Đồn
đoán chính trị trong vụ xung đột ở Tây Nguyên là vũ khí chống lại độc quyền
thông tin
Võ
Văn Quản / Luật Khoa Tạp Chí
June 14, 2023 . 1:57 PM
Đây không phải là tin giả, mà là kỳ vọng đối thoại của
một cộng đồng.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1304/2023/06/Tin-gi--T-y-Nguy-n-1.jpg
Đồ họa: Luật Khoa.
Vụ tấn công có tổ chức của
một nhóm vũ trang tự phát sát hại nhiều cán bộ địa phương tại Đắk Lắk có thể
nói là một trong những sự kiện tấn công vũ trang nghiêm trọng nhất ở Việt Nam
trong hơn một thập niên trở lại đây.
Và chúng ta tiếp tục được
chứng kiến cách ứng xử quá quen thuộc của chính quyền hiện nay: không có bất kỳ
sự minh bạch thông tin nào.
Các tờ báo đưa ra những
tin tức đầu tiên mà chưa có sự kiểm duyệt của chính quyền ngay lập tức bị gỡ bỏ.
Cho đến nay, việc đưa tin về vấn đề này đã được thống nhất chỉ đạo gần như
tương tự nhau trên mọi phương tiện.
Điều đó khiến cho công
chúng không còn cách nào khác ngoại trừ việc tự đưa ra những quan sát, dự đoán,
phiếm đàm, v.v. Người viết có thể tạm gọi đây là tin đồn chính trị (political
rumor), để bàn luận về một vấn đề có tầm quan trọng quốc gia này.
Nhiều người cho rằng xung
đột có thể liên quan đến đất đai, bởi địa phương xảy ra vụ việc trên đã từng chứng
kiến hoạt động cưỡng chế đất đai diễn ra trước đó không lâu.
Một số chưa được thuyết
phục với thông tin này. Tranh chấp đất đai chỉ có thể đẩy mạnh đến mức độ vũ
trang lớn như vậy khi các chiến dịch cưỡng chế đất đai diễn ra mà không thành.
Ngoài ra, người tranh chấp đất ít khi có đủ sự hung hăng đến mức tổ chức thành
nhóm vũ trang và xác định mục tiêu tấn công là cơ quan công quyền, chưa nói đến
việc giết hại nhiều người tại đó.
Vì lý lẽ này, một số người
tin rằng vụ nổ súng là dấu hiệu cho thấy sự trở lại của các nhóm vũ trang đấu
tranh đòi độc lập và tự trị cho người Thượng (Montagnard). Cách lý giải này
cũng được nhiều người đồng tình.
Hiển nhiên, ngay sau đó,
cũng có nhiều luồng dư luận chỉ trích, chê bai các quan sát nói trên là cả nghĩ
khi không đủ chứng cứ, và nó bỏ qua một sự thật rằng những quan sát và dự đoán
này chỉ xuất phát từ sự cấm cản và kiểm soát thông tin ngay từ ban đầu của
chính quyền Việt Nam.
***
Trong các lý thuyết chính
trị hiện nay, tin đồn và tán dóc chính trị là một trong những thực hành phổ biến
và được xem là kết quả đương nhiên của các không gian xã hội nơi mà quần chúng
bị chính quyền kiểm duyệt và giới hạn thông tin.
Hiểu đơn giản, khi quyền
lực chính trị bất đối xứng, người dân không thể cạnh tranh để tìm hiểu các nguồn
thông tin, nắm giữ tài nguyên thông tin cũng như gây ảnh hưởng lên quá trình
chuyển tiếp thông tin với các thiết chế trực thuộc chính quyền. Trong tình trạng
đó, không còn cách nào khác, họ phải dựa vào tin đồn để bàn tán về chủ đề chính
trị, xây dựng quan điểm chính trị và thậm chí là tham gia vào việc chỉ trích,
giễu cợt các chính trị gia.
Dưới nhiều góc độ, sự
tham gia chủ động của người dân vào hệ thống tin đồn chính trị và các hoạt động
liên quan buộc chính quyền, dù ở lề phái nào, cũng phải nới lỏng thông tin và
minh bạch hóa hoạt động của mình.
Vì lý do này, tin đồn
chính trị từng được nhà nghiên cứu khoa học chính trị gạo cội James C. Scott gọi
là vũ khí của những nhóm yếu thế (the weapon of the weak). [1]
***
Tuy nhiên, cách tiếp cận
trên cũng có phần khiến cho tin đồn và hoạt động lan truyền tin đồn chính trị của
quần chúng gần giống với các chiến dịch phản thông tin (disinformation) và giả
thông tin (misinformation). Điều gì khiến chúng thật sự khác nhau?
Nếu tham khảo một vài
nghiên cứu, như nghiên cứu “Rumors: Uses, Interpretations and Images” của
Jean-Noel Kapferer, có thể rút ra được một vài điểm khác biệt cơ bản giữa tin đồn
chính trị của các nhóm bình dân và sự thao túng thông tin qua các chiến dịch
tin giả của các nhóm đầu sỏ chính trị khác. [2] Khác biệt đầu tiên là về chủ thể,
kế đến là về mục tiêu.
Chủ thể tham gia và phát
tán các sản phẩm tin đồn chính trị thường là các nhóm bình dân, quần chúng. Họ
sử dụng một số luồng thông tin xuất hiện ở nhiều hình thức khác nhau. Sau đó, họ
quan sát và sử dụng tri thức cá nhân để truyền đạt và diễn giải cho nhau nghe về
một sự kiện hay hiện tượng mà các định chế quyền lực chính thức vẫn chưa bác bỏ
hoặc ủng hộ.
Điều này hoàn toàn trái
ngược với cách tiếp cận của các chiến dịch tin giả, thường được cho là gắn liền
với các nhóm quyền lực hiện hữu, vốn đã có sẵn vị thế trong hiện trạng chính trị
quốc gia.
Mặc khác, các sản phẩm
tin đồn chính trị của giới bình dân thường được dùng để thể hiện sự bức xúc, tức
giận, hay khả năng tự diễn giải của mình đối với một nhân vật chính trị, một vấn
đề chính trị hay sự giấu giếm thông tin của chính quyền.
Trong khi đó, hệ thống
tin giả được thiết lập và lan truyền bởi các nhóm chính trị thường được dùng để
gây ảnh hưởng, lèo lái, dẫn dắt dư luận nhiều hơn.
***
Với những quan sát trên,
sự hình thành của đồn đoán chính trị, theo cách diễn giải của tác giả Tsai Wen
Hsuan, có thể cần hai điều kiện chính:
(1) Thông tin bị cấm cản,
hạn chế khi một sự kiện, khủng hoảng diễn ra;
(2) Người dân chủ động
tham gia vào quá trình đồn đoán (như ghi thêm quan sát cá nhân, bình luận). [3]
Bằng cách này, các tin đồn chính trị tự thân nó trở thành một hình thức thảo luận
công cộng (collective discussion) thay thế cho sự minh bạch mà người dân đáng lẽ
phải có được trước đó.
Trong bối cảnh Trung Quốc,
khá tương tự với Việt Nam, tác giả Zongli Lu cho rằng tin đồn đã trở thành một
sản phẩm chính trị lâu đời của Trung Quốc và thậm chí có thể so sánh với các lời
tiên tri. Đối với ông, tin đồn lẫn tiên tri đều là những hành vi tự điều chỉnh
của xã hội (corrective social act). [4]
Dựa vào các lý thuyết về
kiến tạo xã hội nói chung, nhìn vào những đồn đoán của quần chúng, người ta khẳng
định rằng tin đồn - như là một công cụ phản kháng của các nhóm yếu thế - phản
ánh phần nào ý thức tập thể của quần chúng và cách mà họ nhận thức một vấn đề,
một sự kiện chính trị trong bối cách thiếu minh bạch thông tin.
Bằng cách lan truyền tin
đồn, bổ sung, chỉnh sửa, thêm thắt các yếu tố khác nhau vào hệ thống tin đồn,
người dân thể hiện sự bất mãn và góc nhìn chung của họ đối với một cá nhân, một
sự kiện, một hệ thống. Đôi khi, bằng sự thông thái đại chúng, những câu chuyện
này được chuyển đổi và biến thành các sản phẩm khác như thơ ca, truyện dân
gian, đến cả các lời tiên tri v.v.
***
Sẽ khó có thể biết chuyện
gì tiếp tục xảy ra ở Đắk Lắk, và lý do của những câu chuyện đang xảy ra là gì.
Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là trong không gian thiếu minh bạch và thiếu
các kênh thông tin cụ thể dành cho người dân, tin đồn và những quan sát, dự báo
chính trị tiếp tục là nguồn sống cho các thảo luận chính trị của người
dân.
Hiển nhiên sẽ có những
nhóm tin tưởng tuyệt đối vào nguồn thông tin của chính quyền. Nhưng cho đến thời
điểm này, những tin đồn và các phán đoán chính trị quần chúng có vẻ luôn đi trước
và luôn có chỗ đứng hơn trong nhiều cộng đồng. Trừ khi chính quyền cởi mở hơn,
minh bạch hơn, và quan trọng nhất là thực hành công bình hơn trong các quyết
sách thông tin, còn không thì các đồn đoán chính trị vẫn sẽ tiếp tục là vũ khí
chống lại sự độc quyền đó. Đây không phải là tin giả, mà là kỳ vọng đối thoại của
một cộng đồng.
------------
Chú thích
1. James C. Scott.
(1985). Weapons of the Weak: Everyday Forms of Peasant Resistance on JSTOR.
https://www.jstor.org/stable/j.ctt1nq836
2. Rumors: Uses,
Interpretations and Images. (2013, March 15). Routledge & CRC Press. https://www.routledge.com/Rumors-Uses-Interpretations-and-Images/Kapferer/p/book/9781412851558
3. WEN-HSUAN TSAI and ZHENG-WEI LIN. (2019, October 1). Social
Constructionism and the Significance of Political Rumors in Contemporary China:
Weapons of the Weak. Scholars Hub of the Academia Sinica. https://ir.sinica.edu.tw/handle/201000000A/77306
4. Knapp, K. C. (2006).
Power of the Words: Chen Prophecy in Chinese Politics a.d. 265-618 – Zongli Lu.
Religious Studies Review, 32(2), 138–139. https://doi.org/10.1111/j.1748-0922.2006.00075_1.x
-----------------------
LIÊN QUAN
.
Khi
Tây Nguyên không còn là nhà
Gần hai thập kỷ, người Thượng vẫn không ngừng
tháo chạy khỏi Tây Nguyên vì sự truy bức của chính quyền Việt
.
Vấn
đề tôn giáo tại Tây Nguyên: Chính quyền càng can thiệp thô bạo càng không có lối
thoát
Các sắc tộc bản địa không chấp nhận sự kiểm
soát của người Kinh đối với Tây Nguyên.
.
Luật
Khoa 360: Vụ tấn công trụ sở công quyền xã tại Đắk Lắk
Diễn ra tại điểm nóng
liên quan đến đất đai, sắc tộc và tôn giáo.
Luật
Khoa tạp chí - Luật Khoa tạp chí
No comments:
Post a Comment