Làm sao phân biệt hoài nghi đúng và hoài
nghi sai
Agnès Vernet
Phóng viên khoa học
Giáo sư tin học
khoa Khoa học Đại học Sorbonne và là triết gia
Thái
Thị Ngọc Dư dịch
5.6.2023
http://www.phantichkinhte123.com/2023/06/lam-sao-phan-biet-hoai-nghi-ung-va-hoai.html#more
Tóm tắt
· Hoài nghi là một yếu
tố chính yếu của khoa học, và trong cộng đồng khoa học, sự thiếu vắng đồng thuận
là chuẩn mực.
· Nhưng đối diện
với sự ngờ vực cố hữu của nhà khoa học, hiện nay xã hội đang trải qua một dạng
hoài nghi khác: một sự hoài nghi chung đang đặt lại vấn đề các kết quả của khoa
học. Tuy nhiên, để có hiệu quả hơn, sự hoài nghi phải được bao gồm trong phương
pháp tiến hành khoa học.
· Do đó, đối với
Jean-Gabriel Ganascia, rất cần thiết phải trả lại vị trí trung tâm trong giáo dục
cho giảng dạy khoa học, và nhất là cho phương pháp khoa học.
=============================
Khoa học không có sự hoài nghi…
“Khoa học mà không có ý thức
chỉ là sự hủy hoại tâm hồn”, Rabelais đã báo trước như vậy. Ta cũng có thể diễn
giải là “Khoa học mà không có sự hoài nghi chỉ là sự hủy hoại tâm hồn”,
vì hoài nghi là một động lực của khoa học; không có hoài nghi các kiến thức sẽ
khô cứng, không tiến triển. Khoa học bao hàm sự nghi ngờ về những chân lý hiển
nhiên nhất. Bản tính của nhà khoa học là ưu tư – với nghĩa gốc là “không ngơi
nghỉ”. Nhà khoa học sẵn sàng đặt lại vấn đề tất cả, và để làm điều đó, họ nuôi
dưỡng một sự hoài nghi “đúng”, có tính xây dựng và có tổ chức.
Đối diện với sự hoài nghi này vốn
là bản chất của nhà khoa học, xã hội đang trải qua một dạng hoài nghi khác: một
chủ trương hoài nghi chung, đang đặt lại vấn đề các kết quả của khoa học. Khi
hai hiện tượng này gặp nhau, thì nhà khoa học trở thành con tin của chính sự
hoài nghi của mình.
Trong cộng đồng khoa học, sự
thiếu vắng đồng thuận là một tình trạng bình thường. Khoa học tiến bộ nhờ có
tranh luận và cuối cùng tranh luận được giải quyết. Một chứng cứ hay một thí
nghiệm giải quyết dứt khoát giữa hai hoặc ba quan điểm khác nhau, trước khi nổi
lên những vấn đề mới hay những tranh luận mới.
“Trong cộng đồng khoa học, sự thiếu vắng đồng thuận là một
tình trạng bình thường. Khoa học tiến bộ nhờ có tranh luận và cuối cùng tranh
luận được giải quyết.”
Trái lại, trong không gian công
cộng, phê bình của các nhà khoa học không nhằm giúp phát triển sự hiểu biết một
hiện tượng, mà chỉ nhằm đối chọi những lập luận. Khẳng định lập trường ở đây
không liên quan gì đến sự hoài nghi khoa học.
Chừng nào các nhà khoa học còn
làm việc tách rời với không gian công cộng thì những tranh luận chỉ giới hạn
trong môi trường khoa học. Từ nay, nhờ có các công bố được truy cập tự do và những
hình thức phổ biến kiến thức khác, các chu trình phổ biến khoa học được mở rộng.
Một mặt, việc chia sẻ kiến thức là một cơ may, nhưng mặt khác, nó vấp phải một
sự ngờ vực tập thể. Những tháng đầu tiên của đại dịch vào năm 2020 tạo thành một
minh họa nổi bật của hiện tượng này. Các nhà nghiên cứu và các bác sĩ đang đối
chiếu một cách tự nhiên các giả thuyết của họ đã phải đối diện với “60 triệu
nhà virus học”. Một cú sốc của những hoài nghi.
Phương pháp luận của sự hoài nghi
Khi một nhà khoa học nghi ngờ,
họ không làm điều đó mà không có phương pháp. Nếu họ truy vấn một sự hiển
nhiên, có khi chỉ để đào sâu một yếu tố của một tập hợp các vấn đề, đổi lại, họ
chấp nhận là câu hỏi của họ có thể bị phản bác. Trong khi đó trong công luận
thì sự phản đối là tuyệt đối. Sự phê phán không nhằm giải quyết các vấn đề, nó
tạo thành một quan điểm lập trường, một sự cam kết. Trong một số cuộc tranh luận,
đáng chú ý là trên truyền thông, ta thấy các niềm tin vững chắc và các giả thuyết
đối chọi nhau. Một sự pha trộn các thể loại gieo rắc lẫn lộn và làm khá nhiều
nhà khoa học bối rối.
