Friday, June 9, 2023

ĐỐI THOẠI SHANGRI-LA 2023 : VIỆT NAM IM LẶNG, HOA KỲ TUYÊN BỐ TRỢ GIÚP ẤN ĐỘ? (RFA)

 



Đối thoại Shangri-La 2023: Việt Nam im lặng, Hoa Kỳ tuyên bố trợ giúp Ấn Độ?

RFA
2023.06.08

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/shangri-la-dialogue-2023-vietnam-was-silent-the-us-claims-to-help-india-06082023150220.html

 

Việt Nam có cử đoàn tham gia “Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á IISS: Đối thoại Shangri-La” (The IISS Asia Security Summit: The Shangri-La Dialogue) do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), một think tank độc lập ở Singapore tổ chức. Tại Hội nghị này, Việt Nam không có bất kỳ phát biểu chính thức nào, ngược lại, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã nhắc đến Việt Nam ba lần và đồng thời công bố một chương trình hỗ trợ phát triển công nghệ quân sự tiên tiến cho Ấn Độ.

 

RFA trao đổi với TS. Nagao Satoru ở Viện Nghiên cứu Hudson về các vấn đề an ninh liên quan đến Đông Nam Á và Việt Nam xoay quanh hội nghị này. 

 

Đông Nam Á lo lắng gì ở Đối thoại Shangri-La? 

 

Trao đổi với RFA, Tiến sỹ Nagao Satoru nhận xét rằng “Đối thoại Shangri-La” từ lâu đã là cuộc gặp gỡ các quốc gia nghiêng về phía Mỹ nhiều hơn, để thảo luận về các biện pháp đối phó với Trung Quốc. Nhưng kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga bắt đầu, các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á, đã nghi ngờ rằng Hoa Kỳ đang tập trung vào châu Âu chứ không phải Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

 

Trên thực tế, TS. Nagao nói, Hoa Kỳ không hề bỏ rơi mà cũng đang tập trung cả vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Họ đã thực hiện nhiều chương trình nhưng các nước Ấn Độ - Thái Bình Dương chưa hiểu rõ. 

 

TS. Nagao nêu các vấn đề mà Đông Nam Á quan tâm trong đó có Biển Đông và vấn đề Miến Điện: 

 

“Trung Quốc một lần nữa tiếp tục khiêu khích các nước Đông Nam Á. Philippines và Việt Nam đang đau đầu vì các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Vì vậy, các quốc gia này cần sự can thiệp của Hoa Kỳ.

 

Tình hình Myanmar cũng là một vấn đề quan trọng đối với các nước ASEAN. Tuy nhiên, Mỹ đã không có chính sách tích cực đối với Myanmar. Các nước ASEAN muốn Mỹ can dự nhiều hơn vào các vấn đề khu vực, chẳng hạn như Myanmar, tương tự như đối phó với cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.

 

Ngoài ra, các nước Đông Nam Á bắt đầu lo sợ chiến tranh. Các nước Đông Nam Á hi vọng không bị cuốn vào chiến tranh để tập trung vào phát triển kinh tế. Hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine và các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga đã làm tăng giá lương thực và năng lượng, cản trở sự phát triển kinh tế. Đó là lý do các nước Đông Nam Á cũng đang kêu ca về Mỹ, mặc dù Nga là tồi tệ nhất.”

 

Cuối tháng 5, 2023, Tổng thống Mỹ Biden đã hủy bỏ chuyến thăm tới các quốc đảo Nam Thái Bình Dương và hội nghị QUAD ở Australia sau khi họp thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản, để khẩn cấp về Mỹ giải quyết vấn đề trần nợ công. Theo TS. Nagao Satoru, việc hủy bỏ này của ông Biden cũng đã vô tình gửi đi một thông điệp sai lầm: 

 

“Điều này làm Đông Nam Á cảm thấy rằng đối với G7 thì Châu Âu là quan trọng, nhưng khi Nam Thái Bình Dương và Úc thảo luận về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì điều đó không quan trọng với G7. Tôi nghĩ đó là một thông điệp không hay. Tại Hội nghị Shangri-La vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Austin đã cố gắng thay đổi hình ảnh của Mỹ. Đó là những gì họ thể hiện trong lời nói và hành động của mình. Tôi nghĩ hội nghị Shangri-La năm nay là một hội nghị khó khăn đối với Mỹ và họ đã nỗ lực nhiều.”

 

Ngoài sự kiện công cộng chính, Hội nghị Shangri-La đã tổ chức các sự kiện song phương, ba bên và các sự kiện nhỏ khác. Trong đó, theo TS. Nagao Satoru, những vấn đề đáng chú ý nhất là cuộc gặp cấp bộ trưởng quốc phòng Mỹ - Trung không diễn ra trong năm nay, việc chính phủ Hoa Kỳ cố gắng thể hiện là nước Mỹ đã và sẽ có nhiều nỗ lực hơn ở Đông Nam Á. Đồng thời, Hoa Kỳ đã cố gắng chứng minh rằng mình vẫn là một quốc gia hùng mạnh. TS. Nagao nói: “Tôi nghĩ rồi đây Mỹ sẽ phải hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng càng sớm càng tốt.”

