Thursday, June 8, 2023

300 NĂM ADAM SMITH : ĐẠO ĐỨC VÀ TƯ LỢI (Heinz Welsch – Frankfurter Rundschau)

 



300 NĂM ADAM SMITH : ĐẠO ĐỨC VÀ TƯ LỢI    

Heinz Welsch – Frankfurter Rundschau 1/6/2023.

Tôn Thất Thông dịch

05/06/2023

https://diendankhaiphong.org/300-nam-adam-smith-dao-duc-va-tu-loi/

 

Adam Smith và những thách thức của thế kỷ 21. Một cái nhìn về tính thời sự trong tác phẩm của kinh tế gia và triết gia xứ Tô Cách Lan (Scotland). 

 

HÌNH : https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/06/adam-smith-fr.jpg

 

Adam Smith, ra đời cách đây đã tròn 300 năm (dường như là hôm nay, ngày 5 tháng 6), được nhiều người coi là người sáng lập ra kinh tế học hiện đại. Nó thường gắn liền với ý tưởng rằng phồn vinh cộng đồng được phát sinh từ việc theo đuổi lợi ích cá nhân trong môi trường kinh tế thị trường tự do. Tuy nhiên, những phản ánh của Smith về những vấn đề này phức tạp hơn nhiều so với những gì người ta thường ghi nhận về ông. Ngoài ra, Smith không chỉ là một nhà kinh tế quốc gia, mà còn là một triết gia đạo đức. Xét cả hai khía cạnh đó, suy nghĩ của ông rất phù hợp khi khảo sát những thách thức toàn cầu của thế kỷ 21.

 

1. Bàn tay vô hình

 

Trong tác phẩm chính của mình, „Phồn vinh của các quốc gia“ xuất bản lần đầu năm 1776, Smith đã giải quyết câu hỏi làm thế nào xã hội có thể phối hợp các hoạt động độc lập của một số lượng lớn các tác nhân kinh tế – nhà sản xuất, nhà vận chuyển, thương nhân, người tiêu dùng – những người thông thường không biết lẫn nhau và họ nằm rải rác khắp nơi trên thế giới. Lập luận của ông là, sự phối hợp giữa tất cả các tác nhân này có thể phát sinh một cách tự nhiên, không cần bất kỳ nỗ lực có ý thức nào của bất kỳ người nào hoặc tổ chức nào để tạo ra hoặc duy trì nó – và cũng không cần đến lòng nhân từ của các tác nhân.

 

Như Smith đã chỉ ra, thị trường hoạt động giống như một “bàn tay vô hình” thúc đẩy lợi ích của xã hội mà những người tham gia thị trường không cần phải theo đuổi bất cứ điều gì khác ngoài lợi ích của chính họ. Những phát biểu có liên quan sau đây nằm trong số những đoạn được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử các ý tưởng kinh tế: “Chúng ta không mong đợi bữa ăn ngon của mình từ thiện chí của người bán thịt, người nấu bia hay người làm bánh mì, mà từ việc họ theo đuổi lợi ích của chính họ”.  Người doanh nhân “trong trường hợp này, cũng như nhiều trường hợp khác, được hướng dẫn bởi bàn tay vô hình để đạt đến những mục đích vốn dĩ không phải là ý định ban đầu của anh ta. Bằng cách theo đuổi lợi ích riêng tư, anh ta đã vô hình trung hỗ trợ những chuyện tốt đẹp cho cộng đồng, hơn là nếu anh ta đã có ý định đó từ ban đầu“.

 

Ý tưởng cơ bản của “định lý bàn tay vô hình” này thật là đơn giản: một mặt là người bán thịt, người sản xuất bia hoặc thợ làm bánh và mặt khác là khách hàng của họ sẽ chỉ tham gia vào một giao dịch tự nguyện nếu đó là lợi ích của cả hai bên, và giao dịch này sẽ được tiếp tục kéo dài cho đến khi không thể cải thiện lẫn nhau nữa. Theo cách này, đạt được mức tối ưu về kinh tế trong đó phúc lợi của một bên chỉ có thể tăng lên bằng cách làm giảm phúc lợi của bên kia, do đó phúc lợi tổng thể không thể tăng thêm được nữa.

 

Tuy nhiên, như kinh tế học hiện đại đã chỉ ra, có một số điều kiện tiên quyết để đạt được mức phúc lợi công cộng tối ưu này. Thứ nhất, giao dịch không được là hoạt động kinh doanh gây thiệt hại cho bên thứ ba, chẳng hạn như hoạt động của những người thợ làm bánh góp phần tạo ra khói bụi khét tiếng ở London và do đó gây hại cho người khác (tác động bên ngoài). Thứ hai, hàng hóa không được có bất kỳ đặc tính nào mà khách hàng không biết (ví dụ: các thành phần có hại trong bánh nướng), để có thể xảy ra các giao dịch gây hại cho lợi ích chung, điều này sẽ không xảy ra nếu khách hàng có kiến ​​thức phù hợp (bất cân xứng về thông tin). Thứ ba, một số người làm bánh, nấu bia hoặc bán thịt phải cạnh tranh với nhau để không ai có thể lừa dối khách hàng (sức mạnh thị trường). Thứ tư, có những hàng hóa mang lại lợi ích cho một số hoặc tất cả các thành viên trong xã hội và không được cung cấp bởi các chủ thể tư nhân (sản phẩm công cộng).

