Sunday, June 4, 2023

VÌ SAO CHẤT LƯỢNG HỌC THUẬT XUỐNG THẤP TRONG MỘT NỀN CHÍNH TRỊ TOÀN TRỊ? (Võ Văn Quản / Luật Khoa)

 



Vì sao chất lượng học thuật xuống thấp trong một nền chính trị toàn trị?

Võ Văn Quản  -  Luật Khoa

June 2, 2023 . 11:37 AM

https://www.luatkhoa.com/2023/06/vi-sao-chat-luong-hoc-thuat-xuong-thap-trong-mot-nen-chinh-tri-toan-tri/

 

Yêu cầu “trung với đảng” biến hệ thống khoa học trở thành bộ máy quan liêu.

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1304/2023/06/Wire-2023-05-30-at-4_43-PM.png

Đồ họa: Luật Khoa.

 

Mấy ngày gần đây, có nhiều thông tin về bộ sách ba quyển “Định chế pháp luật dân sự thời Pháp thuộc và Việt Nam Cộng Hòa” của tiến sĩ sử học Huỳnh Công Bá bị phát hiện không chỉ có hiện tượng đạo văn theo chương, theo phần, mà gần như là sao chép lại toàn bộ một số giáo trình, sách tham khảo pháp lý xuất bản trong giai đoạn chính quyền Việt Nam Cộng hòa còn tồn tại.

 

Thông tin đầu tiên được đưa ra từ phía Luật gia Lê Công Định, và theo kiểm chứng sơ lược của người viết, đều là những cáo buộc có cơ sở. [1]

 

Nhiều nội dung của bộ sách này, ví dụ như quyển Nghĩa vụ - I gần như có nội dung tương tự với quyển Việt Nam Dân luật lược khảo (quyển II - Nghĩa vụ và Khế ước) của Giáo sư Vũ Văn Mẫu, một tên tuổi lớn của giới luật học Việt Nam Cộng hòa.

 

Những dạng tin tức về đạo văn trong học thuật thường chỉ làm cho đại chúng chú ý trong khoảng thời gian ngắn ngủi với vài cái tặc lưỡi “tiến sĩ thời nay nó thế”, “Việt Nam thừa thầy ít thợ nên vậy”, v.v.

 

Nhưng đối với người trong ngành, đây là một tin tức đáng buồn.

 

Tiến sĩ Huỳnh Công Bá là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, lịch sử và pháp sử Việt Nam. Dù được đào tạo trong thời kỳ Việt Nam Cộng hòa nhưng ông thành danh trong môi trường xã hội chủ nghĩa. Nhiều người cho rằng ông là cầu nối và là minh chứng lịch sử cho sự chuyển tiếp “hòa bình” của hai nền khoa học.

 

Song với những thông tin gần đây, có vẻ sự chuyển tiếp này gặp khá nhiều trục trặc.

 

.

Sự xuống cấp của học thuật trong các xã hội toàn trị

 

Chất lượng nghiên cứu của các nhà khoa học và các sản phẩm khoa học nói chung, dù là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội, từ lâu đã được giới hàn lâm cho rằng phụ thuộc rất lớn vào nền tảng tự do học thuật của mỗi quốc gia (academic freedom). Một môi trường chính trị toàn trị sẽ không tạo ra bất kỳ cơ hội nào cho sự phát triển của các đường hướng khoa học phi ý thức hệ.

 

Hiển nhiên cũng có nhiều người không đồng tình với cách tiếp cận này.

 

Ví dụ, trong nghiên cứu và bình luận ngắn của Philip Altbach, ông này cho rằng hệ thống học thuật Liên Xô, dù chịu sự kiểm soát lẫn tách biệt với môi trường bên ngoài nhưng vẫn đạt được những thành tựu mang tầm quốc tế (world-class). [2] Tuy nhiên, ông cũng không thể phủ nhận rằng yêu cầu “trung thành với đảng” trong nghiên cứu khoa học biến toàn bộ hệ thống khoa học trở thành một bộ máy quan liêu thu nhỏ với lợi ích, quan hệ và chủ nghĩa thân hữu không kém gì bản thân nhà nước Liên Xô.

 

Điều này dẫn chúng ta đến những vấn đề của hệ thống khoa học Xô viết mà Altbach chưa chỉ ra.

 

Yêu cầu trung thành chính trị và ưu tiên “hồng” hơn “chuyên” trong các đề bạt về quản lý khoa học, công nhận khoa học lẫn hỗ trợ tài chính khoa học, v.v. đã loại trừ rất nhiều nhà khoa học có thực tài và tâm huyết. Tuy nhiên, nguy hiểm hơn, thứ tư duy ưu tiên bổ nhiệm người trung với đảng thường củng cố tính phản khoa học, giáo điều trong môi trường học thuật và thậm chí khuếch tán sự nghiêm trọng của chúng.

 

Cách đây hơn một năm, bài viết Mạn đàm đầu năm: Nhà khoa học, tự do và lòng trung thành chính trị của tác giả Huỳnh Công Đương đăng tải trên Luật Khoa có nhắc đến trường hợp của Trofim Lysenko, người được giới nghiên cứu thế giới gọi là “Soviet biology dictator” (kẻ độc tài ngành sinh học Xô viết). [3]

 

Cho rằng các khái niệm sinh học về gene và di truyền là thứ tư duy và sản phẩm khoa học tư bản chủ nghĩa, Lysenko áp dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng Marxist vào sinh vật học, và từ đó khẳng định các hạt mầm sẽ tự thích nghi với môi trường nếu được làm quen đủ lâu. Ngoài ra, việc trồng các hạt mầm gần nhau sẽ giúp chúng cùng tham gia vào một “giai cấp chung”, và từ đó khiến cho cây cối không cạnh tranh dinh dưỡng với nhau, tạo năng suất cao hơn.

 

Kết quả của sự tư duy khoa học lệch lạc do ảnh hưởng bởi tư duy chính trị đã gây ra nạn đói thảm khốc tại nhiều quốc gia xã hội chủ nghĩa giai đoạn 1930 - 1940. [4]

 

Nhưng đó không phải là câu chuyện duy nhất.

 

Ngay cả khi giới lãnh đạo chính trị không mạnh tay kiểm soát hoặc chủ tâm phổ biến tư duy khoa học duy ý chí và cực đoan thì cái bóng quá lớn của sự giám sát chính trị cũng kéo lùi sức bật và khả năng cạnh tranh của toàn bộ hệ thống khoa học.

 

Ví dụ, khi Khrushchev trở về Liên Xô sau chuyến công du đến Hoa Kỳ, ông cảm thấy lo lắng về tình hình khoa học ứng dụng và công nghệ máy tính của hệ thống Xô viết. Theo nghiên cứu “Fallen Behind: Science, Technology and Soviet Statism”, ông ta cố gắng cho xây dựng Akademgorodok với mục tiêu biến nó thành một trung tâm công nghệ - học thuật mô phỏng theo mô hình campus vừa học, vừa làm, vừa sáng tạo của Hoa Kỳ. [5] Tuy nhiên, các vấn đề cố hữu về tư duy chính trị, sự thiếu vắng của một nền công nghiệp máy tính mạnh mẽ và khả năng gắn kết chặt chẽ với thị trường, v.v. nhanh chóng khiến Akademgorodok lụi tàn.

 

Đến khi Brezhnev nắm quyền, tự do học thuật và tự do nghiên cứu lại bị thắt chặt, và bản thân ngành khoa học máy tính - công nghệ cũng trở lại với con đường chính trị bảo thủ không khác mấy thời Stalin.

 

Song cũng cần lưu ý rằng, sự thụt lùi này không đơn giản chỉ là câu chuyện của khoa học công nghệ, khoa học tự nhiên, mà còn là góc nhìn sai lệch về khoa học xã hội và các thảo luận chính trị - văn hóa khác.

 

Đơn cử, khi nền khoa học máy tính của Hoa Kỳ bắt đầu trỗi dậy và Hoa Kỳ trở thành người tiên phong trên toàn cầu thì hệ thống kinh tế học quan liêu của Liên Xô vẫn viện dẫn việc sản lượng thép của họ vượt trội so với Hoa Kỳ bao nhiêu phần trăm để chứng tỏ tính ưu việt của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa.

 

 

“Học thuật toàn trị” trong môi trường toàn cầu hóa

 

Những thông tin trên không phải để nhận định môi trường học thuật của các chính thể toàn trị không thể phát triển và thích ứng với không gian mới.

 

Thực tế cho thấy, dù vẫn tiếp tục bị giới hạn và kiểm duyệt trong khuôn khổ thể chế nhưng các trường đại học tại Trung Quốc hay thậm chí là cả ở Việt Nam vẫn đang trở thành những ngôi sao mới nổi trên hệ thống học thuật toàn cầu.

 

Tuy nhiên, bước tiến này không phải là nhờ môi trường chính trị toàn trị trong nước trao cho họ bất kỳ ưu điểm cạnh tranh vượt trội nào.

 

Sự thành công của hệ thống mới chủ yếu vẫn đến từ tính mở và sự kết nối tạm thời của các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong nước với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu ở nước ngoài. Điều này tạo ra một khoảng không dễ thở cho rất nhiều ngành và từ đó mở rộng sân chơi cho nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Họ không nhất thiết phải đi theo đúng trật tự “vừa hồng vừa chuyên” xưa cũ.

 

Nhưng nếu như vậy thì tại sao các chính phủ toàn trị hiện đại vẫn mở cửa và chấp nhận không gian tự do một phần của môi trường học thuật quốc tế?

 

Theo người viết, có hai lý do chính.

 

Đầu tiên, các chính phủ toàn trị có thể sử dụng các mối quan hệ, hợp tác, sáp nhập và nghiên cứu quốc tế để tham gia vào hoạt động “áp bức xuyên quốc gia” (transnational repression).

 

Trong nghiên cứu “The Internationalization of Universities and the Repression of Academic Freedom” của Freedom House (2020), nhóm tác giả chỉ ra rằng sự hiện diện thường trực, dưới danh nghĩa chính đáng là hợp tác quốc tế, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, giao lưu văn hóa, hay thậm chí là hỗ trợ tài chính của các chính phủ toàn trị đối với các cơ sở học thuật, cơ sở đào tạo nước ngoài giúp tạo ra một trần giới hạn để hạn chế tự do cho chính không gian học thuật mà chúng ta nghĩ rằng rất tự do. [6]

 

Lý do thứ hai, theo quan sát cá nhân của người viết, là mục tiêu chính danh hóa hệ thống giáo dục, khoa học và học thuật nói chung của các quốc gia toàn trị.

 

Nếu có các cá nhân thành công trên không gian học thuật quốc tế (dù không dính dáng đến nhà nước), nếu các trường đại học quốc tế liên tục tuyển được nhiều sinh viên Việt Nam giỏi, nếu sự hiện diện của các tổ chức học thuật uy tín nước ngoài tại Việt Nam cần sự hỗ trợ của các nhân vật khoa học trong nước thì sự nhượng bộ sẽ đến mức ngay cả những cái tên mang màu sắc chính trị, “hồng nhiều hơn chuyên”, bảo thủ Marxist cũng sẽ được cộng đồng khoa học quốc tế vị nể và thừa nhận phần nào.

 

Từ đó, “vai trò lãnh đạo của đảng” trong sự nghiệp giáo dục và nghiên cứu khoa học trở thành điều hiển nhiên.

 

                                                           ***

 

Với câu chuyện của Tiến sĩ Huỳnh Công Bá, và cũ hơn chút nữa là câu chuyện Tiến sĩ Phạm Đình Quý bị bắt hồi năm 2020 vì tố cáo ông Bùi Văn Cường - một chính trị gia cốt cán được Đảng Cộng sản Việt Nam sắp xếp vào vị trí cấp cao - nhắc nhở những người Việt Nam nghiên cứu khoa học chân chính hãy tiếp tục cẩn trọng.

 

Những “cây đa”, “cây đề” đầu ngành, những hợp danh, hợp tác quốc tế sẽ không làm thay đổi bản chất của hệ thống giáo dục Việt Nam. Hòa nhập và tồn tại trong một hệ thống như thế này đã dễ thở hơn xưa rất nhiều, nhưng đừng vì vậy mà lầm tưởng về một nền tự do học thuật thực chất.

 

-------------

Chú thích

 

1. Xem: https://www.facebook.com/LSLeCongDinh/posts/pfbid02bvnZu9qGydJ2DFNKwbxnHxY1USMSdAopcTRZnWzLjiZacBM53KV8zt4jKK4p3RKrl

 

2. Philip Altbach. (2021, April 12). Russian Academic Excellence—A Long Struggle. https://ejournals.bc.edu/index.php/ihe/article/view/14535

 

3. Huỳnh Công Đương. (2022). Mạn đàm đầu năm: Nhà khoa học, tự do và lòng trung thành chính trị. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2022/02/man-dam-dau-nam-nha-khoa-hoc-tu-do-va-long-trung-thanh-chinh-tri/

 

4. Nefedov, S., & Ellman, M. (2019). The Soviet Famine of 1931–1934: Genocide, a Result of Poor Harvests, or the Outcome of a Conflict Between the State and the Peasants? Europe-Asia Studies, 71(6), 1048–1065. https://doi.org/10.1080/09668136.2019.1617464

 

5. Chan, C. L. (2015, June 11). Fallen Behind: Science, Technology and Soviet Statism. https://ojs.stanford.edu/ojs/index.php/intersect/article/view/691

 

6. Freedom House. (n.d.-c). The Internationalization of Universities and the Repression of Academic Freedom. In Freedom House. https://freedomhouse.org/report/special-report/2020/internationalization-universities-and-repression-academic-freedom

 

==============================

Quan điểm | Mạn đàm đầu năm: Nhà khoa học, tự do và lòng trung thành chính trị

Khoa học có cần tính đảng?

Luật Khoa tạp chí    |   Huỳnh Công Đương

 

Ảo ảnh trung lưu ở Việt Nam

Khi thượng lưu tự nhận là trung lưu.

Luật Khoa tạp chí   |    Nguyễn Quốc Tấn Trung

 

 

 



No comments: