Friday, June 16, 2023

VÌ SAO HOA KỲ MUỐN NÂNG TRUNG QUỐC LÊN VỊ THẾ "QUỐC GIA PHÁT TRIỂN", CÒN BẮC KINH LẠI BÁC BỎ? (Thùy Dương / RFI)

 



Vì sao Mỹ muốn nâng Trung Quốc lên vị thế « quốc gia phát triển », còn Bắc Kinh lại bác bỏ ?

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 15/06/2023 - 11:32

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230615-v%C3%AC-sao-m%E1%BB%B9-mu%E1%BB%91n-n%C3%A2n....BA%A1i-b%C3%A1c-b%E1%BB%8F

 

Sau cuộc bỏ phiếu của Hạ Viện Mỹ hôm 27/03/2023, đến lượt Thượng Viện Mỹ ngày 08/06 thông qua dự luật xóa bỏ tư cách quốc gia đang phát triển của Trung Quốc, đề nghị quốc tế chấm dứt việc đối xử với Trung Quốc như một nước đang phát triển. Quyết định của Nghị Viện Mỹ đã khiến Bắc Kinh nổi giận và tố Washington muốn kìm hãm đà phát triển của Trung Quốc. Giới quan sát nói đến một cuộc đối đầu về địa chính trị và kinh tế giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

 

https://s.rfi.fr/media/display/15db5e9c-a4cd-11eb-aad0-005056a9b1a7/w:980/p:16x9/AP20009300933698.webp

(Ảnh minh họa) - Quốc kỳ Mỹ và Trung Quốc. AP - Andy Wong

 

Phản ứng của Bắc Kinh về nghị quyết của Quốc Hội Mỹ

 

Trang web của đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp cho biết, Bắc Kinh ngay sau đó đã có phản ứng. Trong cuộc họp báo ngày 09/06/2023, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Uông Văn Bân nhấn mạnh việc Mỹ xem Trung Quốc là « một nước phát triển » không phải là sự đánh giá cao hay công nhận là Bắc Kinh đã thành công trong công cuộc phát triển đất nước, mà là « kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc ».

 

Phát ngôn viên Uông Văn Bân cũng lưu ý tư cách « nước đang phát triển » của Trung Quốc, cũng như quyền lợi của Trung Quốc ở vị thế một nước đang phát triển được xác định dựa vào luật pháp quốc tế, chứ không phải là điều có thể dễ dàng bị một dự luật của Nghị Viện Mỹ xóa bỏ : « Mỹ không phải là bên quyết định Trung Quốc có phải là một nước phát triển hay không. Hoa Kỳ không thể phủ nhận thực tế là Trung Quốc vẫn là một nước đang phát triển, và cũng không thể cản trở Trung Quốc hướng tới cải cách quốc gia ».  

 

Tại sao Mỹ lại không muốn Trung Quốc vẫn là « nước đang phát triển » ? 

 

France 24 hôm 04/04 trích dẫn bà Young Kim, dân biểu đảng Cộng Hòa ở bang California và cũng là người đề xuất dự luật lên Hạ Viện Mỹ, theo đó « nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chiếm 18,6% nền kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ được xem là một nước phát triển, nên Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng phải được coi là một nước như vậy ».

 

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ muốn đưa Trung Quốc vào câu lạc bộ các nước có thu nhập bậc trung, thậm chí là vào nhóm các nước phát triển. Đây từng là một trong những điều mà Donald Trump muốn làm. Hồi năm 2019, cựu tổng thống Mỹ cáo buộc Bắc Kinh « gian lận » trong các quy tắc thương mại quốc tế. Vài tháng trước khi thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, Trump đã nhắc lại rằng ông muốn xóa bỏ vị thế quốc gia đang phát triển của Trung Quốc.

 

Có thể nói Mỹ không thiếu những lý do để xếp Trung Quốc vào nhóm được gọi là các nước giàu. Đó không chỉ là về GDP. Jean-François Dufour, chuyên gia kinh tế Trung Quốc, người sáng lập trung tâm nghiên cứu về Trung Quốc Sinopole, đặt câu hỏi : « Liệu có thể xem cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới và nước xuất khẩu ô tô thứ hai thế giới là một quốc gia đang phát triển không ? »

 

Còn Xin Sun, chuyên gia kinh tế Trung Quốc thuộc King's College London, cho biết là « trong mắt Washington, Trung Quốc cũng đang hành xử như các nước phát triển, thông qua chương trình đầu tư quy mô lớn ra nước ngoài, dự án Những con đường tơ lụa mới và các nguồn lực khổng lồ để hiện đại hóa quân đội ».

