Sunday, June 4, 2023

TÀU TRUNG QUỐC 'CẮT' TÀU MỸ TRONG LÚC QUỐC PHÒNG MỸ - TRUNG 'CHOẢNG' NHAU Ở SHANGRI-LA (Người Việt)

 



Tàu Trung Quốc ‘cắt’ tàu Mỹ trong lúc quốc phòng Mỹ-Trung ‘choảng’ nhau ở Shangri-La

Người Việt

June 3, 2023

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/tau-trung-quoc-cat-tau-my-trong-luc-quoc-phong-my-trung-choang-nhau-o-shangri-la/

 

SINGAPORE (NV) – Một tàu chiến Trung Quốc “cắt” đầu một chiến hạm Mỹ đang cùng một chiến hạm Canada đi qua eo biển Đài Loan trong lúc lãnh đạo quốc phòng Mỹ-Trung “choảng” nhau ở Diễn Đàn Shangri-La tổ chức ở Singapore hôm Thứ Bảy, 3 Tháng Sáu.

 

Theo Global News, trích lời các phóng viên đi trên hộ tống hạm HMCS Montreal chứng kiến sự việc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/TS-My-Trung-Cang-Thang-1.jpg

Chiến hạm PRC LY 132 của Trung Quốc (trái) đang tiến về khu trục hạm USS Chung-Hoon của Mỹ trong eo biển Đài Loan hôm Thứ Bảy, 3 Tháng Sáu. (Hình: Chụp từ màn hình video Global News)

 

“Một chiến hạm của Hải Quân Trung Quốc tăng tốc và cắt ngay trước đầu khu trục hạm USS Chung-Hoon, một hành động mà Hạm Trưởng Paul Mountford của hộ tống hạm HMCS Montreal gọi là ‘không chuyên nghiệp,’” theo Global News.

 

Khi chiến hạm của Trung Quốc đổi hướng, ông Mountford nói các thủy thủ trên tàu này phóng loa yêu cầu chiến hạm Mỹ tránh ra nếu không muốn va chạm.

 

Phía Mỹ đáp lại bằng cách yêu cầu chiến hạm Trung Quốc tránh ra, nhưng cuối cùng tàu Mỹ phải đổi hướng và giảm tốc độ, tránh va chạm.

 

Theo Global News, lúc đó, hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc chỉ cách nhau 150 yard.
Hạm Trưởng Mountford tin rằng vụ đụng độ này “rõ ràng là do phía Trung Quốc cố ý.”

 

“Việc thông báo bằng loa phóng thanh trước khi hành động rõ ràng cho thấy một sự cố ý,” ông Mountford được Global News, một cơ quan truyền thông Canada, trích dẫn.

 

Khu trục hạm USS Chung-Hoon và hộ tống hạm HMCS Montreal cùng đi tuần với nhau trên Biển Đông gần một tuần, trước khi đi qua eo biển Đài Loan hôm Thứ Bảy.

 

Phóng viên Global News trên tàu có chứng kiến các tàu chiến Trung Quốc bám theo tàu chiến Canada nhiều lần, nhưng chưa bao giờ có hành động khiêu khích như vậy, mặc dù có lúc hai tàu cách nhau khoảng 1,000 yard, khoảng cách mà ông Mountford tin là an toàn, vẫn theo Global News.

 

Cũng hôm Thứ Bảy, Hải Quân Hoa Kỳ cho biết Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương xác nhận chi tiết và danh tính tàu chiến Mỹ trong sự việc.

 

“Trong lúc đi qua eo biển Đài Loan, PLA(N) LUYANG III DDG 132 (PRC LY 132) thực hiện một hành động không an toàn gần khu trục hạm USS Chung-Hoon. Chiến hạm PRC LY 132 đi gần bên hông Chung-Hoon và cắt đầu chiến hạm trong khoảng cách 150 yard,” tuyên bố của Hải Quân Mỹ cho biết.

 

“Chung-Hoon tiếp tục cuộc hải hành và chậm lại còn 10 hải lý/giờ để tránh va chạm. Sau đó, PRC LY 132 còn cắt đầu Chung-Hoon lần thứ nhì, lần này các đầu chiến hạm 2,000 yard,” vẫn theo thông báo.

 

Trước đó, một tuyên bố của Hạm Đội 7 của Hải Quân Mỹ cho biết: “USS Chung-Hoon và HMCS Montreal cùng nhau đi qua eo biển Đài Loan để thực thi cam kết của Hoa Kỳ, các đồng minh và các đối tác đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở… Sự hợp tác này cho thấy trọng tâm của chúng tôi trong việc bảo đảm một khu vực an ninh và phồn thịnh, nơi mà máy bay và tàu của tất cả các quốc gia có quyền bay và đi lay bất cứ nơi đâu luật quốc tế cho phép.”

 

Theo trang web của Bộ Quốc Phòng Trung Quốc bản tiếng Anh, Đại Tá Thi Nghị, phát ngôn viên Bộ Tư Lệnh Miền Đông Quân Đội Trung Quốc, hôm Thứ Bảy nói: “Các lực lượng Hải Quân và Không Quân Trung Quốc có tiến hành theo dõi một khu trục hạm Mỹ và một hộ tống hạm Canada trong suốt hành trình của họ, và chúng tôi giải quyết vấn đề một cách hợp pháp và chuyên nghiệp.”

 

Ông Thi cũng chỉ ra rằng nhiều quốc gia cố tình tạo ra vấn đề rủi ro trong eo biển Đài Loan, với ác ý gây bất ổn cho hòa bình và ổn định và đưa ra thông điệp sai trái đối với thành phần “Đài Loan độc lập.”

 

Trong khi đó, theo nhật báo The South China Morning Post, trong bài phát biểu sáng Thứ Bảy, ông Lloyd Austin, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, nhấn mạnh quyết tâm của Hoa Kỳ làm việc với các đồng minh ở Châu Á để răn đe xâm lăng và đề phòng xung đột.

 

“Vì thế, chúng tôi đang vạch ra kế hoạch và hợp tác, và huấn luyện với bạn bè, từ biển Hoa Đông cho tới Biển Đông cho tới Ấn Độ Dương,” ông Austin nói. “Việc này bao gồm các đồng minh thân cận như Úc, Nhật, Nam Hàn, Philippines, và Thái Lan.”

 

Ông Austin cũng nói các quốc gia đối tác với Hoa Kỳ tại Châu Á sẽ chống lại hành động bắt nạt các nước khác, đặc biệt là trong eo biển Đài Loan.

 

Phát biểu này của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ làm lãnh đạo quân đội Trung Quốc có mặt tại cuộc họp khó chịu.

 

Trong một cuộc họp báo sau phát biểu của ông Austin, Trung Tướng Cảnh Kiến Phong, phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, tố cáo Mỹ “giả dối trong chính sách một Trung Quốc” bằng cách gia tăng các chuyến thăm của giới chức Hoa Kỳ và Đài Loan, làm lơ các hoạt động ly khai của Đài Loan, và bán vũ khí cho hòn đảo này.

 

“Chỉ có một Trung Quốc trên thế giới, và Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc,” ông Cảnh nói, nhấn mạnh rằng chính sách một Trung Quốc “được cả cộng đồng quốc tế thừa nhận.”

 

Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới lại có chính sách ngoại giao riêng với Đài Loan, và hoàn toàn không thích hợp với quan điểm của Bắc Kinh.

 

Hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, không thừa nhận Đài Loan là một nhà nước độc lập. Tuy nhiên, Hoa Kỳ luôn phải đối bất cứ hành động vũ lực nào để chiếm Đài Loan.

 

Trong bài phát biểu ngày hôm sau, Chủ Nhật, 4 Tháng Sáu, theo SCMP, Bộ Trưởng Quốc Phòng Lý Thượng Phúc của Trung Quốc chỉ trích Mỹ áp dụng “tiêu chuẩn kép” và “ích kỷ,” dù không nêu tên Hoa Kỳ, khi nói “một quốc gia nào đó” thích áp dụng sức mạnh của mình đối với nước khác theo “trật tự luật quốc tế” của chính họ.

 

“Cái gọi là trật tự quốc tế đó không bao giờ nói cho chúng ta biết các quy định đó là gì, ai đưa ra quy định đó,” ông Lý nói tại Diễn Đàn Shangri-La.

 

Ông Lý nói thêm: “Đây là thực hành theo ngoại lệ và tiêu chuẩn kép, chỉ để phục vụ cho quyền lợi của chính mình và theo quy định của một số nhỏ các quốc gia.”

 

Dù quốc phòng Trung Quốc và Mỹ rất căng thẳng, trên phương diện ngoại giao, hai cường quốc thế giới có vẻ đang tìm cách làm dịu quan hệ song phương ngày càng tệ.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/06/TS-My-Trung-Cang-Thang-2-1536x1024.jpg

Bộ Trưởng Lloyd Austin phát biểu tại Diễn Đàn Shangri-La ở Singapore hôm Thứ Bảy, 3 Tháng Sáu. (Hình: Roslan Rahman/AFP via Getty Images)

 

Trong ngày Thứ Bảy, Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa ra thông cáo cho biết ông Daniel Kritenbrink, phụ tá ngoại trưởng đặc trách Đông Á Thái Bình Dương sự vụ, sẽ thăm Trung Quốc và New Zealand từ ngày 4 đến 10 Tháng Sáu.

 

Tại Bắc Kinh, ông Kritenbrink sẽ cùng bà Sarah Beran, giám đốc cao cấp trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, sẽ cùng thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan quan hệ song phương, theo Bộ Ngoại Giao Mỹ. (Đ.D.)

 

====================================================

.

.

Chiến hạm Mỹ, Trung Quốc suýt va chạm ở eo biển Đài Loan

Bình Phương  -  Saigon Nhỏ
3 tháng 6, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/chien-ham-my-trung-quoc-suyt-va-cham-o-eo-bien-dai-loan/

 

Quân đội Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Bảy rằng một tàu hải quân Trung Quốc đã di chuyển một cách “không an toàn” gần một tàu khu trục Mỹ đang đi qua eo biển Đài Loan trong lúc các bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc đấu khẩu kịch liệt tại Diễn đàn An ninh khu vực Shangri-La ở Singapore. 

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/TS-My-Trung-Cang-Thang-1.jpg

Chiến hạm Luyang của Trung Quốc (trái) cố tình chạy cắt mặt khu trục hạm USS Chung-Hoon của Mỹ ở khoảng cách chỉ 150 yards. Ảnh cắt từ video do các phóng viên Global News Canada quay được từ hộ tống hạm HMCS Montreal của Canada đi cùng tàu Chung-Hoon.

 

Theo bản tin của đài CBS News, vụ việc xảy ra hôm thứ Sáu 2 tháng Sáu khi khu trục hạm USS Chung-Hoon đi qua eo biển Đài Loan cùng một tàu chiến Canada HMCS Montreal trong nhiệm vụ chung qua tuyến đường thủy nhạy cảm ngăn cách Đài Loan tự trị với Trung Quốc và trong một cuộc tuần tra thường lệ bảo vệ tự do hải hành ở Biển Đông và eo biển Đài Loan. Các tàu chiến của Hoa Kỳ thường xuyên đi qua eo biển này. Chuyến đi chung mới nhất giữa Hoa Kỳ và Canada là vào tháng Chín năm 2022.

 

Một đoạn video do các phóng viên Global News Canada đi trên hộ tống hạm Montreal quay cho thấy tàu chiến Trung Quốc tăng tốc về phía khu trục hạm USS Chung-Hoon. Nó đến cách tàu khu trục Mỹ trong vòng 150 yards (137 mét), Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (USINDOPACOM) của Mỹ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy 3 tháng Sáu 2023.

 

Trong tuyên bố, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) nói tàu Trung Quốc “đã vượt qua Chung-Hoon từ mạn trái và cắt qua mũi tàu Chung-Hoon ở khoảng cách 150 yards. Tàu Chung-Hoon duy trì hướng đi và giảm tốc độ 10 hải lý để tránh va chạm”. Sau đó, tàu Trung Quốc “vượt qua mũi tàu Chung-Hoon lần thứ hai về mạn phải ở khoảng cách 2,000 yards và vẫn kèm theo bên mạn phải tàu Chung-Hoon,” điểm gần nhất giữa hai tàu có khi chỉ trong vòng 150 yard, quân đội Hoa Kỳ cho biết, đồng thời nói thêm rằng “quân đội Hoa Kỳ tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động một cách an toàn và có trách nhiệm ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.”

 

Đây là cuộc chạm trán gần thứ hai giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc trong vòng chưa đầy mười ngày, sau vụ mà quân đội Hoa Kỳ gọi là “hành động gây hấn không cần thiết” khi một chiến đấu cơ của Bắc Kinh bay cắt mặt một phi cơ thám thính của Mỹ trong tuần trước.

Quân đội Trung Quốc cho biết họ đã theo dõi hành trình này, nhưng không đề cập đến một cuộc chạm trán gần.

 

“Các nước liên quan đang cố tình gây rắc rối ở eo biển Đài Loan, cố tình khuấy động rủi ro và phá hoại hòa bình và ổn định khu vực một cách ác ý”, Thượng tá Thi Nghị (Shi Yi), phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Đông của Trung Quốc, cho biết.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1258417105.jpg

Bộ trường QP Trung Quốc Lý Thượng Phúc tại Diễn đàn Shangri-La ở Singapore hôm 04 June 2023, Ảnh Britta Pedersen/dpa (Photo by Britta Pedersen/picture alliance via Getty Images

 

Vụ việc xảy ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc, Lý Thượng Phúc (Li Shangfu), đang tham dự một hội nghị về quốc phòng tại Singapore. Hoa Kỳ đã mời tướng Lý gặp Bộ trưởng Austin bên lề Đối thoại Shangri-La, nhưng Bắc Kinh đã từ chối.

 

Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã tăng cao trong năm nay về các vấn đề bao gồm Đài Loan và một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị bắn hạ sau khi nó bay ngang qua lãnh thổ Hoa Kỳ.

 

Hôm thứ Sáu, được biết Giám đốc CIA William Burns đã bí mật tới Bắc Kinh vào tháng trước để gặp gỡ các đối tác tình báo Trung Quốc. Một quan chức Hoa Kỳ nói với CBS News rằng chuyến đi của ông Burns nhằm nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc cởi mở trong các kênh tình báo.”

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Bảy rằng hai quan chức Hoa Kỳ sẽ tới Bắc Kinh vào Chủ nhật để gặp các quan chức Trung Quốc và thảo luận về “các vấn đề chính trong mối quan hệ song phương.” Đó là ông Daniel J. Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, và bà Sarah Beran, giám đốc cấp cao của Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề Trung Quốc và Đài Loan.

 

Ngày mai Chủ nhật 4 tháng Sáu cũng đánh dấu kỷ niệm 34 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, trong đó binh lính Trung Quốc đã giết hàng ngàn người biểu tình.

 

Cuộc chạm trán với tàu ở eo biển Đài Loan diễn ra sau vụ mà quân đội Hoa Kỳ mô tả là một hành động mạo hiểm của một máy bay phản lực Trung Quốc “bay ngay phía trước và cách mũi 400 feet” một máy bay giám sát RC-135 của Mỹ vào ngày 26 tháng Năm trên Biển Đông.

 

Bắc Kinh đổ lỗi cho “sự khiêu khích” của Hoa Kỳ. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ “gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền và an ninh quốc gia của Trung Quốc.”

 

----------------------

Đọc thêm:

·        Trung Quốc cự tuyệt liên lạc quân sự Mỹ-Trung

·        Trung Quốc trừng phạt thương mại Đài Loan, cơ hội cho Mỹ?

 

 

 




No comments: