Việt
Nam: Không "chung vận mệnh", nhưng phải “chia sẻ tương lai” với Trung
Quốc
Thanh Phương - RFI
Đăng
ngày: 18/12/2023 - 07:57
Trong
hai ngày 12 và 13/12/2023, chủ tịch kiêm tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập
Cận Bình đã mở chuyến viếng thăm cấp nhà nước ở Việt Nam, chỉ vài tháng sau
chuyến đi của tổng thống Mỹ Joe Biden.
Chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú
Trọng trong buổi lễ đón tiếp tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày
12/12/2023. AP - Nhac Nguyen
Khác với tổng
thống Biden, ông Tập Cận Bình đã được đón tiếp rất long trọng, với những nghi
thức cao nhất dành cho một lãnh đạo nước ngoài, thậm chí thủ tướng Phạm Minh
Chính đã ra tận sân bay để đón chủ tịch Trung Quốc ngay tại chân cầu thang của
máy bay.
Chuyến
thăm Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc diễn ra sau khi Hà Nội vừa nâng cấp quan
hệ với Hoa Kỳ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, cấp cao nhất
trong hệ thống phân cấp quan hệ ngoại giao của Việt Nam, và như vậy đặt Mỹ
ngang tầm với Trung Quốc. Cho nên, ông Tập Cận Bình đã cố thúc ép Việt Nam tăng
cường hơn nữa quan hệ với Trung Quốc, để Hà Nội không xích lại quá gần
Washington, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn gay gắt.
Theo Tân
Hoa Xã, phát biểu tại Hà Nội ngày 13/12, chính ông Tập Cận Bình cùng đã kêu gọi
Việt Nam cùng với Trung Quốc “chống mọi mưu toan nhằm làm xáo trộn vùng
Châu Á-Thái Bình Dương”, áp chỉ sự can dự ngày càng mạnh của Hoa Kỳ
vào khu vực này.
Trong bản
tuyên bố chung được công bố sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên nhắc
lại Việt Nam và Trung Quốc là "láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt,
đối tác tốt, đều là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, chế độ
chính trị tương đồng".
Từ
"chung vận mệnh" thành "chia sẽ tương lai"
Chính là dựa
trên sự tương đồng này mà hai nước “nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ
tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Thật ra thì ban đầu
Trung Quốc đã muốn ép Việt Nam chấp nhận xây dựng cái gọi là “Cộng đồng
chung vận mệnh” như đối với Lào, Cam Bốt và Miến Điện. Nhưng sang đến
Việt Nam thì cụm từ này được sửa đổi thành “Cộng đồng chia sẻ tương
lai” cho có vẻ ít mang tính ràng buộc hơn. Thật ra thì dường như
đây là kết quả của nhiều cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng nhằm tìm ra một khái
niệm phù hợp nhất để mô tả mối quan hệ mới giữa hai quốc gia “vừa là đồng
chí, vừa là anh em”.
Trả lời
RFI Việt ngữ ngày 13/12/2023, nhà nghiên cứu Hoàng Việt, thuộc Đại học Luật
thành phố Hồ Chí Minh, nhận định:
“ Ở đây
chúng ta thấy ít nhất nổi lên hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất là Việt Nam đã không
chọn cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh”. Cho đến nay, Việt Nam là quốc gia thứ 8
tham gia vào “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc. Trong khối ASEAN, trừ
Đông Timor, chỉ có 2 quốc gia là Singapore và Philippines chưa tham gia.
Thế thì
vì sao khi đến Việt Nam thì Trung Quốc đổi lại thành là “cộng đồng chia sẻ
tương lai”? Một là, phía Việt Nam cho rằng “chung vận mệnh” có nghĩa là “anh sống
thì tôi sống, anh chết thì tôi chết”, như vậy vô hình chung nó xác định Việt
Nam đã chọn bên, dù Việt Nam đã chính thức tuyên bố là không chọn bên nào cả.
Chính vì vậy, Việt Nam muốn đổi tên thì mới chấp nhận tham gia “cộng đồng” này.
Lý do
thứ hai, nói thẳng là người dân Việt Nam không thích “chung vận mệnh” với Trung
Quốc, cho nên phía Trung Quốc phải chiều lòng Việt Nam, chuyển sang cụm từ khác
là “chia sẻ tương lai”. Hai bên đều có sự nhượng bộ nhau.
Tôi được
biết là trước chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Vương Nghị, đã có rất nhiều
trao đổi giữa hai bên, kể cả đến chuyến thăm của ông Vương Nghị để chuẩn bị cho
chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên vẫn tiếp tục bàn luận. Có rất nhiều vấn
đề hai bên chưa thống nhất được và có lẽ sau đó mới thống nhất được. Một trong
những vấn đề gai góc nhất chính là “cộng đồng chung vận mệnh” hay “cộng đồng
chia sẻ tương lai”.
Được
tiếp đón long trọng hơn Biden
Như đã nói
ở trên, khi sang thăm Việt Nam vào tuần trước, chủ tịch Trung Quốc đã được giới
lãnh đạo Hà Nội đón tiếp long trọng hơn nhiều so với khi tiếp tổng thống Mỹ
Biden. Vì sao có sự khác biệt này, nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích:
“ Chuyện
này là đương nhiên. Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mà Việt Nam thiết lập quan
hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”. Cho đến bây giờ thì đã có 6 quốc gia đã trở
thành “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam, nhưng Trung Quốc là nước đầu
tiên. Trong các phát biểu, các lãnh đạo Việt Nam luôn khẳng định trong chính
sách đối ngoại của Việt Nam, Trung Quốc luôn là ưu tiên hàng đầu.
Điều
này cũng hợp lý, bởi vì thứ nhất Trung Quốc là một cường quốc lớn nhất ở châu Á
và nhất nhì thế giới. Trung Quốc lại là láng giềng của Việt Nam. Trải qua hàng
ngàn năm lịch sử, Việt Nam hiểu được cái giá của việc ở bên cạnh một người khổng
lồ như thế nào.
Ngay cả
giới nghiên cứu ở Việt Nam cũng nói rằng, nếu Việt Nam muốn phát triển thì phải
có hòa bình, mà muốn có hòa bình thì Việt Nam phải có quan hệ tốt với Trung Quốc.
Đó là lý do vì sao mà Việt Nam luôn đặt vị trí của Trung Quốc lên hàng đầu
trong chính sách đối ngoại.
Đương
nhiên là trong buổi đón tiếp ông Tập Cận Bình có những sự khác biệt so với khi
đón tiếp ông Biden. Sự khác biệt này không phải là do phía Việt Nam đặt ra. Qua
một số tiết lộ, đặc biệt là của thứ trưởng Hà Kim Ngọc, bản thân Hoa Kỳ và ông
Biden cũng không đòi hỏi những chi tiết như trải thảm đỏ đón ông Biden từ sân
bay, nghi thức bắn 21 phát đại bác, cho nên Việt Nam không sử dụng nghi thức
đó.
Còn
phía Trung Quốc thì khác. Điều này cũng cho thấy cái tư duy của Trung Quốc và
tư duy của Hoa Kỳ có khác nhau. Đối với Hoa Kỳ thì làm được việc mới là quan trọng,
chứ không phải là các nghi thức. Nhưng đối với Trung Quốc thì đây là một gặp
mang tính biểu tượng rất lớn, vừa là hai nước xã hội chủ nghĩa, vừa là hai nước
láng giềng. Và trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung quyết liệt cả về vị thế và ảnh
hưởng, phía Trung Quốc phải thể hiện vai trò của mình. Trung Quốc rất coi trọng
những nghi thức, mà theo luật về lễ tân của Việt Nam, trong một chuyến thăm cấp
nhà nước cao nhất thì các nghi thức được quy định như là khi đón tiếp ông Tập Cận
Bình. Cái này là do hai bên thỏa thuận với nhau.”
Trong chuyến
thăm của Tập Cận Bình ở Việt Nam, Hà Nội và Bắc Kinh đã đồng ý sẽ gia tăng hợp
tác về các vấn đề an ninh, đẩy mạnh quan hệ giữa ngành công nghiệp quốc phòng của
hai nước, đồng thời ký hàng chục hiệp định hợp tác.
Vẫn
còn nguy cơ căng thẳng vì Biển Đông
Tuy quan hệ
Việt- Trung đang trong giai đoạn hữu hảo như vậy, nhưng cũng không nên quên rằng
giữa hai nước căng thẳng có thể bùng nổ trở lại do vấn đề tranh chấp Biển Đông,
nhất là do những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở vùng biển mà họ
khẳng định chủ quyền gần như toàn bộ.
Bản tuyên
bố chung được công bố trong chuyến đi Việt Nam của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận
Bình có ghi: “Hai bên đi sâu trao đổi ý kiến chân thành, thẳng thắn về
vấn đề trên biển, nhấn mạnh cần kiểm soát tốt hơn và tích cực giải quyết bất đồng
trên biển, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.” Nhưng
theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, vấn đề là Trung Quốc có thực hiện đúng lời
hứa giải quyết tranh chấp “bằng biện pháp hòa bình” hay
không:
“Có hai
vấn đề lớn, thứ nhất là tranh chấp Biển Đông, thứ hai xuất khẩu hàng hóa của Việt
Nam nhiều lúc gặp khó khăn do những rào cản đặc biệt mà phía Trung Quốc đưa ra.
Tranh
chấp Biển Đông là tranh chấp cực kỳ phức tạp và khó khăn. Nhưng quan điểm của
Việt Nam là không phải vì tranh chấp Biển Đông mà không thúc đẩy quan hệ với
Trung Quốc. Chúng ta chỉ nhìn quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines thì sẽ thấy,
mặc dù hai nước cho tới nay vẫn căng thẳng hàng ngày trên khu vực Biển Đông, cụ
thể là ở Bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough, nhưng quan hệ thương mại giữa Trung
Quốc và Philippines vẫn không ngừng tăng trưởng.
Báo chí
Việt Nam có chụp hình ông Tập Cận Bình và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng ngồi
dự tiệc trà, xung quanh có mấy cây tre, đó cũng là hàm ý nêu bật chính sách
“ngoại giao cây tre” ( giữ thế cân bằng trong quan hệ với các cường quốc ) của
Việt Nam.
Trong vấn
đề Biển Đông, thứ nhất là Việt Nam vẫn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, toàn vẹn lãnh
thổ, cũng như những quyền mà Việt Nam được hưởng theo quy định của Công ước Luật
Biển 1982, đồng thời tôn trọng Hiến chương Liên Hiệp Quốc trong việc giải quyết
tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng muốn có những biện
pháp để nếu Trung Quốc và Việt Nam có những bất đồng, căng thẳng thì hai bên có
thể tìm ra những kênh đối thoại để giảm bớt căng thẳng, ví dụ như kênh chính phủ,
hoặc là kênh ngoại giao nhân dân, hoặc là kênh giữa hai đảng Cộng sản. Đó cũng
cho thấy Việt Nam muốn giải quyết tranh chấp hòa bình và muốn hòa hoãn với
Trung Quốc.
Tranh
chấp Biển Đông là vấn đề phức tạp và khó khăn, nhưng không vì thế mà không thúc
đẩy những quan hệ khác, đặc biệt là quan hệ kinh tế thương mại, mà hiện còn rất
nhiều “dư địa” để phát triển, tại sao hai nước lại không tận dụng.
Có lẽ vấn
đề Biển Đông sẽ còn tồn tại trong tương lai. Đương nhiên phía Việt Nam cố gắng
giải quyết bằng bằng những biện pháp hòa bình và qua đối thoại, nhưng điều này
còn phụ thuộc vào phía Trung Quốc. Mặc dù phía Trung Quốc cũng đã có những
tuyên bố tương tự, tức là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng
luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển và hướng tới một Bộ quy tắc ứng
xử trên Biển Đông COC, nhưng chúng ta cũng không chắc là Trung Quốc có giữ được
lời hứa của họ không. Nếu xảy ra thì chúng ta sẽ xem Việt Nam ứng xử trong trường
hợp này như thế nào.”
Thật ra, một
trong những lý do khiến Việt Nam và Trung Quốc thắt chặt hơn nữa quan hệ song
phương, đó chính là cả hai nước đều quan ngại về các thế lực “thù địch” bên
ngoài và sự cần thiết phải bảo vệ sự ổn định trong nước, thể hiện qua thỏa thuận
mới về an ninh, được ký kết nhân chuyến viếng thăm của chủ tịch Tập Cận
Bình.
Theo một
nhà phân tích Trung Quốc, được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post
trích dẫn ngày 14/12/2023, Bắc Kinh và Hà Nội đã đồng ý tăng cường hợp tác quốc
phòng và an ninh, đặc biệt là về “an ninh chế độ và an ninh thể chế”.
Đây là lần đầu tiên hai nước đề cập đến an ninh của chế độ trong một tuyên bố
chung như vậy. Cụ thể, hai bên sẽ “tăng cường giao lưu tình báo và phối
hợp chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác trong các vấn đề chống can thiệp, chống ly
khai, phòng chống "diễn biến hòa bình", "cách mạng màu" của
các thế lực thù địch, phản động”.
No comments:
Post a Comment