 

Tại sao Việt Nam “không nói gì” trong Đối thoại Shangri-la 2023?

 

Trong Đối thoại Shangri-la 2023, đoàn Việt Nam không phát biểu gì, dù sự kiện này diễn ra trong bối cảnh tàu khảo sát Xiang Yang Hong 10 của Trung Quốc tiến hành khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam lúc đó đã gần một tháng. Trong khi đó, như TS. Nagao Satoru nhận xét, bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Austin đã nhắc đến Việt Nam ba lần: 

 

“Cộng đồng ngư dân ở Philippines, Việt Nam và các đảo Thái Bình Dương phụ thuộc vào các tuyến đường thủy rộng lớn để kiếm sống.” 

“Indonesia và Việt Nam đã có những bước đi táo bạo trong việc giải quyết tranh chấp biên giới trên biển của họ. Và đây là kết quả sau 12 năm đàm phán khó khăn.” 

“Vì vậy, chúng tôi đang tăng cường lập kế hoạch, phối hợp và huấn luyện với những người bạn của chúng tôi từ Biển Hoa Đông đến Biển Đông cho đến Ấn Độ Dương. Điều đó bao gồm các đồng minh trung thành như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan. Và nó cũng bao gồm các đối tác có giá trị như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, và rõ ràng là chủ nhà của chúng tôi ở đây hôm nay tại Singapore.” 

 

TS. Nagao Satoru cho rằng có thể coi Đối thoại Shangri La chủ yếu là cuộc gặp của nhóm các nước nghiêng về phía Hoa Kỳ. Đây là nơi nhận được sự hỗ trợ từ các nước nghiêng về phía Hoa Kỳ. Trong trường hợp của Việt Nam, nước này đang đối diện với sự bành trướng của Trung Quốc. Nếu Việt Nam có nhận được hỗ trợ từ Mỹ trong Đối thoại Shangri-La 2023 thì đó là điều tốt. Ông Nagao nói: 

 

“Bộ trưởng Austin cũng trả lời câu hỏi liên quan đến sự khác biệt về chế độ chính trị giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Phản ứng của ông là Hoa Kỳ đang tập trung vào các lợi ích chung như trật tự dựa trên luật lệ chứ không phải chế độ chính trị. Nhìn từ tình huống trên, những nỗ lực của Việt Nam để có được sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ đã đạt được thành quả.

Việt Nam muốn Mỹ đẩy tàu khảo sát Trung Quốc ra khỏi vùng biển phía Nam Việt Nam nếu có thể. Trong tương lai, sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể sẽ là kiểu hợp tác như vậy.

Tại Đối thoại Shangri La năm nay, Việt Nam không có buổi phát biểu nào. Tôi nghĩ để thuyết phục người khác, tốt hơn hết là phát biểu trong một sự kiện lớn như vậy. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam sẽ phát biểu về những quan ngại của mình trong các diễn đàn quốc tế trong tương lai. Tôi nghĩ vậy.”

 

Việt Nam có thể làm gì khi Mỹ hỗ trợ Ấn Độ?

 

RFA đặt câu hỏi với TS. Nagao Satoru: “Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ có kế hoạch giúp Ấn Độ tiếp nhận các công nghệ cao và ứng dụng chúng để nâng cao năng lực quân sự. Xin ông bình luận về điều này. Các quốc gia Đông Nam Á đang đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông như Việt Nam không có công nghệ quân sự mới này, trong khi Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ và Nhật Bản để phát triển vũ khí công nghệ cao. Việt Nam sẽ làm gì và có thể làm gì để xử lý tình trạng nghiêm trọng này?” 

 

TS. Nagao Satoru giải đáp vấn đề bằng giải thích hoàn cảnh của Ấn Độ và cách lựa chọn của họ:  

 

“Hiện tại, một nửa số vũ khí mà Ấn Độ sở hữu là do Nga sản xuất. Mặc dù vũ khí của Ấn Độ là những cỗ máy cao cấp, độ tinh nhạy cao, nhưng binh sỹ của họ phải sử dụng chúng trong điều kiện khắc nghiệt. Việc Ấn Độ có tiếp cận nguồn cung cấp các bộ phận, thiết bị để bảo dưỡng, sửa chữa là rất quan trọng. 

Mặt khác, vũ khí mà Ấn Độ nhập khẩu từ Nga là vũ khí tiền tuyến, sử dụng đạn, nên Ấn Độ cũng cần nhập khẩu đạn từ Nga. Do đó, hợp tác với Nga là rất quan trọng để Ấn Độ chống lại Trung Quốc và Pakistan. Tình huống như vậy ngăn cản hợp tác Mỹ-Ấn bước vào cấp độ tiếp theo, cao hơn.

Kể từ khi Nga gây hấn với Ukraine bắt đầu, tình hình đã thay đổi. Nga cần vũ khí của mình. Và vì các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga, Nga đã không có đủ thiết bị kỹ thuật để chế tạo vũ khí. Do đó, một cách tự động, vũ khí xuất khẩu của Nga sang Ấn Độ đã giảm đi. 

Ngoài ra, Nga dựa vào sự hỗ trợ của Trung Quốc để cung cấp nhiều nguyên vật liệu bao gồm các thiết bị điện tử để sản xuất vũ khí. Như vậy, đối với Ấn Độ, Nga không phải là đối tác đáng tin cậy để chống lại Trung Quốc.

Do đó, Ấn Độ đã bắt đầu tự phát triển vũ khí của mình. Tuy nhiên, Ấn Độ cần nhập khẩu một số bộ phận quan trọng từ các nước khác để sản xuất vũ khí trong nước. Ví dụ, máy bay chiến đấu Tejaz do Ấn Độ tự phát triển đã sử dụng động cơ của Mỹ. Nhờ đó, các dự án phát triển vũ khí nội địa của Ấn Độ giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga và thúc đẩy hợp tác với Mỹ.

Một điều kiện như vậy có thể là một tình huống có lợi cho Hoa Kỳ. Trung Quốc đã tăng cường xuất khẩu hoặc cung cấp vũ khí cho nhiều quốc gia trong thời gian gần đây. Các quốc gia nhập khẩu vũ khí từ Trung Quốc tìm kiếm vũ khí giá rẻ hiệu quả. Trong trường hợp này, vũ khí của Mỹ không thể cạnh tranh với Trung Quốc vì vũ khí của Mỹ có chất lượng cao và đắt tiền. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ xuất khẩu được thì vũ khí của họ cũng tương tự như của Trung Quốc. Vũ khí của Ấn Độ tiết kiệm chi phí và không đắt tiền. Và nếu vũ khí của Ấn Độ đang sử dụng các bộ phận của Mỹ, thì đây là xuất khẩu vũ khí gián tiếp của Mỹ. Hợp tác Ấn-Mỹ sẽ làm giảm ảnh hưởng của cả Trung Quốc nếu Ấn Độ lấy khách hàng của Trung Quốc.

Do đó, hợp tác Mỹ-Ấn có thể làm giảm cả ảnh hưởng của Nga đối với Ấn Độ và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới. 

Đó là lý do tại sao Bộ trưởng Quốc phòng Austin cho biết “Sáng kiến về những Công nghệ Quan trọng và Mới nổi của chúng tôi với Ấn Độ cho phép chúng tôi khám phá những cách thức mới để cùng phát triển các nền tảng quốc phòng quan trọng.” 

Mỹ đang có kế hoạch sớm cung cấp các công nghệ động cơ máy bay chiến đấu và một số công nghệ khác cho Ấn.”

 

Trên cơ sở trình bày chiến lược của Ấn Độ như trên, TS. Nagao Satoru cho rằng Việt Nam có thể học cách làm của Ấn Độ. Bởi lẽ, tình thế về công nghệ quân sự của Việt Nam không khác Ấn Độ, cũng lệ thuộc vào Nga. Và Việt Nam cũng phải giải quyết vấn đề này. Ông đặt vấn đề công nghệ quân sự của Việt Nam trong chiến lược công nghệ dân dụng nói chung, trong đó có vấn đề phát triển công nghiệp xe hơi ở Việt Nam: 

 

“Gần đây, Việt Nam cũng đang phát triển công nghiệp xe hơi trong nước, v.v. Nếu vậy, giống như Ấn Độ, Việt Nam có thể hợp tác với các nước khác bao gồm Mỹ và Nhật Bản. 

Do không phát triển được công nghệ đủ tầm, nhiều nước trong đó có Việt Nam trông chờ vào sản phẩm, công nghệ của Trung Quốc, Nga. Với tình hình hiện tại liên quan đến Trung Quốc và Nga, đó là một tình thế rủi ro. 

Như vậy, giống như Ấn Độ, Việt Nam nên tăng cường hợp tác với Mỹ và Nhật Bản, không nên dựa vào Trung Quốc và Nga.”

 

-------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

·        Nhật, Mỹ, Úc, Canada lần đầu tập trận chung ở biển Hoa Đông và tín hiệu được gửi ra

·        Đối thoại Shangri-La: Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ “quan ngại sâu sắc” về thái độ của Trung Quốc

·        Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc không có đối thoại chính thức tại Singapore

·        Việt Nam cần yêu cầu Trung Quốc minh bạch hóa yêu sách “cấm biển” và chuẩn bị “ra tòa quốc tế”

·        Máy bay của Mỹ và Trung Quốc đối đầu trên Biển Đông






No comments: