốn cái đau khổ này thì cô lại sa vào cái hố sâu khác, bẽ bàng, phũ phàng hơn. Những ngày cũ, mới thay nhau ùa về, giày vò lấy tâm tư cô. Cô chẳng thể giãi bày được cùng ai. Không một ai cho cô biết được cái quyền lợi chính đáng cho mình từ lúc nhỏ, nó ăn sâu sự tủi mọn, cam chịu để rồi cô tự hành hạ chính mình. Cô sẽ nói với ai và ai sẽ trả lại cho cô những ngày chưa tì vết, chưa bao giờ biết đến những người đàn ông kinh hãi kia.

 

Từ ngày đó, Nga không quay trở lại bệnh viện nữa, cô phải dành thời gian nhiều hơn để đi làm thêm lo cuộc sống. Cô giam hãm mình với bóng tối và sự ngưng đọng của thời gian. Chẳng thể cựa quậy. Việc học hành của Nga bắt đầu sa sút, khi cô học ngành ngôn ngữ mà nhà trường yêu cầu phải có bằng từ trung tâm để làm điều kiện ra trường, cô không lo được chi phí học nữa và dần dần bàn tay cô không đủ sức níu kéo con chữ. Cô quyết định dừng lại.

 

Cô vì muốn tìm tương lai cho mình, hy sinh bản thân, đến khi mọi thứ chồng chất lên, cô đã không thể kháng cự với việc bỏ dở. Mọi bề đều có bão giông thốc thổi, gào thét. Ai đưa cô vào con đường này? Ở cái tuổi 21, khi bạn bè ngoài kia vô tư, mơ ước và đầy đam mê, sức sống, Nga phải đau đớn với bao dày vò, những cát bụi cuộc đời đã chọn cô để ươm mầm. Sự cô độc đã bào mòn lấy niềm tin trong cô về một cuộc sống thật sự bình yên. Nó cạo đi sự trong trẻo của người con gái mới lớn, nhúng cô vào những oan khiên mà cô không đủ sức để hạ gục và đè bẹp nó.

 

Rồi vào một chiều mưa lất phất, cô rời khỏi Sài Gòn trên chiếc xe đạp với hai chiếc ba lô. Đi ngang con đường đầy lá me bay trong cơn gió cuối mùa thu, hình như Nga đã rơi rụng mất một tuổi trẻ, bóng cô đã rã rượi trong đoạn đường phong ba. Chiếc bánh xe hướng thẳng về vùng ngoại ô của thành phố.

 

Nga đến chỗ ở mới và bắt đầu công việc đầu tiên là dạy gia sư, thời gian còn lại cô dạy ở lớp học tình thương gần nơi ở. Công việc ở đây gần gũi nhiều với trẻ nhỏ khiến cho cuộc sống cô nhẹ nhàng hơn, được cười nhiều hơn. Thấm thoát đã năm năm trôi qua, cô gửi niềm vui mình trong những đôi mắt trẻ thơ, đêm về lại nghe tiếng lòng gào thét. Bấu vào nền gạch lạnh, tận sâu nào đó, Nga thèm lắm hơi ấm của yêu thương.

 

– Nga, em đem ít gạo về nấu cơm, chỗ này của từ thiện người ta cho, bạn anh xin được.

 

– Anh giữ đi ạ, em cũng ổn rồi anh, anh giúp đỡ em hoài, em ngại quá.

 

– Có gì đâu em, mình cùng vượt khó với nhau mà.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/anhdapxe2_AUWI.jpeg

Minh vội dắt xe ra chạy đến nhà trọ của Nga. (Hình minh hoạ. Thanh Niên)

 

Đó là Minh, một người dạy chung lớp học tình thương với Nga, anh đã có lần ngỏ lời để trao đổi tình cảm nhưng Nga đều từ chối khéo. Cô đã từng quen một người học chung đại học và sau đó, người con trai ấy nói với cô là nhà anh ta không muốn anh quen Nga vì cô không có gia cảnh tốt. Cô lặng lẽ im lặng, cắt đứt liên lạc và rời xa anh ta.

 

Giờ đây, trước tình cảm của Minh, Nga cảm nhận được rất nhiều yêu thương trong đó, nhưng cô không chắc mình có thể quên hết mọi khổ đau đã qua. Cô sợ hãi và ám ảnh về đàn ông. Huống chi, sức khỏe Nga rất tệ.

 

Mặc dù đã không còn đi bán máu, nhưng cơ thể yếu ớt đi nhiều, cô hay bệnh và dùng thuốc mỗi ngày, những cơn đau gặm nhấm thân thể và tim cô đã không còn được bình ổn, những nhịp tim đập loạn xạ, vùng ngực và đầu đau điếng. Cô không tin mình có thể hi vọng ở một hạnh phúc nào nữa…

 

Minh vẫn quan tâm, chăm sóc và kiên nhẫn với cô từng ngày. Anh cảm nhận được có điều sâu kín sau sự lạnh lùng đó nhưng cô không hề tiết lộ gì với anh. Và anh vẫn tin trong đáy lòng Nga hiểu được chân tình anh dành cho cô.

 

Hôm cuối tuần, sau tiết học, anh chuẩn bị lên xe về quê ít hôm, Nga dúi vào tay anh phong thư. Nga đã kể anh nghe mọi chuyện về cuộc đời cô. Nằm trên xe khách, nước mắt anh lăn dài. Anh vội lấy điện thoại ra nhắn cho cô tin nhắn rằng ngày anh lên sẽ qua chỗ trọ tìm cô.

Ba ngày ở quê, anh nôn nóng và mong mỏi, anh muốn gặp Nga vì anh đã hiểu những điều sợ hãi từ lâu ngăn cách anh và cô. Anh muốn cho cô biết, anh vẫn thương cô và nhiều hơn cả trước đây. Anh tin rồi cô sẽ đón nhận anh như ánh nắng cuối con đường.

 

Chiều hôm nay mưa tầm tã, bó hoa để sẵn trên xe. Cơn mưa vừa ngớt, Minh vội dắt xe ra chạy đến nhà trọ của Nga. Gần đến ngã tư, anh thấy người ta tập trung rất đông, có vẻ có tai nạn vừa xảy ra. Anh định chạy đi, nhưng rồi đập vào ánh mắt anh, đó là chiếc xe của Nga nằm ngang trên đường, gãy nát, anh run run dừng lại, tấp xe vào lề, chạy đến và không thể cất lời. Nga nằm đó, im lặng và đầy máu. Những vệt nước còn lại sau cơn mưa chảy qua người cô vô tâm. Anh khản đặc và tối sầm. Cùng lúc đó xe cứu thương đến. Mọi người đưa cô lên xe về bệnh viện. Người ta nói Nga xỉu giữa đường và chiếc xe tải lao đến không thắng kịp.

 

Tiếng xe cấp cứu chạy đi, từng tiếng  inh ỏi như đóng đinh vào hồn Minh. Nhìn theo bóng xe, anh khẽ gọi.

 

– Nga ơi, em chưa nghe anh trả lời.

 

Hoàng hôn rơi xuống những vệt đỏ thẫm tất cả như rơi trọn vào mắt Minh. Đâu phải chiều nào cũng đẹp và đâu phải nỗi đau nào cũng sẽ gột rửa bởi ngày mai.

 

 

 

 

 

 



No comments: