Friday, June 9, 2023

MỸ, ANH RA "TUYÊN BỐ ĐẠI TÂY DƯƠNG", SIẾT CHẶT HỢP TÁC SONG PHƯƠNG (Trọng Thành / RFI)

 



Mỹ, Anh ra ‘‘Tuyên bố Đại Tây Dương’’, siết chặt hợp tác song phương

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 09/06/2023 - 14:26

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230609-m%E1%BB%B9-anh-ra-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%...BB%A3p-t%C3%A1c-song-ph%C6%B0%C6%A1ng

 

Quan hệ Anh, Mỹ siết chặt với chuyến công du Hoa Kỳ của thủ tướng Anh Rishi Sunak. Hôm qua 08/06/2023, tại Washington, tổng thống Mỹ Joe Biden cùng thủ tướng Anh công bố một thỏa thuận về ‘‘Khuôn khổ quan hệ đối tác kinh tế Anh - Mỹ cho thế kỷ 21", gọi tắt là ‘‘Tuyên bố Đại Tây Dương’’. Mục tiêu chủ yếu là để đối phó với các thách thức mới ‘‘từ các quốc gia độc tài như Nga và Trung Quốc’’ và một số thách thức toàn cầu căn bản khác như biến đổi khí hậu.

 

https://s.rfi.fr/media/display/833efafe-06b7-11ee-834d-005056a90284/w:980/p:16x9/2023-06-08T192405Z_937981962_RC21F1ACE21E_RTRMADP_3_USA-BRITAIN-SUNAK.webp

Thủ tướng Anh, Rishi Sunak (trái) và tổng thống Mỹ Joe Biden họp báo chung tại Nhà Trắng, Washington, ngày 08/06/2023. © REUTERS - POOL

 

‘‘Tuyên bố Đại Tây Dương’’ Mỹ, Anh đặt ‘‘hai quốc gia độc tài’’ Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở hàng đầu trong số ‘‘những thách thức mới đối với sự ổn định quốc tế’’. Theo AFP, ‘‘Tuyên bố Đại Tây Dương’’ dự kiến Mỹ - Anh tăng cường hợp tác về quốc phòng. Chính quyền Mỹ hứa mở cửa vào thị trường cho các nhà công nghiệp quốc phòng Anh. Một trong các mục tiêu chính là tăng cường hợp tác song phương trong việc phát triển tên lửa siêu thanh.

 

Hạt nhân dân sự và cung ứng kim loại cần thiết cho quá trình chuyển sang nền kinh tế hậu năng lượng hóa thạch là các nội dung chính khác. Theo thỏa thuận này, các doanh nghiệp Anh quốc sẽ được hưởng một phần các ưu đãi trong kế hoạch trợ giá khổng lồ của chính quyền Biden ‘‘Inflation Reduction Act’’ (tức Đạo Luật Giảm Lạm Phát), với một mục tiêu chính là thúc đẩy việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

 

Theo AFP, sau khi chia tay với Liên Âu, Luân Đôn từng hy vọng ký kết một thỏa thuận tự do mậu dịch mới với Washington. Tuy nhiên, Anh Quốc đã phải chấp nhận từ bỏ dự định này, bởi đối với chính quyền Biden kể từ giờ trở đi ‘‘kinh tế và an ninh quốc gia gắn bó mật thiết hơn bao giờ hết’’. Kiểm soát ‘‘các công nghệ mới gây lo ngại’’ (disruptive technologies) cũng là một nội dung chính của thỏa thuận giữa hai chính phủ Mỹ, Anh. Tổng thống Biden tuyên bố ủng hộ nỗ lực của Luân Đôn hướng đến xác lập các quy định điều chỉnh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, với một hội nghị tổ chức vào mùa thu tới. Nguyên thủ Mỹ nhấn mạnh: ‘‘trí thông minh nhân tạo có thể gây ra các tổn hại lớn, nếu không được kiểm soát’’.

 

Theo AFP, một phần đáng kể của cuộc họp báo chung hôm qua xoay quanh cuộc chiến tranh tại Ukraina. Tổng thống Mỹ đã nhiều lần ca ngợi các hậu thuẫn của Luân Đôn dành cho cuộc chiến chống xâm lược Nga của Kiev. Về phần mình, lãnh đạo Mỹ bảo đảm Hoa Kỳ ‘‘có đủ tiềm lực cần thiết’’ để hỗ trợ Ukraina lâu dài. Về vấn đề người kế nhiệm tổng thư ký NATO, tổng thống Mỹ tỏ ra khá dè dặt với dự định của Luân Đôn tiến cử bộ trưởng Quốc Phòng Anh Ben Wallace.

 





No comments: