Vẫn
còn nhiều khó khăn để các cộng đồng vượt qua tình trạng thù ghét
Thiện Lê/Người Việt
June 19,
2023
SAN
FRANCISCO, California (NV) – Với
tình trạng thù ghét liên tục xảy ra ở Hoa Kỳ và khắp thế giới, một vấn đề luôn
được nhắc đến là cách để các cộng đồng vượt qua những nỗi đau do thù ghét gây
ra. Đó là chủ đề chính của hội thảo hôm Thứ Sáu, 9 Tháng Sáu, do Dịch Vụ Truyền
Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/DP-cong-dong-vuot-qua-thu-ghet-4-1536x1024.jpg
Cộng
đồng gốc Phi Châu có nhiều đấu tranh cho quyền lợi. (Hình minh họa: Mandel
Ngan/AFP via Getty Images)
Tình trạng
thù ghét có thể là những tội nhỏ đến những tội bạo lực, lên đến tình trạng kỳ
thị căn bản, và thậm chí diệt chủng. Với những nguy hiểm đó luôn hiện hữu, một
câu hỏi đang được nhiều người đặt ra là làm cách nào để từng cá nhân, gia đình,
và cộng đồng của họ vượt qua những vết thương do thù ghét gây ra.
Câu hỏi đó
đang được quan tâm đến nhiều hơn vì tình trạng thù ghét liên tục gia tăng ở Hoa
Kỳ, gây khó khăn cho các cộng đồng thiểu số và các cộng đồng gặp khó khăn.
Các diễn
giả có mặt tại buổi hội thảo kể kinh nghiệm bản thân, cũng như nói về công việc
của họ là tìm hiểu về những tội thù ghét trong quá khứ và hiện tại.
Những sự
kiện quan trọng được thảo luận tại buổi hội thảo gồm có cái chết của ông
Vincent Chin ở Hoa Kỳ vào năm 1982, cách Argentina trừng phạt những người chống
đối chính quyền, và hoạt động kêu gọi bồi thường cho người Mỹ gốc Phi Châu.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/DP-cong-dong-vuot-qua-thu-ghet-2-1536x864.jpg
Từ
trái. bà Helen Zia, Giáo Sư James Taylor, và ông Nestor Fantini. (Hình: Chụp từ
màn hình Zoom)
Diễn giả đầu
tiên là bà Helen Zia, tác giả và sáng lập viên của Vincent Chin Institute, nói
về vụ ông Vincent Chin bị giết ở Detroit, Michigan, vào năm 1982.
Ông Chin
là người gốc Hoa, bị hai nhân viên nhà máy xe hơi người da trắng đang thất nghiệp
đánh chết vì nghĩ ông là người Nhật trong thời điểm các hãng xe hơi của Nhật
đang lấn vào thị trường Mỹ. Tuy có nhiều nhân chứng, tòa án chỉ đưa ra bản án
là hai hung thủ bị quản chế, không hề ngồi tù một ngày nào.
Bà Zia, từng
là nhân viên nhà máy xe hơi trong thập niên 1980, cho biết phán quyết đó tạo ra
một phong trào đòi quyền công dân cho người Mỹ gốc Á.
Về việc
người gốc Hoa bị tấn công, bà Zia cho biết nếu ai đó vẫn còn tin rằng Trung Quốc
và người Hoa gây nguy hiểm cho Hoa Kỳ, tình trạng thù ghét đó sẽ tiếp tục xảy
ra.
Vào năm
1982, sự thù ghét đó được nhắm vào người Nhật và dẫn đến cái chết của ông Vincent
Chin ở Detroit. Đó là một thảm kịch của các cộng đồng Á Châu, nhưng tạo ra được
sự đoàn kết để kể lại với thế giới những gì đã xảy ra.
Sự đoàn kết
đó tạo ra phong trào đòi quyền công dân cho người gốc Á, và bà Zia cho rằng các
cơ quan truyền thông thiểu số nắm vai trò quan trọng để nối tiếp phong trào đó,
giúp cộng đồng vững mạnh hơn.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/DP-cong-dong-vuot-qua-thu-ghet-3-1536x1022.jpg
Câu
chuyện của ông Vincent Chin được đài HBO biến thành phim tài liệu. (Hình:
Slaven Vlasic/Getty Images)
Về việc
làm lành những vết thương do thù ghét gây ra, bà Zia nói: “Người ta nói thời
gian chữa lành mọi vết thương, nhưng chỉ có thời gian thôi không đủ. Chuyện này
cần có hành động, cần có sự học hỏi. Chúng ta cần biết về quá khứ để thay đổi
và bảo đảm những chuyện đó không xảy ra trong tương lai.”
Diễn giả
thứ hai là ông James Taylor, giáo sư lịch sử người Mỹ gốc Phi Châu của đại học
University of San Francisco, nói về quá trình bồi thường và hòa giải cho cộng đồng
gốc Phi Châu.
Ông cho biết
quá trình đó là thành quả của không biết bao nhiêu nỗ lực về công lý trong xã hội
của người Mỹ gốc Phi Châu từ cách đây hơn một thế kỷ. Cộng đồng này nhận được sự
ủng hộ nhiều nhất từ cộng đồng người Nhật và người Do Thái ở San Francisco vì họ
hiểu hoàn cảnh trở thành mục tiêu của thù ghét.
Trong hơn
một thế kỷ, cộng đồng gốc Phi Châu có nhiều nỗ lực như phong trào đòi quyền
công dân, kêu gọi chính phủ có nhiều chính sách đặc biệt, có những chương trình
phúc lợi và nhiều chính sách khác. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa thay đổi
được sự khác biệt về kinh tế giữa cộng đồng người gốc Phi Châu và các cộng đồng
khác.
Giáo Sư
Taylor cho biết những nỗ lực của cộng đồng người da đen giúp 14 quốc gia và nhiều
thành phố khắp Hoa Kỳ thảo luận về việc bồi thường và hàn gắn cho những cộng đồng
thiểu số.
Diễn giả
cuối cùng là ông Nestor Fantini, chủ biên của tờ báo Hispanic LA và từng là tù
nhân chính trị ở Argentina. Ông từng bị bắt vào năm 1976, lúc 22 tuổi, khi còn
là sinh viên ở Cordoba, Argentina, khi quân đội đảo chánh. Ông ngồi tù bốn năm
và bị tra tấn trong thời “Chiến Tranh Dơ Bẩn” của Argentina từ năm 1976 đến
1983, nhưng không bị truy tố.
Ông cho
hay nhiều người bị chính phủ bắt cóc rồi đưa đến 360 trại tập trung và bị tra tấn
ở đó. Chính phủ Argentina làm cho 30,000 người biến mất, có nhiều người bị tử
hình, nhiều người thì bị đạp từ máy bay xuống Đại Tây Dương.
Vì những
ký ức đó, ông Fantini cho biết ông ủng hộ hòa giải và phục hồi công lý vì đó là
những cách thay thế nhân đạo cho một hệ thống công lý rối loạn, trong đó có hệ
thống của Hoa Kỳ, nhưng không thể nào áp dụng một cách cho mọi vấn đề được.
Để làm được
điều này, ông cho biết bên có tội phải công nhận tội danh của bản thân và tìm
cách bồi thường cho người bị hại, và chỉ có những người bị hại được quyền tha
thứ. Chính phủ có thể đưa ra phán quyết, nhưng ông Fantini cho rằng chỉ có cá
nhân mới có quyền tha thứ cho bên phạm tội.
Ông còn
nói những người bị hại không nên suy nghĩ đến trả thù, và phải tìm cách vượt
qua được thù ghét để có thể nhìn lại những chuyện đã xảy ra và chia sẻ với người
khác. [đ.d.]
—
No comments:
Post a Comment