Nguyễn
Thông (Nguyễn
Thông Cào)
Ở xứ này, những trò giả dối, lừa mị đã thấm vào máu vào não đám cầm quyền,
không chỉ bây giờ mà gần thế kỷ rồi. Tồn tại được chừng ấy thời gian, kể cũng
ghê. Dân nước Nam ta, trước khi lề thói cộng sản xâm nhập vào, đâu đến nỗi vậy.
Ông bạn tôi bảo giả dối lừa mị xứ ta thời cộng sản đã ăn thua gì, so với Liên
Xô, Tàu, Cuba, Triều Tiên vẫn xách dép cho chúng nó. Chỉ riêng cái chuyện sống
ngập trong nghèo đói, thích đánh nhau nhưng vẫn nhét vào tai dân CNXH là thiên
đường, tương lai nhân loại, là yêu hòa bình thì đủ biết bụng dạ nhau.
Tôi không hung hăng như họ nhưng rất ghét những trò giả dối, lừa đảo,
hình thức. Khi đánh nhau mà gian dối đã đi một nhẽ, bởi phải chấp nhận “binh bất
yếm trá” (việc binh cho phép lừa dối), chứ đã hòa bình, làm kinh tế mà cũng
gian dối thì không thể chấp nhận. Tự lừa mình, cứ thoải mái. Dối ai, lại đi dối
dân.
Đó là tôi muốn nói tới cụm từ, một dạng thuật ngữ, phổ biến trong các
văn bản tổng kết, báo cáo kinh tế, báo chí, và mồm quan lớn ở xứ này: “Tăng trưởng âm”. Ai chưa tin, cứ mở báo mậu dịch quốc doanh ra đọc,
hoặc tra Gu gồ, lại chả cho hàng vạn kết quả.
Họ dùng riết, bắt nghe riết đọc riết thành quen. Có khi nó lại thành
ngôn ngữ thời thượng. Tôi nói thật, đám nhà báo không biết dùng tiếng Việt đã
đành, chứ cả thủ tướng lẫn quan chức cấp cao, trong đó có các giáo sư tiến sĩ,
các lãnh đạo tổng cục thống kê, bộ trưởng này nọ cũng gật gù “tăng trưởng âm”
thì chối lắm.
Cắt nghĩa sơ về từ ngữ. Tăng nghĩa là thêm, thêm lên; trưởng là phát
triển, lớn lên. Tăng trưởng là phát triển, lớn mạnh lên, ngày càng nhiều càng mạnh
so với trước. Ngược với tăng trưởng là giảm, suy thoái. Đàn lợn tăng trưởng tức
là đàn lợn ngày càng đông càng nhiều, mỗi ngày một nhiều. Kinh tế tăng trưởng tức
là kinh tế ngày càng phát triển.
Nói ngắn gọn, đã tăng trưởng thì chỉ có đi lên, phát triển, cao hơn,
nhiều hơn, thêm lên. Báo chí rất nhố nhăng khi còn chế ra cụm từ “tăng trưởng
dương”. Đã tăng trưởng thì khỏi cần dương bởi bản thân nó đã là dương rồi.
Nói/viết “tăng trưởng dương” là dốt, rỗi hơi, không biết dùng tiếng Việt.
Đã không cần dương thì lại càng không cần âm. Chế
ra “tăng trưởng âm” là rất nhố nhăng, vớ vẩn.
Theo cách hiểu giản dị nhất, âm - dương là cặp phạm trù, âm đối lập với
dương, sự đối lập cũng như các cặp tốt - xấu, trắng - đen, cao - thấp… vậy. Nếu
dương chỉ sự đi lên, phát triển, thì âm nói về sự thụt lùi, suy thoái, đi xuống.
Làm quái gì có thứ “tăng trưởng thụt lùi”. Chỉ những cái đầu ưa hình thức, quen
giả dối, lừa mị, ngáo thành tích, tự lừa mình và lừa người thì mới sáng tạo ra
“tăng trưởng âm”.
Cả một bộ máy lãnh đạo, cầm quyền, kể từ người cao nhất trở xuống, cứ
nói mãi nghe mãi “tăng trưởng âm” thấy quen tai, lại thỏa mãn được thói tự sướng
nên không hề nhận ra sự vô lý, vớ vẩn.
Ông hàng xóm nhà tôi bảo kém cỏi, thụt lùi, đi xuống, suy thoái, xuống
dốc… thì cứ nói mẹ nó ra là thụt lùi, suy thoái đi, lại còn vẽ vời, màu mỡ riêu
cua dương mới chả âm.
Bệnh hình thức ở xứ này với bộ máy cai trị đương quyền đâu phải chỉ sự
sính cờ đèn kèn trống, băng rôn khẩu hiệu, hoa hoét tre trúc lòe loẹt, mà còn rất
rõ trong ngôn ngữ, từ ngữ mà họ sử dụng.
Đừng có ai gân cổ giải thích với tôi rằng khi nói “tăng trưởng âm” thì
vẫn có nghĩa là tăng trưởng, nó chỉ kém, chỉ thụt lùi so với trước, một mốc thời
gian nào đó thôi. Vớ vẩn, đã thụt lùi thì xuống dốc, là lùi, là suy thoái (suy
yếu và lùi) thì tăng với trưởng nỗi gì.
Cũng đừng giải thích kiểu tây học, bảo rằng trong tiếng Anh có thuật ngữ
“Negative Growth”, nhưng xin nhớ negative nghĩa là tiêu cực, growth là sự phát
triển. Thuật ngữ này chỉ sự phát triển bị chậm lại, có vấn đề xấu, suy thoái,
chứ hoàn toàn không âm iếc chi cả. Nó rất hợp lý về từ ngữ chứ không chỏi nhau
kiểu “tăng trưởng âm”.
Nhiều năm qua, tôi chờ đợi mãi sự lên tiếng của các nhà ngôn ngữ học khả
kính, những giáo sư tiến sĩ, những đấng bậc về ngôn ngữ, nhưng hình như họ còn
bận chuyện quốc gia đại sự kiếm tiền kiếm danh, hoặc họ sợ đụng chạm (nỗi sợ cố
hữu của trí thức An Nam), chả thấy họ nói năng gì, nên đành phải biên mấy dòng
này.
Nguyễn Thông
.
No comments:
Post a Comment