Sunday, June 18, 2023

CUỘC CHIẾN UKRAINE : PUTIN XÁC NHẬN VŨ KHÍ HẠT NHÂN ĐẦU TIÊN ĐƯỢC CHUYỂN ĐẾN BELARUS (BBC News Tiếng Việt)

 



Cuộc chiến Ukraine: Putin xác nhận vũ khí hạt nhân đầu tiên được chuyển đến Belarus

BBC News Tiếng Việt

17 tháng 6 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cl5zxp2vlz3o

 

Nga đã bố trí lô vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên ở Belarus, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố.

 

Nhà lãnh đạo Nga phát biểu tại một diễn đàn rằng vũ khí hạt nhân sẽ chỉ được sử dụng nếu lãnh thổ hoặc nhà nước Nga bị đe dọa.

 

Chính phủ Mỹ cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy điện Kremlin có kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Ukraine.

 

"Chúng tôi không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói sau xác nhận của ông Putin.

 

Belarus là một đồng minh chủ chốt của Nga và từng là bệ phóng cho cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine vào tháng 2/2022.

 

Nato lên án luận điệu hạt nhân 'nguy hiểm' của Nga

Putin tuyên bố Nga sẽ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus

Belarus nói không còn lựa chọn nào ngoài triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật

 

Ông Putin cho biết việc chuyển giao các đầu đạn hạt nhân chiến thuật sẽ hoàn tất vào cuối mùa hè này.

 

Trả lời các câu hỏi sau bài phát biểu tại diễn đàn Kinh tế Quốc tế St Petersburg, Tổng thống Nga cho biết động thái này nhằm "ngăn chặn" và để nhắc nhở bất cứ ai "nghĩ đến việc gây thất bại chiến lược cho chúng tôi".

 

Khi được người điều hành diễn đàn hỏi về khả năng sử dụng những vũ khí đó, Tổng thống Nga trả lời: "Tại sao chúng tôi phải đe dọa toàn thế giới? Tôi đã nói rằng việc sử dụng các biện pháp cực đoan là có thể xảy ra trong trường hợp có nguy cơ đối với đất nước Nga."

 

Vũ khí hạt nhân chiến thuật là các đầu đạn hạt nhân nhỏ và hệ thống phân phối nhằm mục đích sử dụng trên chiến trường hoặc cho một cuộc tấn công hạn chế. Chúng được thiết kế để tiêu diệt các kẻ thù mục tiêu trong một khu vực cụ thể mà không gây ra bụi phóng xạ trên diện rộng.

 

Vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ nhất có thể là một kiloton hoặc ít hơn (tương đương với một ngàn tấn thuốc nổ TNT). Những loại lớn nhất có thể lớn tới 100 kiloton. Để so sánh, quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima năm 1945 là 15 kiloton.

 

Nhà lãnh đạo Nga dự kiến sẽ gặp các nhà lãnh đạo châu Phi ở St Petersburg sau khi họ đến thăm Kyiv vào hôm 16/6 như một phần của sáng kiến hòa bình mà họ đang trao đổi với cả hai quốc gia.

 

Tuy nhiên, khi họ đang ở Kyiv, thành phố đã bị tấn công bởi tên lửa của Nga.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/7c6d/live/fc18c870-0cc4-11ee-9e94-25f17ea6acca.png

Các nhà lãnh đạo châu Phi sẽ gặp ông Putin vào hôm nay 17/6

 

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi hai bên giảm leo thang và đàm phán vì hòa bình.

 

"Chúng tôi đến đây để lắng nghe và ghi nhận những gì người dân Ukraine đã trải qua," ông nói.

 

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết thay vì đưa ra các đề nghị ngoại giao với Nga thì nên tạm dừng ngoại giao để gửi thông điệp rằng cộng đồng quốc tế lên án cuộc xâm lược của họ.

 

Ông Zelensky nói Kyiv sẽ không tham gia đàm phán với Moscow trong khi nước này vẫn chiếm đóng lãnh thổ Ukraine.

 

Tổng thống Putin cũng lặp lại tuyên bố của mình rằng Ukraine không có cơ hội thành công trong cuộc phản công đang diễn ra.

 

Ông Putin nói quân đội Ukraine cũng đang cạn kiệt thiết bị quân sự của họ và sẽ sớm chỉ sử dụng thiết bị do phương Tây tài trợ.

 

"Bạn không thể chiến đấu lâu dài như vậy", ông nói, đồng thời cảnh báo rằng bất kỳ chiến đấu cơ F16 nào của Mỹ giao cho Ukraine "sẽ bị đốt cháy, không nghi ngờ gì về điều đó".

 

Ukraine trước đó đã bác bỏ những tuyên bố tương tự, khẳng định họ đang đạt được tiến công trong việc tái chiếm lãnh thổ ở cả miền đông và miền nam Ukraine.

 

Hôm 16/6, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết các đơn vị ở miền nam nước này đã tiến được 2 km về mọi hướng.

 

BBC không thể xác minh độc lập các tuyên bố trên chiến trường.

 

Trong một diễn biến khác, nhà lãnh đạo Nga cũng đề cập đến các chủ đề kinh tế, tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã không thể cô lập nước này mà thay vào đó dẫn đến việc mở rộng thương mại với "các thị trường của tương lai".

 

Ông ca ngợi các thỏa thuận mới với các quốc gia ở châu Á, Trung Đông và Mỹ Latinh - gọi họ là "đối tác đáng tin cậy, có trách nhiệm".

 

=============

TIN LIÊN QUAN

 

Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẽ đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus

26 tháng 3 năm 2023

·         

Belarus nói không còn lựa chọn nào ngoài triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật

29 tháng 5 năm 2023

·         

Nato lên án luận điệu hạt nhân 'nguy hiểm' của Nga

27 tháng 3 năm 2023

·         

Nga tiếp tục triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus

26 tháng 5 năm 2023

 

===================================================

.

.

Putin nói Nga đặt bom hạt nhân ở Belarus là để cảnh báo phương Tây

Reuters

17/06/2023

https://www.voatiengviet.com/a/putin-noi-nga-dat-bom-hat-nhan-o-belarus-la-de-canh-bao-phuong-tay/7141550.html

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày thứ Sáu nói việc ông triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, điều mà ông lần đầu tiên xác nhận đã diễn ra, là lời nhắc nhở với phương Tây rằng họ không thể gây ra một thất bại chiến lược đối với Nga.

 

https://gdb.voanews.com/eb74acb6-3e10-4b5e-a2c4-657fadff023e_cx0_cy5_cw0_w1023_r1_s.jpg

Ảnh chụp vào ngày 16 tháng 6 năm 2023 do hãng thông tấn RIA Novosti phát đi cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang phát biểu trong khi tham dự phiên họp khoáng đại của Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg (SPIEF) ở Saint Petersburg.

 

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế hàng đầu của Nga ở St Petersburg, ông Putin nói các đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Nga đã được chuyển giao cho đồng minh thân cận Belarus, nhưng nhấn mạnh ông thấy Nga không cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân vào lúc này.

 

"Như quý vị đã biết, chúng tôi đang đàm phán với đồng minh của chúng tôi, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, rằng chúng tôi sẽ chuyển một phần vũ khí hạt nhân chiến thuật này tới lãnh thổ Belarus - điều này đã xảy ra," ông Putin nói.

 

"Những đầu đạn hạt nhân đầu tiên đã được chuyển đến lãnh thổ Belarus. Nhưng chỉ những đầu đạn đầu tiên, phần đầu tiên. Chúng tôi sẽ hoàn thành công tác này vào cuối mùa hè hoặc cuối năm."

 

Những đầu đạn này là vũ khí hạt nhân tầm ngắn có khả năng được sử dụng trên chiến trường. Đây là lần đầu tiên Moscow triển khai các đầu đạn như vậy bên ngoài nước Nga kể từ khi Liên bang Soviet sụp đổ.

 

Việc này có chủ đích là cảnh báo phương Tây về việc trang bị vũ khí và hỗ trợ cho Ukraine, nhà lãnh đạo Nga nói.

 

"...Nó chính xác là một yếu tố răn đe để tất cả những ai đang nghĩ đến việc gây ra một thất bại chiến lược đối với chúng tôi sẽ không lờ đi tình huống này," ông Putin nói, sử dụng một thuật ngữ ngoại giao cho một thất bại nặng nề đến mức sức mạnh của Nga sẽ bị giảm sút trên trường quốc tế trong nhiều thập niên.

 

Mỹ đã chỉ trích quyết định của ông Putin nhưng nói rằng họ không có ý định thay đổi lập trường của mình về vũ khí hạt nhân chiến lược và chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân.

 

Tuy nhiên, bước đi của Nga đang được theo dõi chặt chẽ bởi Washington và các đồng minh cũng như Trung Quốc, nước đã nhiều lần cảnh báo về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine.

 

Ông Putin nói phương Tây đang làm mọi thứ có thể để gây ra thất bại chiến lược cho Nga ở Ukraine, nơi Moscow đang vướng vào cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất ở Châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai sau khi xâm lược nước láng giềng vào năm ngoái trong điều mà họ gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt."

 

Nhưng Nga chưa cần dùng đến vũ khí hạt nhân vào lúc này, ông Putin nói. Ông cũng tỏ dấu hiệu cho thấy không có sự thay đổi nào đối với quan điểm hạt nhân của Moscow, vốn chỉ dự kiến một bước đi như vậy nếu sự tồn tại của nhà nước Nga bị đe dọa.

 

"Vũ khí hạt nhân đã được tạo ra để bảo đảm an ninh của chúng ta theo nghĩa rộng nhất của từ này và sự tồn tại của nhà nước Nga, nhưng chúng ta... không có nhu cầu như vậy (sử dụng chúng)," ông Putin nói.

 

Giọng điệu thách thức khi phát biểu trước tầng lớp thượng lưu chính trị và kinh doanh của đất nước, ông nói rằng cuộc phản công của Ukraine chống lại các lực lượng Nga ở Ukraine cho đến nay vẫn chưa có bất cứ thành công đáng kể nào. Lực lượng của Kyiv đang chịu tổn thất nặng nề và "không có cơ hội" chống lại quân đội Nga, ông nói.

 

Ông cho rằng Ukraine sẽ sớm cạn kiệt thiết bị quân sự của riêng mình, khiến nước này hoàn toàn phụ thuộc vào khí tài do phương Tây cung cấp, làm suy yếu khả năng chiến đấu lâu dài của nước này.

 

Các nhà phân tích quân sự độc lập cho biết Ukraine đã chiến đấu nhỉnh hơn so với quân đội lớn hơn nhiều của Nga trong gần 16 tháng chiến tranh, buộc nước này phải rút lui đáng kể xung quanh các thành phố Kyiv, Kharkiv và Kherson.

 

Các chỉ huy quân sự của Ukraine ngày thứ Sáu nói rằng quân đội Ukraine đang tiến công đang đối mặt với "sự kháng cự tuyệt vọng" từ các lực lượng Nga xung quanh thành phố Bakhmut, nơi mà Nga chiếm được vào tháng trước sau trận chiến dài nhất trong cuộc chiến.

Ukraine nói họ đã chiếm lại bảy ngôi làng và 100 km vuông trong giai đoạn đầu của cuộc phản công.

 

Nhưng Bộ Quốc phòng Nga ngày thứ Sáu nói rằng lực lượng của họ đã đẩy lùi nhiều nỗ lực phản công của quân đội Ukraine tại các địa điểm khác nhau ở tiền tuyến trong 24 giờ qua, gây tổn thất nặng nề cho lực lượng của Kyiv.

 

 




No comments: