Sunday, December 31, 2023

HOA KỲ KHÔI PHỤC MỘT SÂN BAY Ở THÁI BÌNH DƯƠNG ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI TRUNG QUỐC (Minh Anh / RFI)

 



Mỹ khôi phục một sân bay ở Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 30/12/2023 - 14:37

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20231230-m%E1%BB%B9-kh%C3%B4i-ph%E1%BB%A5c-m%....BB%91i-ph%C3%B3-trung-qu%E1%BB%91c

 

Ngày 28/12/2023, Trung Quốc kêu gọi các nước trong vùng châu Á - Thái Bình Dương đề cao cảnh giác về việc Hoa Kỳ tăng cường tiềm lực quân sự trong khu vực. Báo động này được đưa ra sau khi quân đội Mỹ cho cải tạo một sân bay cũ nằm trên đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, từng được sử dụng để thả bom xuống Hiroshima ngày 06/08/1945, nhằm đối phó với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/77ca3e0c-a718-11ee-b954-005056a90284/w:980/p:16x9/000_349223Q.webp

Chiếc máy bay B-29 "Enola Gay" của Hoa Kỳ hạ cánh xuống Đảo Tinian, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima, Nhật Bản, ngày 06/08/1945. © AFP/The National Archives

 

Washington « cảm thấy khẩn cấp » thực hiện chính sách này, nhằm đáp trả chiến lược tương tự mà Bắc Kinh đã thực hiện từ nhiều năm qua khi cho biến đổi nhiều đảo nhỏ thành căn cứ quân sự tại những vùng lãnh hải đang có tranh chấp gay gắt ở Biển Đông. 

 

Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho AFP biết, « việc cải tạo sân bay có từ thời Đệ Nhị Thế Chiến sẽ cung cấp cho không quân Mỹ tại vùng Thái Bình Dương một phương tiện xây dựng nhanh chóng các cơ sở hạ tầng trong vùng ». 

 

Tướng Kenneth Wilsbach, tư lệnh không quân Mỹ vùng Thái Bình Dương, trả lời hãng tin Nikkei Asia từng nói rằng, ở Tinian, vùng lãnh thổ gần đảo Guam, sân bay lịch sử này ở phía bắc, vốn bị cây cối bao phủ, thì nay sẽ được phát quang, từ đây cho đến mùa hè năm tới, để trở thành một « căn cứ quân sự lớn ». 

 

Chính sách này của Mỹ là một phần trong chiến lược của Không quân Mỹ trong những năm sắp tới, được công bố vào năm 2022, nhằm đối phó với những hành động « cưỡng ép và ngày càng hung hăng của Trung Quốc nhằm kiến tạo lại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương », một chiến lược mà Hoa Kỳ đánh giá là « một thách thức lớn nhất và nghiêm trọng nhất cho an ninh quốc gia Mỹ ».  

 

Trong chiến lược này, Mỹ đã tăng ngân sách gấp hai lần trong ba năm gần đây cho việc xây dựng các cơ sở quân sự Mỹ vùng châu Á – Thái Bình Dương, từ 1,8 tỷ đô la vào năm 2020 lên mức 3,6 tỷ trong năm 2023. 

 

Cách tiếp cận của bộ Quốc Phòng Mỹ rất rõ ràng : Gia tăng các căn cứ quân sự để trở nên linh động hơn và có thể tác chiến ngoài các căn cứ lớn của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và trên đảo Guam. Từ năm 2011, theo một báo cáo của Quốc Hội, « Hoa Kỳ đã thương lượng tiếp cận thêm 12 căn cứ quân sự mới ở Philippines và Úc », trong số này có nhiều cơ sở đã có từ thời Đệ Nhị Thế Chiến. 

 

AFP nhắc lại, nằm cách Nhật Bản 2.300 km, sân bay này đã được  Hoa Kỳ chiếm lại từ quân đội Nhật. Với sáu đường băng cất và hạ cánh, tại đây, hàng chục oanh tạc cơ B-29 của Mỹ đã thay phiên nhau dội bom đế chế kẻ thù không ngơi nghỉ, và cũng chính từ hòn đảo nhỏ trong quần đảo Mariannes, hai chiếc máy bay của Không quân Hoa Kỳ, ngày 06/08/1945 đã cất cánh để lần lượt thả hai quả bom nguyên tử « Little Boy » và « Fat Man » xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản 

 

Gần 80 năm sau, sân bay ở đảo Tinian, một lần nữa đã cho thấy tầm chiến lược quan trọng, nhưng lần này với tầm ngắm là Trung Quốc !  

 

-----------------------------

Các nội dung liên quan

 

HOA KỲ - ISRAEL - GAZA

Hoa Kỳ kêu gọi Israel « giảm cường độ oanh kích » ở Gaza

 

CHIẾN TRANH UKRAINA

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ bất ngờ tới Kiev để tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraina

 

Tạp chí Xã hội

Vì sao các triệu phú Hoa Kỳ đòi trả thuế nhiều hơn ?






No comments: