Hong
Kong: Không còn tưởng niệm Thiên An Môn!
Hiếu Chân -
Saigon Nhỏ
3 tháng 6, 2023
https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/hong-kong-khong-con-tuong-niem-thien-an-mon/
Chủ nhật
ngày 4 tháng Sáu 2023 đánh dấu 34 năm ngày xảy ra vụ thảm sát ở quảng trường
Thiên An Môn (Tiananmen Square) ở Bắc Kinh. Nhưng năm nay, Hong Kong – nơi duy
nhất ở Trung Quốc từng tổ chức những buổi lễ tưởng niệm Thiên An Môn – đã hoàn
toàn nằm dưới ách độc tài toàn trị của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày ghi nhớ
biến cố Thiên An Môn bị thay bằng một hội chợ ăn chơi nhảy múa và cảnh sát được
bố trí dày đặc.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1241108866.jpg
Thanh niên biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc tại
London, Anh, nhân kỷ niệm 33 năm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Ảnh Rasid
Necati Aslim/Anadolu Agency via Getty Images
Trong hơn ba thập niên qua, mỗi dịp Lục Tứ (4 tháng Sáu) hàng chục ngàn
người Hong Kong lại đổ về công viên Victoria ở trung tâm thành phố, thắp nến tưởng
niệm hàng trăm, hoặc hàng ngàn, sinh viên đã bị xe tăng của quân đội Trung Quốc
nghiền nát trong vụ thảm sát năm 1989. Ba năm vừa qua, những cuộc tập hợp đông
người như vậy không diễn ra được do các biện pháp hạn chế để phòng đại dịch
COVID-19. Năm nay, công viên Victoria lại đông đúc nhưng thay vì thắp nến tưởng
niệm Thiên An Môn, nơi đây lại diễn ra một hội chợ do những nhóm thân Bắc Kinh
tổ chức, được cho là để chào mừng ngày Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc. (Hong
Kong được chuyển giao ngày 1 tháng Bảy 1997).
Theo tin từ Washington
Post, hội chợ khai mạc hôm thứ Bảy 3 tháng Sáu 2023, diễn ra trong ba ngày
tại công viên Victoria, có các gian hàng trò chơi, biểu diễn ca nhạc và các quầy
bán hàng hóa từ khắp Trung Quốc. Nhưng cũng theo bài báo, hội chợ không có
không khí “vui tươi” mà cảm giác nặng nề do các biện pháp an ninh nghiêm ngặt,
cảnh sát và lực lượng chống bạo động liên tục tuần tra khắp khu vực. Dẫu vậy,
việc tổ chức hội chợ ở công viên Victoria đúng ngày 4 tháng Sáu đã đánh dấu một
chuyển biến đáng buồn của Hong Kong chỉ trong bốn năm: từ những lễ thắp nến tưởng
niệm trang nghiêm thành một thứ hội chợ nhốn nháo trong vòng vây của cảnh sát.
Đối với phong trào dân chủ “có nguy cơ tuyệt chủng” của Hong Kong, công
viên Victoria biểu thị cho sự đảo ngược nhanh chóng, tự do của người dân bị
thay bằng sự kiểm soát của Bắc Kinh lên tương lai – và cả quá khứ của thành phố. “Hong
Kong thay đổi quá nhiều, nhưng chúng tôi chẳng thể làm gì được,” Lương,
một cư dân 28 tuổi, nói với nhà báo bên ngoài khuôn viên hội chợ và anh cảm thấy
“chết lặng” khi nhớ ra ngày mai là kỷ niệm biến cố Thiên An Môn.
Bên ngoài công viên Victoria, tiến trình thủ tiêu nền tự do dân chủ của
Hong Kong vẫn đang diễn ra quyết liệt. Những tổ chức tranh đấu của giới sinh
viên, giới lập pháp và truyền thông đã bị đập tan, hầu hết các nhà hoạt động từ
già đến trẻ đều đang bị giam cầm trong lao tù, bị cáo buộc vi phạm “luật an
ninh quốc gia” hà khắc mà Bắc Kinh áp đặt cho Hong Kong từ tháng Sáu 2020. Tuần
trước, đảng chính trị có khuynh hướng dân chủ lớn thứ hai của Hong Kong bị giải
tán. Tháng trước, sách báo nói về vụ thảm sát Thiên An Môn bị loại ra khỏi tất
cả các thư viện công cộng. Tháng trước nữa, những người tổ chức lễ thắp nến tưởng
niệm nạn nhân Thiên An Môn trước đây đều bị bắt giam và đang phải đối mặt với
những án tù nặng nề nếu bị buộc tội xâm phạm an ninh quốc gia!
