6
cường quốc bậc trung Nam Bán Cầu ‘‘quyết định’’ cục diện địa chính trị thế giới
Trọng Thành - RFI
Đăng
ngày: 14/06/2023 - 16:35
Cuộc
xâm lăng Ukraina của Nga đang làm lộ rõ một cục diện chính trị toàn cầu mới
đang hình thành. Tiếng nói của nhiều cường quốc bậc trung thuộc khối các nước
đang phát triển, còn gọi là ‘‘Nam Bán Cầu’’, dường như đang ngày càng được coi
trọng hơn. Các cường quốc bậc trung này không dứt khoát chọn phe trong một thế
giới lưỡng cực đang hình thành, với một bên là Hoa Kỳ và các đồng minh ‘‘dân chủ’’
phương Tây, và bên kia là Trung Quốc cùng Nga, và một số quốc gia ‘‘độc tài’’.
Lãnh
đạo ba cường quốc bậc trung của Nam Bán Cầu (Ấn Độ, Brazil và Indonesia) tham dự
thượng đỉnh G7 ở Hiroshima, ngày 21/05/2023. AP
Trong thời
gian gần đây, giới chuyên gia về chính trị quốc tế đặc biệt chú ý đến nhóm các
cường quốc bậc trung thường được gọi là ‘‘các swing states’’ (tạm dịch
là ‘‘các quốc gia dao động’’) (*), do lập trường không dứt khoát chọn
phe. Đối với nhiều nhà quan sát, chính ‘‘các quốc gia dao động’’ này, với số lượng
tuy rất nhỏ, đang ‘‘quyết định’’ cục diện địa chính trị của thế giới
đương đại. RFI xin giới thiệu một số thông tin về chủ đề này.
**
Những
nước nào được xem là ‘‘các quốc gia dao động’’ có tầm ảnh hưởng địa
chính trị quan trọng?
Thuật ngữ “global
swing states” (các quốc gia dao động tầm cỡ toàn cầu) được sử dụng phổ biến
trong giới chuyên gia từ khoảng mười năm trở lại đây. Năm 2012, một nhóm nghiên
cứu của Quỹ German Marshall Fund của Hoa Kỳ, viện nghiên cứu chính sách công có
mục tiêu thúc đẩy hợp tác Mỹ - châu Âu (**), đã công bố một trong những nghiên cứu sớm nhất về vấn đề nói trên. Vào
thời điểm đó, các chuyên gia xác định bốn quốc gia thuộc nhóm này, bao gồm Brazil,
Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà nghiên cứu từng xem nhóm bốn quốc gia
trên như ‘‘các nền dân chủ hùng mạnh’’, và sự trỗi dậy của nhóm nước này
có thể tạo ra một cơ hội to lớn cho Hoa Kỳ và các đồng minh châu Âu, nhằm
‘‘bảo vệ và cải cách trật tự quốc tế đang nhiều bất trắc’’.
10 năm
sau, nhà chính trị học Cliff Kupchan, một chuyên gia về Nga và Iran, chủ tịch nhóm
nghiên cứu về chính trị quốc tế Eurasia, trong một bài tổng thuật về chủ đề này
trên trang mạng Foreign Policy (với tiêu đề ‘‘6 Swing States Will Decide the Future of Geopolitics’’,
06/06/2023), ghi nhận ‘‘6 quốc gia dao động’’ quan trọng. Ngoài Brazil,
Ấn Độ, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ, là hai cường quốc bậc trung khác Ả Rập Xê Út và
Nam Phi.
10 năm
sau, tình hình đã có nhiều thay đổi lớn. Bốn quốc gia, từng được coi là ‘‘các
nền dân chủ hùng mạnh’’, đã không hoàn toàn đứng về phía phương Tây. Tất
cả sáu cường quốc bậc trung thuộc ‘‘Nam Bán Cầu’’ nói trên, cho dù rất khác
nhau về hàng loạt lĩnh vực, có một điểm chung là có thái độ không dứt khoát chọn
bên, trong cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraina. Cuộc xâm lăng rõ ràng đã bị khoảng
140 quốc gia lên án, với nhiều nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Nhưng trên thực tế,
ngoài khối các nước đứng hẳn về phía Ukraina, với Hoa Kỳ và các nước châu Âu là
nòng cốt, đại đa số các nước, trong đó có các cường quốc bậc trung nói trên, đã
không chọn bên.
Hồi tháng
5/2023 vừa qua, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có chuyến
đi đột phá về ngoại giao hiếm hoi tới Jeddah, Ả Rập Xê
Út, và Hiroshima, Nhật Bản, để vận động bốn nước Brazil, Ấn Độ,
Indonesia và Ả Rập Xê Út. Brazil, Ấn Độ, Indonesia cũng là khách mời của
thượng đỉnh G7 (tức bảy cường quốc công nghiệp). Nhà chính trị học Cliff
Kupchan nhấn mạnh là ‘‘các cường quốc bậc trung ở Nam Bán Cầu ngày nay có
nhiều quyền lực hơn bao giờ hết’’.
Vì
sao nói nhiều cường quốc bậc trung ở Nam Bán Cầu hay ‘‘các quốc gia dao động’’
có ảnh hưởng lớn đến thế giới?
Theo
chuyên gia Cliff Kupchan, có hai nhóm lý do chính để giải thích về sức mạnh gia
tăng của các cường quốc tầm trung nói trên. Thứ nhất là các lý do liên quan đến
xu thế lịch sử lâu dài, và thứ hai là các xu thế gần đây. Về nhóm lý do thứ nhất,
tức xu thế lịch sử lâu dài, giai đoạn hiện nay hoàn toàn khác với thời kỳ đơn cực,
với sự thống trị của Hoa Kỳ (tức giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh, kéo dài đến những
năm gần đây), và thời kỳ lưỡng cực của Chiến tranh Lạnh, với thế đối đầu giữa
khối phương Tây và khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo. Giai đoạn đơn cực đòi hỏi
hầu hết các nước phải theo Mỹ, trong lúc thế giới lưỡng cực Mỹ - Xô đi liền với
việc hình thành các khối đối lập nhau. Tình hình khác hẳn với giai đoạn thế giới
lưỡng cực Trung – Mỹ đang hình thành hiện nay. Trong bối cảnh, thế lưỡng cực Mỹ
- Trung hiện không hoặc chưa phải là Chiến tranh Lạnh, tất cả các cường quốc tầm
trung đều có rất nhiều không gian hành động độc lập.
Về nhóm lý
do thứ hai, tức các xu thế gần đây, theo chuyên gia Cliff Kupchan, trong hai thập
niên vừa qua, ‘‘nhiều quan hệ địa chính trị và địa kinh tế mới đang hình thành ở
cấp độ khu vực’’. Khi quyền lực của các khu vực gia tăng, vị thế của các cường
quốc bậc trung/các quốc gia dao động cũng trở nên quan trọng
hơn. Nhiều ‘‘quốc gia dao động’’ ở Nam Bán Cầu đang được hưởng
lợi nhiều từ quá trình hình thành ‘‘các chuỗi cung ứng hàng hóa’’ mới ở gần
kề, cũng như việc các cơ sở sản xuất – kinh doanh chuyển khỏi Trung Quốc, với
thế đối đầu Mỹ - Trung gia tăng. Thế đối đầu Mỹ - Trung trong nhiều lĩnh vực đã
và đang mang lợi cho nhiều quốc gia bậc trung. Ví dụ như Ấn Độ được hưởng lợi
nhiều từ khi tham gia vào Đối thoại An ninh Bộ Tứ Ấn Độ - Thái Bình Dương)
(QUAD), nỗ lực do Hoa Kỳ khởi xướng nhằm tạo thế đối trọng với Trung Quốc. Brazil
và Indonesia cũng được hưởng lợi nhiều từ Trung Quốc trong các hợp đồng về các
khoáng sản quan trọng, như lithium hay niken. Thủ đô Riyad của Ả Rập Xê Út đang
nổi lên như một trung tâm tài chính khu vực. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
cũng thừa nhận, trong một thế giới đang phân mảnh và khu vực hóa, các cường quốc
tầm trung trong khu vực đóng một vai trò ngày càng quan trọng.
Điểm nổi bật
khác tạo nên sức mạnh của nhóm các cường quốc bậc trung này, theo chuyên gia
Cliff Kupchan, là họ không chú trọng đến vấn đề ‘‘ý thức hệ’’ (cụ thể
như các vấn đề chính trị dân chủ hay độc tài được nhìn nhận một cách khuôn mẫu,
giáo điều, ‘‘liên kết’’ hay ‘‘không liên kết’’ theo nghĩa truyền
thống…). Tận dụng được thế đối đầu Mỹ - Trung, và tận dụng được các quan hệ
song phương không lệ thuộc vào ‘‘ý thức hệ’’, các quốc gia tầm trung gọi
là nhóm ‘‘các nước dao động’’ đang ngày càng trở nên năng động và mạnh
hơn. Theo chuyên gia Cliff Kupchan, ngoại trừ một số lĩnh vực công nghệ nền tảng
(được coi là vấn đề an ninh quốc gia với Mỹ) như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo,
công nghệ lượng tử, viễn thông 5G và công nghệ sinh học, các cường quốc bậc
trung bị đặt vào thế phải theo Mỹ hoặc theo Trung Quốc, trong các lĩnh vực
khác, các nước này được rảnh tay lựa chọn.
Sáu ‘‘quốc
gia dao động’’ đã đóng một vai trò quan trọng trong các biện pháp trừng phạt
của phương Tây để buộc Nga lùi bước trong cuộc xâm lăng Ukraina. Đối với
phương Tây, nỗ lực đoàn kết với Ukraina, có ý nghĩa không chỉ bảo vệ quốc gia
này chống xâm lược, mà còn để bảo vệ một trật tự thế giới ‘‘dựa trên luật
pháp’’. Tuy nhiên, 6 cường quốc Nam Bán Cầu nói trên không chia sẻ quan điểm
này. Không có sự tham gia của các cường quốc bậc trung của Nam Bán Cầu, mặt trận
cô lập Nga không thể thành công. Ngay từ đầu, các quốc gia này đã từ chối
viện trợ quân sự cho Ukraina, theo đề nghị của phương Tây, không chủ động tham
gia các trừng phạt, trừ khi bắt buộc phải tuân thủ. Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước
khác là nơi chuyển một khối lượng lớn hàng lưỡng dụng dân sự/quân sự sang Nga,
làm suy yếu các nỗ lực trừng phạt.
Bên cạnh một
số xu thế được coi là tiêu cực với phương Tây, ‘‘nhiều quốc gia dao động’’
đang tỏ ra là những đối tác giúp giải quyết các thách thức toàn cầu. Ấn Độ có
vai trò đặc biệt quan trọng, khi đóng góp đến 8% lực lượng gìn giữ hòa bình của
Liên Hiệp Quốc. Indonesia và Nam Phi cũng đóng vai trò tích cực trong nhiều hoạt
động trung gian hòa giải, và gìn giữ hòa bình.
Phương
Tây cần ứng xử ra sao với ‘‘các cường quốc dao động’’?
Theo
chuyên gia Cliff Kupchan, phương Tây, mà trước hết là Hoa Kỳ, cần phải
nâng tầm trong chiến lược đối với sáu quốc gia dao động nói trên, ‘‘để ngăn
chặn đà suy yếu đáng kể về vị thế của Mỹ trong cán cân quyền lực toàn cầu’’.
Khối BRICS – gồm Trung Quốc, Nga và ba quốc gia dao động Ấn Độ, Brazil, Nam Phi
– cần phải được đặc biệt chú ý. Với thành viên BRICS Ấn Độ, quốc gia gần gũi với
phương Tây, và là đối thủ của Trung Quốc đặc biệt trong các tranh chấp lãnh thổ,
khối đang trỗi dậy này khó có thể bị Trung Quốc và Nga điều khiển. Tuy nhiên,
không thể coi nhẹ nguy cơ Trung Quốc và Nga thao túng BRICS, trong bối cảnh
ngày càng có nhiều quốc gia Nam Bán Cầu muốn gia nhập khối này. Ít nhất là 19
nước, theo thông tin mới đây.
Đối với
chuyên gia Cliff Kupchan, nước Mỹ cần không chỉ cải thiện chính sách với
‘‘6 quốc gia dao động’’, mà còn cần hướng rộng hơn đến toàn Nam Bán Cầu.
Việc khối G7, mời nhiều quốc gia thuộc nhóm nước nói trên đến thượng đỉnh G7 ở
Nhật Bản vừa qua, cùng một số đại diện Nam Bán Cầu, là ‘‘một khởi đầu hữu
ích, nhưng cần được làm nhiều hơn’’. Nhà chính trị học Cliff Kupchan đặc
biệt lưu ý đến việc phương Tây cần ‘‘hiểu biết hơn về tình cảm và niềm
tin của giới tinh hoa ở nhiều quốc gia ở Nam Bán Cầu’’ để có được thái độ
phù hợp hơn.
Muốn có
chính sách đúng, cần phải hiểu đúng. Bài tổng thuật của Cliff
Kupchan dẫn lại công trình của nhóm Quỹ German Marshall Fund - GMF,
công bố cuối năm ngoái, tức 10 năm sau nghiên cứu đầu tiên (nhan đề ‘‘Alliances in a Shifting Global Order: Rethinking Transatlantic
Engagement with Global Swing States’’, tạm dịch là ‘‘Các liên minh trong
một trật tự toàn cầu đang thay đổi: Xem xét lại về cam kết hợp tác Mỹ - Âu với
các quốc gia dao động (có tầm ảnh hưởng) toàn cầu''). Báo cáo của GMF khẳng
định : ‘‘việc hiểu rõ hơn về các ưu tiên và lợi ích chiến lược của các
quốc gia dao động là điều cần thiết để tăng cường hợp tác với họ trong môi trường
địa chính trị đang biến động hiện nay’’. Nghiên cứu về ‘‘6 quốc
gia dao động’’ cũng mới là các nghiên cứu ban đầu theo hướng này, bởi theo
GMF, việc chọn 6 quốc gia Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Ả Rập Xê Út, Nam Phi và Thổ
Nhĩ Kỳ để ưu tiên nghiên cứu không có nghĩa đây là các cường quốc bậc trung Nam
Bán Cầu duy nhất đáng xếp vào danh sách này.
Chuyên
gia Cliff Kupchan cũng chỉ ra một số điểm yếu của các cường quốc bậc trung
Nam Bán Cầu, các quốc gia này cũng như đông đảo các nước Nam Bán Cầu đang và sẽ
phải gánh chịu nhiều hậu quả do nhiệt độ Trái đất gia tăng. Các cuộc cách mạng
công nghệ, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, sẽ tác động mạnh đến ‘‘Nam Bán Cầu’’,
nhiều hơn so với các quốc gia dân chủ công nghiệp hóa.... Căng thẳng Mỹ-Trung nếu
gia tăng đột ngột và biến thành một cuộc đối đầu kiểu Chiến tranh Lạnh, thì các
cường quốc tầm trung cũng sẽ là bên bị tác động rất mạnh, buộc phải liên kết chặt
chẽ hơn với bên này hoặc bên kia. Các chính sách sai lầm hoặc không kịp thời với
các cường quốc bậc trung Nam Bán Cầu sẽ để lại những hậu quả lớn mang tính toàn
cầu. Khẳng định 6 cường quốc bậc trung của Nam Bán Cầu ‘‘quyết định’’
cục diện địa chính trị thế giới, như nhận định của chuyên gia Cliff Kupchan, một
phần cơ bản cũng là theo ý nghĩa này.
------------
CHÚ
THÍCH
(*) Cụm
từ ‘‘Global swing states’’ được đặt ra dựa trên khái niệm nổi tiếng về một
số ít ‘‘swing states’’ (hay các ''bang dao động''), trong hệ thống
bầu cử Mỹ: Thắng lợi hay thất bại ở một số bang này có ảnh hưởng quyết định đến
kết quả bầu cử tổng thống chung cuộc. Vấn đề vai trò của các quốc gia được gọi
là ‘‘global swing states’’ và tác động của chúng đến hệ thống chính trị quốc tế
được giới chuyên gia chính trị quốc tế đặt ra vào năm 2012, trong bối cảnh
Vladimir Putin trở lại nắm tiếp tục nắm quyền tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ ba,
sau thời gian điều hành đất nước dưới danh nghĩa thủ tướng. Năm 2012 cũng là
năm ông Tập Cận Bình lên nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc.
(**) Quỹ Germain Marshall
của Hoa Kỳ được thành lập năm 1972, có tôn chỉ thúc đẩy nghiên cứu về
chính sách đối với các vấn đề quan trọng cho lợi ích Âu – Mỹ , vì tương lai của
nền dân chủ, an ninh, thịnh vượng… GMF có trụ sở chính tại thủ đô Washington, Mỹ,
và nhiều văn phòng ở châu Âu. Quỹ Marshall được lập ra nhờ một tài trợ của
chính phủ Đức, nhằm tri ân Kế hoạch Marshall của Mỹ, giúp tái thiết châu Âu sau
Thế chiến Hai.
.
ĐỂ
HIỂU ĐÚNG HƠN VỀ CÁC NƯỚC NAM BÁN CẦU
Trích
đoạn nhận định của các nhà nghiên cứu Quỹ German Marshall Fund về một số ‘‘quốc
gia dao động’’
BRAZIL :
HÌNH ẢNH THU NHỎ CỦA NAM BÁN CẦU
Brazil
‘‘tìm cách sửa đổi cấu trúc toàn cầu để hướng đến một xã hội đoàn kết, hội nhập
khu vực nhiều hơn, và gắn kết nhiều hơn với nhiều quốc gia, mà không cần phải
thông qua các phép thử về ý thức hệ, bao gồm cả phép thử về nguyên lý dân chủ. Brazil
ủng hộ quan hệ đối tác mạnh mẽ để giúp giải quyết những vấn đề lớn nhất của thế
giới, đặc biệt là biến đổi khí hậu toàn cầu và nạn phá rừng, an ninh lương thực
và bất bình đẳng…. Brazil có nhiều thế mạnh có thể trở thành các đòn bẩy
cho hành động…. đây là một nền dân chủ tỏ rõ sự kiên cường khi bị thách thức, dần
dần khẳng định năng lực của đất nước trong việc tham gia giải quyết các ưu tiên
toàn cầu… Brazil là hình ảnh thu nhỏ các đặc điểm của Nam Bán Cầu…’’ (trích
theo bài ‘‘Brazil : A Voice of for All ? / Một tiếng nói vì tất
cả ?’’ của chuyên gia về chính trị quốc tế William Mcilhenny).
ẤN
ĐỘ : NGHIÊNG VỀ PHƯƠNG TÂY
‘‘Việc Ấn
Độ im lặng không lên án cuộc chiến tranh ở Ukraina, quan hệ đối tác thân thiết
với Nga, và chính sách đối ngoại nghiêng về đa cực và phấn đấu giành quyền tự
chủ chiến lược có thể cho thấy điều ngược lại, nhưng trên thực tế, New Delhi
đang dần xích lại gần phương Tây. Căng thẳng gia tăng với Trung Quốc đã đánh thức
Ấn Độ về nhu cầu cân bằng quyền tự chủ chiến lược với việc liên kết với các đối
tác có cùng chí hướng về các vấn đề địa-chính trị cơ bản. Do đó, Ấn Độ đã đa dạng
hóa quan hệ đối tác của mình trong những năm gần đây, một phần bằng cách tăng
cường quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp và Úc. Quan hệ đối tác với châu Âu nói
chung chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay, như ngoại trưởng Ấn Độ gần đây đã lưu
ý. Ấn Độ sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, nhưng nước này
đã là một đối tác có thể đoán trước được của phương Tây, do những thách thức mà
nước này phải đối mặt với Trung Quốc’’ (trích theo bài ‘‘India: Tilting Westwards’’ / Ấn Độ: Nghiêng về phương Tây’’
của chuyên gia Garima Mohan)
NAM
PHI : THEO ĐUỔI ĐA LIÊN KẾT VÀ NỖ LỰC CHO MỘT THẾ GIỚI ĐA CỰC
‘‘Phần lớn
ADN (tạm dịch là gốc rễ sâu xa) của Nam Phi với tư cách là một nhà nước hiện đại
có thể bắt nguồn từ thời kỳ xây dựng nhà nước mới, sau nhiều thập kỷ thống trị
của chế độ phân biệt chủng tộc và quá trình chuyển đổi sang dân chủ vào năm
1994, chấm dứt vị trí của đất nước như một "tiền đồn của phương Tây" ở
vùng cực nam châu Phi. Di sản của quá trình chuyển đổi đó có thể quan sát thấy
trong nghệ thuật chính trị của quốc gia này: sự gắn bó mật thiết của Nam Phi với
Nam Bán Cầu, tiếp cận đề cao các thể chế đa phương và coi hòa giải như một công
cụ chính để giải quyết xung đột. Lòng trung thành với những người bạn cũ cũng rất
quan trọng về mặt chính trị, thể hiện qua việc Nam Phi nhất quán coi lệnh cấm vận
của Mỹ đối với Cuba là bất hợp pháp và phản ứng im lặng của nước này đối với
các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Nam Phi thấy không có
nghĩa vụ pháp lý để thực thi các biện pháp trừng phạt thiếu sự hỗ trợ của Liên
Hiệp Quốc… Nam Phi coi mối quan hệ của mình với các nước phương Tây là quan trọng,
nhưng chủ yếu mang tính kinh tế. Nam Phi có quan hệ đối tác chính trị sâu sắc
hơn với nhiều quốc gia châu Phi khác, với BRICS và nhiều quốc gia ở Nam Bán Cầu.
Và, nếu như Nam Phi tự xác định mình là quốc gia không liên kết, chính sách đối
ngoại của nước này cho thấy mức độ phức tạp cao hơn, phản ánh lập trường đa
liên kết…’’ (trích ‘‘Nam Phi: Theo đuổi đa liên kết và nỗ lực cho một thế giới đa cực’’
của Len Ishmael).
No comments:
Post a Comment