 

Smith đã nhận thức được một số hạn chế này. Ông ấy hiểu rằng khi các nhà cung cấp liên kết với nhau hoặc thông đồng để phá hoại cạnh tranh, điều đó có hại cho lợi ích chung. Đặc biệt, ông phản đối các công ty độc quyền được bảo vệ bởi chính phủ, chẳng hạn như Công ty Đông Ấn Anh. Mặt khác, ông nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc cung cấp hàng hóa công cộng như tư pháp, giáo dục và trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng công cộng như cầu, đường, kênh rạch. Do đó, thật sai lầm khi tuyên bố Smith là nhân chứng chính cho khẩu hiệu tự do thô tục “tư nhân trước nhà nước”.

 

.

2. Cảm xúc luân lý

 

Bất chấp tầm quan trọng của tư lợi trong các vấn đề kinh tế và xã hội, Smith không tin rằng mọi người chỉ được hướng dẫn bởi tư lợi. Mười bảy năm trước tác phẩm „Phồn vinh của các quốc gia“, ông đã xuất bản một cuốn sách về hành vi đạo đức có tựa đề „Lý thuyết về cảm xúc luân lý“ năm1759. Trong đó, ông lập luận rằng mọi người được hướng dẫn một phần bởi cảm xúc bên trong về hành vi “đúng” và “sai” dựa trên sự cảm thông hơn là tính toán hợp lý.

 

Cảm xúc luân lý dẫn đến nghĩa vụ đối với người khác, xảy ra ở các mức độ khác nhau. Nhiệm vụ mạnh mẽ nhất đến từ sự thân mật cá nhân. Chúng áp dụng mạnh mẽ và vô điều kiện nhất cho con cái và người thân của một người, nhưng cũng mở rộng cho tất cả những người chúng ta biết. Nghĩa vụ yếu nhất là đối với những người ở xa có nhu cầu.

 

Công trình của Smith về hành vi đạo đức đáng chú ý ở một số khía cạnh. Đầu tiên, ý tưởng của Smith về hành vi nào là đúng và hành vi nào là sai không liên quan đến kết quả hoặc hậu quả của các hành vi. Điều này khác với quan niệm của người theo chủ nghĩa hệ quả, theo đó tiêu chuẩn của hành vi đạo đức dựa trên mức độ kết quả, chẳng hạn như tiêu chuẩn “hạnh phúc lớn nhất của số lượng lớn nhất” do những người theo chủ nghĩa vị lợi truyền bá. Thứ hai, Smith áp dụng cách tiếp cận theo chủ nghĩa trực giác, nghĩa là ông xem các nghĩa vụ đạo đức dựa trên cảm xúc bên trong, thay vì đặt cơ sở hoặc “xuất phát” chúng thông qua lập luận tiên đề, như nhiều trường hợp trong triết học đạo đức của ông (cũng như đương thời). Cách tiếp cận này rất giống với cách tiếp cận trực giác đối với đạo đức trong tâm lý học đạo đức hiện đại, đặc biệt là lý thuyết nền tảng đạo đức. Thứ ba, ý ​​tưởng của Smith về cường độ của nghĩa vụ đạo đức như là một chức năng của sự gần gũi (tinh thần hoặc địa lý) rất phù hợp với sự phân biệt của tâm lý học đạo đức hiện đại giữa các giá trị đạo đức hướng đến nhóm (địa phương) và hướng đến cá nhân (phổ quát): Trong khi cái trước chỉ áp dụng đối với các thành viên trong nhóm của chính mình, điều sau áp dụng một cách phổ quát cho tất cả các cá nhân, trong đó giá trị cơ bản mang tính quyết định của địa phương là lòng trung thành, vốn dĩ đã tiềm ẩn tính căng thẳng với các giá trị phổ quát về sự công bằng và quan tâm lẫn nhau.

 

Ý tưởng của Smith về hành vi kinh tế và ý niệm đạo đức thường được coi là khó dung hòa. Tuy nhiên, với tư cách là những đóng góp để hiểu những thách thức sâu sắc của thời đại chúng ta, chúng tỏ ra là bổ sung cho nhau.

 

3. Adam Smith và những thách thức của thế kỷ 21

 

Những thách thức đáng kể của thế kỷ 21 được nêu tên trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, bao gồm nạn đói, nghèo, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học. Sự chẩn đoán về những thách thức toàn cầu này phù hợp với quan điểm của hàng nghìn sinh viên kinh tế và động cơ lựa chọn chuyên ngành của họ. Từ năm 2016 đến 2018, hơn 4.400 sinh viên tại 25 trường đại học ở 12 quốc gia đã trả lời câu hỏi “Vấn đề cấp bách nhất đối với các nhà kinh tế học là gì” ngay trong ngày đầu tiên theo học? Trong khi “thất nghiệp” và “lạm phát” thường xuyên được nhắc đến, thì “bất bình đẳng” lại đứng đầu, tiếp theo là “môi trường” và “tính bền vững”. Trong một cuộc khảo sát sau đó vào năm 2019, “biến đổi khí hậu” gần như ngang bằng với “bất bình đẳng”.

 

Cũng giống như hệ thống tư pháp và giáo dục mà Adam Smith đã đề cập, tính bền vững, hệ thống khí hậu hoạt động tốt và đa dạng sinh học là hàng hóa công cộng, tức là chúng tạo ra lợi ích cho tất cả các bên liên quan mà lợi ích của người này không làm mất lợi ích của người khác, hay nói cách khác, không có chuyện tranh giành lợi ích ở đây. Như đã mô tả, theo quan điểm của Smith, việc cung cấp hàng hóa công cộng là một nhiệm vụ của nhà nước. Một nhà nước có thể hoàn thành nhiệm vụ này trong trường hợp tư pháp và giáo dục, bởi vì việc sử dụng chúng về cơ bản được giới hạn trong vòng các công dân tương ứng và nhà nước do đó có thể tài trợ cho những hàng hóa này nguồn thu từ thuế.

 

Mặc dù một mặt, tính không cạnh tranh là phổ biến đối với hàng hóa của pháp luật và giáo dục, và mặt khác là tính bền vững, bảo vệ khí hậu và đa dạng sinh học đều là của chung, nhưng cái sau khác với cái trước ở chỗ không ai có thể bị loại trừ khỏi việc sử dụng chúng. Cho nên, những nỗ lực thúc đẩy tính bền vững, bảo vệ khí hậu và đa dạng sinh học luôn làm phát sinh hành vi ăn bám làm hỏng những nỗ lực đó: tư lợi, trong trường hợp làm bánh mì và bia sẽ dẫn đến sự cân bằng cung cầu, nhưng lại gây ra tình trạng nhu cầu không được cung ứng đầy đủ.

 

Để chống lại hành vi ăn bám, hành động đạo đức là cần thiết trong trường hợp việc sử dụng hàng hóa công cộng không thể loại trừ một ai. Thật vậy, nhân học có văn hóa mang tính tiến hóa quan niệm rằng sự xuất hiện của các cảm xúc luân lý và các nghĩa vụ đạo đức được nhận thức sẽ góp phần vào việc cung cấp hàng hóa công cộng một cách tự nguyện. Tuy nhiên, theo quan điểm của Smith cũng như theo tâm lý học về các giá trị đạo đức cơ bản, nghĩa vụ đạo đức cho thấy cường độ giảm dần theo khoảng cách về tinh thần, không gian hoặc thời gian.

 

Trong khi mức độ cần thiết về việc bảo vệ khí hậu và các loài – như là sự đối trọng với tư lợi – cần một tiền đề đạo đức phổ quát vốn dĩ liên quan đến hạnh phúc con người trong hiện tại cũng như tương lai, ở gần cũng như ở xa, điều đó làm rõ ràng hơn rằng, viễn kiến của Adam Smith về cảm xúc luân lý, và từ đó là về cách hành xử, dường như gần với thực tế hơn là chúng ta mong muốn.   

./.

 

 

Tác giả: Heinz Welsch là giáo sư kinh tế đã nghỉ hưu tại Đại học Oldenburg. Ông đã xuất bản nhiều tài liệu nghiên cứu trong các lĩnh vực kinh tế môi trường và khí hậu cũng như kinh tế học hành vi và nghiên cứu hạnh phúc.

 

Nguyên bản trên Frankfurter Rundschau300 Jahre Adam Smith: Moral und Eigennutz.

 

.

Tham khảo thêm:

 

Adam Smith: Theorie der Ethischen Gefühle (Lý thuyết về cảm xúc luân lý). Meiner-Verlag 2021. 668 trang, 28,90 euro; 

 

Heinz Welsch: „Glück, Natur und Moral in der Wirtschaftswissenschaft – Moderne Ökonomik und die Herausforderungen des 21. Jahrhunderts“ (Hạnh phúc, bản chất và đạo đức trong kinh tế học – Kinh tế học hiện đại và những thách thức của thế kỷ 21). Springer-Gabler 2023. 63 trang, 14,99 euro.

 

.

Những bài liên quan:

 

Walther Ziegler: Adam Smith trong vòng 60 phút. Tôn Thất Thông chuyển ngữ từ tiếng Đức sang tiếng Việt. Nhà xuất Bản Hồng Đức.

 

Tôn Thất Thông: Thần Kỳ Kinh Tế Tây Đức, trang 446-456 (Về Adam Smith). Nhà xuất bản Tri Thức.

 

Tôn Thất ThôngAdam Smith khởi động cuộc cách mạng kinh tế. (Diễn Đàn Khai Phóng).

Tôn Thất ThôngAdam Smith đặt nền móng cho kinh tế học cổ điển. (Diễn Đàn Khai Phóng).

 

 




No comments: