Tuesday, June 27, 2023

LIÊN ÂU LO NGẠI NGUY CƠ LỰC LƯỢNG WAGNER TỪ BELARUS ĐÁNH VÀO UKRAINE (Trọng Nghĩa / RFI)

 



NỘI DUNG :

Liên Âu lo ngại nguy cơ lực lượng Wagner từ Belarus đánh vào Ukraina

Trọng Nghĩa  -  RFI

.

Wagner nổi loạn : Hệ quả nào cho tập đoàn lính đánh thuê ở châu Phi ?

Minh Anh  -  RFI

.

Vụ ‘‘nổi loạn’’ của Prigojine phơi bày sự ‘‘rữa nát’’ của Nhà nước Nga

Trọng Thành  -  RFI

 

================================================

.

.

Liên Âu lo ngại nguy cơ lực lượng Wagner từ Belarus đánh vào Ukraina

Trọng Nghĩa  -  RFI

Đăng ngày: 26/06/2023 - 13:35

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230626-li%C3%AAn-%C3%A2u-lo-ng%E1%BA%A1i-nguy-c%C6%A1-l%E1%BB%B1c-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-wagner-d%C3%B9ng-belarus-l%C3%A0m-b%C3%A0n-%C4%91%E1%BA%A1p-%C4%91%E1%BB%83-%C4%91%C3%A1nh-v%C3%A0o-ukraina

 

Ngoại trưởng 27 nước Liên Hiệp Châu Âu họp lại vào hôm nay 26/06/2023 tại Luxembourg trong khuôn khổ một cuộc họp hàng tháng. Dù cuộc “xâm lược Ukraina của Nga” đã có trong chương trình nghị sự, nhưng sau vụ nổi loạn  bất thành của lực lượng Wagner cuối tuần qua, tình hình nội bộ Nga đã nổi lên thành mối quan tâm hàng đầu của Liên Âu, trong đó có mối lo về khả năng Wagner từ Belarus tấn công vào Ukraina.

 

https://s.rfi.fr/media/display/06aae2dc-140e-11ee-928d-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2023-06-24T091154Z_1123569028_RC2IP1AG1RPL_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-RUSSIA-ROSTOV-WAGNER.webp

Lính của Wagner trên một xe thiết giáp tại Rostov trên sông Đông, Nga, ngày 24/06/2023. REUTERS - STRINGER

 

Phát biểu tại hội nghị vào sáng nay, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borell cho rằng cuộc nổi loạn bất thành của lực lượng Wagner tại Nga cho thấy là cuộc xâm lược Ukraina đã gây chia rẽ nội bộ lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, ông Borell cảnh báo rằng tình hình bất ổn tại một cường quốc hạt nhân như Nga “không phải là điều tốt”.

 

Theo thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles, các rối loạn tại Nga đã khiến các nước châu Âu bị bất ngờ, do đó các ngoại trưởng cần cấp tốc thảo luận để xác định lập trường thống nhất của Liên Âu:

“Các ngoại trưởng sẽ gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraina, và dự kiến ​​sẽ phê duyệt thêm 3,5 triệu euro trợ giúp, thế nhưng cuộc tranh luận hiện đang tập trung vào Nga.

 

Ngay từ hôm qua, một số ngoại trưởng đã lên tiếng, trong đó có ngoại trưởng Ý Antonio Tajani, thể hiện quan điểm chung khi khẳng định rằng cuộc nổi loạn bất thành của Yevgeny Prigojine phản ánh một sự leo thang xung đột nội bộ đang chia rẽ giới quân sự Nga.

 

Liên Âu đã coi đó là thêm một lý do để duy trì sự thống nhất trong khối, nhưng ngoài ra, hậu quả của tình hình nội bộ Nga đang khiến họ lo lắng.

 

Tất nhiên, mối lo đầu tiên, như thủ tướng Áo đã nêu bật cách nay hai hôm, là tình hình bất ổn chính trị tại Nga có nguy cơ khiến cho các kho vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học của nước này rơi vào tay một kẻ còn tệ hại hơn Vladimir Putin.

 

Nhưng chính tổng thống Litva Gitanas Nausėda mới là người tổng hợp tốt nhất những lo ngại của Liên Âu. Theo ông, đối mặt với sự xuất hiện của lực lượng lính đánh thuê Nga Wagner ở Belarus, Liên Hiệp Châu Âu cần phải tăng cường phòng thủ. Một số người cho rằng Wagner có thể từ lãnh thổ Belarus  tấn công vào Ukraina.”

 

Sự rạn nứt hệ thống quyền lực tại Nga đã được hầu hết các lãnh đạo phương Tây nêu bật.

 

Theo tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vụ nổi loạn của Wagner cho thấy tình trạng “chia rẽ bên phía Nga” và “sự mong manh của cả quân đội Nga lẫn các lực lượng phụ trợ cho họ”.

 

Về phần Hoa Kỳ, ngoại trưởng Antony Blinken cũng ghi nhận cuộc khủng hoảng ở Nga đã “bộc lộ những rạn nứt thực sự” ở cấp cao nhất của nhà nước Nga. Theo ông: “Chỉ riêng việc có một người nào đó ngay bên trong guồng máy thách thức quyền lực của Putin và trực tiếp đặt nghi vấn về lý do ông ấy phát động cuộc xâm lược Ukraina, đã là một điều gì đó rất mạnh mẽ”.

 

Riêng tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm nay nhận định rằng vụ Wagner nổi loạn ở Nga chứng tỏ ông Putin đã phạm một “sai lầm chiến lược lớn” khi “sáp nhập vùng Crimée một cách phi pháp và tiến hành cuộc chiến chống Ukraina”.

 

Về phía các đồng minh của Nga, đáng chú ý là phản ứng của Bắc Kinh. Theo hãng tin Anh Reuters, bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm qua đã khẳng định ủng hộ Nga trong việc duy trì sự ổn định quốc gia, và xem các diễn biến mới đây là “công việc nội bộ” của Nga. 

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

NGA - UKRAINA - VŨ KHÍ HẠT NHÂN

Tổng thống Nga Putin thông báo đã chuyển đầu đạn hạt nhân đến Belarus

 

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus : Châu Âu có nên lo ?

.

===================================================

.

.

Wagner nổi loạn : Hệ quả nào cho tập đoàn lính đánh thuê ở châu Phi ?

Minh Anh  -  RFI

Đăng ngày: 26/06/2023 - 12:16

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230626-wagner-n%E1%BB%95i-lo%E1%BA%A1n-h%E1%BB%87-qu%E1%BA%A3-n%C3%A0o-cho-t%E1%BA%ADp-%C4%91o%C3%A0n-l%C3%ADnh-%C4%91%C3%A1nh-thu%C3%AA-%E1%BB%9F-ch%C3%A2u-phi

 

Hai ngày sau cuộc nổi loạn bất thành, lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner Evgueni Prigojine hôm nay, 26/06/2023, được cho là sẽ đến Belarus sống lưu vong theo thỏa thuận với tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngày giờ xuất phát và nơi ở của ông không được công bố.

 

https://s.rfi.fr/media/display/a40a350e-4480-11ed-9f58-005056bf30b7/w:980/p:16x9/%D0%A0%D0%BE%D1%81%D1%96%D0%B9%D1%81%D1%8C%D0%BA%D1%96%20%D0%BD%D0%B0%D0%B9%D0%BC%D0%B0%D0%BD%D1%86%D1%96%20%D0%B2%20%D0%90%D1%84%D1%80%D0%B8%D1%86%D1%96-1.webp

Lính đánh thuê Wagner tại miền bắc Mali, châu Phi. Nguồn ảnh không xác định rõ thời điểm. AP

 

Câu hỏi đặt ra : Số phận của những binh sĩ thuộc tập đoàn Wagner sẽ ra sao? Lực lượng này không chỉ có mặt ở Ukraina, mà chủ yếu là ở châu Phi. Liệu cuộc nổi loạn bất thành có làm thay đổi sự hiện diện của Nga ở châu lục này? 

 

Trả lời đài RFI, Kelian Sanz Pascual, chuyên gia địa chính trị, thuộc văn phòng tư vấn Cassini, phân tích: 

 

« Sẽ có những thay đổi sau sự kiện này, kể cả ở châu Phi. Vấn đề cần quan tâm là liệu Evgueni Prigojine có sẽ được tiếp tục lãnh đạo Wagner hay không ? Nếu ông ấy không được giữ lại, liệu Wagner có sẽ tiếp tục tồn tại như hiện nay, hay là nhân sự sẽ bị phân tán trong nhiều cơ cấu khác nhau ? Chúng ta cũng không thể loại trừ khả năng lực lượng Wagner sớm hay muộn cũng sẽ nằm dưới sự kiểm soát của bộ Quốc Phòng giông như các công ty quân sự tư nhân khác.

 

Tôi không lấy làm lạ về việc ông Shoigu và những người thân cận của ông hoặc những người có cùng lợi ích với bộ Quốc Phòng muốn chiếm lấy quyền kiểm soát Wagner.  

 

Tuy nhiên, có thể bộ Quốc Phòng Nga không phải là tác nhân duy nhất tìm cách chiếm lấy những phần thị trường này. Ngược lại, điều chắc chắn là tầm ảnh hưởng của Nga tại châu Phi sẽ không hề bị suy suyển, mà có thể sẽ  chỉ mang một hình thái khác so với những gì chúng ta biết hiện nay. »  

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

NGA - WAGNER - NỔI DẬY

Lực lượng Wagner chấm dứt cuộc nổi loạn và rút khỏi các vị trí trên đất Nga

 

NGA - QUÂN ĐỘI - CHIA RẼ

Wagner "nổi loạn" : Quân đội Nga bị chia rẽ ?

 

NGA - LÍNH ĐÁNH THUÊ

Công ty lính đánh thuê Wagner từ chối ký hợp đồng với bộ Quốc Phòng Nga

 

=====================================================

.

.

Vụ ‘‘nổi loạn’’ của Prigojine phơi bày sự ‘‘rữa nát’’ của Nhà nước Nga

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 26/06/2023 - 16:41

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20230626-vu-noi-loan-cua-prigojine-phoi-bay-su-thoi-rua-cua-nha-nuoc-nga

 

Vụ ‘‘nổi loạn’’ ngắn ngủi chống Matxcơva của chủ nhân công ty lính đánh thuê Wagner, bùng lên rồi tắt ngấm ngay trong ngày thứ Bảy 24/06/2023, là chủ đề trang nhất của các nhật báo Pháp số ra đầu tuần. Le Figaro nói đến ‘‘Cuộc nổi dậy làm rung chuyển quyền lực Putin’’. Tựa chính của Libération : ‘‘Prigojine, kẻ phản bội điện Kremlin’’, đã tung ra ‘‘một thách thức chưa từng thấy nhắm vào đồng minh Putin, khi đe dọa thẳng tiến Matxcơva, trước khi rút lui bí ẩn’’.

 

https://s.rfi.fr/media/display/e1b699e8-0635-11ee-9f68-005056a90284/w:980/p:16x9/wagner_01-1.webp

Ảnh minh họa : Mặt nạ tổng thống Nga Vladimir Putin (P), chủ công ty Wagner Evgueni Prigojine (G) và lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov (T) tại một tiệm bán đồ kỷ niệm ở Saint-Pétersbourg, Nga, ngày 04/06/2013. AP - Dmitri Lovetsky

 

Ấn tượng nổi bật là vụ nổi loạn của Prigojine làm rung chuyển quyền lực của cựu sĩ quan KGB, người cai trị nước Nga hơn hai thập niên với bàn tay sắt cùng rất nhiều thủ đoạn tinh vi. Trang nhất La Croix đăng hình binh lính Wagner trên một xe tăng trên nền trời đen kịt, cùng hàng tựa ‘‘Ngày mà Putin phải run rẩy’’.

 

Putin phải ‘‘run rẩy’’

Cuộc ‘‘binh biến’’ của Wagner đã ‘‘gây bất ngờ cho điện Kremlin, gieo rắc nỗi bàng hoàng trong hệ thống quyền lực Nga’’. Bài xã luận của nhật báo Công Giáo, nhan đề ‘‘Những rạn nứt ở điện Kremlin’’, khẳng định lãnh đạo Nga phải đương đầu với ‘‘cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất’’ trong 23 năm cầm quyền, khi bị chính ‘‘thuộc hạ thân tín thách thức’’. Evgueni Prigojine là sản phẩm của Putin, cựu sĩ quan KGB, vốn ‘‘tin tưởng có thể duy trì quyền lực với việc trực tiếp điều hành hàng loạt thủ hạ và những tổ chức’’, như kiểu công ty Wagner, nhưng rút cục ‘‘đã bị tay chân phản lại’’. Và đây có thể chỉ là ‘‘cảnh báo đầu tiên’’.

 

Bài xã luận nhan đề ‘‘Rung chuyển’’ của Libération cũng dự báo ‘‘kể từ cuộc nổi dậy của Prigojine, toàn thế giới đã đi đến kết luận Putin không còn kiểm soát được tình hình. Các diễn biến kiểu như ngày 24/06 có thể sẽ tái diễn. Các băng đảng, phe nhóm hay các lực lượng vũ trang tư nhân… Trong số những thế lực thù địch trong nước này, sắp tới kẻ nào sẽ thẳng tiến về Matxcơva ?’’

 

Không phải là ‘‘người hùng’’

Đối với Le Figaro, cho đến hiện tại, với việc lãnh đạo tối cao Nga tỏ ra ‘‘khoan dung’’, nhân nhượng bất ngờ với kẻ bị gọi là ‘‘phản quốc’’ chỉ ít giờ trước, ‘‘người hùng của nước Nga đã hoàn toàn không phải là con người như mọi người vẫn tưởng’’Putin đã phải ‘‘run rẩy’’. Đây là điều diễn ra ngay trước mắt bàn dân thiên hạ.

 

Bài xã luận của Le Figaro, nhan đề ‘‘Prigojine, người tiết lộ’’ nhấn mạnh : ‘‘những diễn biến không thể tin nổi’’ mà nước Nga cho thấy trong ngày thứ Bảy 24/06 vừa qua chỉ là ‘‘phần hiển lộ của một tình trạng bất ổn sâu hơn nhiều. Khi chà đạp lên các định chế của đất nước từ hai thập niên qua, chính Putin đã mở màn cho tiến trình phân rã của Nhà nước Nga – cuộc chiến tranh tại Ukraina chỉ khiến quá trình thối rữa này thêm tăng tốc’’.

 

''Tuyên chiến'' với Putin hay ''mặc cả'' với Putin ?

Đằng sau ấn tượng ban đầu về quyền lực Putin bị lung lay sau vụ ‘‘binh biến’’ chưa từng có này, những diễn biến bất ngờ ngày 24/06 tại Nga cũng khiến báo chí Pháp đặt nhiều câu hỏi. Hiện tại, theo Libération, chưa có lời đáp cho những vấn đề như : Ông chủ Wagner đã đạt được điều gì để chấp nhận sự ‘‘thất bại nhục nhã’’ này, khi buộc phải lưu vong tại Belarus, với nguy cơ bị ám sát đè nặng ? Tại sao ông ta rời khỏi thành phố Rostov trên sông Đông với nụ cười trên môi ?

 

Với Le Figaro, vụ rút lui của Prigojine ngược lại hoàn toàn không phải là ‘‘đầu hàng’’, mà đã có một thỏa hiệp, với nhiều bồi hoàn có lợi. Và bí ẩn lớn bao trùm lên vụ nổi dậy vẫn là vai trò của các lực lượng quân đội, được coi là các đồng minh của Prigojine, và vì sao tổng thống Nga không có phản ứng sớm hơn, khi có thể đã biết trước thông tin về vụ ‘‘nổi dậy’’ trước đó 24 giờ ?

 

Prigojine, ''kẻ lên án'' cuộc chiến của Putin

Một bí ẩn lớn khác liên quan đến quan hệ Prigojine – Putin, được Le Monde nêu bật trong bài xã luận ‘‘Lột mặt nạ nước Nga của Putin’’. Không chỉ đe dọa quyền lực của chủ nhân điện Kremlin với cuộc tiến quân về Matxcơva, chủ nhân công ty Wagner còn bác bỏ thẳng thừng luận điệu tuyên truyền của tổng thống Nga về ‘‘chiến dịch quân sự’’ tại Ukraina, được Matxcơva coi là chính nghĩa.

 

Bài xã luận của Le Monde thuật lại quan điểm của Prigojine, được nhắc đi nhắc lại trong buổi sáng ngày thứ Bảy 24/06, cùng lúc với thời điểm đoàn xe của Wagner tiến về thủ đô Nga. Lãnh đạo Wagner lên án cuộc chiến khiến hàng chục nghìn sinh mạng của hai bên bị cướp đi này, ‘‘hoàn toàn không phải vì lợi ích quốc gia, mà chỉ phục vụ cho những kẻ hưởng lợi nhờ chiến tranh’’. Mục tiêu tấn công của Prigojine không chỉ là giới thân cận đang bị coi là ‘‘ru ngủ tổng thống Nga’’, mà còn nhắm thẳng vào chính chủ nhân điện Kremlin.

 

Nhà nước của băng đảng: Nước Nga Putin lộ nguyên hình

Thực chất của nước Nga của Putin đã hiện nguyên hình với cuộc xâm lăng Ukraina. Vầng hào quang về sức mạnh quân sự Nga trước ngày 24/02/2022, giờ không còn nữa. Và giờ đây, cuộc ‘‘binh biến’’ nửa chừng của Prigojine cho thấy nước Nga chỉ còn là nơi cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các băng đảng, phe phái, mà tất cả dường như đều khẳng định trung thành với lãnh đạo tối cao.

 

Phần kết của bài ‘‘Lột mặt nạ nước Nga của Putin’’ của Le Monde lo ngại trước nguy cơ ‘‘nước Nga ngày càng lún sâu hơn nữa trong quá trình phân rã đầy bất trắc này’’. Le Monde cảnh báo : một nước Nga lâm vào tình trạng như vậy chắc chắn cũng sẽ không có lợi cho các quốc gia vốn có lập trường gần gũi với Nga, bất chấp các tội ác của quân đội Nga tại Ukraina, ‘‘trước hết là Trung Quốc’’.

 

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng dành chủ đề chính cho biến cố Wagner tại Nga. Với Les Echos, hiển nhiên đây là một dấu hiệu cho thấy ‘‘Chế độ Putin chao đảo’’, nhưng ‘‘bí ẩn vẫn bao trùm hoàn toàn vụ động binh của Prigojine’’. Đối với chuyên gia trung tâm Carnegie, ông Andrei Kolesnikov, được coi là ‘‘một trong những nhà chính trị học độc lập cuối cùng’’ còn trụ lại ở Nga, rất khó nói ai có lợi trong biến cố kỳ lạ này : ‘‘Prigojine biết sẽ không được gì, còn Putin không cần đến cuộc khủng hoảng này, trong bối cảnh ông ta từ nhiều tuần này đã tìm cách trấn an dân chúng’’.

 

Vụ binh biến Wagner: Kẻ hưởng lợi lớn nhất là ai ?

‘‘Cuộc binh biến có mầu sắc đảo chính’’ của Prigojine rõ ràng cho thấy tình hình hoàn toàn không có gì bình thường. Thông tín viên của Les Echos tại Matxcơva, Benjamin Quénelle, đã thu thập tiếng nói của nhiều người dân thủ đô nước Nga. Nhiều giả thiết ‘‘khó tin nhất’’ được đặt ra. Một doanh nhân tại Matxcơva cho rằng ‘‘kẻ được hưởng lợi duy nhất có thể là thủ lĩnh một thế lực trong hậu trường, vừa có mục tiêu loại Prigojine ra khỏi cuộc chơi, vừa giảm uy tín của Putin’’.

 

Ngoài Giáo hội Chính Thống Giáo Nga và một số nhân vật trong Quốc Hội Nga, không có bất cứ một tên tuổi nào trong chính giới Nga lên tiếng trong thời gian diễn ra cuộc binh biến. Một số người cho rằng, cuộc binh biến có thể dẫn đến thay đổi nhanh hơn về nhân sự trong hàng ngũ lãnh đạo bộ Quốc Phòng Nga, theo đòi hỏi của chủ nhân Wagner. Việc lực lượng của Wagner di chuyển dễ dàng về Matxcơva, rất ít gặp cản trở từ các lực lượng an ninh địa phương dẫn đến nghi ngờ có sự đồng lõa, hoặc ít nhất cũng nhắm mắt làm ngơ. Theo Les Echos, đa số quân nhân Nga ủng hộ chiến tranh tại Ukraina, nhưng có thể phần nào ủng hộ các chỉ trích của Prigojine nhắm vào quân đội và tầng lớp chỉ huy tham nhũng.

 

Với Les Echos, rõ ràng vụ binh biến cho thấy ‘‘những điểm yếu của chế độ Putin’’. Số lượng người công khai ủng hộ tổng thống Nga trong bộ máy dường như không nhiều. Theo dõi phản ứng của dân Nga trên các mạng xã hội, ít bị kiểm soát chặt, như Telegram, có thể thấy đông đảo dân Nga coi cuộc nổi loạn của Prigojine như một điều ''không quá lạ lùng''. 

 

Càng yếu, Putin càng nguy hiểm

Cũng Les Echos có một phân tích đáng chú ý khác của Dominique Moissi, với tiêu đề : ‘‘Putin đang trở nên nguy hiểm hơn, bởi vì suy yếu hơn’’. Trong bài viết này, nhà chính trị học Pháp nhấn mạnh hai điều. Thứ nhất là vụ ‘‘binh biến’’ mang lại một ví dụ hùng hồn, phản bác lại luận điệu của các lãnh đạo Nga và Trung Quốc từ nhiều năm nay, về các nền dân chủ tự do già cỗi phương Tây đang hụt hơi, và tương lai sẽ thuộc về các chế độ độc tài, và bởi vì ‘‘độc tài nên hiệu quả hơn’’.

 

Biến cố nói trên cho thấy mô hình độc tài đang suy yếu. Tổng thống Nga sử dụng các lực lượng lính đánh thuê như Wagner để gây bất ổn tại châu Phi, Trung Đông, cũng như kiểm soát các thủ lĩnh quân đội Nga. Nhưng giờ đây gậy ông đập lưng ông. Kẻ chủ trương chính sách ‘‘chia để trị’’ đang gánh lấy các hệ quả của phương cách hành xử, và những tính toán của chính chủ nhân điện Kremlin.

 

''Con thú bị thương'' và hệ thống vũ khí hạt nhân

Tuy nhiên, sự suy yếu của Putin không hẳn là một tin tốt lành. Nhà chính trị học Dominique Moissi cảnh báo : ‘‘Không gì nguy hiểm hơn một con thú bị thương, nhất là khi đối tượng sở hữu cả một hệ thống vũ khí hạt nhân hùng mạnh’’. Ông ghi nhận cuộc chiến xâm lăng Ukraina của Nga đã vén lộ thực chất của nước Nga Putin, và đang thúc lịch sử tăng tốc. Nhưng vấn đề là đi theo hướng nào ? Hiện còn quá sớm để trả lời.

 

Wasinghton lo ngại về nguy cơ Nga mất khả năng kiểm soát hệ thống vũ khí hạt nhân là chủ đề một bài viết của Le Figaro. Theo cựu thành viên Ủy ban đối ngoại Hạ Viện Adam Kinzinger, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đang xem xét ‘‘mọi kịch bản tồi tệ nhất’’, trong trường hợp Nga rơi vào nội chiến, hoặc hỗn loạn do chính quyền sụp đổ.

 

Chuyến thị sát Marseille của tổng thống Macron

Chuyến đi ba ngày của tổng thống Emmanuel Macron đến Marseille, thành phố lớn thứ hai của nước Pháp, là chủ đề trang nhất của một số báo hôm nay. Theo Le Figaro, chuyến đi có mục tiêu chính là nhằm kiểm tra việc thực thi kế hoạch ‘‘Marseille en grand’’, với một mục tiêu chấn chỉnh các dịch vụ công của Marseille, được khởi động từ năm 2021, với đầu tư 5 tỉ euro. Điều khiến nhật báo thiên hữu lo ngại là các bất đồng lớn giữa tổng thống và lãnh đạo địa phương thuộc cánh tả, thị trưởng Benoit Payan.

 

Chuyến đi của tổng thống Macron đến Marseille cũng là một chủ đề trang nhất của nhật báo thiên tả Libération. Theo Libération, hai năm sau khi khởi động kế hoạch ‘‘nhằm thay đổi đời sống hàng ngày của người dân Marseille’’, trong chuyến đi trở lại thành phố cảng, tổng thống Macron phải đối mặt với việc thực thi các cam kết trong hàng loạt lĩnh vực, từ giáo dục, an ninh, y tế đến văn hóa. Nhật báo thiên tả châm biếm chuyến đi của tổng thống Macron, với nhận xét, nhân dịp này, tổng thống Pháp sẽ phải đưa ra hàng loạt phát biểu tự ca ngợi mình. Trong số báo này, Libération có bài ‘‘Tại khu đô thị Bassens, không có gì thay đổi, thậm chí còn tệ hơn’’.

 

Marseille - cánh cửa đến với trái tim người Pháp

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng chú ý đến chuyến đi Marseille của tổng thống, và coi đây là một trắc nghiệm trước khi kết thúc giai đoạn 100 ngày hòa giải với dân Pháp, được ông Macron vạch ra nhằm khép lại giai đoạn khủng hoảng cải tổ hưu trí, bùng lên từ đầu năm nay. Les Echos ghi nhận thời gian ba ngày là chưa từng có trong một chuyến công cán của tổng thống ở trong nước. Trong cuộc tái tranh cử tổng thống, ông Macron đã có cuộc mít tinh lớn duy nhất giữa hai vòng, diễn ra tại Marseille.

 

Marseille được tổng thống Macron coi như cánh cửa đến với trái tim người dân Pháp trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, tương tự như Lyon, trong nhiệm kỳ đầu tiên. Theo Les Echos, cho dù có nhiều chậm trễ, đa số các dự án của kế hoạch chấn hưng Marseille đã bắt đầu được thực hiện, như thông báo của phủ tổng thống. Dự án chấn hưng giáo dục, với tổng số 188 trường học xây dựng lại hay đổi mới trên tổng số 470 trường, đã khởi sự với 19 trường, chủ yếu tại các khu vực dân cư nghèo nhất. Phủ tổng thống thừa nhận đây là một chương trình khó khăn.

 





No comments: