Câu
chuyện đang được viết tiếp
1.
Năm 2018, báo Phụ Nữ khởi đăng chuyên đề “Trả sông
về lại cho sông”, đề cập thực trạng lấn-chiếm bờ sông Sài Gòn của một số tập
đoàn. Dựa trên những chứng cứ thực địa, loạt bài lấy ý kiến của các chuyên gia,
nhà khoa học, kiến trúc sư, luật sư, đại biểu Quốc hội… Các phát biểu dưới góc
nhìn khoa học, có tính chuyên môn sâu và… thẳng thắn.
Xin trích dẫn lại: “Tại một số khu vực bờ sông Sài
Gòn ở trung tâm đang bị bê tông hóa, bờ tự nhiên còn bị thay thế bằng những thảm
cỏ do con người tạo ra – đơn cử như công viên Central Park ở Tân Cảng – khiến
dòng sông còn phải lãnh thêm nguy cơ ô nhiễm do nước tưới, thuốc và phân hóa học,
những điều hiện không thể kiểm soát được” ( tiến sĩ Vũ Ngọc Long – Chủ tịch Hội
đồng khoa học Viện Sinh thái học Việt Nam)
Tiến sĩ Đào Trọng Tứ – Giám đốc Trung tâm phát triển
bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nguyên Phó tổng thư ký
Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam “cho rằng ở Vinhomes Tân Cảng hiện tồn tại 2 vấn đề.
Thứ nhất, lấn chiếm mặt nước để làm công trình, điều đó hoàn toàn sai luật, gồm
các Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng chống thiên tai và
Luật Giao thông đường thủy nội địa… Thứ hai, về mặt khoa học, khi lấp cầu cảng
như vậy đã tạo nên một “mỏ hàn” rất lớn để đẩy nước sang phía bờ bên kia. Họ sẽ
cho rằng có ăn thua gì, sông to như thế, chúng tôi chỉ làm một tí “mỏ hàn”.
Nhưng với tôi là không! Vì chắc chắn động lực của dòng chảy bị biến động khi
các bờ sông bị thay đổi”.
Trong một buổi giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội
TP.HCM cuối năm 2017, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đã đề xuất phải cho kiểm tra,
rà soát lại tình trạng lấn chiếm sông tại thành phố. “Vì nếu không khẩn cấp rà
soát lại việc này thì tình trạng tư nhân hóa bờ sông càng diễn ra mạnh mẽ và đến
lúc nào đó thì khả năng không còn gì cả cho cộng đồng. TP.HCM là đô thị cực kỳ
thiếu các không gian công cộng” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Kết thúc chuyên đề, lời tòa soạn để ngỏ “…Câu chuyện
sẽ được viết tiếp thế nào là hành động của nhà chức trách”.
Quá trình thực hiện, chúng tôi gặp sức ép lớn,
không đến từ thành phố mà là… ngoài ngoải. Tôi được biết một lãnh đạo tuyên
giáo trung ương đã điện vào ban tuyên giáo thành ủy đề nghị có ý kiến buộc báo
Phụ Nữ dừng đi bài, hoặc nếu bài đã đi thì cho ẩn vào trong vì abcd. Trưởng ban
tuyên giáo khi ấy là bà Thân Thị Thư – đang công tác ở Lào – đã phản biện, bảo
vệ loạt bài của báo Phụ Nữ và bảo lưu cho đến… ngày nay (chưa/không bị gỡ).
Đó là một dấu ấn đẹp trong nghề, trong đời, kể cả
việc khi chạy xe máy vào công viên “mỏ hàn” ấy, tôi và 1 phóng viên bị chặn lại
hỏi “có phải là cư dân ở đây không”, sau một hồi, cậu bảo vệ ban “hôm nay được
cho vô tự do”…
2.
Nhân chuyến thăm và làm việc của đoàn đại biểu
TP.HCM tại Pháp nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối
tác chiến lược, trong đó có cuộc khảo sát, tìm hiểu về quy hoạch, phát triển
sông Seine, tìm hiểu cách đầu tư, phát triển bờ kè sông và kinh tế dịch vụ ven
sông Sài Gòn…
Hiện trạng của cái “mỏ hàn” vẫn ngự chễm chệ và nhiều
công trình xây cất lấn chiếm, vi phạm hành lang sông vẫn chưa được chấn chỉnh,
khắc phục, dẹp bỏ. Một lần nữa, xin mượn lời tòa soạn năm nào “Câu chuyện sẽ được
viết tiếp thế nào là hành động của nhà chức trách”.
Riêng có một sự kiện trong chuyến đi nói trên rất
đáng chú ý, đó là việc gia đình ông bà Lê Tất Luyện – Thụy Khuê đã trao tặng
200 bức tranh quý của họa sĩ Lê Bá Đảng cho TP.HCM. Người tiếp nhận là ông Phan
Nguyễn Như Khuê – Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.
Tranh của họa sĩ bậc thầy Lê Bá Đảng lại được trao
từ nhà nghiên cứu, dịch giả Thụy Khuê – một tên tuổi uy tín, nhà khảo cứu đã lật
lại những “sự thật lịch sử” mà cả người Pháp lẫn Việt đã viết chưa đúng về Nguyễn
Ánh – Gia Long. Bà tìm mọi cách, chủ yếu là bằng con đường khoa học và tiệm cận
tri thức – chân lý để thoát dần khỏi nỗi mặc cảm “La petite indochinoise” – con
bé Đông Dương để soi chiếu và minh định về “một triều đại rực rỡ, đã được xây dựng
hoàn toàn trên hai tay của một thiếu niên anh hùng: Nguyễn Ánh”.
Thật lòng, tôi ngầm tự hào… ké với đồng hương hàng
xóm, họa sĩ Lê Bá Đảng (ông người Quảng Trị nhưng Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng,
Không gian ký ức Lê Bá Đảng đều được đặt trang trọng ở Huế). Nhưng, hơn thế là
sự cảm kích khi bất chợt có chút mày mò “suy diễn”, trong một cuộc gặp chính thức
của “phái bộ ngoại giao thành phố”, đại diện một phần lãnh thổ quốc gia, việc một
người đứng đầu lĩnh vực tư tưởng – tuyên giáo của thành phố tiếp nhận tác phẩm
nghệ thuật từ một người có những quan điểm, định đề (khoa học) khác biệt, dù là
đại diện gia đình thì cũng đã cho thấy sự cởi mở, trên tinh thần trọng thị,
khoa học.
Thụy Khuê tặng tranh Như Khuê, xin phép gọi tắt một
cách… “yêu” như thế!
Đặt trong những động thái thành phố này đang hướng
đến nửa thế kỷ hòa bình, thống nhất, chắc chắn khi chỉnh trang hình thái đô thị
ven sông sẽ không thể không “soi bóng” nó xuống dòng sông lịch sử. Công lao mở
mang bờ cõi của vua Gia Long – triều Nguyễn là không thể khước từ.
Câu chuyện
đang được viết tiếp như thế nào là hành động của nhà chức trách.
.
No comments:
Post a Comment