Ngay từ năm 2018, vấn đề tư thế
của các nhà khoa học vào thời buổi hậu-sự thật đã là đối tượng của
một thông báo của Ủy ban đạo đức của CNRS[*] (Trung
tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp), mà tôi là thành viên. Công việc này đã
cho phép chúng tôi nhắc lại rằng sự hoài nghi có tổ chức, như nhà khoa học luận
Mỹ Robert King Merton tán dương trong định nghĩa của ông về một lý tưởng khoa học
thuần túy, không gây ra việc phản bác tri thức. Nói đúng hơn đó là một phương
pháp tiếp cận tập thể bắt buộc, một phương pháp luận về sự hoài nghi. Mỗi bước
đem nhà khoa học lại gần một sự thật sẽ làm nảy sinh những giả thuyết mới. Tiếp
đến, cộng đồng đánh giá khoảng cách giữa sự hiểu biết hiện tượng trong không
gian lý thuyết mới này và sự tương hợp của nó với thế giới. Sự hoài nghi được tổ
chức để soi sáng các tri thức mới.
Sự hoài nghi trong không gian
công cộng lại thuộc về một loại khác. Nó dựa trên một sự ngờ vực vì những lợi
ích cá nhân làm nguy hại đến tính liêm chính của nghiên cứu. Ở bên ngoài phòng
thí nghiệm của mình nhà khoa học có thể biểu lộ những tham vọng xã hội và có thể
bị tác động bởi những động cơ phức tạp, nhưng với tư cách là cộng đồng, các nhà
khoa học chỉ được thúc đẩy bởi việc tìm kiếm sự thật.
Một cách nghịch lý, chiều kích
tập thể này đã có thể bị che khuất bởi các “science studies” - nghiên
cứu về khoa học -, một lĩnh vực của các khoa học xã hội nghiên cứu sự
vận hành của giám định khoa học. Bằng cách ngụ ý rằng những thách thức về quyền
lực trong cộng đồng khoa học giống hệt những thách thức của các lĩnh vực khác
trong xã hội, những nghiên cứu này đã bỏ qua chứng cứ về sự thật do thí nghiệm
khoa học đem lại. Trong khoa học, rốt cùng sự thật luôn luôn xuất hiện nhờ vào
một sự phát triển quan sát được. Lúc đó ta sẽ đồng ý chấp nhận trước các chứng
cứ.
Sự ngờ vực của công chúng đối với
các khoa học cũng được nuôi dưỡng bởi một diễn ngôn hậu-sự thật,
nghĩa là với những lập luận được áp đặt bởi sức mạnh, không cần đến chứng cứ.
Chủ trương hậu-sự thật này có khi là cố ý, khi nó phục vụ cho những
lợi ích kinh tế, chính trị, ý hệ hay tôn giáo. Rất thường khi nó ra đời chỉ từ
một sự thờ ơ nhất định đối với các sự kiện.
Trả lại chỗ đứng cho việc giảng dạy
các khoa học
Để đấu tranh và giúp công chúng
phân biệt sự hoài nghi đúng và sự nghi ngờ của đại chúng, nhà khoa học chỉ có rất
ít công cụ dành cho mình. Rất khó thuyết phục đại bộ phận công chúng rằng tất cả
những sự phản bác đều chính đáng.
Tuy nhiên, trong một bước đầu
tiên, cần phải nhắc lại các sự kiện, đưa ra các chứng cứ. Đó là điều mà rất nhiều
phương tiện truyền thông làm với việc kiểm chứng sự kiện - fact
checking -. Từ nay, hoạt động này là tuyệt đối cần thiết. Tuy nhiên,
điều đó không đủ, vì số lượng các thông tin sai lệch là lớn. Ta cũng nhận thấy
hậu quả nguy hại kéo dài dai dẳng ngay cả khi đã chứng minh được sự sai lầm.
Công chúng không được đào tạo về tinh thần khoa học.
“Công chúng không được đào tạo về tinh thần khoa học. Do
đó, điều cốt yếu là phải giải thích rõ hơn phương pháp tiến hành khoa học ngay
từ các lớp tiểu học.”
Như vậy, điều cốt yếu là phải
giải thích rõ hơn phương pháp tiến hành khoa học ngay từ các lớp tiểu học. Tiếc
thay, lời mong ước chân thành này vấp phải quá trình đào tạo ban đầu của giáo
viên các trường, phần lớn xuất thân từ các chương trình đào tạo văn học. Vấn đề
học khoa học từ tuổi rất nhỏ vẫn là một đòn bẩy quan trọng.
Tôi cũng nghĩ rằng dạy lịch sử
các khoa học là một điều có ích. Bộ môn này có ưu điểm là chỉ ra rằng khoa học
tiến bộ dần nhờ thử và sai. Bộ môn này nêu rõ tính chất của một cuộc tranh luận
khoa học, và được kết hợp với khoa học luận, nó giúp hiểu biết về cách thức mà
các ý tưởng được xây dựng. Những cách tiếp cận này còn được thể hiện chưa rõ
ràng ngay cả trong những bài giảng trong các chương trình đại học. Tuy nhiên,
chúng có thể tạo thành những đồng minh về phương pháp luận cho các nhà nghiên cứu,
thậm chí, khi được dạy ở bậc trung học, chúng sẽ mang lại nội dung khoa học cho
kiến thức tổng quát.
Agnès Vernet
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Comment trier le bon du mauvais doute”, The Conversation, 23.6.2021.
----
Bài có liên quan:
· Tại sao khoa học coi thường ý kiến của bạn về sự thật?
· Ta có thể học để trở thành duy lí hơn không?
Chú thích:
[*] https://comite-ethique.cnrs.fr/avis-du-comets-quelles-nouvelles-responsabilites-pour-les-chercheurs-a-lheure-des-debats-sur-la-post-verite/
No comments:
Post a Comment