Friday, June 23, 2023

HỘI NGHỊ PARIS CHỐNG NGHÈO ĐÓI, CƠ HỘI ĐỂ PHƯƠNG TÂY CHINH PHỤC LẠI CÁC NƯỚC NGHÈO (Thanh Hà / RFI)

 



Hội nghị Paris chống nghèo đói, cơ hội để Phương Tây chinh phục lại các nước nghèo

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 22/06/2023 - 15:26

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20230622-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-paris-ch%E1%BB%91ng-ngh%C3%A8.....BB%9Bc-ngh%C3%A8o

 

Ngăn chận Trung Quốc và Nga khai thác bất mãn của các nước nghèo chống lại phương Tây, đó mới là chủ đích của hội nghị quốc tế Paris « Vì một hiệp ước tài chính mới cho thế giới ».

 

https://s.rfi.fr/media/display/afc73596-10f3-11ee-89ea-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/AP23173302117400.webp

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu khai mạc Hội nghị Paris ngày 22/06/2023. AP - Ludovic Marin

 

Hai ngày họp 22 và 23/06/2023 quá ngắn ngủi để có thể kỳ vọng hội nghị Paris lần này đem lại những phép lạ, phác họa ra lộ trình và đề xuất những biện pháp cụ thể nhằm đáp ứng nhu cầu vô cùng to lớn của các nước nghèo trước hai cuộc khủng hoảng : khí hậu và kinh tế. Dù vậy, sáng kiến của Pháp nhằm chứng minh với các nước « phương Nam » đang phải đối mặt cùng lúc với nhiều khủng hoảng rằng họ không bị các nước giàu ở « phương Bắc » bỏ rơi.

 

Làm thế nào để hàn gắn hai khối quốc gia « giàu và nghèo » trên thế giới vào lúc ảnh hưởng của Âu Mỹ đang bị thu hẹp lại tại hầu hết những vùng từng được coi là « sân sau » của phương Tây từ châu Phi, đến châu Mỹ Latinh, Trung Đông xuống đến tận Nam Thái Bình Dương, những nơi mà Nga và Trung Quốc đang lôi kéo được thêm nhiều « đối tác » ?

 

Trong hơn một năm từ khi nổ ra chiến tranh Ukraina, phương Tây đã nhanh chóng và dễ dàng huy động hàng trăm tỷ đô la viện trợ quân sự cho Kiev, trợ giúp nhân đạo, mở rộng vòng tay đón nhận hàng triệu người Ukraina chạy trốn chiến tranh. Thái độ sốt sắng đó tạo nên cảm tưởng phương Tây « phân loại các ưu tiên » nhanh chóng can thiệp, ưu đãi Ukraina nhưng trong một thời gian dài đã hoàn toàn thờ ơ với số phận của các nước « phương Nam » trước những khủng hoảng về y tế, về lương thực, về môi trường, hay trước cảnh bần cùng của hàng chục triệu người.

 

Trong hai cuộc biểu quyết tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hồi tháng 3/2022 và tháng 2/2023,  gần 1/3 các thành viên Liên Hiệp Châu Phi không tham gia bỏ phiếu hay bỏ phiếu trắng, tránh lên án Matxcơva đưa quân xâm lược Ukraina. Âu - Mỹ cũng đã ngạc nhiên và thất vọng vì lập trường của Nam Phi, hay của Brazil và kể cả của Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ… đã rất mềm mỏng với Matxcơva. Các nước này thường chỉ kêu gọi « vãn hồi hòa bình », « tôn trọng chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ », nhưng tuyệt đối tránh chỉ trích hay phê phán tổng thống Vladimir Putin.

 

Riêng Paris thì đã cay đắng nhận thấy, vào lúc lực lượng lính đánh thuê Wagner tiếp tay với quân đội Nga hoành hành tại miền đông Ukraina, Mali công khai đón những người lính Wagner để đẩy Pháp ra khỏi bờ cõi. Paris từng là đối tác giúp quốc gia châu Phi này chống khủng bố. Gần đây hơn, tổng thống Algérie, một thuộc địa cũ của Pháp, đã hủy chuyến công du Paris, nhưng lại sang Matxcơva hội kiến chủ nhân điện Kremlin.

 

Về phía Hoa Kỳ, Washington bực mình trước những sáng kiến ngoại giao của Bắc Kinh hàn gắn hai nước cựu thù trong khối các quốc gia Hồi Giáo là Iran với Ả Rập Xê Út, rồi cũng ông Tập Cận Bình đã trịnh trọng đón tiếp chủ tịch Palestine với tham vọng giải quyết một cuộc khủng hoảng mà Mỹ trong nhiều thập kỷ vẫn không thể thuyết phục được đồng minh thân thiết là Israel. Càng lúc càng có nhiều quốc gia ở châu Mỹ Latinh sát cạnh với Hoa Kỳ đòi sử dụng đồng tiền Trung Quốc để bớt phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ. Tại châu Á, một quốc gia nhận nhiều viện trợ quân sự của Washington như Paskistan cũng đang ngả vào quỹ đạo của Bắc Kinh.

 

Nói cách khác, những rạn nứt giữa nhiều quốc gia « phương Nam » với Âu - Mỹ đã âm ỉ từ lâu nay mà chiến tranh Ukraina là giọt nước làm tràn ly. Trước chiến tranh Ukraina, vào lúc cả thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid, các nước phương Tây giàu có đã nhanh chóng tìm ra vac-xin, phó mặc cho các nước nghèo phải tự xoay xở. Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ hay Canada và kể cả Trung Quốc bơm hàng tỷ, hàng trăm tỷ đô la hỗ trợ kinh tế, các nước nghèo thì không biết trông cậy vào ai. Những định chế tài chính quốc tế như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay Ngân Hàng Thế Giới thì đưa ra những điều kiện ngặt nghèo… Trong hoàn cảnh đó, đầu tư của Trung Quốc lại càng có sức hấp dẫn hơn. Còn Nga thì đã tận dụng thời cơ này làm sống lại bóng ma quá khứ thuộc địa để kích động « các nước phương Nam » lánh xa phương Tây. 

 

Trong hoàn cảnh đó, hội nghị Paris liệu có thể « xoa dịu » được phần nào những bất bình của các nước « phương Nam » hay không ? Giới quan sát tỏ ra thận trọng về điểm này, ít ra là trong ngắn hạn. Sự hiện diện của thủ tướng Trung Quốc, chủ nợ chính của nhiều nước châu Phi và cả tại châu Á (Bangladesh, Sri Lanka) báo trước sẽ có một số tiến triển trong việc xóa, hoặc giảm bớt nợ cho các quốc gia đang gặp khó khăn. Nhưng trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung hiện tại, ít có hy vọng Bắc Kinh giúp phương Tây « hàn gắn » quan hệ với những nước nghèo.

 

Trên báo Le Figaro, một chuyên gia thậm chí còn cho rằng sẽ không ai ngạc nhiên nếu như ở hậu trường, Trung Quốc đổ thêm dầu vào lửa để chứng minh Bắc Kinh mới là đối tác đáng tin cậy của các nước « phương Nam ». Đây sẽ là điều không quá khó, bởi « nhiều nước châu Phi đang muốn thoát khỏi ảnh hưởng của châu Âu thêm một lần nữa sau phong trào phi thực dân hóa thế kỷ trước ».

 

Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất muốn trở thành điểm tựa của các nước nghèo. Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út và nhất là Nga đều muốn lấp vào chỗ trống của phương Tây đối với các nền kinh tế đang phát triển. Không chắc hai ngày Hội nghị Paris đủ sức đảo ngược xu hướng, chinh phục lại cảm tình của các quốc gia « phương Nam ». 

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

Hội nghị quốc tế Paris chống đói nghèo và tác động từ biến đổi khí hậu

 




No comments: