Moscow
đòi ICJ hủy vụ Ukraine kiện Nga sáp nhập Crimea và tài trợ khủng bố
09/06/2023
Nga ngày 8/6 kêu gọi các thẩm
phán tại tòa án cấp cao nhất của Liên hiệp quốc hủy bỏ vụ kiện do Ukraine khởi
kiện chống lại Moscow về việc sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014 và vũ trang cho
quân nổi dậy ở miền đông Ukraine trước khi Nga xâm lược quy mô vào tháng 2 năm
2022.
https://gdb.voanews.com/c42c0000-0aff-0242-edca-08d9f60a0ec1_w1023_r1_s.jpg
Một phiên xử
của Tòa án Công lý Quốc tế ICJ tại The Hague, Hà Lan.
“Hôm nay, chúng tôi xuất hiện trước quý vị để nói rằng
đơn kiện của Ukraine phải bị bác vì nó không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào. Đơn
kiện cũng không có bất kỳ bằng chứng thực tế nào chứng minh điều đó”, Đại sứ
Nga tại Hà Lan Alexander Shulgin nói với các thẩm phán tại Tòa án Công lý
Quốc tế.
Ông Shulgin cũng cáo buộc Ukraine phá hủy đập
Kakhovka.
Ukraine tố Nga cho nổ tung con đập mà lực lượng của
Moscow đang kiểm soát, trong khi Nga cáo buộc Ukraine đã cho nổ tung nơi này.
Ông Shulgin nói: “Chế độ Kyivv không chỉ tiến hành
các cuộc tấn công bằng pháo dồn dập vào con đập vào đêm 6/6 mà còn cố tình đẩy
mực nước của hồ chứa Kakhovka đến mức nguy hiểm bằng cách mở các van của nhà
máy thủy điện.”
Các luật sư của Ukraine nói khi các phiên điều trần
trong vụ kiện khai mạc hôm 6/6 rằng Nga đã tài trợ cho một “chiến dịch đe dọa
và khủng bố” của quân nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu từ năm 2014 và tìm
cách thay thế cộng đồng đa sắc tộc của Crimea bằng “chủ nghĩa dân tộc Nga mang
tính phân biệt đối xử”.
Ukraine đã đệ đơn kiện vào năm 2017, yêu cầu tòa án
thế giới ra lệnh Moscow bồi thường thiệt hại cho các cuộc tấn công và tội ác
như vụ bắn hạ chuyến bay MH17 của Malaysia Airlines bằng một phi đạn Nga bắn từ
lãnh thổ mà phiến quân được Moscow hậu thuẫn kiểm soát vào ngày 17 tháng 7 năm
2014 giết chết tất cả 298 hành khách và phi hành đoàn.
Chính phủ Ukraine cáo buộc Nga đã vi phạm hai hiệp
ước: Công ước Quốc tế về Ngăn chặn Tài trợ Khủng bố và Công ước Quốc tế về Xóa
bỏ Mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc.
Về cáo buộc tài trợ khủng bố, ông Michael
Swainston, luật sư người Anh đại diện cho Nga, cho biết nhóm pháp lý của
Ukraine đã không chứng minh được rằng các hành động của phiến quân thân Moscow ở
miền đông Ukraine có thể bị coi là khủng bố.
Ông Swainston nói: “Điều cần thiết là phải phân biệt
giữa những kẻ khủng bố cố tình nhắm mục tiêu vào dân thường và những binh lính
thấy trước rằng dân thường sẽ bị giết như một thiệt hại phụ trong khi tấn công
một mục tiêu quân sự.” “Cái trước là tội ác chiến tranh, còn cái sau thể hiện
hành vi hợp pháp. Và tất nhiên, những người lính cũng mắc sai lầm.”
Ông cũng tranh luận rằng vụ bắn rơi MH17 có thể được
coi là một hành động khủng bố, đồng thời tìm cách gây phương hại cho những phát
hiện của một tòa án Hà Lan năm ngoái vốn đã kết án hai người Nga và một người
Ukraine thân Moscow về các tội giết người vì vai trò của họ trong việc bắn rơi
chiếc máy bay từ Amsterdam đến Kuala Lumpur.
Tòa án The Hague đã ra phán quyết sau nhiều tháng
xét xử và nhiều năm điều tra quốc tế rằng chiếc Boeing 777 đã bị bắn hạ bởi một
hệ thống phi đạn đất đối không Buk được đưa vào Ukraine từ một căn cứ quân sự của
Nga và sau đó quay trở lại căn cứ.
“Không có Buk của Nga. Không có Buk đến từ Nga.
Không có nhóm nào để cho Buk đến từ Nga,” ông Swainston nói, gọi bằng chứng mà
tòa án Hà Lan dựa vào để đưa ra phán quyết là “vô nghĩa không có nguồn gốc kỹ
thuật số”.
Một thành viên khác của nhóm pháp lý Nga, Kirill
Udovichenko, nói với tòa án rằng “không thể tranh cãi” rằng cuộc xung đột ở
Ukraine đã “dẫn đến thương vong dân sự. Tuy nhiên, không có sự kiện bi thảm nào
trong số này tạo ra một trường hợp hợp lý cho khủng bố hoặc tài trợ cho khủng bố”
như được định nghĩa trong công ước.
Sau khi các phiên điều trần dự
kiến kết thúc vào tuần tới, các thẩm phán sẽ mất nhiều tháng để đưa ra quyết định
trong vụ án. Phán quyết của tòa án là chung quyết và có tính ràng buộc về mặt
pháp lý.
No comments:
Post a Comment