 

Vẫn theo Jean-François Dufour, lợi ích chính của Trung Quốc với tư cách quốc gia đang phát triển nằm ở chỗ nước này được hưởng các ưu đãi về thương mại, được Ngân hàng Thế giới cho vay với lãi suất thấp hơn và có quyền áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ các nước được xem là nước giàu. Một lợi thế khác, theo chuyên gia Xin Sun, là các nước đang phát triển chịu ít ràng buộc hơn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

 

Trong khi đó, Carlotta Rinaudo, chuyên gia về Trung Quốc của ITSS, một tổ chức chuyên về các vấn đề an ninh quốc tế, phân tích rằng Hoa Kỳ « tin rằng Bắc Kinh đang sử dụng những lợi thế của một nước đang phát triển để khẳng định ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế theo hướng có hại cho Washington ». Nói cách khác, Trung Quốc có thể được hưởng các khoản vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế mà chủ yếu là do Mỹ tài trợ, để rồi sau đó Bắc Kinh dùng chính khoản tiền vay đó để đầu tư vào các quốc gia mà ở đó Bắc Kinh đang cạnh tranh với Washington. Điều đó có nghĩa Mỹ lo ngại rằng một phần tiền mà Washington cấp cho các tổ chức như Ngân hàng Thế giới, sẽ rơi vào túi Trung Quốc và bị Bắc Kinh sử dụng để chống lại lợi ích của chính Hoa Kỳ.

 

Về lý thuyết, Bắc Kinh vẫn có cơ sở để duy trì vị thế nước nghèo ?

 

Bắc Kinh cũng không thiếu những lý lẽ để biện minh rằng Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển. Trước hết, chuyên gia Xin Sun lưu ý là « theo tiêu chí xếp loại quốc gia của Ngân hàng Thế giới (Chỉ số Phát triển Con người) và tiêu chí của Liên Hiệp Quốc (GDP bình quân đầu người), thì Trung Quốc đều ở mức thấp hơn các phát triển nhất », chỉ ngang tầm với Mêhicô hoặc Malaysia.

 

Sự giàu có của Trung Quốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào một số siêu đô thị như Bắc Kinh hay Thượng Hải. Chuyên gia Carlotta Rinaudo nói với France 24 : « Người ta luôn vội quên là có một Trung Quốc mà chúng ta không nhìn thấy được, tức là khu vực nông thôn hiện vẫn tập trung 64% dân số. Điều kiện sống, cả về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc, chất lượng cơ sở hạ tầng, phương tiện sưởi ấm, vẫn ở mức của các nước đang phát triển ».

 

Bắc Kinh sẽ mất gì nếu trở thành « nước phát triển » ?

 

Bắc Kinh xem chiến dịch hiện nay của Mỹ là nhằm làm chậm đà phát triển của Trung Quốc và phá hủy việc làm ở nước này. Chuyên gia Xin Sun giải thích với France 24 rằng đúng là có thể sẽ có các hậu quả kinh tế, bởi nếu mất vị thế của nước đang phát triển, Bắc Kinh không còn có thể áp thuế đối với hàng nhập khẩu (qua đó đẩy giá hàng hóa sản xuất ở nước ngoài tăng lên) nên các doanh nghiệp Trung Quốc này sẽ có tính cạnh tranh kém hơn, dẫn đến nguy cơ phải sa thải người lao động.

 

Mặt khác, cuộc đọ sức tưởng chừng như chỉ là về ngôn từ này thật ra cũng mang ý nghĩa địa chiến lược, bởi theo chuyên gia Xin Sun, « Trung Quốc thường chơi lá bài là lãnh đạo nhóm các nước đang phát triển » để « chống lại » các nước mà Bắc Kinh gọi là « những nước giàu do Hoa Kỳ cầm đầu ».

 

Nếu Washington thành công trong việc đưa Trung Quốc vào « câu lạc bộ khép kín của các nước phát triển », Bắc Kinh sẽ khó có thể là một lựa chọn thay thế cho các nước giàu mà lâu nay họ vẫn lên án là « hủ bại ». Jean-François Dufour nhận xét Trung Quốc khi đó sẽ chính thức trở thành một cường quốc có khả năng thống trị các nước khác và Bắc Kinh sẽ không còn có thể tự xem Trung Quốc là « một nước anh em » cùng chia sẻ các vấn đề với các nước kém phát triển.

 

Một lý do quan trọng khác khiến Trung Quốc sẽ phải đấu tranh bằng mọi cách để duy trì vị thế nước đang phát triển : Nếu Trung Quốc không còn được coi là một quốc gia đang phát triển, thì Ấn Độ sẽ có nhiều cơ hội trở thành nước dẫn đầu khối các nước này. Bắc Kinh thì đương nhiên sẽ không muốn nhường vị trí đó cho đối thủ lớn nhất của họ ở châu Á.





No comments: