Friday, November 25, 2022

VIỄN CẢNH CHẤM DỨT XUNG ĐỘT MỸ - TRUNG (Thanh Hà / RFI)

 



Viễn cảnh chấm dứt xung đột Mỹ- Trung

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 25/11/2022 - 14:50

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20221125-vi%E1%BB%85n-c%E1%BA%A3nh-ch%E1%BA%A5m-d%E1%BB%A9t-xung-%C4%91%E1%BB%99t-m%E1%BB%B9-trung

 

« Vì sao quan hệ Mỹ-Trung sụp đổ và có triển vọng hàn gắn hay không ? ». Đó là câu hỏi nhà sử học Jake Werner chuyên về Trung Quốc đương đại thuộc trung tâm nghiên cứu Quincy Institute for Responsible Statecraft – New York, Hoa Kỳ tìm cách trả lời trong bài tham luận hôm 21/11/2022 trên trang mạng của viện https://quincyinst.org/.

 

https://s.rfi.fr/media/display/28e99a88-6440-11ed-b615-005056a97e36/w:1024/p:16x9/2022-11-14T095930Z_615884247_RC2LLX9S9J5T_RTRMADP_3_G20-SUMMIT-BIDEN-XI.webp

Thượng đỉnh Joe Biden (P) - Tập Cận Bình bên lề G20, Bali, Indonesia. Ảnh ngày 14/11/2022. REUTERS - KEVIN LAMARQUE

 

Tác giả trở lại với cuộc họp song phương Joe Biden –Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 ở Bali-Indonesia. Jake Werner nghi nhận một số điểm « đáng khích lệ » từ sau cuộc trao đổi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Joe Biden chính thức bước vào Nhà Trắng. Cuộc họp đã diễn ra « suôn sẻ », đôi bên đồng ý « đặt nền tảng mới » trong quan hệ song phương, giảm thiểu đối đầu. Nhưng liệu rằng Washington và Bắc Kinh có những công cụ nào để vượt lên trên những hiềm khích, để cùng nhau giải quyết những xung đột trên thế giới ?

 

Mọi chương trình hợp tác song phương ngoài tầm tay

 

Jake Werner nhắc lại, cách nay chưa đầy 10 năm, tổng thống Barack Obama và ông Tập Cận Bình đã gặp nhau lần đầu. Đôi bên trông thấy triển vọng hợp tác song phương bên cạnh nhiều điểm bất đồng vốn có, như trên vấn đề Đài Loan, thương mại hay nhân quyền. Washington và Bắc Kinh khi đó cùng ý thức được rằng, không có gì nguy hiểm hơn là nếu như hai siêu cường của thế giới không có cách nào nói chuyện với nhau.

 

Chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Hoa Kỳ khi đó đã có những cử chỉ hòa hoãn và quyết tâm « phác họa ra một mô hình hợp tác mới ». Họ đã thành công. Năm 2014 Washington và Bắc Kinh hợp tác chống dịch Ebola ở Tây Phi ; đôi bên đồng lòng về một hiệp định song phương giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đây từng là nền tảng cho phép thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu ở Paris năm 2015 thành công.

 

Tám năm sau nhìn lại những chương trình hợp tác chặt chẽ như vậy giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tựa như « một giấc chiêm bao ». Mỗi bên giờ đây đều chỉ có một ý nghĩ : những khó khăn của chính mình là do đối phương gây ra.

 

« Giới lãnh đạo Mỹ cáo buộc Trung Quốc phá hoại trật tự thế giới, loại bỏ mô hình dân chủ, bóp nghẹt nhân quyền ». Nhìn từ Bắc Kinh thì Hoa Kỳ là một thứ quỷ dữ « kềm tỏa các nước chậm phát triển » để các nước này mãi mãi bị đặt dưới trướng của Uncle Sam. Mỹ đã gây ra một cuộc chiến thương mại để « triệt hạ những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu » của Trung Quốc, mà điển hình nhất là trường hợp của Hoa Vi.

