Friday, June 9, 2023

SỨC MẠNH CẢNG BIỂN CỦA TRUNG QUỐC : MỐI ĐE DỌA CHO AN NINH CỦA HOA KỲ? (Minh Anh / RFI)

 



Sức mạnh cảng biển của Trung Quốc : Mối đe dọa cho an ninh của Mỹ ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 08/06/2023 - 16:16

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20230608-suc-manh-cang-bien-trung-quoc-de-doa-an-ninh-my

 

Trung Quốc không thể duy trì các lực lượng bố trí ở tiền phương, triển khai từ một mạng lưới căn cứ quân sự ở nước ngoài trên toàn cầu giống như Mỹ. Thay vào đó, Bắc Kinh đang âm thầm trở thành « đối thủ cạnh tranh cầu cảng », tận dụng lợi ích kép quân sự - dân sự từ hệ thống cảng biển quốc tế rộng lớn để củng cố tầm với lực lượng quân sự toàn cầu của mình. Đây là các nhận xét từ hai nhà nghiên cứu người Mỹ, Isaac Kardon và Wendy Leutert.

 

https://s.rfi.fr/media/display/0c7a78e8-05ff-11ee-9985-005056a90321/w:980/p:16x9/AP22299501622655%20%281%29.webp

Tầu chở container của hãng vận tải đường biển Cosco của Trung Quốc tại cảng Hamburg của Đức, ngày 26/10/2022. AP - Michael Probst

 

Từ nhiều năm qua, giới chức an ninh quốc gia Mỹ quan tâm nhiều đến đà tiến mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là lực lượng hải quân viễn dương. Chưa bao giờ Hoa Kỳ phải đối mặt với một thách thức to lớn như lúc này, trước một đối thủ được xem như là « ngang hàng » kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Đối với quân đội Mỹ, đây là một « cuộc đua về tốc độ », hàm ý rằng phải điều chỉnh nhanh như thế nào và bao xa để có được một khả năng phòng thủ hiệu quả trong một hệ thống quốc tế ngày càng cạnh tranh quyết liệt.

 

Trung Quốc và thế thống trị kinh tế

 

Tuy nhiên, theo hai nhà nghiên cứu Isaac Kardon, chuyên gia về Trung Quốc, Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, và Wendy Leutert, giáo sư trường Nghiên cứu Toàn cầu và Quốc tế Hamilton Lugar, đại học Indiana, chiến lược quốc phòng này của Mỹ dường như được hiệu chỉnh kém, do không có được một vị thế thống trị về kinh tế giống như Trung Quốc.

 

Trên trang mạng Foreign Affairs, hai chuyên gia phân tích : « Không những Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước, mà Trung Quốc còn là nhà cung cấp các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho thương mại toàn cầu. Tầm ảnh hưởng áp đảo này đặc biệt thể hiện rõ trong lĩnh vực vận chuyển hàng hải, trong đó các công ty Trung Quốc có liên hệ chặt chẽ với chính quyền Bắc Kinh đã trở thành những hãng đi đầu về tài chính, thiết kế, xây dựng, vận hành và sở hữu các bến cảng trên toàn thế giới. »

 

Quả thật, 90% lượng hàng hóa trao đổi của Trung Quốc được vận chuyển bằng đường biển, cao hơn mức trung bình của thế giới là 80%. Các bến cảng không chỉ dành cho xuất khẩu hàng hóa do Trung Quốc sản xuất mà còn phục vụ cho việc nhập khẩu các loại nguyên nhiên liệu, khoáng sản, nông sản và nhiều loại hàng hóa khác…

 

Đây là kết quả của một chính sách dài hạn mà Bắc Kinh đã vạch ra từ cuối những năm 1990 : Đặt phát triển và thiết lập một vị thế vững chắc trên thị trường toàn cầu và tài nguyên thiên nhiên như là mục tiêu chính sách đối ngoại trọng tâm. Nỗ lực này đã được ông Tập Cận Bình khi lên cầm quyền cho thúc đẩy nhanh hơn qua dự án có tên gọi là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vào năm 2013.

 

Chỉ trong vòng có một thập niên, Bắc Kinh đã bỏ ra khoảng một ngàn tỷ đô la cho BRI, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu được thiết kế để thúc đẩy kinh tế và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc, thông qua các khoản đầu tư do chính phủ hậu thuẫn tại hàng chục quốc gia.

 

Isaac Kardon cùng với đồng nghiệp, sau nhiều năm thu thập các dữ liệu hàng hải Trung Quốc, đưa ra con số gây ấn tượng mạnh: Tính đến cuối năm 2022, Bắc Kinh sở hữu và khai thác 95 cảng biển tại 53 quốc gia, trải dài trên khắp các châu lục, ngoại trừ Nam Cực. Trả lời nhật báo Mỹ The Wall Street Journal, vị chuyên gia về hàng hải Trung Quốc nhận định thêm :

 

« Quy mô của các doanh nghiệp thương mại Trung Quốc thật sự đáng kinh ngạc. Tôi nghĩ rằng động cơ chiến lược đối với Trung Quốc về cơ bản là phòng thủ. Họ cảm thấy dễ bị tổn thương trước Hoa Kỳ và mạng lưới đồng minh của nước này đến mức Bắc Kinh có nguy cơ bị gạt ra khỏi hệ thống kinh tế toàn cầu theo một cách cơ bản nào đó. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nỗ lực làm cho họ trở nên thiết yếu và là trung tâm của hệ thống, một phần còn là cách để tự vệ trước sự dễ bị tổn thương đó. »

 

Huyết mạch hàng hải và vai trò của PLA

 

Mạng lưới cảng biển của những tập đoàn vận tải hàng hải Trung Quốc đặc biệt tập trung dày đặc dọc theo những tuyến hàng hải thương mại nối Trung Quốc với các nguồn nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên ở Trung Đông và châu Phi, và với những thị trường xuất khẩu chính ở Địa Trung Hải. Đáng chú ý đó là hơn một nửa số cảng nước ngoài mà một công ty Trung Quốc có cổ phần là nằm dọc theo tuyến hàng hải chạy từ duyên hải Trung Quốc băng qua Biển Đông và eo biển Malacca, xuyên qua Ấn Độ Dương, nối với Vịnh Ba Tư, hay đi qua Biển Đỏ và kênh đào Suez, rồi vào Địa Trung Hải.

 

Bắc Kinh coi việc bảo đảm an ninh cho « huyết mạch hàng hải » này cũng như tại những cảng biển nằm gần các « nút thắt hàng hải » như eo biển Ormuz và eo biển Malacca là một « nhiệm vụ chiến lược » mà Quân Giải phóng Nhân dân – PLA phải hoàn thành. Nhiệm vụ này đã được chính phủ Trung Quốc công bố trong sách lược quân sự quốc phòng năm 2015, nhằm bảo vệ những lợi ích và dòng chảy thương mại của Trung Quốc ở nước ngoài.

 

Đối với Bắc Kinh, các cảng biển không chỉ hấp dẫn về mặt thương mại, mà còn có giá trị cho việc triển khai sức mạnh hải quân. Việc kiểm soát được những cảng biển quan trọng cho phép hải quân Trung Quốc có những hoạt động triển khai dài ngày ngoài khu vực mà không cần có các căn cứ quân sự ở nước ngoài, đồng thời cho phép cung cấp những dịch vụ hậu cần chính yếu và đáng tin cậy. Tầu chiến Trung Quốc có thể cập cảng để tiếp nhiên liệu, thay dầu nhớt, tiếp tế vật liệu, trang thiết bị và nhân sự, thậm chí có thể tiến hành các hoạt động bảo trì, tu sửa…

 

Ngoài ra, những cảng biển này còn giúp gia tăng khả năng thu thập thông tin tình báo cho Bắc Kinh, vì những nhà khai thác cầu cảng Trung Quốc có những thông tin đặc quyền về những chuyển dịch tầu thuyền và giao thương hàng hóa. Những dữ liệu thu thập được còn trở nên quý giá hơn khi những kiện hàng quân sự và hoạt động cảng biển được giám sát.

Theo quan sát của hai nhà nghiên cứu Mỹ, những cảng biển do Trung Quốc kiểm soát thường nằm cùng một điểm với các căn cứ quân sự của các nước chủ nhà như cảng biển Haifa của Israel, những cầu cảng thương mại cung cấp những địa điểm thuận tiện để quan sát các chiến dịch thông thường, nhân sự, những đòi hỏi và các chuyển dịch của quân đội các nước khác. 

 

Điều này giải thích vì sao năm 2017, chính quyền Donald Trump đã ra sức ngăn chặn tập đoàn Cosco của Trung Quốc – vốn đã có những hoạt động đầu tư tại các cảng Los Angeles, Long Beach và Seattle của Mỹ - tiếp quản hoạt động của một cảng container ở Long Beach khi viện dẫn lý do an ninh quốc gia.

 

Ông Costas Paris, phóng viên kỳ cựu của The Wall Street Journal, giải thích : « Ngày càng có nhiều nghi ngờ là bất cứ thứ gì do Trung Quốc kiểm soát đều được sử dụng để dọ thám Hoa Kỳ. Chính phủ Mỹ đã tiến hành các thủ tục để xem liệu các cần cẩu ở Mỹ, do Trung Quốc sản xuất, có được dùng để theo dõi các hoạt động cảng biển hay không. »

 

Nỗi lo an ninh của Mỹ

 

Tuy nhiên, điều khiến Washington đặc biệt lo lắng là mối liên hệ chặt chẽ giữa các tập đoàn khai thác cảng biển của Trung Quốc với chính quyền Bắc Kinh và quân đội PLA. Hoạt động đầu tư cảng biển ở nước ngoài chỉ do ba hãng chính của Trung Quốc thực hiện bao gồm hai tập đoàn nhà nước là Cosco Shipping Ports, China Merchants Port, và một hãng tư nhân Hutchison Ports, đóng trụ sở tại Hồng Kông.

 

Đây là những hãng mà chính phủ Trung Quốc là cổ đông chính và lãnh đạo hãng là do Đảng – Nhà nước bổ nhiệm (ngoại trừ Hutchison Ports). Điều này sẽ tạo thuận lợi cho Bắc Kinh áp đặt và đạt được các mục tiêu kinh tế - chính trị - an ninh trong chính sách đối ngoại rộng lớn của mình. Hơn nữa, nhìn từ góc độ chiến lược, việc kiểm soát hoàn toàn các hoạt động cảng biển, giúp cho doanh nghiệp Trung Quốc quyết định toàn bộ sự phát triển của cụm cảng, hạn chế hay loại trừ một số tầu nhất định quyền tiếp cận các dịch vụ, và thậm chí hỗ trợ các hoạt động hải quân gây thiệt hại cho các hoạt động thương mại.

 

Isaac Kardon và Wendy Leutert, tác giả bài nghiên cứu « Sức mạnh cảng biển của Trung Quốc », còn chỉ ra rằng Trung Quốc ban hành nhiều điều luật và quy định bắt buộc các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp tài sản của họ cho mục đích quân sự. Và nhất là kể từ năm 2015, Bắc Kinh có những cải cách quân sự sâu rộng nhằm tích hợp hơn nữa các nguồn lực và cơ sở dân sự trong các hoạt động thông thường của quân đội.

 

Làm thế nào ngăn chặn đà bành trướng « cảng biển » của Trung Quốc ? Nếu như Mỹ có thể viện dẫn lý do an ninh quốc gia để cản trở các hoạt động đầu tư cảng biển của Trung Quốc, thì tại châu Âu, những nỗ lực của Washington vấp phải thái độ do dự từ nhiều nước đồng minh, mà vụ chuyển nhượng một phần vốn của cảng Hamburg, cảng biển lớn nhất của Đức là một ví dụ điển hình.

 

Bất chấp những chỉ trích từ Mỹ và nhiều chính đảng trong nước, chính phủ của thủ tướng Olaf Scholz vẫn quyết định để tập đoàn Cosco của Trung Quốc tham gia 24,9% cổ phần, thay vì 35% như ý định ban đầu. Về điểm này, ông Costas Paris nhận xét:

 

« Hoa Kỳ có thể cho lời khuyên và thúc ép bất kỳ nước nào không chấp nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc. Nhưng đó lại là một vấn đề nan giải cho những nước này, bởi vì Trung Quốc có nhiều tiền để đầu tư, điều đó có nghĩa là những đầu tư này sẽ tạo ra việc làm, và cải thiện ngành sản xuất của những nước đó (…) Trong quá khứ, những khoản đầu tư nhỏ như vậy thậm chí không gây chú ý. Điều này cho thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc với phương Tây căng thẳng như thế nào. »

 

Thương cảng : Công cụ phô trương sức mạnh hải quân, răn đe đối thủ

 

Tuy nhiên, những nỗ lực ngoại giao này của Washington lại có được một thành công khi Croatia, một thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu, hủy một thỏa thuận ký kết với Trung Quốc nhằm khai thác một bến cảng container tại Rijeka và giao quyền khai thác cho một tập đoàn Đan Mạch là Maersk. Gần với kênh đào Suez và là cửa ngõ vào thị trường Trung Âu, cảng biển Rijeka có một vị trí chiến lược quan trọng. Tầu chiến hải quân Mỹ và NATO đôi khi sử dụng để vận chuyển trang thiết bị quân sự ra vào châu Âu. Nếu Trung Quốc nắm quyền khai thác, điều đó sẽ gây khó khăn cho những hoạt động quân sự của Mỹ và NATO.

 

Tại châu Phi, nếu như Hoa Kỳ có hàng chục thỏa thuận mở căn cứ quân sự, Trung Quốc chỉ có một ở Djibouti, thì các công ty của Mỹ chẳng có lấy một cảng thương mại nào, trái ngược hoàn toàn so với các hãng của Trung Quốc. Giới chức Mỹ lo ngại việc Trung Quốc thiết lập các mối quan hệ thông qua các cảng thương mại để mở thêm căn cứ quân sự thường trực ở châu Phi, phía bên bờ Đại Tây Dương như khu vực được coi là sân sau của Mỹ. Một khả năng mà nhà Costas Paris nêu lên là một ngày nào đó có nguy cơ nhìn thấy tầu chiến Trung Quốc cập bờ đông Đại Tây Dương, như tại Guinea Xích Đạo chẳng hạn.

 

Nhìn chung, hai tác giả nghiên cứu nhìn nhận trong một chừng mực nào đó, khả năng tác chiến hiệu quả của PLA từ mạng lưới thương cảng của Trung Quốc vào thời chiến dường như vẫn còn hạn chế. Nhưng trong thời bình, sức mạnh quân sự của hải quân Trung Quốc được triển khai từ hệ thống thương cảng đang tái cấu trúc lại diện mạo an ninh thế giới. Sự hiện diện thường trực của PLA tại những điểm chiến lược quan trọng có thể buộc hải quân các nước khác phải thay đổi vị thế quân sự và các hoạt động thông thường, tác động đến nhận thức của thế giới về năng lực quân sự của Trung Quốc và có thể nhằm mục tiêu răn đe các quốc gia nào thách thức Trung Quốc để bảo vệ tài sản và các lợi ích kinh tế của mình.

 

----------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

ĐỨC -TRUNG QUỐC - EU

Liên Hiệp Châu Âu từng cảnh báo Đức về việc bán cảng Hamburg cho Trung Quốc

 

SRI LANKA - TRUNG QUỐC - HÀNG HẢI

Sri Lanka nhượng một cảng chiến lược cho Trung Quốc






No comments: