Cách
thức mà VN cần tham khảo để có hành động pháp lý trước Trung Quốc
Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
02-06-2023
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ways_vn_learn_to_sue_china-06022023113043.html
.
Đường
"lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vạch ra trên Biển Đông. AFP
Việt Nam
có thể tham khảo phương cách đấu tranh pháp lý của một số quốc gia trong khu vực
và ở Châu Á trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trong đó có những trường hợp mang
tính gợi ý như Philippines, Malaysia hay Nhật Bản, qua các vụ kiện hoặc xử lý
tranh chấp của các nước đó thời gian gần đây hay hiện nay, theo một nhà nghiên
cứu về lịch sử chủ quyền Việt Nam và đồng thời là nhà quan sát an ninh Biển
Đông từ châu Âu.
“Có hai
phương pháp cần nói tới, đó là phương pháp của Philippines và phương pháp của
Malaysia. Tôi nghĩ rằng phương pháp của Malaysia là phương pháp hay và thông
minh, mặc dù nặng về kỹ thuật. Trước hết về phương cách của Philippines, chúng
ta thấy họ đã đạt được một kết quả rất cụ thể, họ đã minh bạch hóa được một
vùng xám, họ đã cho thế giới thấy rằng giữa Philippines và Trung Quốc ‘không có
tranh chấp’ gì hết, mà tất cả những yêu sách của Trung Quốc trên thềm lục địa
hay là phần hải phận đặc quyền kinh tế của Philippines (vùng EEZ) đều vi phạm
luật quốc tế hết,”
ông Trương Nhân Tuấn, nhà biên khảo từ Marseille, Pháp nói với Đài Á Châu Tự Do
hôm 01/6/2023 trên quan điểm riêng.
“Tại
sao lại nói như vậy? Philippines đã đề nghị Trung Quốc tham gia vụ kiện, nhưng
Trung Quốc không tham gia thì Philippines đơn phương đi kiện, và Philippines đã
tận dụng một phụ lục trong bộ luật quốc tế về Biển (Công ước LHQ về Luật biển,
năm 1982) (1), theo đó, một quốc gia có quyền đơn phương đi kiện một quốc gia
khác nếu những biện pháp khác để giải quyết những tranh chấp bằng ngoại giao, bằng
thương thảo… đều bế tắc. Và ngay cả khi quốc gia khác kia từ chối không tham
gia phiên tòa, phán quyết của tòa vẫn có ý nghĩa bắt buộc cho các bên, cho cả
hai bên.
Đã có ý
kiến rằng Việt Nam nên bắt chước Philippines để đi kiện Trung Quốc, nhưng theo
ý kiến của tôi, Việt Nam có thể có biện pháp đơn giản hơn và thông minh hơn, đó
là đi theo biện pháp của Malaysia.
Do chính
quyền Việt Nam còn có mối quan hệ giữa hai đảng là đảng Cộng sản Việt Nam và đảng
Cộng sản Trung Quốc, trong mối quan hệ giữa hai đảng này cực kỳ phức tạp, họ ‘vừa
là đồng chí, vừa là anh em’, nhưng mà là ‘anh em thù nghịch’, do đó giải quyết
bằng một vấn đề pháp lý tức là gây một cuộc chiến tranh khác không bằng tiếng
súng, mà bằng ‘tiếng búa của Pháp đình’, vấn đề đó sẽ xúc phạm vô cùng lớn đối
với lãnh đạo của Trung Quốc, và việc này có thể gây một xích mích không thể hàn
gắn giữa hai đảng.”
Ảnh
vệ tinh chụp một đảo ở Trường Sa ngày 21/4/2017. AFP
‘Kiện
mà không kiện’
Và ông Trương
Nhân Tuấn trình bày tiếp quan điểm riêng của mình:
“Theo tôi
Việt Nam có thể vượt qua trở ngại đó bằng cách gián tiếp ‘kiện Trung Quốc mà
không kiện’, tức là thông qua một thủ thuật pháp lý để thông qua được sự đồng ý
của nhiều quốc gia về một vấn đề, trong luật học có một thuật ngữ gọi là ‘actio
popularis’ (2), tức là khi nhiều quốc gia, hay nhiều người, tập thể những người
nào đó cùng đồng ý xem một điều nào đó là luật, cùng xem xét và cùng tôn trọng
một nguyên tắc nào đó, thì điều đó theo tập quán quốc tế có thể trở thành luật
để áp dụng cho tất cả các bên đồng ý.
Phương
pháp của Malaysia sử dụng Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa của Liên Hợp Quốc
(Commission on the Limits of the Continental Shelf – CLCS) (3), nước này đệ
trình một hồ sơ về thềm lục địa của Malaysia, trong đó Malaysia nhìn nhận phán
quyết của Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) về vụ án mà Philippines đơn
phương kiện Trung Quốc là có hiệu lực trong những vùng biển có liên quan
Malaysia. Thông qua cái đó, Việt Nam cũng nộp đơn đồng ý vấn đề đó, và tôi thấy
nhiều quốc gia khác, nhất là Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc và tất cả những quốc gia thấy
rằng họ có lợi ích ở Biển Đông mà nhận thấy rằng những yêu sách của Trung Quốc
là phi lý, đều ủng hộ phán quyết đó (của tòa PCA.)
Vô hình trung,
nếu chúng ta nghĩ lại về nguyên tắc ‘Actio Popularis’ của tập quán quốc tế,
chúng ta thấy rõ ràng rằng Việt Nam có thể sử dụng phương pháp đó, để làm sao
phán quyết đó trở thành một ‘Erga omnes’ (4), tức là thành một chuyện bắt buộc
cho tất cả các bên, ngay cả với Trung Quốc.
Trên đây
là hai phương pháp mà tôi thấy là hay, một là của Philippines và một của
Malaysia, bây giờ nhìn lại xem Việt Nam nên có giải pháp gì để giải quyết tranh
chấp, theo tôi Việt Nam nên áp dụng phương pháp của Philippines để đơn phương
đi kiện Trung Quốc ở vấn đề Hoàng Sa, chứ không ở Trường Sa.
Và trong vấn
đề ở vùng biển Trường Sa, Việt Nam có thể đệ đơn nhờ một tòa án, mà tôi nghĩ
hay nhất là nhờ Tòa Công lý Quốc tế (của LHQ) (5), để nhờ tòa phán rằng khi những
quốc gia này, liệt kê là các quốc gia A, B, C, D…, nhìn nhận hiệu lực của án
tòa (phán quyết) này, thì án tòa đó trở thành một phán quyết Erga omnes có hiệu
lực ngay cả với Trung Quốc.
Hình
chụp hôm 27/4/2021: Tuần duyên Philippines theo dõi các tàu Trung Quốc ở bãi
Sabina ở Biển Đông. AFP
Trường
hợp tham khảo khác
Theo nhà
nghiên cứu và biên khảo Trương Nhân Tuấn, ngay tại khu vực Châu Á, Việt
Nam cũng có thể học hỏi và tham khảo thêm từ cách thức mà Nhật Bản đòi lại chủ
quyền ở vùng lãnh thổ ở phía Bắc của nước theo cách gọi của Nhật Bản, trước quốc
gia láng giềng là Nga hiện nay, ông nói:
“Tôi
xin nói về trường hợp tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga ở một nhóm đảo chừng bốn
đảo mà Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc mà Nga gọi là quần đảo Nam Kuril.
Nhật nói đó là lãnh thổ của Nhật, mà không bị ảnh hưởng bởi những hiệp ước như
là hiệp ước San Francisco năm 1951 hay là những hiệp ước khác trong thời kỳ Thế
chiến II.
Trong
Thế chiến II, Nhật Bản chiếm một số lãnh thổ của một số quốc gia khác, như là
chiếm Mãn Châu, chiếm Đài Loan, và chiếm một đảo lớn ở về phía bắc của nước Nhật.
Những đảo đó có một thời kỳ thuộc Nhật Bản. Nếu xét về lịch sử thì rất rườm rà,
nhưng khái lược, về bằng chứng lịch sử, theo tôi Nhật Bản có lý khi nói rằng bốn
đảo đó là vùng lãnh thổ hiển nhiên của Nhật Bản, và chủ quyền của Nhật trên
vùng lãnh thổ đó không bị chi phối bởi các quyết định của phe Đồng minh, phe thắng
trận, hay là qua các hiệp ước trước đó.
Liên Xô
vào thời điểm cuối Thế chiến II, tám ngày trước khi Nhật Bản đầu hàng, tuyên bố
chiến tranh rồi đổ quân qua chiếm đảo Sakhalin trước và chiếm toàn bộ các đảo
mà Liên Xô cũ (và Nga nay) gọi là đảo Nam Kuril, bao gồm các đảo mà Nhật đã thụ
đắc, vấn đề này đã lưu cữu từ năm 1945 cho tới nay.
Cái hay
của Nhật Bản là họ có những bằng chứng cụ thể và tất cả các chính phủ Nhật, từ
chính phủ mà lúc Thiên Hoàng Nhật Bản còn quyền lực, cho đến khi trải qua thời
kỳ Hiến pháp mà Mỹ áp đặt cho Nhật, và tiếp tục cho đến ngày hôm nay, chưa có một
lúc nào mà Nhật từ bỏ các vùng lãnh thổ đó. Và chính phủ của Nhật Bản thường
xuyên yêu sách với Liên Xô trước đây, Nga hiện nay, khẳng định chủ quyền...
Theo tập
quán quốc tế về tranh chấp lãnh thổ, người ta không đặt ra thời gian bao lâu là
sẽ mất thời hạn đòi chủ quyền, nhưng nếu một quốc gia im lặng trong một thời
gian dài, chủ quyền của quốc gia trên vùng lãnh thổ đó coi như là mất. Điểm hay
của Nhật Bản về lịch sử, cũng như về pháp lý, và ngay cách ứng xử của các chính
phủ của Nhật, là luôn khẳng định Nhật có chủ quyền với các vùng lãnh thổ đó.”
Theo
ông Trương Nhân Tuấn,
Việt Nam cũng có thể còn học được cách thức đáng tham khảo ngay trong tranh chấp
Trung – Nhật, Nhật – Trung đối với quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản,
hay đảo Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc, tuy nhiên ông cho rằng so với
hai trường hợp tranh chấp Nhật – Nga và Trung – Nhật về chủ quyền biển, đảo nói
trên, Việt Nam có những điểm khó khăn riêng, ông trình bày tiếp:
“Việt
Nam có những điểm cực kỳ khó khăn do lịch sử để lại, sau Hiệp định Geneve 1954,
Việt Nam bị chia làm hai. Có người nói rằng Việt Nam bị chia thành hai hay thậm
chí là ba quốc gia, chuyện đó tôi nghĩ mỗi người có một lập luận của mình về
quan điểm thế nào là quốc gia, nhưng theo quan điểm của tôi, Việt Nam nên có lựa
chọn phù hợp…, lựa chọn cách nào có lợi cho Việt Nam nhất…
Việt
Nam bị kẹt rất nhiều so với vụ tranh chấp của Nhật Bản về quần đảo Nam Kuril với
Nga, hay so với Trung Quốc trong vụ tranh chấp đảo Điếu Ngư với Nhật. (Ví dụ với
Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958), Việt Nam gặp điều cực kỳ khó, nếu không giải
quyết được những rắc rối do lịch sử để lại. Do đó Việt Nam bây giờ phải có biện
pháp kế thừa di sản của Việt Nam Cộng Hòa, bởi vì Việt Nam Cộng Hòa là pháp
nhân duy nhất giúp cho thấy xuyên suốt từ trong lịch sử cho tới năm 1975 rằng
Việt Nam luôn có chủ quyền ở trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Do đó,
Việt Nam phải làm như thế nào để chứng minh rằng bằng pháp lý những tuyên bố
trước đây (không phù hợp) của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đối với Hoàng Sa và Trường
Sa là không có hiệu lực trước luật pháp quốc tế…
Còn ý
kiến cuối cùng mà tôi muốn nói trong dịp này là Việt Nam bây giờ cần một giải pháp
pháp lý chứ chúng ta không cần phân tích sự kiện nữa, ba mươi năm ở Tư Chính,
Vũng Mây, 50 năm ở Hoàng Sa đã quá lâu dài rồi, một giải pháp pháp lý bây giờ
đã trở thành cấp bách rồi, và nay là lúc mà Việt Nam nên đưa ra một giải pháp
như thế,” nhà nghiên
cứu độc lập nêu quan điểm riêng từ Marseille, Cộng hòa Pháp hôm 01/6/2023.
------------------
Mời quý
vị bấm vào đường dẫn sau để theo dõi bài viết giới thiệu phần trước của cuộc
trao đổi giữa nhà biên khảo Trương Nhân Tuấn với Đài Á Châu Tự Do, liên quan thực
trạng an ninh tại Biển Đông và việc thử đi tìm giải pháp cho đấu tranh bảo vệ
chủ quyền của Việt Nam tại khu vực này.
----------------
Tham
khảo:
·
https://luatkhoa.org/2020/07/ve-kha-nang-khoi-kien-trung-quoc-theo-nguyen-tac-actio-popularis/
·
https://www.un.org/depts/los/clcs_new/clcs_home.htm
·
https://en.wikipedia.org/wiki/Erga_omnes
·
https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C3%B2a_%C3%A1n_C%C3%B4ng_l%C3%BD_Qu%E1%BB%91c_t%E1%BA%BF
No comments:
Post a Comment