Thủ đoạn của Trung Quốc đã xóa bỏ có hiệu quả mọi không gian tưởng niệm
mà không cần phải ra lệnh cấm, làm cho tình hình ở Hong Kong trở nên bất định,
khó đoán hơn cả ở Hoa Lục, theo nhận xét của bà Louisa Lim, giảng viên Đại học Melbourne
ở Úc và là tác giả một cuốn sách về Thiên An Môn: “Cộng hòa Nhân dân
Thuốc Lú: Nhìn lại Thiên An Môn” – một trong những cuốn sách bị loại
ra khỏi thư viện Hong Kong .
“Lằn ranh đỏ ở Hong Kong được cố ý mơ hồ để nhà cầm
quyền được tùy tiện hành động,” bà Lim nói. Còn người dân thì không phân biệt
được việc nào được làm, việc nào bị cấm.
https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/06/GettyImages-1241112191.jpg
Người biểu tình trước đại sứ quán Trung Quốc ở
London, Anh, diễn lại cảnh xe tăng Trung Quốc tàn sát sinh viên ở quảng trường
Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu 1989. Ảnh Hesther Ng/SOPA Images/LightRocket via
Getty Images)
Nỗ lực của nhà cầm quyền cộng sản dập tắt việc nghiên cứu lịch sử về những
giai đoạn đen tối trong quá khứ gần đây của Trung Quốc đã biến Hong Kong thành
giống như phần còn lại của Trung Quốc, nơi người dân không thể thảo luận công
khai về quyết định của giới lãnh đạo cộng sản điều các đơn vị xe tăng của quân
đội đến tiêu diệt sinh viên tháng Sáu 1989.
Dẫu vậy, trên mạng internet vẫn lan truyền đoạn video đám đông cảnh sát
chặn bắt họa sĩ Sanmu Chan lúc ông này hô vang: “Đừng quên ngày Lục Tứ!
Đừng quên ngày Lục Tứ! Người Hong Kong không sợ! Đừng quên ngày mai là Lục Tứ!”. Một
viên cảnh sát hét lên: “Chấm dứt hành vi phản loạn” nhưng vô ích. Sau lưng ông
Chan, một cặp đôi cầm một bó hoa cúc trắng cũng bị cảnh sát bắt đi mà không giải
thích lý do.
Theo thỏa thuận bàn giao được Anh và Trung Quốc ký kết, Hong Kong sẽ có
“mức độ tự trị cao” trong 50 năm kể từ năm 1997. Nhưng vào năm 2020, Bắc Kinh
đã áp đặt luật an ninh quốc gia khắc nghiệt sau nhiều tháng sinh viên biểu tình
làm tê liệt phần lớn trung tâm thành phố. Luật đó nhanh chóng khiến cho hoạt động
biểu thị bất đồng chính kiến của công chúng không thể xảy ra vì mọi biểu hiện
chống đối đều có thể bị quy vào các tội: xúi giục ly khai, lật đổ chính quyền,
khủng bố hoặc câu kết với nước ngoài. Mọi phát ngôn, bình luận khuyến khích
Hong Kong tự trị với Trung Quốc cũng bị coi là vi phạm luật an ninh quốc gia.
Sau khi Hong Kong không còn là nơi tưởng niệm, các nhà hoạt động nhân quyền
Trung Quốc phải tìm kiếm những cách khác để giữ cho ký ức về biến cố lịch sử
Thiên An Môn luôn tồn tại. Nhiều người dân Đài Loan đã tổ chức các sự kiện kỷ
niệm để thể hiện tình đoàn kết với những người Hong Kong đã mất khả năng lên tiếng.
Một bảo tàng nhỏ về cuộc đàn áp vừa được khai trương ở New York.
Những nỗ lực như vậy đang phải đối mặt với một chiến dịch mạnh mẽ của Bắc
Kinh nhằm dập tắt ký ức về các nạn nhân năm 1989, cũng như các thế hệ nhà hoạt
động nhân quyền kế thừa di sản của họ. Tuy nhiều người Hong Kong coi việc lưu
giữ ký ức về Thiên An Môn là một “nghĩa vụ đạo đức” nhưng
thành công của Bắc Kinh trong việc xóa bỏ quá khứ đang gióng lên hồi chuông báo
động. “Chúng ta nên xem số phận của Hong Kong như một lời cảnh báo. Nếu
nó có thể xảy ra ở Hong Kong thì…”, bà Lim của Đại học Melbourne than thở.
-------------------------
Đọc
thêm:
·
Người
Hong Kong rời bỏ quê hương: Như vậy là quá đủ!
·
Bài
học từ cái chết của nền dân chủ Hong Kong
·
Hong
Kong – ngọn nến trong bão
No comments:
Post a Comment