 

Nhà nghiên cứu về Trung Quốc đương đại Werner cũng nhấn mạnh : Trung Quốc và Hoa Kỳ không chỉ « leo thang » trong các lĩnh vực về thương mại và kinh tế. Đôi bên còn đã có cả những « hành vi khiêu khích về quân sự và ngoại giao ». Đài Loan là tâm điểm trong cuộc đọ sức này. Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều muốn mọi người hiểu rằng, « chiến tranh Đài Loan là điều tất yếu ».

 

Mỗi bên đều chỉ thấy đối phương là « kẻ thù »

 

Vậy điều gì đã dẫn đến sự thay đổi 180 độ từ cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tổng thống Obama với ông Tập hồi 2013 và rồi dưới những năm tháng của chính quyền Trump cho đến tận thượng đỉnh vừa qua ở Bali, khi hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden bắt tay nhau ?

 

Theo Jake Werner, trung tâm nghiên cứu Quincy của Mỹ : cốt lõi vấn đề nằm ở chỗ các tầng lớp tinh hoa ở Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc « coi thành công và sự phồn thịnh của đối phương là một mối đe dọa lớn ». Quan điểm của họ bị đóng khung trong một « cuộc đối đầu Mỹ -Trung » mà chính sách đối ngoại phải là công cụ để cản đường thăng tiến của phe bên kia. Từ đó mỗi bên huy động tất cả sức lực để lao vào một cuộc đối đầu thay vì để hóa giải những khó khăn và vấn đề của cả đôi bên.

 

Vì sao quan hệ Mỹ-Trung đã sụp đổ trong chưa đầy một thập niên ?

 

Vậy làm sao hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc lâm vào thế kẹt này ? Tác giả bài viết nêu bật hai quan điểm khác nhau.

 

Một số quy trách nhiệm cho cá nhân các ông Donald Trump và Tập Cận Bình. Nhìn từ Washington, chủ tịch Trung Quốc là « một nhà độc tài, bị lý tưởng cộng sản và tham vọng cá nhân thôi thúc ». Chính điều đó « đe dọa tự do và thế thượng phong của Hoa Kỳ trên thế giới ».

 

Ở góc đài bên kia Bắc Kinh đổ lỗi cho « Donald Trump tính khí thất thường, bị những khoản thâm hụt mậu dịch hàng trăm tỷ đô la với Trung Quốc ám ảnh » . Trung Quốc cũng cho rằng cựu tổng thống Trump đổ lỗi cho Bắc Kinh đủ mọi thứ để che đậy những kém cỏi, những thất bại của chính ông, chẳng hạn như trong việc giải quyết khủng hoảng y tế Covid gây ra. Vẫn theo Bắc Kinh thì Washington tìm mọi cách để ngăn cản Trung Quốc vươn lên như một cường quốc. Jake Werner cho rằng xu hướng « đổ lỗi » cho đối phương đó thực ra đã nhen nhúm từ trước thời mà các ông Tập Cận Bình hay Donald Trump lên nắm quyền.

 

Ngoài việc trút trách nhiệm lên hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung, còn phải kể đến một sự hoài nghi đã được nung nấu từ lâu nay. Hoa Kỳ quan niệm « đường lối quyết đoán của Trung Quốc có nghĩa là sớm muộn gì quốc gia châu Á này cũng sẽ đảo ngược trật quốc tế, trọng tâm của thế giới sẽ chuyển dần về Bắc Kinh ».

 

Đổi lại Trung Quốc tin chắc Mỹ tìm mọi cách « bóp nghẹt » Trung Quốc một khi quốc gia này trở thành « mối đe dọa, một đối thủ cạnh tranh có tầm cỡ » cả về kinh tế lẫn quân sự đối với Washington. Bình luận về quan điểm này của cả hai bên, nhà nghiên cứu Jake Werner tiếc rằng, không bên nào có một tầm nhìn thấu đáo về mối liên hệ « phức tạp và đa dạng » trong quan hệ song phương suốt bốn thập niên vừa qua.

 

Mỹ cũng như Trung Quốc cùng nhìn theo « một chiều » và có một lập luận duy nhất là quy trách nhiệm cho « một bên » gây ra. Do vậy « hành động của chính mình là nhằm tự vệ ». Theo tầm nhìn đó, mọi đối thoại, thỏa hiệp đều không có chỗ đứng. Giải pháp duy nhất mở ra là một sự « đối đầu » và tất nhiên là sẽ có « kẻ thắng, người thua ».

 

Lỗi từ thất bại của tiến trình toàn cầu hóa ?

 

Thực ra theo tác giả bài viết Jake Werner « quan hệ Mỹ-Trung sụp đổ từ khi tiến trình toàn cầu hóa lâm vào bế tắc, những quyền lợi kinh tế từng gắn liền hai quốc gia này trong suốt 3 thập niên đã « rời xa nhau ».

 

Trước khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, những thành tựu liên tiếp của cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều cho thấy hai quốc gia này có thể cùng hiện hữu : tăng trưởng, thịnh vượng của một bên cũng là thành công của phía bên kia. Washington và Bắc Kinh hướng về một mô hình toàn cầu hóa với những giá trị tự do, cởi mở, khuyến khích xã hội dân sự năng động và có đầu óc sáng tạo …

 

Nhưng khủng hoảng 2008 đã để lộ những giới hạn từ mô hình « tân tự do đó ».

 

Mỹ và Trung Quốc hiện nguyên hình là những quốc gia mà ở đó cách biệt giàu nghèo quá lớn và bên nào cũng phải đối mặt với một tầng lớp lao động đã bị tiến trình toàn cầu hóa bỏ rơi. Đang từ là đối tác, cùng nhau chinh phục thị trường thế giới, Washington và Bắc Kinh bỗng chốc trở thành những đối thủ cạnh tranh. Họ cùng tranh giành ảnh hưởng, tranh giành thị trường của thế giới. Hai cường quốc kinh tế này đối đầu nhau ngay cả trong lĩnh vực công nghệ cao.

 

Mỹ và Trung Quốc cùng chung một cuộc chiến

 

Vẫn theo tác giả bài tham luận, chính sự tan rã của mô hình toàn cầu hóa hiện nay đẩy Trung Quốc và Mỹ vào cùng một thế kẹt. Tính chính đáng chính trị của cả đôi bên đều bị sứt mẻ và chính vì thế mà giới lãnh đạo ở Bắc Kinh cũng như Washington càng cần phải khẳng định vai trò đối với công luận trong nước. Chính vì thế mà các quan điểm của những phe nhóm « diều hâu », những lập trường « cứng rắn » nhất, « cực đoan » nhất càng có đất để phát triển.

 

Jake Werner ghi nhận : vì những khó khăn kinh tế chồng chất, mà những phe chủ trương « bảo hộ mậu dịch », cánh diều hâu trong lĩnh vực an ninh, phe dân tộc chủ nghĩa bài ngoại càng lúc càng có sức thuyết phục lớn đối với công luận.

 

Trong những điều kiện đó muốn tránh để nổ ra xung đột không phải là chuyện dễ.

 

Do vậy theo tác giả bài viết, cuộc họp ở Bali vừa qua có thể là dấu hiệu tốt  và có lẽ tuyên bố « đặt nền tảng mới » trong quan hệ song phương không chỉ là những lời nói suông. Bởi đôi bên cùng hiểu rằng thay vì đối đầu, nên tìm kiếm những sân chơi chung là hơn. Đôi bên đồng ý cùng nhau vượt qua những thách thức « xuyên biên giới ». Những thách thức đó bao gồm từ an ninh lương thực, đến y tế, khí hậu, kinh tế …

 

Khai mở sự hợp tác đó sẽ cho phép Hoa Kỳ và Trung Quốc « tìm lại niềm tin đã mất ».  

 

-------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

Thượng đỉnh Biden – Tập Cận Bình : Mỹ khó thể lay chuyển chính sách Đài Loan của Trung Quốc

 

Thượng đỉnh Mỹ - Trung : Joe Biden vạch lằn ranh đỏ với Tập Cận Bình về Đài Loan

 

 

 


No comments: