Đập
nước ở Ukraine bị vỡ ảnh hưởng ra sao tới tình hình thế giới và Việt Nam?
RFA
2023.06.08
Đập thủy điện
tại thành phố Nova Kakhova trên sông Dnipr đã bị vỡ hôm giữa tuần, khiến toàn bộ
vùng hạ lưu, đông nam của vùng Donbass, gồm khoảng 80 ngôi làng, thị trấn,
thành phố, trong đó có thành phố Kherson, bị ngập.
Toàn cảnh đập nước Nova Kakhovka bị vỡ,
nhìn từ trên cao. Reuters
Đập vỡ-Ai hưởng lợi?
Trao đổi với RFA, hai nhà nghiên cứu Raymond
Powell ở Đại học Stanford và Trần Bằng từ Đại học Paris 2 Pantheon – Assas, đều
cho rằng hiện còn quá sớm để nhận xét về thảm họa này tới tình hình thế giới và
Việt Nam. Tuy vậy, cả hai ông đều đưa ra những nhận bước đầu về thảm họa
này.
Ông Raymond
Powell, nhà nghiên cứu về vấn đề Biển Đông ở Đại học
Stanford nói với RFA qua tin nhắn:
“Tôi nghĩ rằng có nhiều khả năng Nga là bên chịu
trách nhiệm về vụ vỡ đập, nhưng chúng ta chưa thể chắc chắn. Hiện nay khó có thể
đưa một kết luận quá rộng.
Chúng ta có thể đặt một câu hỏi rất mở là ai “được
hưởng lợi” từ thảm họa này. Cả phía Nga và Ukraine đều bị tổn hại theo những
cách khác nhau, và có lẽ ở thời điểm này, chúng ta vẫn chưa biết hết những tác
động ở cấp độ hai và cấp độ ba của nó.
Nếu là Nga thì đó là một hành động tồi tệ, nhưng tôi
không biết liệu đó có phải là điều tồi tệ nhất mà họ đã làm hay chưa. Họ đã xâm
chiếm nước láng giềng, san bằng các thành phố một cách bừa bãi và bắt cóc trẻ
em trở về Nga. Danh sách tội ác chiến tranh của họ đã dài. Vì vậy, mặc dù đây
là một sự kiện khủng khiếp, nhưng tôi không chắc nó thay đổi bao nhiêu cách khu
vực hoặc thế giới phản ứng với Nga.
Ví dụ, nếu trước đây Việt Nam không lên án Nga về
các tội ác chiến tranh thì bây giờ Việt Nam có làm như vậy không, nhất là khi
Nga phủ nhận có liên quan đến việc phá đập?
Tôi nghĩ điều có thể thay đổi tư duy của các bên về
cuộc chiến là cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine. Nếu Ukraine đạt
được một bước đột phá quan trọng, điều đó thực sự sẽ thay đổi khá nhiều động lực.”
Nhà nghiên cứu Trần
Bằng, nghiên cứu sinh tiến sỹ ngành Khoa học Chính
trị tại Đại học Paris 2 Pantheon – Assas, nhận xét với RFA qua tin nhắn:
“Nhìn trên hình ảnh và một số video thì chúng ta
chưa rõ được mức độ tàn phá. Nếu người ta phá sập hoàn toàn con đập, hoặc chỗ
phá ở dưới sâu so với chiều cao đập thì vấn đề sẽ khác, còn phá ở vị trí cao
thì cái đập thành đập tràn, tức là mực nước hồ chứa tụt xuống ngang mức bị phá
rồi ngưng lại thôi.
Đây chỉ là cảm nhận cá nhân, nhưng khi xem hình ảnh
và video thì tôi cảm giác vị trí bị vỡ ở khá cao trên thân đập, nên có lẽ tác hại
cũng hạn chế được phần nào. Chúng ta thử tưởng tượng nếu thổi bay cả con đập,
toàn bộ nước hồ chứa thoát xuống thì thảm họa kinh khủng lắm.”
Chiến lược của Việt Nam với Nga có ảnh hưởng?
Liệu thảm hoạ vỡ đập này ảnh hưởng đến tình
hình thế giới và nói riêng với Việt Nam hay không? RFA, trong đoạn sau, trao đổi
chi tiết hơn với nhà nghiên cứu Trần Bằng:
RFA: Theo ông, liệu Nga có lại bị Liên hiệp Châu Âu
rồi Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết lên án một lần nữa hay không?
Trần Bằng: Không ai biết trước được
vì chưa có kết quả điều tra vì sao đập bị vỡ và nếu bị phá thì ai là tác giả vụ
phá đập. Nhưng tôi nghĩ có lẽ khả năng Nga chịu trách nhiệm cho vụ này thì nhiều
hơn là Ukraine. Nhưng ngay cả giả sử sau này kết quả điều tra cho thấy Nga phải
chịu trách nhiệm cho thảm họa này, thì giờ đến mức này, Nga cũng sẽ mặc kệ
thôi. Họ không quan tâm nữa, bị lên án nhiều rồi thì bị lên án thêm nữa cũng vậy.
Bây giờ bên nào thắng trên chiến trường sẽ có tiếng nói quyết định về cục diện.
RFA. Liệu có thể dự đoán lương thực thế giới sẽ thiếu
hụt hơn nữa? Giá lương thực ở Châu Âu và Hoa kỳ có thể tăng? Châu Âu và Mỹ sẽ
có thêm khó khăn gì khi phải cứu trợ nạn nhân trận lụt, giải quyết thảm hoạ môi
trường vì một kho dầu cũng bị rò rỉ theo dòng nước lụt?
Trần Bằng: Tôi không đủ thông
tin để xác định sản lượng lương thực trong khu vực ngập lụt là bao nhiêu % trên
tổng số diện tích canh tác còn trong tầm kiểm soát của Ukraina. Ngoài ra cần phải
có thêm thông tin về năng lực xuất khẩu qua đường bộ trước sự kiện này, và theo
dõi xem nó sẽ thế nào trong tương lai. Nhưng nhìn chung tôi có cảm giác là càng
xáo trộn thì giá cả sẽ tăng, trong dài hạn thì EU và Mĩ (cũng như thế giới) sẽ
khắc phục được, còn trong ngắn hạn thì sẽ khó khăn.
Về cứu trợ thì có lẽ Mỹ, Châu Âu và Ukraine chỉ
có thể cứu trợ nạn nhân trong vùng do Ukraina kiểm soát thôi, còn vùng Nga kiểm
soát thì họ không thể.
Về vấn đề môi trường thì tôi nghĩ môi trường
Ukraina đã bị nhiễm độc do thuốc nổ nhiều lắm rồi, ngay cả sau khi chiến tranh
kết thúc thì còn lâu nữa mới giải quyết xong.
RFA. Giả sử Putin là bên phá con đập này, liệu Putin
tính toán gì đối với người dân Mỹ và Châu Âu nếu làm điều đó? Có phải Putin muốn
người dân Mỹ và Châu Âu gặp thêm khó khăn để không ủng hộ Ukraine nữa?
Trần Bằng: Phá đập gây ngập lụt
để ngăn cản đối phương tấn công không phải là mới. Ukraina cũng đã buộc phải
làm vậy để ngăn xe tăng Nga tiến về Kyiv hồi 2022. Bây giờ thì
Ukraine đang ở chuẩn bị tấn công. Tôi nghĩ nếu Putin là bên phá đập thì mục
đích chỉ là để ngăn Ukraina phản công là chính, còn ảnh hưởng của nó đến Mĩ và
EU có lẽ rất ít.
RFA. Liệu Nga có còn năng lực và cơ hội giữ được
vùng Viễn Đông Nga, nơi có diện tích gấp 5 lần Trung Quốc nhưng dân số chỉ 8
triệu người, tiếp giáp với 3 tỉnh Trung Quốc với 120 triệu dân?
Trần Bằng: Việc giữ được hay
không phần Viễn Đông phụ thuộc vào sự khôn ngoan của giới chính trị Nga. Tôi
không tin tin là Nga sẽ rơi vào cảnh khó khăn như Triều Tiên vì Nga vẫn còn tiềm
lực công nghệ, còn tài nguyên, còn vũ khí hạt nhân và năng lực xuất khẩu vũ khí
thông thường. Nhưng Trung Quốc chắc chắn sẽ lợi dụng để mở rộng ảnh hưởng,
không loại trừ việc chiếm thêm đất. Về kinh tế, khu vực Hei Long Jiang (Hắc
Long Giang) ra biển qua Vladivostok có ngắn chút so với ra Dalian (Đại Liên)
nhưng có lẽ không đáng kể lắm, tuy vậy, về đất đai thì Trung Quốc luôn muốn
thêm. Tư duy kiểu cũ của họ không thay đổi được.
RFA. Bắt đầu từ sự suy tàn của Nga, chúng ta hãy
quay trở lại quan hệ Mỹ Trung và cuối cùng là ảnh hưởng tới Việt Nam. Liệu Mỹ
có lại cần đến Trung Quốc để xử lý một nước Nga suy tàn, bị cô lập, đem vũ khí
hạt nhân ra dọa thế giới, giống như họ cần Trung Quốc để giữ yên Bắc Triều
Tiên?
Trần Bằng: Không ai có thể tiên
đoán hoặc khẳng định gì về tương lai. Nhưng xu thế chung là phương Tây có lẽ giải
quyết xong Nga thì sẽ đến lượt Mĩ - Trung tranh hùng gây cấn hơn. Họ sẽ
không đánh nhau trực tiếp, như Liên Xô và Mỹ không đánh nhau vậy. Nếu có va chạm,
các cường quốc sẽ va chạm ở vùng đệm trước. Và chúng ta không thể biết vùng đệm
đó là vùng nào trong tương lai.
Vùng đệm đó sẽ phải nhỏ, vừa đủ để hai bên thử
sức. Không loại trừ đó có thể là Việt Nam và Biển Đông vì nó “vừa miếng” với tất
cả. Thành ra tôi không nghĩ là Mĩ sẽ cần Trung Quốc để kiểm soát Nga. Châu Âu
"kèm" Nga là được rồi, nó làm châu Âu không thể thoát quá xa khỏi Mĩ,
vừa giữ cho Nga không quá cực đoan.
RFA. Việt Nam và Nga đã có kế hoạch cho chuyến thăm
của Putin đến Việt Nam trong mùa hè này. Giả sử có kết quả điều tra là đập vỡ
vì Nga phá, liệu Việt Nam sẽ huỷ chuyến thăm của Putin vì hình ảnh xấu đó?
Trần Bằng: Việt Nam cần Nga để
cân bằng với Trung Quốc, đúng hơn là Việt Nam cố gắng neo với Nga, với hi vọng
làm Trung Quốc cư xử vừa phải hơn. Đấy có lẽ là lí do lớn nhất, ngoài chuyện
mua vũ khí Nga thì rất dễ dàng, do Nga không có cơ chế minh bạch như Mỹ hay
Châu Âu.
Thành ra chuyện đập nước bị phá chắc không ảnh
hưởng đến tính toán chiến lược của Việt Nam với Nga.
Còn nếu đánh giá về chiến lược này của Việt
Nam, tôi nghĩ vấn đề lớn nhất của Việt Nam là neo chính trị, quân sự và kinh tế
vào cả 3 hướng Trung Quốc, Nga và phương Tây. Từ trước tới nay, 3 bên có xung đột
nhưng thấp, thì đó là chiến lược tốt. Từ khi chiến tranh Ukraine đến nay, cả 3
ông lớn xoay ra đánh nhau thì chiến lược đó là gánh nặng, Việt Nam nên tìm cách
thay đổi để tìm giải pháp tối ưu.
Tôi nghĩ là Việt Nam không hẳn cảm thấy thoải
mái khi bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết lên án Nga ở Liên Hiệp Quốc. Ví dụ
như ở Đối thoại Shangri-La 2023 vừa rồi, Việt Nam tham dự nhưng im lặng. Có lẽ
vì trong lúc căng thẳng ở Ukraina và Biển Đông vẫn đang diễn ra, Việt Nam không
muốn phát biểu. Hoặc cũng có thể Việt Nam đang kẹt trong tư duy của chính mình,
vừa là kẹt tư duy chính sách, vừa là kẹt trong tư duy thích làm "đại trượng
phu", nghĩa hiệp, không bỏ bạn cũ, bất luận bối cảnh thế giới đã thay đổi.
Rất lạ là Việt Nam tuy một mặt nghĩ mình yếu
và chấp nhận nhẫn nhịn cho qua chuyện, nhưng luôn thích làm người nghĩa hiệp.
Trong khi Trung Quốc đang tung tàu khảo sát xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của mình,
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố công khai là đang hoạt động trong vùng thuộc
quyền tài phán của họ, thì Việt Nam vẫn mời tàu hải quân Trung Quốc đến “giao lưu.” (Xem
báo Dân Việt: “Ngắm tàu Hải quân Trung Quốc đang thăm Đà Nẵng”).
Có lẽ Việt Nam muốn nói rằng ta rất quân tử, tuy Trung Quốc xấu nhưng ta cư xử
vẫn đúng mực. Nhìn từ một khía cạnh nào đó thì khá giống nhân vật AQ trong tiểu
thuyết “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn.
RFA xin cảm ơn hai nhà nghiên cứu Raymond Powell và
Trần Bằng đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
No comments:
Post a Comment