Wednesday, March 6, 2024

ĐẰNG SAU VỤ ÁN VẠN THỊNH PHÁT - TRƯƠNG MỸ LAN (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Đằng sau vụ án Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan

Hiếu Chân/Người Việt

March 5, 2024

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/dang-sau-vu-an-van-thinh-phat-truong-my-lan/  

 

Sáng ngày 5 Tháng Ba, người dân mắt tròn mắt dẹt nhìn đoàn xe bịt bùng hàng chục chiếc nối đuôi nhau chở các bị can của vụ đại án Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan từ trại tù ở Củ Chi tới tòa án ở trung tâm Sài Gòn để dự phiên tòa được mong đợi từ lâu. “Đoàn xe tù dài nhất từ trước tới nay,” một người dân Sài Gòn nhận xét trên mạng xã hội. Không chỉ có đoàn xe tù dài nhất, vụ án này còn nhiều kỷ lục khác cho thấy sự thối nát trong nền kinh tế chính trị Việt Nam là hết sức khủng khiếp.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/03/A1-Xe-tu-Truong-My-Lan-1536x919.jpg

Đoàn xe bịt bùng có mô tô cảnh sát canh chừng chở các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đến tòa án ở trung tâm Sài Gòn sáng ngày 5 Tháng Ba. (Hình: Phương Quyên/Tuổi Trẻ)

 

Đoàn xe bịt bùng có mô tô cảnh sát canh chừng chở các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát đến tòa án ở trung tâm Sài Gòn sáng ngày 5 Tháng Ba. (Hình: Phương Quyên/Tuổi Trẻ)

Truyền thông trong nước đưa tin ngoài chính phạm Trương Mỹ Lan, cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vụ án còn có thêm 85 bị cáo bị xét xử về các tội: Tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

 

Hồ sơ của vụ án nặng tới 6 tấn, gần 1 triệu bút lục (bản khai) đóng thành 2,500 tập đựng trong 104 thùng lớn giữ trong một phòng riêng có camera giám sát đề phòng bị phá hủy. Riêng bản cáo trạng do Viện Kiểm Sát lập đã dài tới 160 trang và ngày đầu tiên của phiên tòa, kiểm sát viên chỉ mới đọc được 43 trang. Phiên tòa dự tính diễn ra gần hai tháng, có thể kết thúc ngày 29 Tháng Tư.

 

Nhưng đáng nể nhất là “thành tích” của bà Lan và nhóm bị cáo tay chân của bà ta. Trong hơn 10 năm, từ khi thâu tóm ba ngân hàng nhỏ và lập ra ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB) năm 2012 đến lúc bị bắt vào Tháng Mười, 2022, bà Trương Mỹ Lan đã kịp rút của SCB 1,066,000 tỷ đồng, tương đương $43.94 tỷ. Theo kết luận điều tra của công an, trong số tiền khổng lồ này bà Lan đã chiếm đoạt và không có khả năng trả lại 304,096 tỷ đồng, cộng thêm số tiền lãi phát sinh 129,372 tỷ thành 433,000 tỷ đồng ($18 tỷ), phần lớn là tiền gửi tiết kiệm của người dân và tiền bán trái phiếu huy động vốn. Nếu so với quy mô tổng sản phẩm quốc gia (GDP) của nước Việt Nam năm 2021 là $366.1 tỷ thì số tiền bị chiếm đoạt trong vụ án đã lên tới gần 5% GDP và nhiều hơn tổng số tiền chi cho ngành giáo dục (257,709 tỷ) cộng với ngành y tế (120,112 tỷ) năm 2022.

 

Số tiền khổng lồ này, nhiều hơn tổng tài sản của năm người giàu nhất Việt Nam cộng lại, được bà Lan và tay chân sử dụng để thâu tóm bất động sản cả ở trong nước và nước ngoài, hối lộ các quan chức và tiêu xài vương giả. Nhưng khi nguồn lực của xã hội bị ăn cắp như vậy thì nền kinh tế phải trả giá.

 

                                                            ***

 

Bà Trương Mỹ Lan chẳng có trình độ hay tài tài cán gì nổi bật. Sở dĩ bà ta có thể chiếm đoạt số tiền lớn như vậy trước tiên là nhờ một thể chế kinh tế quái đản, trong đó các nhà kinh doanh bất động sản có thể thành lập ngân hàng, dùng ngân hàng để huy động tiền bạc của bá tánh cho các dự án kinh doanh của họ. Nếu ngân hàng SCB là cỗ máy cung cấp tiền cho “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan thì cũng có thể nhận định tương tự về ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) dưới quyền chi phối của ông Dương Công Minh, chủ tập đoàn địa ốc Him Lam đầy tai tiếng do lấy một phần diện tích phi trường Tân Sơn Nhất làm sân chơi golf; ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) của Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang, chủ tập đoàn Masan; ngân hàng HD Bank của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, chủ VietJet Air; ngân hàng Bắc Á của bà Thái Thị Hương (Thái Hương), chủ tập đoàn sữa TH True Milk; ngân hàng Đông Nam Á (SEABank) của bà Nguyễn Thị Nga, chủ tập đoàn BRG; ngân hàng Nam Á của gia tộc bà Trần Thị Hường (Tư Hường – đã qua đời năm 2017), chủ tập đoàn Hoàn Cầu,… Vì thế, trên diễn đàn Quốc Hội Việt Nam có người nhận xét “vụ Vạn Thịnh Phát chỉ là phần nổi của tảng băng,” phần chìm của tảng băng còn nhiều ngân hàng khác, nếu bị lộ, sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều. Nhà đương cục Việt Nam đang làm mọi cách để người dân không hay không biết, giữ cho hũ mắm thối ngân hàng không bị bốc mùi như vụ SCB, nếu hũ mắm này vỡ ra thì chắc chắn nền kinh tế quốc gia sẽ sụp đổ ngay lập tức mà không cách gì cứu nổi.

 

Không phải người ta không biết tới cung cách làm ăn kiểu ma-phia trong hệ thống ngân hàng nhưng các ông bà trùm đã chơi trò thả con tép bắt con tôm, sẵn sàng chi rất nhiều tiền để mua chuộc các đoàn thanh tra và đút lót cho những kẻ có quyền lực cao nhất trong guồng máy. Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, công luận để ý có tới 15 cựu cán bộ Ngân Hàng Nhà Nước; ba cựu cán bộ Thanh Tra Chính Phủ; một cựu cán bộ Kiểm Toán Nhà Nước bị truy tố; trong đó nổi bật nhất là bà Đỗ Thị Nhàn, trưởng Cục II thuộc cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng Ngân Hàng Nhà Nước nhận hối lộ nhiều nhất, với $5.2 triệu.

 

Nhưng đâu phải chỉ có đám quan chức ngành ngân hàng mới ngửa tay nhận tiền hối lộ của bà Trương Mỹ Lan. Trước tòa, bị cáo Dương Chí Dũng, cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines), ngay từ năm 2014 đã khai cầm hàng triệu đô la của bà Lan để chuyển cho các ông tướng Trần Đại Quang, Phạm Quý Ngọ, bộ trưởng và thứ trưởng Bộ Công An khi ấy. Một cục trưởng cỡ bà Nhàn đã được “lót tay” $5 triệu trong một chuyến thanh tra ở một ngân hàng thì các sếp của bà ta ở Ngân Hàng Nhà Nước, ở chính phủ và cao nhất là Bộ Chính Trị sẽ được bao nhiêu trong nhiều năm qua? Đừng ngạc nhiên quan chức Việt Nam lương ba cọc ba đồng mà sao giàu dữ vậy.

 

Sẽ không có vụ án Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát nếu không có bàn tay bảo kê của ông Lê Thanh Hải (Hai Nhựt), cựu ủy viên Bộ Chính Trị, cựu bí thư Thành Ủy TP.HCM. Xuất thân là người bán vải ở chợ An Đông, bà Lan (tên thật là Trương Muội, người Việt gốc Hoa) do một cơ duyên nào đó đã kết thân với bà Trương Thị Hiền, vợ ông Hải và em gái bà Trương Mỹ Hoa, cựu phó chủ tịch nước. Bà Trương Muội đổi tên thành Trương Mỹ Lan, mạo nhận là em gái của bà phó chủ tịch nước để dễ xâm nhập giới quan chức thượng lưu của thành Hồ. Dưới sự bảo bọc của ông Lê Thanh Hải, bà Lan đã thâu tóm hàng trăm khu đất kim cương ở thành phố lớn nhất nước mà các đại gia khác thèm chảy nước miếng cũng không sờ tới được.

 

Nhưng nói cho công bằng, giới “đại gia” và giới quan chức cộng sinh với nhau, câu kết với nhau để trục lợi trên xương máu người dân và Trương Mỹ Lan không phải là trường hợp độc nhất. Đằng sau mỗi “đại gia” luôn có bàn tay của một hoặc vài quan chức rất cao cấp, là ủy viên Bộ Chính Trị hoặc tối thiểu là phó thủ tướng chính phủ, nâng đỡ và chia chác. Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang… và nhiều chóp bu khác của chế độ đều có các tập đoàn sân sau, làm “ô dù” che chở các đàn em “doanh nhân” để chúng cung phụng cho mình và gia đình. Chuyện đó không có gì lạ, ở Việt Nam ai cũng biết. Chỉ khi nào các thế lực bảo kê bị ngã ngựa, hoặc về hưu thì kẻ được bảo kê mới có nguy cơ bị lộ, bị biến thành “củi” cho cái lò tôn. Nhưng qua các vụ án, người ta thấy cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư, chỉ đốt “từ vai trở xuống,” những chóp bu cỡ Hai Nhựt sẽ không bị đụng tới vì ông Trọng vẫn sợ “vỡ bình.”

 

                                                         ***

 

Đoàn xe tù “kỷ lục” chở Trương Mỹ Lan và đồng bọn chạy ngang qua Sài Gòn vắng vẻ đìu hiu. Những ngày sau Tết Giáp Thìn, thông tin nóng về Sài Gòn trên báo chí và mạng xã hội là chuyện người buôn bán dẹp tiệm, trả mặt bằng, ngừng kinh doanh, còn người lao động thì mất việc, đổ ra đường tìm mọi cách sinh nhai.

 

Chỉ cần vào YouTube và tìm “Sài Gòn sau Tết Giáp Thìn” sẽ thấy rất nhiều cảnh đường phố vắng vẻ, nhà nhà treo bảng “cho thuê hoặc bán,” hàng quán không bóng khách, đóng cửa im ỉm ngay trên những con đường sầm uất nhất của Hòn Ngọc Viễn Đông một thời ngựa xe như nước.

 

Có người nói, bây giờ người ta mua hàng qua mạng Internet, mấy ai ra tiệm, nên đóng cửa là phải. Có lẽ đó là một lý do nhưng sâu xa hơn, có vẻ như Sài Gòn không còn sức gắng gượng khi tiền bạc của người dân đã cạn kiệt trong một nền kinh tế suy sụp, không biết làm cách gì để kiếm tiền một cách lương thiện. Khi giá vận chuyển một thùng hàng (container) từ Nam ra Bắc cao gấp đôi giá vận chuyển đi Âu Mỹ do phải qua quá nhiều trạm thu phí cầu đường thì nhà sản xuất bế tắc, người lao động mất việc; khi người dân kiếm tiền khó thì sức mua giảm, người buôn bán dẹp tiệm. Chỉ còn các công ty nước ngoài vào mở nhà máy, tận dụng sức lao động rẻ của người Việt để làm hàng hoá xuất cảng sang Âu Mỹ và Nhật, giúp cho nhà nước cộng sản có cái để khoe khoang thành tích tăng trưởng kinh tế.

 

Trên cái nền kinh tế xã hội ảm đạm như vậy, vụ án Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan với số tiền thất thoát hàng ngàn tỷ, hàng trăm ngàn tỷ làm người ta choáng váng; và sau cơn choáng váng là một nỗi lo lắng, một nỗi bi quan trước một tương lai còn tối tăm hơn cái tiền đồ của Chị Dậu trong tác phẩm của Ngô Tất Tố hồi giữa thế kỷ trước. [qd]





No comments: