Mấy hôm rồi,
anh Hoàng
Tuấn Công thường xuyên trao đổi với tôi về các bài tập mà con trai anh
được cô giáo giao về nhà làm, ôn tập để chuẩn bị thi học kỳ. Anh rất hoang mang
vì...không biết phải trả lời thế nào đối với những bài tập tiếng Việt của một học
sinh lớp 6.
Chuyển qua
cho tôi, tôi nói, tôi cũng lúng túng như anh! Tất nhiên, ở đây không loại trừ
trình độ hạn chế và cách làm việc thiếu trách nhiệm của chính người dạy, nhưng
dù sao nó cũng phản ánh một thực tế rằng cách dạy và học môn Ngữ văn trong nhà
trường đang bất ổn. Tôi đã tính viết đôi dòng về điều này, mà vì đợt này đang
thấy oải quá, nên lại thôi.
Nhân tiện,
hôm nay, trên Facebook của mình, GS Đinh Văn Đức đăng tải một bài viết nêu quan
điểm của thầy về hai chữ “Ngữ-Văn”, đồng thời bàn về môn học này trong chương
trình giáo dục của Việt Nam. Đọc bài này, tôi thấy được chia sẻ, vì suy nghĩ của
tôi trong các bài viết trước đây cơ bản khá gần với ý kiến của thầy, tuy tôi có
phần “cực đoan” hơn (xin xem một bài ở đây)
Quan điểm
của tôi trước sau vẫn là: học “ngữ văn” chính là học cách sử dụng tiếng Việt
(sao cho đúng, hay, hiệu quả) – trong đó có một bộ phận là tiếng Việt văn học.
Tuy nhiên,
cách dạy môn Ngữ văn (tiểu học gọi là tiếng Việt) trong nhà trường lâu nay dường
như không xác định mục tiêu ấy như là trọng tâm. Thành ra, học xong 12 năm ròng
rã, thậm chí xong cả đại học, nhưng đa số không viết nổi những bài văn tiếng Việt
(tả cảnh, kể chuyện, nghị luận...) sao cho đúng, cho hay, cho hiệu quả.
Chúng ta
hãy hình dung thế này cho dễ: việc dạy môn ngữ văn trong nhà trường đáng ra phải
giống như dạy cho một người biết trồng lúa để có năng suất cao, nhưng trên thực
tế, người ta lại chỉ chủ yếu dạy KIẾN THỨC KHOA HỌC về cây lúa và nghề trồng
lúa, như: nó có nguồn gốc từ đâu, cấu trúc ra sao, có những chất gì....; ngành
trồng lúa ở ta đã phát triển qua các giai đoạn nào, phân bố ở đâu, mang lại hiệu
quả kinh tế như thế nào. Một người được dạy như thế, dù có trở thành chuyên gia
về lúa, hỏi gì biết nấy, nhưng vẫn không biết làm đất, không biết cấy lúa,
không biết chăm sóc cây lúa... và cuối cùng luôn luôn bị mất mùa vì không thể
làm ra sản phẩm.
Chúng ta
đang dạy học sinh những tri thức ngôn ngữ học về tiếng Việt với lối chẻ sợi tóc
làm tư, nào là từ loại, ngữ pháp, các biện pháp tu từ như kiểu đào tạo sinh
viên ngành ngôn ngữ học, học ra để nghiên cứu về ngôn ngữ, chứ không phải để sử
dụng cái ngôn ngữ ấy cho hiệu quả.
Khi học để
biết trồng lúa sao cho có năng suất cao thì cách dạy phải khác, cách thi cũng
phải khác. Bằng không, môn trồng trọt dễ bị lạc sang môn sinh học. Một học sinh
được điểm tuyệt đối môn sinh học chưa hẳn đã biết cách cấy lúa và chăm sóc lúa;
trong khi một học sinh dốt đặc môn ấy lại có thể trở thành một nông dân sản xuất
giỏi.
Học kiến
thức khoa học về một đối tượng thì khác với việc học nó để phục vụ cho một hoạt
động thực tế. Cũng như học về một chiếc xe hơi, dù am tường đến đâu nhưng nếu
không học lái thì vĩnh viễn không lái được. Trong khi cái phải biết chính là việc
lái xe. Học ngữ văn hay các môn khác trong nhà trường thì cũng thế, nếu cứ tiếp
tục theo đuổi các tri thức hàn lâm hoặc xa rời mục tiêu thực tế không phục vụ
cho việc “biết lái xe” thì sự học ấy là lạc đường, lãng phí, thậm chí còn có hại
nữa.
Nếu không
minh định một cách rõ ràng mục tiêu của môn Ngữ văn để từ đó có phương pháp dạy,
học, thi cử phù hợp, thì mãi mãi chúng ta cũng chỉ dạy ra những “học sinh ngành
ngôn ngữ học” nắm lõm bõm các tri thức khoa học về tiếng Việt nhưng không sao
biết dùng tiếng mẹ đẻ cho nên hồn được.
Thái Hạo
.
No comments:
Post a Comment